Thời gian tiếp theo, Hà Phương đến Tây Tạng để tìm cảm hứng viết về người dân du mục ở đây, về bản sắc văn hoa của người Tây Tạng, cả quá trình bọn họ rong ruổi lấy đông trùng hạ thảo. Vào tháng 3 ở Tây Tạng vẫn còn lạnh, cô trốn trong lều uống sữa bò, cầm điện thoại nghịch tới nghịch lui rồi lại mở đến mấy cái ảnh chụp ở bản A Tứ.
Từ lúc Đình Việt quay lại điểm trường A Tứ đến giờ đã hơn nửa tháng, anh và cô liên lạc không nhiều, hầu như đều là Hà Phương chủ động nhắn cho anh trước. Cô hỏi gì anh đáp nấy, vẫn lạnh nhạt, cũng chẳng khác mối quan hệ khi trước là bao.
Hà Phương không trách anh, bởi vì cô cũng chưa từng nghĩ mình sẽ nghiêm túc với mối quan hệ này, giữa hai người chỉ là bèo nước gặp nhau, không phải là người đi chung một đường nên không thể trông đợi vào hai chữ nhiệt tình và dài lâu. Chỉ là ở anh có một loại cám dỗ mà cô không từ bỏ được, muốn có được nhưng lại không có được, cho nên mới dây dưa không thể cắt đứt.
Điều này, có lẽ Đình Việt cũng hiểu!
Cô thổi phù phù ly sữa bò nóng hổi trên tay, uống một hớp xong mới vứt điện thoại xuống, vùi đầu vào viết bản thảo. Đến khi ngẩng lên thì trời đã tối, mấy người dân du mục ở Tây Tạng đi qua gõ vào vải bạt lều của cô: “Phương, ra ăn tối thôi”.
Ở Tây Tạng nổi tiếng nhất có lẽ là bánh Tsampa, Hà Phương mới đầu ăn còn cảm thấy ngon, nhưng ăn gần một tuần trời thì không còn thấy ngon nữa, chỉ thèm ăn cơm Việt Nam, hơn nữa còn thèm rau dưa muối ở bản A Tứ.
Hà Phương ăn qua loa vài miếng rồi chạy ra phiến đá trên thảo nguyên ăn ô mai, vừa ngậm xong một hạt thì điện thoại rung lên, một tin nhắn Zalo từ số lạ gửi đến: “Xin chào nhà văn Hà Phương, tôi là phóng viên ở tòa soạn Đất Việt, tôi có gọi điện xin phỏng vấn cô nhưng không liên lạc được, cho nên mới nhắn tin Zalo. Khi nào cô đọc được tin nhắn này thì liên lạc với tôi nhé”.
Hà Phương vốn không thích phỏng vấn, trực tiếp bỏ qua tin nhắn này, nhưng lát sau lại thấy cô ấy gửi đến một tin: “Phỏng vấn về cuốn sách Mùa Hạ Ở Vùng Cao ấy ạ. Rất nhiều độc giả muốn biết bản A Tứ có thật không, cô không phiền chứ?”
Lần này, Hà Phương nghĩ ngợi một lát rồi ấn nút gọi lại. Rất nhanh sau đó, đầu dây kia đã nhận máy:
“Chào cô, tôi không làm phiền cô chứ?”.
“Không phiền”. Hà Phương đáp: “Cô nói muốn phỏng vấn tôi về điểm trường A Tứ?”.
“Vâng, đúng thế ạ. Lúc cô ra sách xong, rất nhiều độc giả tò mò về bản A Tứ. Tôi cũng nghe nói có rất nhiều nhà hảo tâm đã lên đó làm từ thiện, nhưng phỏng vấn họ cũng không bằng phỏng vấn người trực tiếp viết ra cuốn sách đó. Không biết cô có rỗi không, tôi phỏng vấn từ xa vài câu được không?”
“Được. Cô hỏi đi”.
“Vâng, cô chờ tôi một chút. À quên, tôi tên Quỳnh, phóng viên Đoàn Nghiêm Quỳnh, tòa soạn Đất Việt”.
“Tôi biết rồi”.
Phóng viên kia lạch cạch lấy bút ghi âm và giấy ra, bắt đầu các thủ tục rườm rà của buổi phỏng vấn. Nghiêm Quỳnh chào hỏi lại một lượt rồi nói: “Xin hỏi cô, bản A Tứ là một địa danh có thật hay là một nơi mà cô đã tưởng tượng ra?”
Hà Phương cười mỉa: “Muốn biết thật hay không, mọi người đi đến một chuyến là được mà”.
“Nhưng nghe nói đường đến đó khó đi lắm”. Cô phóng viên hơi lúng túng: “Trong sách cô có viết muốn đi vào được bản A Tứ thì phải ngồi xe ba gác 10 cây số đường đất và đi bộ gần 4 cây số đường rừng. Không phải ai cũng đi được”.
“Đúng thế, rất khó đi, ngồi xe ba gác không nổi, phải đi bộ. Hơn nữa muốn vào tận trong thôn sâu còn phải lội qua một con suối to, đá dưới lòng suối lởm chởm, đâm vào sẽ toác chân chảy máu. Lội được qua suối còn phải băng qua nửa quả đồi mới đến nơi”.
Nghiêm Quỳnh không nghĩ đường đi sẽ khó đến thế này, cũng chẳng biết phải nói ra sao, đành vội vội vàng vàng lảng sang chủ đề khác. Hà Phương biết, có rất nhiều người sẽ không thể tới đó, chuyện quyên góp vài hôm rồi cũng sẽ đâu vào đấy, nhưng dẫu sao nhiều nhà hảo tâm biết đến là chuyện tốt. Nhiều người biết bản A Tứ là một địa danh có thật, cũng là chuyện tốt.
Cô ngẫm đi ngẫm lại một hồi, cuối cùng đột nhiên tốt bụng hỏi cô phóng viên: “Tôi biết đường, cô có muốn tôi dẫn đi không?”
Hiện tượng bản A Tứ đang hot ở trên mạng, Nghiêm Quỳnh nghĩ đến việc đến đó thu thập tin tức, còn được đích thân nhà văn nổi tiếng Hà Phương đi cùng, bài báo viết ra kiểu gì cũng sẽ được lên trang nhất, vội vội vàng vàng đồng ý: “Được ạ. Ngày bao nhiêu thì chúng ta bắt đầu đi”.
“Ngày kia”.
“Gấp thế sao ạ? Tôi còn chưa kịp chuẩn bị gì cả. Có thể lùi lịch sang vài hôm sau được không?”.
Hà Phương trầm ngâm, lại bỏ một hạt ô mai vào trong miệng: “Tôi bảo là ngày kia. Nếu cô đi thì ngày mai chuẩn bị đồ đạc, ngày kia ra bến xe với tôi”
Cô phóng viên kia càng phỏng vấn càng cảm thấy nhà văn này quái gở, nhưng nghe nói không phải ai cũng có thể phỏng vấn Hà Phương, cuối cùng chỉ có thể gật đầu: “Vậy được, ngày mai tôi về chuẩn bị, ngày kia đi cùng cô”.
***
Hà Phương đặt vé máy bay quay lại Hà Nội vào ngày hôm sau, cũng chẳng chuẩn bị gì, ngày kế tiếp vẫn xách một chiếc ba lô đi cùng đoàn phóng viên đến bản A Tứ.
Vật lộn cả ngày trời trên xe, đường xấu nên mấy người trong tòa soạn đã mệt mỏi đến xanh mét hết cả mặt mày, còn nghe nói phải ngủ lại ở một nhà nghỉ rách nát ven đường nên ai cũng chán nản. Hà Phương nghe một người lẩm bẩm: “Biết thế đi chỗ khác lấy tin cho rồi”, cô chỉ cười khẩy.
Nhà nghỉ ven đường này ở cách xa ngã tư Cổ Lương hơn 40 cây số, nằm trong một thị trấn nhỏ nhưng chẳng sầm uất là bao, hơn 9h tối chủ nhà đã rục rịch đóng cửa đi ngủ.
Hà Phương ngậm ô mai đứng trước sân, thấy một đứa bé khoảng 10 tuổi bó bột một tay đang loay hoay vác một chiếc ghế gỗ vào trong nhà, cô mới chạy ra đỡ. Cùng lúc này, ông chủ cũng chạy đến mắng thằng bé: “Có một tay mà còn vác gì, cái ghế để ngoài sân cũng được chứ sao. Lần trước vác vào ngã gãy tay vẫn chưa chừa à?”
“Nhưng để ngoài đó mưa làm mục mất”. Thằng bé mếu máo, mắt nhìn chằm chằm chiếc ghế trong tay Hà Phương: “Mẹ làm ghế này cho con mà”.
Ông chủ thở dài, hơi xấu hổ với cô nên chỉ đưa tay cầm lại chiếc ghế, một bên vừa giục thằng nhóc vào đi ngủ, một bên cảm ơn cô: “Ngại quá, thằng nhỏ nhà tôi mất mẹ từ sớm, tính tình khó bảo”.
“Cái ghế không nặng lắm, vác một tay không gãy được”. Cô nói.
“Ừ, nhưng nó vấp ở bậc thềm, ngã tay mắc vào chân ghế, gãy luôn. May mà hôm ấy có một cậu bác sĩ đến đây nghỉ trọ, cậu ấy sơ cứu rồi nẹp lại kịp thời, không thì có một mình tôi cũng chẳng biết phải làm sao nữa”.
Hà Phương hơi nhướng mày: “Bác sĩ ấy rất đẹp trai?”
“Đúng thế, rất đẹp trai, cao nữa”. Chủ nhà trọ ngừng một lúc, lại nhìn cô: “Cô quen cậu ấy à?”.
Hà Phương hơi bật cười, bác sĩ đẹp trai thì có nhiều, nhưng ở chỗ này, nếu nói đẹp trai nhất chỉ có bác sĩ Việt mà thôi: “Quen sơ sơ”.
“Cô có biết cậu ấy ở đâu không? Hôm đó tôi đưa con tôi đi viện bó bột, lúc quay về thì cậu ấy đã đi rồi. Cô cho tôi địa chỉ của cậu ấy, tôi đến tận nơi cảm ơn”.
“Không cần đâu, anh ấy không thích nhận quà cảm ơn của người khác”. Dứt lời, cô quay người đi vào trong nhà, lúc đến bậc thêm mới nói thêm một câu: “Tôi sẽ gửi lời cảm ơn của ông đến anh ấy”.
“Cảm ơn cô”.
Ngủ một giấc, ngày hôm sau tất cả lại dậy sớm để lên đường. Lần này đi đến giữa trưa là đến được bản Tam, Hà Phương dẫn theo đoàn phóng viên men theo con đường bên bờ suối để đến bản A Tứ.
Khi cảnh vật quen thuộc từ từ hiện ra, mùi khói bếp lẫn tiếng trẻ con ê a đọc chữ tràn vào giác quan của Hà Phương, bất giác trong lòng cô như có một luồng sinh khí đang từ từ trỗi dậy, xúc động không thể diễn tả được.
Không rõ là sự thân thuộc, ngóng chờ hay hồi hộp, nhưng thứ mà cô cảm nhận rõ rệt nhất chính là cảm giác háo hức và bình yên mà không nơi nào có thể đem lại cho cô.
Hà Phương vác ba lô đi đến khoảng sân phía trước ký túc xá, khẽ gọi một tiếng: “Thầy A Sì Lử”.
Thầy A Sì Lử đang loay hoay đảo mớ cá A Văn mới câu về trên giàn phơi, nghe giọng nói quen quen mới giật mình quay đầu lại, hơi ngẩn ra vài giây rồi cười tươi rói: “Phương, có đúng là cháu đấy không?”
“Là cháu đây ạ. Chú có khỏe không?”.
Mới gần một năm, tóc thầy hiệu trưởng đã bạc đi nhiều, nhưng sự ôn hòa và mến khách thì vẫn y hệt như lần gặp đầu tiên. Thầy A Sì Lử gật gật đầu: “Vẫn khỏe, vẫn khỏe”.
Nói tới đây mới thấy mấy người đứng phía sau lưng: “Những người này là…?”
“Bọn họ là phóng viên ở tòa soạn Đất Việt. Lần này muốn lên để lấy tin viết về điểm trường A Tứ”. Cô quay đầu, giới thiệu thầy A Sì Lử với mọi người: “Đây là hiệu trưởng trường tiểu học A Tứ, thầy A Sì Lử”.
Mấy người phóng viên không nghĩ một thầy hiệu trưởng mà lại ở sân làm công việc lật chở cá khô này, nhưng nhìn quần áo trên người thầy A Sì Lử giản dị, chân chỉ đi một đôi dép tổ ong, ngược lại, ánh mắt lại trong sạch và ngời sáng, bọn họ bỗng dưng lại có cảm giác vô cùng kính trọng.
Mấy người phóng viên đưa tay ra: “Chào thầy hiệu trưởng, bọn cháu là phóng viên ở tòa soạn Đất Việt ạ”.
“Chào mọi người”. Thầy A Sì Lử chỉ vào chiếc ghế dài cũ kỹ trên sân: “Mọi người ngồi đi”.
Trong lúc phóng viên phỏng vấn thầy A Sì Lử, Hà Phương đi một vòng quanh điểm trường A Tứ.
Thời gian dài trôi qua, ở đây dường như đã thay đổi rất nhiều, nhưng lại cũng chẳng thay đổi gì cả.
Ký túc xá cũ kỹ có một mặt trát bùn, phía sau là giếng nước và chuồng gà, tấm biển Trạm Xá Bản A Tứ viết tay đung đưa theo hướng gió. Trong lớp học, cô giáo Nhã Lam đang say sưa giảng bài, lũ nhóc A Sùng khoanh tay chăm chú nhìn lên bục giảng. Điểm khác biệt duy nhất là đứa nào cũng đã đi dép, quần áo trên người cũng không còn rách bươm.
Như vậy có lẽ đã khá hơn trước đây, Hà Phương tự nhủ!
Buổi trưa, Nhã Lam dạy xong, đi xuống ký túc xá thấy Hà Phương thì hơi kinh ngạc. Cô cũng chẳng dài dòng chào hỏi cô ta, chỉ bảo: “Dạy xong rồi à?”
“Sao cô lại quay lại đây?”.
Hà Phương hất hàm nhìn ra đoàn phóng viên ngồi bên ngoài: “Đến cùng bọn họ. A Văn với anh Việt đâu? Cả cô giáo Lương nữa?”.
“Cô giáo Lương chuyển về miền xuôi dạy học rồi. A Văn ra chợ phiên mua đồ ăn, anh Việt đi vào thôn”. Nhã Lam nhìn Hà Phương từ đầu đến chân một lượt, gần một năm sau khi cô đi, Nhã Lam vẫn có cảm giác bất an rõ rệt, bây giờ Hà Phương quay lại lần nữa, chẳng hiểu sao cảm giác bất an kia lại càng nhân lên gấp bội.
“Lần này cô lên lâu không?”. Nhã Lam hỏi.
“Cũng chưa biết, không rõ là vài hôm hay vài tháng”
“Tôi đã xem sách của cô rồi”. Nhã Lam không phủ nhận được hiệu quả cuốn sách Hà Phương viết đã có tác động rất tích cực đến nơi này, cô ta đọc xong cũng có đôi phần nể phục: “Cô viết rất chân thực”.
Hà Phương không thích nói nhiều về mình, chỉ bảo: “Gọi lũ nhóc ra giếng rửa tay rồi vào ăn cơm”.
“Ừ”.
Bọn nhóc nghe tin Hà Phương đến thì lập tức đến tìm cô, cả lũ nhao nhao khoe với Hà Phương thành tích của mình, hỏi cô ở Hà Nội là thế nào, còn nói bút màu của cô giáo Lương làm không có mùi thơm như Hà Phương.
Cô bật cười, trả lời bọn trẻ qua loa xong mới nhìn một vòng rồi, lại hỏi: “Sao không thấy A Pá đâu?”.
“A Pá nghỉ học mấy hôm nay rồi cô Phương ạ. Hôm qua con đến nhà nhưng A Pá nói không đi học nữa”.
“Sao thế?”
“A Pá bảo sẽ ra huyện học cơ”.
Hà Phương khẽ nhíu mày, trước đây cô nghe A Văn nói nhà A Pá rất nghèo, bố nó mất sớm, chỉ còn mình mẹ và mấy đứa em. Một đứa nhóc có hoàn cảnh như thế thì chuyện ra huyện có lẽ là điều hơi xa xỉ.
Cô định hỏi thêm nhưng cùng lúc này A Văn cũng vào trong sân, sau khi biết Hà Phương đến thì cậu ta vội đến mức quên cả gỡ đồ ăn từ ghi đông sau xe ra, quýnh quáng xộc thẳng vào phòng cô: “Chị Phương, chị đến rồi đấy à?”. Cậu ta tười toe toét: “Em cứ tưởng chị sẽ không quay lại nữa”.
“Vớ vẩn”. Cô xì một tiếng: “Đi từ Hà Nội lên đây có mười mấy tiếng, tôi đi được”.
“Chị nhé, nhà văn nổi tiếng nhé. Thế mà lúc đầu lên đây chẳng thấy nói gì cả, mãi đến khi em mò lên Fanpage của người hâm mộ chị mới biết nhà văn Hà Phương đình đám thế đấy. Em không biết đâu, ngày trước em móc mồi câu cá cho chị, còn chở chị từ trong bản A Tứ ra tận ngã tư Cổ Lương, giờ chị phải cho em xin chữ ký của chị đấy”.
Hà Phương bật cười: “Được được, ký cho cậu cả quyển luôn, cho cậu mang đốt cho vui”.
A Văn nháy mắt với cô: “Chị Phương, chị giỏi lắm. Lũ nhóc được nhờ chị nhiều lắm đấy”.
Cậu ta quấn lấy Hà Phương nói liên hồi, hỏi về sách, lại hỏi một năm qua cô đã làm những gì, đi những đâu, mãi đến khi thầy A Sì Lử gọi ra ăn cơm mới chịu đi ra.
Nhìn bàn ăn không có Đình Việt, Hà Phương mới hỏi A Văn: “Anh Việt lúc nào mới về?”
“Chắc đến tối. Dạo này có đợt dịch sốt xuất huyết mới, anh ấy đi suốt. Chị cứ ăn cơm đi, đến tối anh ấy mới về kia”.
Ăn xong, Hà Phương ngủ một giấc, đoàn phóng viên cũng được sắp xếp ở một phòng ngay sát cô. Bọn họ nói phải ở chỗ này vài ngày để săn tin, dự kiến khoảng sáng sớm ngày thứ ba sẽ quay về.
Hà Phương không bận tâm đến họ, cô chỉ trông ngóng muốn nhìn thấy một người, ngày giờ nào rời đi không quan trọng.
Đến buổi tối, ánh trăng sáng lại rọi từ trên cao qua ngọn cây, Hà Phương ăn xong cũng chẳng có việc gì làm, lại lếch thếch đi bộ lên con dốc rồi lần mò theo đường cũ ra bờ suối.
Cô nhìn thấy một cây cầu gỗ dài bắc qua nơi cô đã từng ngồi câu cá, từng đoạn luồng bóng loáng đã được ai đó đẽo gọt sạch sẽ, đóng chặt lại thành đoạn đường cho lũ trẻ đi qua, bên dưới là nước suối lấp lánh phản dải lụa bạc từ trăng sáng, nhẹ nhàng êm đềm chảy róc rách.
Trái tim Hà Phương bỗng dưng như bị một sợi lông vũ cọ vào, có chút ngứa ngáy và vui vẻ chẳng biết diễn đạt ra sao. Cô chậm rãi vịn vào thành cầu, bước từng bước trên những đoạn luồng vắt ngang, cảm thấy chỗ này trời cao trăng sáng, chẳng có nơi nào đẹp đến thế.
Cầu dưới chân cô đi rất chắc chắn, nhưng lúc bước lên vẫn phát ra những âm thanh kẽo kẹt, kẽo kẹt, dung dị mà yên bình. Cô đi đến giữa cầu thì dừng lại, đứng tựa lưng vào thành cầu rồi lại lấy túi ô mai ra, nhặt một viên bỏ vào miệng. Khi vừa ăn hết thì cũng nghe tiếng bước chân người đến ở phía đầu cầu bên kia.
Đình Việt đi từ trong thôn về, vừa bước ra khỏi con đường mòn đã trông thấy có một dáng người nhỏ bé gầy gò đứng ở giữa cầu. Dù trời có trăng, nhưng sáng tối vẫn nhập nhoạng, hơn nữa chỉ nhìn thấy nửa sườn mặt nên anh không dám khẳng định là ai.
Hà Phương bây giờ đang ở Tây Tạng, làm sao có thể đứng ở chỗ này ngắm trăng được chứ?
Anh nhẹ nhàng đi lên cầu, càng đến gần lại càng cảm thấy có gì đó không đúng. Hà Phương biết là anh nên cũng không quay lại, cô ngửa đầu nhìn lên ánh trăng ở trên cao, đợi cho đến khi tiếng bước chân gần thật gần mới nói một câu: “Anh về muộn quá”.
Đình Việt hơi sững lại, anh nheo mắt nhìn thật kỹ người phụ nữ trước mặt, vẫn có cảm giác không tin được. Anh không trả lời mà nhanh chóng rảo bước đi lại gần, đến khi có thể xác định đích thực là cô, lòng anh không tự chủ rung nhẹ một cái.
Giọng anh có phần hơi gấp gáp khó lòng nhận ra được: “Đến từ khi nào?”
“Buổi sáng”. Cô xoay người lại, mỉm cười: “Đợi anh cả ngày rồi”.
“Tôi vào thôn khám bệnh”
“Tôi biết”. Suốt một ngày trời ở bản A Tứ, cô vẫn không tìm thấy cảm giác chân thực của mình, đến bây giờ, khi ngửi thấy mùi bồ kết quen thuộc từ mái tóc anh, Hà Phương mới biết bản thân mình thiếu cái gì. Cô nói: “Cho nên tôi đứng đây đợi anh. Cùng về thôi”.
Đình Việt khẽ gật đầu, anh hít vào một hơi: “Cùng về thôi”.
Dưới ánh trăng sáng, cả hai một trước một sau bước đi trên cây cầu gỗ nhỏ. Anh và cô đều ăn ý không ai nhắc đến tại sao cây cầu lại đột nhiên xuất hiện ở đây, hoặc là vì sao Hà Phương bỗng dưng quay lại chỗ này.
Một lát sau đó cô nói: “Từ sau chúng ta không cần phải ngồi ở trên bờ câu cá nữa. Đứng ở cầu cũng có thể câu được”.
“Ừ”. Anh gật đầu: “Lần tới làm cần câu nhỏ một chút”.
Hà Phương cười: “Biết rồi. Sẽ lại xin bác sĩ Việt dây cước và móc câu”.
Có ai đó khẽ cong môi, nụ cười của anh rất nhẹ, cô đi phía trước không thể phát hiện, nhưng Hà Phương dường như có linh cảm nên đột ngột quay đầu lại, ánh mắt trong trẻo dừng ở nơi khóe môi anh.
Giây tiếp theo, cô tiến về phía anh, Đình Việt cũng buông hộp đồ nghề trong tay ôm lấy cô, lần này anh không đợi cô tìm kiếm đã cúi đầu, nhanh chóng dùng môi mình phủ lên cánh môi mềm mại của cô, hôn cuồng nhiệt.
Trong tiếng róc rách dưới khe suối, có hai trái tim nóng bỏng đập loạn nhịp trong ngực, môi lưỡi đàn ông quấn quít cùng hơi thở của Hà Phương, khuấy đảo làm mưa làm gió, chẳng mấy chốc cô đã hoàn toàn quên mình đang đứng ở nơi nào.
Có thể là ở bản A Tứ, cũng có thể là ở giữa núi rừng xanh tươi, cũng có thể là ở dưới ánh trăng, bên một người đàn ông hết mực dịu dàng, cũng vô cùng nóng bỏng.
Bác sĩ Việt, môi anh ngọt quá!