Sau một lúc ngồi trong nhà vệ sinh cẩn thận rửa vết thương, tôi được thầy Nam dìu ra ngoài. Trên bàn trà cạnh sofa đã bày đủ các loại thuốc bôi và bông băng khiến tôi vừa nhìn đã phải hít một hơi thật sâu. Lần nữa đối diện với cảm giác bỏng rát khi thuốc sát trùng chạm vào vết thương, nước mắt rơi lã chã trên gương mặt, giữa chừng còn phải dừng lại để tôi lấy lại tinh thần.
Xử lý xong những vết thương hở, bà tiếp tục giúp tôi xem vết thương ở cổ chân. Bà vừa ấn nhẹ vào chỗ chân bị sưng phù, tôi đã đau đến nhăn mặt, kêu lên thành tiếng.
"Chà, cũng may là không bị bong gân trọng gì lắm. Chân con bị xe đạp đè phải nên chắc bây giờ sẽ thấy hơi đau một chút khi di chuyển nhưng vài hôm nữa sẽ hết. Về nhà cố gắng đừng vận động nhiều, chườm đá sẽ mau khỏi nha con."
Sau khi cẩn thận xem xét vết thương, bà nhẹ giọng nói với tôi. Xong, bà lại quay sang thầy Nam đang đứng ở bên cạnh nói tiếp:
"Nếu qua vài hôm nữa vẫn không bớt thì phải đi viện cho người ta chụp phim, xem xem có phải chấn thương bên trong không."
Theo từng lời bà nói, mặt tôi mỗi lúc một xanh.
Sao cuối cùng vẫn không tránh khỏi việc đi bệnh viện thế nhỉ?
Sao bà lại nhìn thầy Nam nói mấy lời đó vậy ta?
Nhìn thầy Nam chăm chú lắng nghe mấy lời dặn dò của bà, tôi không khỏi nghi hoặc.
Nói chuyện với ông bà một lúc, tôi và thầy Nam cảm ơn rồi chào tạm biệt gia đình, chuẩn bị về nhà.
Thầy Nam dìu tôi ra đến cửa, nhìn chiếc xe đạp dựng ở sân, tôi hơi ngẩn người suy nghĩ xem mình nên về nhà thế nào.
Để xe lại đây có được không ta?
Có nên gọi mẹ đến đón không nhỉ?
Hay bắt xe ôm về?
Không biết đạp xe đạp bằng một chân có dễ không ha? Hay nay thử một lần xem sao?
Như đọc được suy nghĩ của tôi, bà liền đánh tiếng đề nghị:
"Con cứ để xe ở nhà ông bà, chân cẳng thế này sao mà đạp xe về được. Hôm nay cứ để thầy chở con về, mai nhờ người sang chạy xe về là được."
Trong lúc tôi còn đang lưỡng lự, thầy Nam đã tươi cười, sởi lởi đáp:
"Vậy con xin gửi xe đạp của bé lại nhà mình một hôm, mai đến lấy ạ. Cảm ơn ông bà và em nhiều lắm."
Cánh hoa tả tơi cứ thế ngoan ngoãn để dòng nước cuốn đi. Tôi ngồi ngay ngắn đằng sau xe của thầy Nam, được thầy ấy "hộ tống" về tận nhà.
Chiếc xe vừa dừng lại, tôi đã nhanh chóng xuống xe mặc cho chiếc chân bất tiện, vội vội vàng vàng đuổi khéo thầy ấy. Nhưng, thầy Nam lại cứ ở lì đấy, dựng xe trước cửa nhà tôi, tỉnh bơ đáp:
"Tôi phải nhìn thấy em vào nhà mới yên tâm, lỡ em lại la cà ở đâu rồi gặp bọn xấu như ban nãy thì sao."
Tôi khó hiểu nhìn lại mình, rồi lại nhìn thầy ấy. Với bộ dạng nhếch nhác, thảm thương thế này, tôi còn có thể la cà được sao?
Lục khắp chiếc balo nhỏ xinh của mình, tôi vẫn không tìm ra chìa khóa nhà. Lúc sáng, có lẽ vì đi vội quá nên tôi đã quên mang theo.
Mẹ từng nói với tôi ba giờ chiều nay sẽ đi gặp mặt một người bạn cũ, có lẽ cũng đã sắp về. Tôi lục tìm điện thoại trong balo, định gọi cho mẹ thì sực nhớ ra nó đã tắt nguồn từ lâu nên đành phải mượn điện thoại của cái người cứ đứng lì bên cạnh chiếc xe kia.
Lần đầu mượn điện thoại của giáo viên, tôi có hơi căng thẳng, rụt rè mở lời:
"Thầy ơi, thầy cho em mượn điện thoại được không ạ?"
"Sao vậy?"
Vừa hỏi, thầy ấy vừa đưa điện thoại của mình cho tôi.
"Em quên mang chìa khóa nhà nên phải gọi mẹ về mở cửa ạ."
Hai tay nhận lấy điện thoại, tôi thành thật đáp.
"931224"
"Dạ?"
Tôi khó hiểu, buột miệng hỏi lại.
Sau đó, tôi nhanh chóng hiểu ra, nhập mật khẩu để mở khóa điện thoại.
Cố gắng gạt đi những nghi vấn trong lòng, tôi bấm số gọi cho mẹ. Một lúc lâu sau, đáp lại tôi vẫn là những tiết tút dài và âm thanh lạnh lẽo của tổng đài. Sau năm lần không nhận được bất cứ sự hồi đáp nào từ mẹ, tôi quyết định chuyển sang gọi cho ba. Mang theo tâm trạng chán nản, đối với lần gọi này, tôi chẳng có mấy hy vọng hay mong đợi, đứng yên lặng, nép vào cạnh cửa, bấm số.
Càng về đêm, trời càng lạnh, gió cũng thổi mạnh hơn. Tuy bên ngoài vẫn khoác áo ấm của Minh Huy nhưng quần áo bên trong ướt sũng, thấm vào da thịt khiến tôi không kiềm được mà run lẩy bẩy.
"Alo, sao vậy con?"
Giọng nói của ba tôi từ đầu dây bên kia truyền đến sau vài tiếng tút.
Đôi mắt đã lấp lánh ánh nước, tôi chậm rãi nói với ba:
"Con... quên mang chìa khóa... không vào nhà được. Ba về liền được không?"
"Sao giọng con run vậy? Có chuyện gì hả?"
"Chiều con chơi nước làm người bị ướt, giờ bị lạnh nên mới run thôi, ba đừng lo."
"Đợi ba xíu, ba về liền."-
Từ điện thoại của ba vang lên vài tiếng nói của đàn ông, giọng điệu bọn họ có lẽ đều đã say.
****
Ba tôi là kiểu người khá an phận và nhát gan, chuyện gì cũng không dám làm. Mỗi ngày đi làm đều giống như một cỗ máy được lập trình sẵn chỉ làm đúng phần việc được giao, hoàn toàn không có ý định thăng tiến hay có bất cứ bước ngoặt lớn nào trong sự nghiệp của mình. Việc này chính là một trong rất nhiều lý do ba mẹ tôi cãi nhau.
Nhưng, hơn ba tháng nay, ba tôi chợt thay đổi nhiều, thường xuyên ra ngoài tụ tập và về nhà khi đã say, nói là gặp đối tác bàn chuyện làm ăn gì đấy.
Ban đầu, tôi cảm thấy khá vui vì chuyện này. Ba mẹ tôi từ nay về sau đã bớt đi một lý do để cãi nhau. "Niềm vui ngắn chẳng tày gang", chưa để tôi an lòng bao lâu, mẹ nói với tôi nghi ngờ ba đã "thay lòng đổi dạ".
Trong những bộ phim tôi xem, nếu ba hoặc mẹ nghi ngờ đối phương đang ngoại tình, lừa dối mình, người nên giấu nhất không phải là đứa con hay sao? Sao ba mẹ tôi cứ tìm tôi kể lể vậy?
Tôi thà "được" bọn họ che giấu cho đến khi chuyện xấu của ba hoặc mẹ vỡ lỡ ra hơn là sống trong cảnh nghi kị lẫn nhau như bây giờ. Có những lúc đối diện với ba mẹ, những lời nói không tốt về đối phương mà họ đã tiêm nhiễm vào đầu tôi hết ngày này qua ngày khác kia cứ lẩn vẩn mãi trong đầu khiến tôi thật sự rất khó chịu và bức bối. Tôi không biết phải tin ai, không biết tương lai của tôi sau này sẽ ra sao nếu như ba mẹ tôi ly hôn.
Tôi sẽ ở với ai đây?
Ba mẹ vẫn sẽ là ba mẹ của tôi giống như bây giờ sao?
Liệu sự yêu thương của ba mẹ dành cho tôi có vơi đi?
Mỗi lần thấy ba mẹ như vậy, trong lòng tôi lại xuất hiện vô số những trăn trở. Và rồi những suy nghĩ ấy hệt như những cơn sóng dữ muốn ghì tôi xuống đáy biển lạnh lẽo. Có lắm lúc, tôi mệt mỏi đến mức đã từng nghĩ đến con đường giải thoát cực đoan.
Nhưng thật may, tôi vẫn là một đứa trẻ nhát gan!
****
Đứng trước cửa nhà, tôi đứng ngồi không yên, vận động tay chân một lúc để cơ thể ấm lên. Trong lúc tôi đang nhún nhảy, chợt bắt gặp thầy Nam đang nhìn mình, vẻ mặt còn mang theo ý cười, tôi chợt cảm thấy xấu hổ, nghiêm túc đứng yên.
"Mười lăm phút rồi mà ba vẫn chưa về, sao lâu thế nhỉ?"
Tôi co rúm, lẩm bẩm.
"Mới có bảy phút thôi."
Thầy ấy vừa đẩy xe đến trước mặt tôi, vừa bắt bẻ.
"Dạ."
Tôi ỉu xìu đáp.
Tôi ngồi bệt xuống bậc thềm trước nhà vì đau chân. Vừa xoa bóp đôi chân mỏi nhừ, vừa ngẩng đầu nhìn thầy Nam, tôi nhẹ giọng nói:
"Hay thầy cứ về đi ạ, không cần đợi cùng em đâu thầy. Em sẽ ngồi yên ở đây đợi ba về, thầy yên tâm."
Thầy Nam cũng nhìn tôi, nghiêm túc đáp:
"Trời cũng tối rồi, hẻm nhà em cũng khá vắng vẻ, em còn là con gái nữa nên tôi nghĩ tôi vẫn nên cùng em đợi ba em về thì hơn."
Dừng lại một chút, thầy ấy chợt nói thêm:
"À, tôi đang muốn làm tròn bổn phận của một giáo viên thôi nên em đừng nghĩ em đang làm phiền tôi nhé."
Tôi lơ đãng đáp "dạ" một tiếng xem như một phép lịch sự, rồi tự chìm đắm vào thế giới riêng của mình. Vớ lấy một cái nắp chai gần mình, tôi dùng nó xúc đất trong mấy chậu cây trước nhà đổ ra ngoài.
Ngồi một lúc, có lẽ vì đã quen với cái lạnh, tôi chợt cảm thấy đã ấm hơn trước một chút. Trước mặt chợt xuất hiện một đôi giày thể thao khiến tôi khựng lại, ngẩng đầu nhìn thầy Nam.
"Chán đến vậy rồi à? Bao nhiêu tuổi rồi mà còn ngồi nghịch đất?"
Thầy ấy cong môi cười, nói.
Người lớn thường không hiểu niềm vui của trẻ con!
Một nụ cười ngượng thay câu trả lời, tôi buông chiếc nắp chai trong tay, ngồi lại ngay ngắn như một con búp bê. Tôi ngẩn người, bước vào "xứ sở trăn trở" của mình.
Chẳng để tôi ngơ ngẩn bao lâu, thầy Nam chợt kéo tôi quay về hiện tại:
"Tôi cho em mượn điện thoại nhé?"
"Dạ?"
Tưởng mình nghe nhầm, tôi hỏi lại.
"Em có muốn dùng điện thoại không? Tôi cho em mượn."
Thầy ấy nhắc lại.
Tôi hoang mang nhìn thầy Nam, chưa vội đáp. Đây là thử lòng? Cạm bẫy? Hay có ý gì khác?
Dù sao chắc chắn cũng chẳng phải chuyện tốt đẹp gì cho cam, tôi cứ từ chối trước đã:
"Dạ th..."
"A, mẹ!"
Vừa nhìn thấy xe của mẹ từ phía xa chạy đến, tôi mừng rỡ gọi lớn. Thầy Nam cũng theo đó, quay lại phía sau.
"Thầy chủ nhiệm? Sao thầy..."
Mẹ vừa khó hiểu nhìn thầy Nam, xong lại nhìn sang tôi, nói.
Nhanh chóng phát hiện ra điểm bất thường, mẹ tôi lập tức nghiêm mặt hỏi ngay:
"Xe của con đâu?"
Hồi tiểu học, tôi từng có "tiền án" làm mất xe đạp, ngày thường cũng hay làm mất đồ của mình nên mẹ tôi "nhạy" những chuyện này lắm.
"Con bị ngã xe, chân đau, không đạp xe về được nên để xe lại nhà người ta. Thầy Nam tốt bụng đưa con về."
Tôi nói xong, vẻ mặt của mẹ tôi chuyển từ tức giận sang vừa giận, vừa ngờ vực nhìn tôi rồi lại nhìn sang thầy Nam.
Cuối cùng, mẹ cũng đành nén sự nghi hoặc ở trong lòng, mở cửa cho tôi vào nhà trước, sau đó sẽ hỏi tội sau. Vừa đứng đợi cửa cuốn được kéo lên, mẹ chẳng nể mặt thầy Nam đang đứng cạnh, cứ thế mắng tôi mấy câu vì đi đứng bất cẩn.
Mẹ tôi trách móc chưa được mấy câu, thầy Nam đã lên tiếng nói đỡ giúp tôi:
"Không phải lỗi của Vân Anh đâu chị. Em ấy là bị người ta đạp xe nên mới ngã, chị đừng trách con bé."
Nghe thấy mấy lời này, mẹ lập tức khựng lại, lớn tiếng hỏi lại:
"Cái gì? Con bị người ta đạp xe hả? Mà con có quen người ta không mà người ta đạp xe con?"
Xong, mẹ lại tức giận đùng đùng, mắng:
"M* nó, thằng nào mà mất dạy dữ vậy? Định giết người ta hay gì mà làm vậy, báo công an để mấy ổng còng đầu chết m* nó cho xã hội này nó nhờ!"
"Mẹ!"
Tôi đang tra chìa khóa vào ổ để mở cửa ở bên này vừa nghe thấy mấy lời vừa rồi của mẹ liền nhớ đến sắc mặt đen xì của thầy Nam khi nhìn tôi lúc nghe thấy tôi chửi bậy ở công viên buổi chiều nên chẳng kịp nghĩ ngợi gì, vội vã lớn tiếng gọi. Mẹ đang mắng hăng say, bị tôi gọi liền yên lặng, nhìn tôi. Chớp lấy lúc này, tôi nhìn sang hướng thầy Nam, nhíu mày ra hiệu. Mẹ tôi lập tức hiểu ra, biết mình đã lỡ lời trước mặt thầy giáo nên không tiếp tục "thăm hỏi" đám người kia, quay sang cười sởi lởi với thầy Nam, nói:
"Cảm ơn thầy chủ nhiệm nhé, cũng may có thầy đưa con bé nhà tôi về."
"Mời thầy vào nhà chơi."
"Mẹ?"
Nghe thấy lời mời mọc bất ngờ này của mẹ, tôi giật mình, bật thành tiếng.
"Mẹ cái gì mà mẹ! Thầy giáo cất công chở con về nhà vậy, rồi chẳng lẽ không mời người ta được một ly nước à?"
Ba tôi vừa hay cũng về tới, nghe xong mấy câu nói vừa rồi của mẹ, mặc dù chưa rõ mọi chuyện nhưng cũng lên tiếng nói thêm:
"Thầy giáo, hay thầy vào nhà tôi uống miếng nước, để bọn tôi cảm ơn thầy đã rồi về nhé? Vậy, có phiền thầy quá không?"
Tôi nhìn thầy Nam để đoán câu trả lời của thầy ấy, vừa hay thầy ấy cũng đang nhìn tôi.
Biểu cảm bình thản, lịch sự mà xa cách này, thầy ấy chắc chắn sắp nói ra lời từ chố...
"Dạ, chỉ sợ làm phiền gia đình thôi. Em xin phép ạ."
Thầy ấy gật nhẹ đầu, mỉm cười, rồi lễ phép nói.
Thầy ấy lại làm sao nữa vậy? Sao lại nhận lời? Còn nhận lời một cách dễ dàng như thế nữa? Đây là họp phụ huynh tại gia hả?
Tôi hoang mang, đứng ở cửa, ngẩn người nhìn thầy Nam vào nhà cùng ba mẹ.
Nhà tôi không có sân, phòng khách được tận dụng làm nơi để xe của gia đình nên nhà tôi thường tiếp khách ở phòng bếp hoặc phòng karaoke ở tầng lửng.
Mẹ trực tiếp dẫn thầy chủ nhiệm xuống bếp, theo sau là tôi và ba. Buổi họp phụ huynh tại gia bất ngờ này khiến tâm trạng tôi từ nãy đến giờ vẫn luôn trong trạng thái thấp thỏm, căng thẳng.
Tôi vừa đặt mông xuống ghế, mẹ đã lên tiếng "đuổi khéo" tôi:
"Người ngợm thành ra thế này rồi, con mau lên phòng tắm rửa sạch sẽ đi, để bố mẹ ở đây nói chuyện với thầy chủ nhiệm là được rồi."
Tôi lưỡng lự một lúc, hết nhìn mẹ rồi lại nhìn thầy Nam, song cũng thuận theo ý mẹ, tạm tránh đi.
Dạo này mình có làm gì khiến thầy Nam phật lòng không nhỉ?
Vừa đi, tôi vừa nhẩm lại những chuyện xảy ra dạo gần đây, thầm cầu mong sẽ không xuất hiện bất cứ "đại hội bóc phốt" nào diễn ra trong nhà tôi.
Chân đau nên tốc độ đi lại của tôi khá chậm chạp. Tính từ lúc tôi theo ý mẹ tránh đi đến tận lúc tôi tắm xong và xuống lầu một lần nữa cũng đã qua hơn 30 phút.
Tôi mượn tay vịn cầu thang làm điểm tựa cho mình, khó nhọc bước từng bước xuống lầu. Khi chỉ còn cách mặt đất vài bậc, tôi theo thói quen lớn tiếng nói bằng cái giọng nũng nịu:
"Mẹ ơi, con đói."
"Xong rồi, xuống ăn đi."
Mẹ tôi cũng nhanh chóng đáp lại.
Vừa bước được đến tầng trệt, tôi chợt bắt gặp hình ảnh người đàn ông với đôi mắt cáo kia hai tay bưng hai đĩa thức ăn vẫn còn đang bốc khói nghi ngút đặt xuống bàn. Xong, thầy Nam lại thản nhiên quay sang nhìn tôi, mỉm cười.
Vừa nhìn thấy thầy ấy, đầu tôi nhanh chóng "nảy số", vội vã xoay người chạy lên lầu, mặc cho chiếc chân đau đang nhói lên theo từng chuyển động của mình.
Thay bộ đồ bộ sát nách có họa tiết trẻ con bằng một chiếc áo phông và quần lửng thể thao, mặc thêm lớp đồ lót bên trong, thầm trách móc thầy Nam mấy câu, tôi cuối cùng cũng có thể thoải mái xuống lầu, ăn cơm.
***
"Thầy ở lại ăn cơm tối với nhà em ạ?"
Mặc dù đã rõ mười mươi nhưng tôi vẫn không dám tin, dè dặt hỏi lại thầy Nam.
"Là mẹ mời thầy ở lại đó."
Mẹ tôi "cướp lời" của thầy giáo trả lời tôi. Xong, mẹ lại vươn tay bỏ đồ ăn vào chén cho thầy Nam đang ngồi đối diện, cười với thầy một nụ cười mời mọc.
Bàn ăn ba người thường ngày đột nhiên hôm nay lại có thêm một người, còn là thầy chủ nhiệm khiến tôi có phần không thoải mái. Hơn nữa, thầy Nam còn đang giành "vị trí đắc địa" mọi ngày của tôi.
Ngồi trên bàn ăn, cuộc trò chuyện được bắt đầu và duy trì bởi ba người lớn, tôi chỉ yên lặng ăn cơm, chẳng dám can dự vào vì sợ lỡ nói sai điều gì, đối tượng mà cuộc trò chuyện nhắm đến sẽ đột nhiên chuyển sang mình. Cảm giác cùng ba mẹ và giáo viên chủ nhiệm ăn tối thật sự quá đáng sợ, còn hồi hộp hơn cả khi đang ăn cơm cùng ba mẹ nhưng tivi lại chiếu đến cảnh tấm gương nghèo hiếu học nữa.
Chuyện tôi không mong muốn nhất cũng nhanh chóng xảy ra, chủ đề cuộc trò chuyện đột nhiên chuyển sang tôi. Ba tôi đột nhiên nhìn tôi, khó hiểu hỏi:
"Sao con lại bị người ta đạp xe nhỉ?"
Tôi yên lặng, lắc đầu.
"Rồi có biết là ai làm không? Con nói đi, lát ba đi báo công an còng đầu hết bọn nó."
Tôi suy nghĩ một lát, cuối cùng lại lắc đầu nguầy nguậy. Ngoài cái tên Hoàng Minh, tôi thật sự chẳng biết gì về hai tên đã đạp xe mình cả, có muốn báo án cũng chẳng được.
"Con có nhớ bản số xe của tụi nó không?"
Ba tôi lại hỏi tiếp.
Vì khi đó khá bất ngờ nên tôi còn chẳng nhìn đến bảng số xe của bọn họ, huống chi là ghi nhớ. Chưa để tôi kịp trả lời, mẹ tôi đã cáu kỉnh nói:
"Sao mà nó nhớ được chứ? Lâm vào tình huống đó hoảng muốn chết, ai mà nhớ nổi!"
"Con nghĩ lại xem dạo này con có gây thù chuốc oán với mấy đám choi choi nào không?"
Ba tôi lại hỏi tiếp.
Nghe thấy vậy, mẹ tôi liền lên tiếng phản bác ngay, còn thoáng nhìn sang thầy Nam:
"Con mình ngoan như vậy, gây thù chuốc oán với ai chứ? Ông đừng có nói linh tinh!"
Nói rồi, mẹ gắp miếng thịt bỏ mạnh vào chén cơm của ba, cố ý nhắc nhở:
"Ăn cơm đi!"
Bọn họ lại vậy rồi, ngay cả khi có thầy Nam ở đây cũng không thể "diễn" cho tròn vai đôi vợ chồng hạnh phúc nữa.
***
Ba mẹ tôi chăm sóc thầy Nam rất kĩ, cứ chốc chốc lại gắp thức ăn cho vào chén của thầy ấy khiến cho đứa con gái ruột như tôi cũng phải ganh tỵ.
Tâm trạng vốn đã không tốt, lại gắp mãi không được miếng sườn ram ở bên phía thầy Nam, tôi đâm ra hơi bực, chuyển hướng đũa sang món khác nhưng bên cạnh lại là món khổ qua xào trứng mà tôi không ăn được.
Khi nhìn lại chén của mình, hai miếng sườn ram đã nằm gọn trong chén cơm từ lúc nào.
"Em cảm ơn thầy ạ."
Tôi quay sang lễ phép cảm ơn thầy Nam một tiếng, xong lại tiếp tục tập trung ăn cho xong bữa cơm khó nuốt này.
Bữa ăn cơm hồi hộp nhất từ trước đến giờ của tôi cuối cùng cũng kết thúc trong êm đẹp. Thầy Nam từ đầu đến cuối đều không có lời nào "mắng vốn" tôi với ba mẹ.
Ăn xong, tôi vốn định đợi thầy Nam về sẽ nũng nịu với mẹ nhờ mẹ rửa hộ vì chân đau thì đã thấy thầy ấy cầm miếng bọt biển, thành thục lấy nước rửa chén. Mẹ tôi thấy thế vội cản:
"Ấy, thầy là khách mà, ra ngồi ăn trái cây đi. Chén bát cứ để cho Vân Anh nó rửa là được rồi."
"Chân con mình nó sưng to thế kia, đâu có đứng lâu được đâu mà..."
Chưa kịp nói hết câu, ba đã bắt gặp ngay ánh mắt "viên đạn" của mẹ nên chần chừ một lúc. Tôi biết ý, định lên tiếng nói đỡ:
"Con đứng..."
"Không sao đâu, cứ để em rửa được rồi ạ. Em đến nhà mình ăn cơm nên cũng phải phụ lại gia đình việc gì đó mới được chứ."
Thầy ấy cắt ngang lời tôi, cười nói.
Sau đó, mẹ tôi và thầy Nam cứ tiếp tục giằng co mãi. Tôi nhất thời không biết phải làm gì, cứ đứng đực mặt ở đó nhìn thầy Nam, rồi lại nhìn mẹ.
Lần đầu tiên, tôi thấy có người còn "dai" hơn cả mẹ mình, khiến mẹ tôi phải chịu thua, thấp thỏm ngồi nhìn thầy ấy rửa bát.
"Còn đực mặt ra đấy làm gì? Đến phụ thầy con tráng chén đi."
Thấy tôi cứ đứng yên nhìn thầy Nam làm việc, mẹ liền nhắc nhở tôi.
"Vân Anh đau chân, không tiện đứng lâu, cứ để em ấy ngồi đấy đi ạ."
Thầy Nam vừa thuần thục rửa bát, vừa lên tiếng nói giúp tôi.
Khi nhìn thấy mẹ thoáng muốn đứng dậy, mắt lại cứ dán chặt lên người thầy Nam, tôi lập tức hiểu ra ngay suy nghĩ của mẹ nên đành đứng dậy trước, đi đến bên cạnh thầy ấy phụ rửa bát.
Sau một lúc giằng co qua lại, cuối cùng, thầy Nam cũng thua trước sự cứng đầu của tôi. Một người rửa, một người tráng, phối hợp rất nhịp nhàng.
Đứng rửa bát cùng thầy giáo, một chuyện hiếm có thế này khiến tôi có hơi mất tập trung, cứ suy nghĩ vẩn vơ linh tinh.
Trong lúc tôi đang lơ mơ, bên tai chợt nghe thấy người bên cạnh khẽ kêu lên một tiếng nên cũng theo đó nhìn sang.
"Ôi, máu!"
Tôi hoảng hốt bật lên thành tiếng khi nhìn thấy ngón tay đầy máu của thầy Nam.
Trái ngược với sắc mặt tái mét của tôi, thầy Nam điềm tĩnh đưa ngón tay vào làn nước mát lạnh, rửa trôi vết đỏ thẫm trên tay. Vẻ mặt thầy ấy từ đầu đến cuối đều chẳng hề thay đổi, chỉ có mình tôi nhăn mặt, nhíu mày, như thể tôi mới thật sự là người bị thương vậy.
Thầy Nam nhanh chóng bị mẹ tôi kéo ra khỏi chỗ rửa bát để xử lý vết thương. Tôi xử lý nốt mấy thứ còn lại trong bồn rửa bát.
Thầy ấy có vẻ không an tâm, nhìn tôi, nhắc nhở:
"Em cũng cẩn thận nhé."
(☛'∀`*)☛ ♥ Hết chương 37 ♥ ☚(*'∀`☚)