Hôm nay, anh thật điển trai trong bộ lễ phục cưới, tôi diện chiếc váy trắng xinh đẹp đứng bên cạnh anh. Cả không gian bao phủ bởi sắc trắng dịu dàng và ánh nến lung linh, huyền ảo. Những đoá cúc hoạ mi mỏng manh khẽ lay động theo làn gió thu man mác.
Dáng vẻ này của anh nhiều năm qua vẫn thường xuất hiện trong giấc mơ của tôi. Anh nắm tay tôi, cùng bước trên lễ đường, hướng về cuộc sống hôn nhân viên mãn với lời chúc phúc của mọi người.
...
Anh là chàng hoàng tử bước ra từ trang truyện cổ tích, hoàng tử lịch lãm sẽ tìm được công chúa xinh đẹp của mình và cùng nàng sống hạnh phúc cho đến cuối đời. Anh là hoàng tử điển trai nhưng tôi lại chẳng phải là nàng công chúa xinh đẹp của anh, không thể cùng anh sánh bước trên lễ đường, dệt nên mối duyên phận trời ban.
Hôm nay là ngày anh kết hôn, cũng là ngày tôi thất tình. Mối tình đơn phương dài đằng đẵng suốt những năm tháng thanh xuân của tôi có lẽ... nên dừng lại rồi.
*****
Sau gần ba tháng hè nằm ì ở nhà, tôi lại trở lại trường trung học T để tiếp tục sự nghiệp tích luỹ kiến thức của mình. Hôm nay, bọn tôi đến trường để nhận lớp và giáo viên chủ nhiệm. Chúng tôi vẫn còn bốn ngày để tận hưởng nốt mùa hè cuối cùng của cấp 2, sau đó sẽ phải chính thức bước vào năm học mới, chiến đấu với những môn học khó nhằn và kì thi tuyển sinh vào 10 sắp tới.
Tôi đã học ở đây ba năm, quá quen với nơi này và có lẽ vì vậy, so với lúc trước càng lớn mật hơn hẳn, chẳng còn xuất hiện cái cảm giác hoang mang, lo lắng khi chào đón một năm học mới. Trường tôi luôn giữ các lớp nguyên vẹn qua các năm học, rất ít khi thay đổi học sinh giữa các lớp, trừ những "lớp chọn". Vậy nên, tôi chắc mẩm rằng sẽ gặp lại những khuôn mặt quen thuộc đến phát ngấy kia.
Tôi bất mãn với mọi thứ ở ngôi trường cấp 2 của mình. Những tiết học nhàm chán chiếm toàn bộ thời gian của bọn tôi. Giờ ra chơi chỉ vỏn vẹn 25 phút, đôi lúc còn bị xén bớt bởi các vị giáo viên "yêu nghề" và câu nói quen thuộc: "Cho thầy/ cô xin 5 phút nữa nhé." nhưng bao giờ cũng vậy, 5 phút của giáo viên chẳng bao giờ chỉ đúng 5 phút.
Căn tin bé xíu xiu cứ đến giờ ra chơi lại trở thành chiến trường của hàng trăm con người như vừa bước ra khỏi nạn đói, mua một ly nước cũng phải chen đến sức đầu mẻ trán. Vì vậy, mỗi khi được xếp tiết thể dục trước giờ ra chơi, đám học sinh bọn tôi còn cảm thấy vui hơn cả việc được miễn học thể dục. Bởi cái cảm giác thong dong, nhàn nhã uống nước, đứng một bên nhìn mọi người chen lấn để mua hàng rất thú vị, có thể nói là tìm thấy niềm vui trên nỗi đau của kẻ khác. Nếu không may mắn được sắp xếp như vậy, đương nhiên tôi vẫn có cách. Tôi có một cậu bạn thân đô con, chỉ cần nhờ nó chen vào mua giúp là được. Vì sao tôi lại không tự mua ư? Đương nhiên vì với thân hình nhỏ như hạt tiêu của mình, lại có tật xấu mỗi khi bị người lạ chạm vào người lại cảm thấy không thoải mái, có lẽ phải đợi đến gần hết giờ ra chơi, khi căn tin đã vãn người, tôi mới mua được đồ.
Thêm vào đó, việc cả ngôi trường vài nghìn người nhưng chỉ có duy nhất một cổng để ra vào. Trường tôi vẫn có cổng phụ thông ra ngoài nhưng chẳng biết vì sao không được sử dụng mà lại luôn đóng kín từ năm này qua tháng nọ. Chiếc cửa sắt gỉ phai màu, bị bao phủ bới lớp rêu xanh rì không bao giờ được động đến cùng với căn nhà kho cũ bị bỏ hoang gần khu nhà vệ sinh nữ là một trong những bí ẩn cực lớn của trường. Từ năm này sang năm khác, các lớp học sinh trước truyền lại cho lớp học sinh sau những câu truyện rùng rợn, bí ẩn về ngôi trường. ...
Quãng thời gian cấp 2 ấy cứ chầm chậm trôi đi trong sự mơ hồ của tôi, cuối cùng cũng đến được năm học cuối cùng của nó. Chỉ hết năm nay thôi tôi sẽ có thể rời đi, sẽ có thể bước vào những năm cấp 3 rực rỡ, tôi sẽ có những ngày tháng thanh xuân tươi đẹp như mấy bộ phim truyền hình mà tôi hay xem. Tôi đã từng rất mong chờ được rời khỏi đây, tôi đã từng rất chán ghét nơi này. Vậy mà trong những ngày bị cuộc sống bận rộn của người trưởng thành xoay đến chóng mặt sau này, khó chịu đến không thể nào thở nổi thì quãng thời gian tôi muốn quay lại nhất lại chính là những năm tháng học trò vui tươi của khi đó.
Nhớ lại những năm ấy, thật ra có rất nhiều tiếc nuối. Tiếc nuối vì năm đó đã bỏ lỡ quá nhiều thứ, tiếc nuối vì mình đã làm ra những điều ngu ngốc như thế. Nhưng, thanh xuân của ai mà chẳng có tiếc nuối? Nhỉ?
Tiếc nuối lớn nhất của tôi có lẽ có ngọn nguồn từ ngày hôm đó.
*****
Mùa thu 10 năm trước.
"Alo, mày đâu rồi? Lẹ đi, sắp trễ rồi đó."
Như Ngọc sốt sắng nói.
Tôi dường như có thể cảm nhận được dáng vẻ thấp thỏm của cô bạn thân qua âm thanh phát ra từ trong điện thoại.
"Tao ngủ quên, mẹ tưởng tao còn nghỉ hè nên không kêu dậy."
Tôi ấm ức nói.
"Mày tới đâu rồi? Tao đang ở dưới sân trường đợi mày nè. Nhanh lên!"
Ngọc tiếp tục giục.
Tôi cũng bị nó lây, giọng điệu hơi căng thẳng, đáp:
"Tao gần đến rồi, mà kẹt xe quá chừng. Phía trước có tai nạn, cãi nhau chí choé, nãy giờ tao đứng đây hóng mãi mà chưa rõ sự tình nữa."
Nghe thấy mấy lời vừa rồi của tôi, Ngọc tức giận:
"Mày ở đó mà hóng chuyện luôn đi, khỏi đến nữa! Tao lên lớp một mình."
"Tao giỡn thôi. Làm gì căng vậy? Tao đang ở sau lưng mày nè."
Nói rồi tôi khẽ vươn tay vỗ nhẹ vào vai cô bạn thân, cười hì hì.
Tút~
Ngọc vừa nhìn thấy tôi, liền kéo lại gần, choàng tay kẹp chặt cổ, mắng:
"Mày bị hâm à? Đến rồi mà còn ở đó nói điên nói khùng gì thế hả? Làm tốn tiền điện thoại của bà!"
"Tao... tao... thích thế... đấy, làm... làm sao nào?"
Tôi khó khăn đáp.
****
Tôi và Ngọc là một đôi bạn thân lâu năm, mối nhân duyên của bọn tôi khá đặc biệt. Lúc trước, mẹ tôi là công nhân của một xí nghiệp may. Sau khi sinh tôi, vì không có ai chăm sóc, cùng với việc mẹ không được chăm sóc kĩ trong khoảng thời gian sau sinh nên cơ thể thường không khỏe, hay đau nhức xương khớp, không thể tiếp tục ngồi hàng giờ đồng hồ bên máy may nên mẹ tôi quyết định xin mở một chỗ giữ trẻ tại nhà, vừa tiện chăm sóc tôi lại còn có thể kiếm thêm thu nhập.
Mẹ tôi kể, năm tôi hai tuổi, Ngọc được ba mẹ của nó gửi đến nhà tôi theo sự giới thiệu của một người bạn. Hồi đó, tôi rất thích giành đồ chơi của nó, không vì gì cả, chỉ thích giành rồi vứt sang một bên và chơi thứ khác. Những lúc như vậy, Ngọc sẽ cào mặt tôi và sau đó bọn tôi lại lao vào "choảng" nhau. Mỗi khi chúng tôi chơi chung, lúc đầu sẽ vô cùng yên ả và vui vẻ nhưng sau đó chắc sẽ lại lao vào đánh nhau. Đương nhiên, dù là tôi có lỗi trước hay nó có lỗi trước, người bị mẹ mắng và đánh luôn là tôi.
Sau đó, chúng tôi lên ba. Giống như bao đứa trẻ khác, Ngọc được bố mẹ gửi đến trường mẫu giáo nào đó, rồi mất liên lạc. Còn tôi, tôi vẫn ở nhà với mẹ cho đến tận một năm sau mới bắt đầu học lớp chồi ở một trường gần nhà.
Năm chúng tôi vào tiểu học, tôi và Ngọc vô tình học ở hai lớp cạnh nhau. Hai lớp học của bọn tôi lúc trước vốn là một căn phòng lớn dùng làm phòng họp giáo viên, khi trường được sơn sửa lại, ban giám hiệu đã quyết định tận dụng phòng họp đó, biến nó thành phòng học. Vậy nên, hai lớp của chúng tôi chỉ được ngăn cách bởi một tấm cửa kéo thay vì một bức tường như các lớp khác, bọn tôi gọi nó là "thông đạo". Hai cô giáo chủ nhiệm của bọn tôi khi ấy là bạn thân nên thường mở cửa "thông đạo", cho hai lớp hoạt động chung, tập văn nghệ chung.
Đến năm lớp 2 và cả lớp 3, chúng tôi chính thức học chung lớp, không thân như bây giờ nhưng mối quan hệ cũng khá tốt.
Mãi cho đến năm lớp 4, tôi mới biết nó chính là con nhỏ ngày trước hay cào mặt mình, vì nó mà tôi bị mẹ mắng suốt. Tôi vốn là người hay "để bụng" nên sau khi biết được chuyện này, có một thời gian tôi vẫn luôn len lén lườm nguýt nó. Có vẻ như "hận ý" trong mắt tôi quá lớn, Ngọc nhanh chóng nhận ra việc tôi ghét nó cho nên sau giờ học một hôm nọ, Ngọc đã cố nán lại để gặp tôi. Khi tôi vừa bước chân ra khỏi lớp, liền bị nó kéo sang một bên hỏi chuyện. Hôm ấy, tôi còn tưởng mình sắp bị đánh hoặc gì đó đại loại thế vì trông Ngọc khá "chiến".
Sau một hồi giải bày tâm sự, nói chuyện vu vơ, chúng tôi cuối cùng cũng gỡ bỏ được khúc mắc. Từ sau sự kiện ấy, tôi và Ngọc có dịp tiếp xúc nhiều hơn và chúng tôi cứ thế thân nhau từ lúc nào chẳng hay. Khi còn học tiểu học và những năm đầu trung học, hai đứa bọn tôi dính nhau như sam, chuyện gì cũng kể cho đối phương, làm gì cũng nghĩ đến người kia. Đến năm lớp 8, tuy vẫn thân nhau như vậy nhưng vì xảy ra một số chuyện, tôi chọn cách che giấu đi phần lớn cảm xúc và bí mật của mình. Không phải vì tôi không tin tưởng Ngọc, chỉ là vì tôi rất sợ, sợ những cảm xúc tiêu cực của mình làm ảnh hưởng đến nó.
Bố mẹ hoà thuận, con cái ngoan ngoãn, giỏi giang, chị em yêu thương lẫn nhau. Một gia đình trong mơ như vậy, Ngọc có lẽ sẽ không có nhiều phiền muộn. Bên ngoài trông Ngọc có vẻ vô tư, vô lo nhưng tôi biết, nó là một người rất dễ bị cảm xúc của người khác ảnh hưởng. Là bạn thân của Ngọc, tôi đương nhiên sẽ không để mình trở thành điều muộn phiền của nó.
Gia đình Ngọc rất thương tôi. Bố mẹ của nó còn thường trêu nếu thích đứa con nào của nhà họ thì cứ nói, hai người họ sẵn sàng tác hợp và rước tôi về ở chung. Có lúc, tôi rất ganh tị với Ngọc vì mỗi bữa cơm đều có thể cùng gia đình ăn cơm vui vẻ, hoà hợp như thế. Có thể cùng xem phim với mẹ, cùng nấu ăn với ba, cùng chơi game với em trai, cuộc sống như vậy thật hạnh phúc.
****
"Năm nay mình học ở đâu ấy nhỉ?"
Tôi lơ ngơ hỏi Ngọc.
Nó lườm tôi, thở dài bất mãn rồi chỉ tay lên cao, nói:
"Kia kìa, phòng cạnh cầu thang tầng 3."
Sau đó, Ngọc khó khăn kéo tôi bước đi trên mấy bậc thang không có hồi kết. Vừa đi, nó vừa thở hổn hển nhưng đồng thời cũng không quên lảm nhảm mấy câu trách móc, trách tôi đến trễ, trách tôi liên luỵ đến nó. Nhưng cho đến cùng, Ngọc vẫn chờ tôi, vẫn đang cố gắng kéo tôi lên từng bậc cầu thang. Cả hai đứa bọn tôi đều là cốt lười đầu thai, thần kinh vận động của tụi tôi vốn đã kém, sau ba tháng hè năm ì ở nhà lại càng mai một. Khi bước đến mấy bậc thang cuối cùng để đến lớp học, tôi cứ ngỡ mình vừa đi hết những nấc thang lên thiên đường.
Thật may, giáo viên chủ nhiệm vẫn chưa đến và không ngoài dự đoán của tôi, lớp tôi vẫn là lớp ồn nhất dãy.
Năm nay, bọn tôi được xếp vào lớp cạnh cầu thang, lầu 3, khu D. Trường tôi được xây dựng theo hình chữ "U". Tổng thể cả ngôi trường được chia làm bốn khu chính tính từ cổng chính đi vào: Khu A, khu B và dãy Nhà vệ sinh nữ ở bên trái; Khu C, khu D và dãy Nhà vệ sinh nam ở bên phải; Đối diện cổng là chiếc căn tin bé xíu, tối om như nhà tù, bên cạnh là sân khấu, là nơi có cột cờ với lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới và ảnh của Bác cùng năm điều dạy. Khu D của bọn tôi nằm ở phía trong cùng bên phải, rất xa cổng nhưng lại nằm gần căn tin. Địa hình này vừa có điểm thuận lợi, vừa có điểm khó khăn nhất định. Thuận lợi vì gần căn tin thì có thể dễ trốn xuống căn tin mua đồ ăn vặt, khi chuông ra chơi vừa điểm liền có thể chạy xuống mua đồ trước khi "đại dịch zombie" tràn đến. Khó khăn vì ở xa cổng trường, khi đi học trễ sẽ rất khó trốn giám thị, mỗi ngày đi học cũng cực hơn, nhất là đối với những đứa lười như tôi.
Bọn tôi là hai đứa cuối cùng bước vào lớp và dĩ nhiên chào đón bọn tôi chính là hai suất ngồi bàn đầu. Bàn đầu – chỗ ngồi lý tưởng luôn được các bậc phụ huynh nhắm đến cho con, em mình nhưng lại là chỗ ngồi vô cùng "kinh dị" đối với đám học sinh bọn tôi. Ngồi ở đây, chỉ cần loay hoay một chút liền lọt vào tầm ngắm của giáo viên, không thể ăn vụng, cũng rất khó để "quăng phao", "kéo lưới".
Ngọc đặt cặp xách xuống chiếc ghế dài đã cũ kĩ, quạu quọ lườm tôi, cao giọng nói:
"Ngồi bàn đầu đó, vui chưa?"
"Xin lỗi mà."
Tôi nhăn nhó nhìn vị trí ngồi của mình, ấm ức nói.
Cả hai đứa mang theo bao nỗi oán than đặt mông xuống ghế. Chiếc ghế cũ kĩ như cũng hiểu nỗi lòng của bọn tôi, kêu lên một tiếng não nề:
Kẻo kẹt~
Đương lúc mặt tôi vẫn đang khó đăm đăm vì chỗ ngồi không vừa ý, phía sau lại vang lên một giọng nói "điệu đến chảy nước":
"Mới sáng sớm mà làm gì nhăn nhó như khỉ thế hai bạn yêu?"
Là Gia Bảo – cậu bạn sao đỏ của lớp bọn tôi. Làm sao đỏ với phương châm sống bất di bất dịch: "Bao che người nhà, nghiêm khắc người ngoài", cậu ấy đã "cứu sống" biết bao bạn bè tốt của mình, trong đó có cả tôi. Gia Bảo còn là "chị em" tốt của đám con gái bọn tôi và cũng là "bà tám" số một của lớp. Nơi nào trong trường xảy ra chuyện, cậu ta đều có thể nhanh chóng nắm bắt được tin tức, rồi về lớp kể cho bọn tôi nghe. Bảo có mối quan hệ rất rộng, người quen của nó có thể trải dài khắp các khối lớp và cả những anh chị cựu học sinh. Tôi cảm thấy "tài năng" này của nó thật sự rất thần kì!
Thấy Gia Bảo ngồi ngay sau mình, tôi không khỏi ngạc nhiên, hỏi:
"Sao lại lên đây ngồi rồi?"
Ngọc cũng bày ra vẻ mặt hóng hớt, hỏi:
"Đám chị em bạn dì của mày ngồi ở dưới hết mà, sao lại lên đây ngồi một mình vậy? Bị chúng nó bóc phốt, tẩy chay rồi hả?"
Gia Bảo bác bỏ lời của tôi xong lại nhìn xa xăm với đôi mắt buồn rười rượi, thở dài, đáp:
"Nhân cách vàng như tao mà bị bóc phốt, tẩy chay à? Do bị mẹ bắt lên đây ngồi thôi."
"Năm ngoái cũng nghe mày nói bị mẹ bắt lên bàn đầu ngồi mà cuối cùng mày cũng có lên ngồi đâu. Con trai mẹ nay ngoan thế?"
Ngọc giở giọng "cà khịa", nói.
"Thì tại năm ngoái tao không có cận nên mẹ chỉ cằn nhằn xíu rồi thôi. Năm nay tao cận rồi, mẹ bảo ngồi dưới không thấy bảng, sợ tao học hành sa sút."
"Mà năm ngoái tao học hành đi xuống thật nên bây giờ mẹ tao mới làm căng vậy đó. Nếu tao còn ngoan cố, mẹ tao thế nào cũng làm phiền đến giáo viên chủ nhiệm nên thôi thì tao cứ lên trên ngồi cho yên thân."
Tôi cũng có một người mẹ "đáng sợ" nên khá đồng cảm với Gia Bảo, nhẹ nhàng vỗ vai nó, định nói thêm vài câu an ủi thì giáo viên chủ nhiệm mới bước vào.
(☛'∀`*)☛ ♥ Hết chương 1 ♥ ☚(*'∀`☚)
-----------------------------------------
(✿◠‿◠) Đôi lời nhắn gửi của Yên Hoa:
Vậy là đã hết chương đầu tiên rồi này, cảm ơn các bạn rất nhiều vì đã đọc truyện của mình!
Đây là tác phẩm đầu tay nên khó tránh khỏi có nhiều thiếu sót, mong các bạn góp ý cho mình để mình có thể cải thiện khả năng viết lách của mình nha. Cảm ơn mọi người!