Newell là một thị trấn nhỏ ở Oklahoma, nhỏ đến mức ngay cả cuộc thi đua xe đạp dành cho trẻ em cũng phải chia thành từng đợt mà tổ chức, không ai rõ điều này hơn Chuck – một nhà vô địch nhiều năm, mãi cho tới khi hắn quyết định rằng mình đã trưởng thành và không thèm tham gia những trò chơi cho trẻ con nữa.
Chuck tên đầy đủ là Charles Sinclair, nhưng chẳng có ai gọi hắn bằng cái tên này, ngay cả cha mẹ hắn. "Charles Sinclair" chỉ hữu dụng khi hắn gây hoạ lớn, ví dụ như khi hắn suýt đốt trang trại của ông Golding thành bình địa mùa đông ba năm trước; lại ví dụ như khi hắn ném cục đá trúng ngay gáy của mục sư tuần vừa rồi. Bản thân Chuck biện hộ rằng này chỉ là chuyện ngoài ý muốn, hắn muốn ném cục đá vào con nhện mà chẳng một ai nhìn thấy ở phía sau án thờ¹ kia mà. Thực tế thì mọi người đều biết hiềm khích từ trước tới nay giữa Chuck và mục sư, từ ấy trở đi Chuck cũng không đến giáo đường thêm lần nào nữa. Sự việc này khiến mục sư từng nổi giận đùng đùng mà giảng đạo với cô em gái sáu tuổi của Chuck, khiến nhỏ sợ tới phát khóc vì cho rằng linh hồn của ông anh mình sẽ bị thiêu rụi vĩnh viễn trong hố lửa của địa ngục và sẽ không thể ăn bánh ngọt được nữa.
Mùa hè năm 1939, Chuck nhận được bằng tốt nghiệp phổ thông, ở thị trấn nhỏ này thì bằng tốt nghiệp là thứ vô cùng hiếm, bởi vì hầu hết học sinh đều bỏ học từ năm nhất, sang tới năm hai lại bỏ đi một nửa, đến năm cuối cùng lớp học cũng chỉ còn lại lác đác mấy người. Khi ông bô bị thương ở thắt lưng lúc làm việc trên cánh đồng thuốc lá và phải nghỉ làm cả tháng trời, tiệm tạp hoá duy nhất trong thị trấn lại không cho phép nhà Sinclair tiếp tục nợ nần thêm, Chuck đã tính đến chuyện nghỉ học. May mắn thay, Chuck đã tích cóp được một ít tiền khi làm việc ở xưởng gỗ hè năm ngoái, hắn chỉ đưa một nửa cho mẹ, phần còn lại giấu ở trong nhà kho để đồ; cộng thêm mấy đồng lẻ nhàu nhĩ nhận được khi hắn chạy quanh thị trấn giúp mọi người cắt tỉa hàng rào cây – cũng vừa đủ để hắn học nốt năm cuối cùng. Ếch Ộp lải nhải về vụ này không thôi, chẳng tin nổi là sẽ có người lãng phí tiền tươi thóc thật cho trường học. "Ếch Ộp" tên thật là Billy, sống ở bên kia đường, quen thân với Chuck từ thuở nhỏ, có biệt danh này vì thường xuyên bị nấc cụt. Bản thân Billy cũng bỏ học từ sớm để làm công nhân tại một nhà máy sản xuất vòng bi² cách đây ba mươi phút đi xe với ước mơ được chuyển tới New York. "Số tiền đó có thể mua được một tấm vé xe", nó than thở, khăng khăng rằng Chuck đã bị hệ thống giáo dục công lập cướp bóc một cách trắng trợn.
Billy nói hẳn cũng có lý. Trồng cây thuốc lá không cần bằng phổ thông, mà xưởng gỗ hay nhà máy bạc đạn lại không phải nơi Chuck muốn đến, chuyện này làm cho ông bô hắn rất không vui vẻ, vặc hỏi hắn, "Hay mày nghĩ mày cũng ra gì rồi?" Thanh niên trai tráng ăn không ngồi rồi suốt ba tháng ròng, lúc thì dùng súng săn cũ trong nhà bắn chuột với thỏ hoang ngoài đồng cây thuốc lá; lúc lại loanh quanh trong thị trấn thó tận năm cái ví chỉ trong một tháng. Lần nọ hắn bị bắt, nằm chờ nguyên đêm trong Đồn cảnh sát, ông bô bị gọi đến trong cơn giận ngút trời, trước mặt mọi người thụi một cú làm Chuck ngã nhào xuống đất, còn dùng đôi ủng mũi nhọn nạm thiếc đá thật mạnh vào người hắn và bỏ lại thằng con mặt mũi bầm dập ở giữa quảng trường u ám. Về sau, vẫn ở quảng trường ấy, người dân trong thị trấn đã dựng lên một bức tượng đồng cho Chuck trong quân phục của Không lực Lục quân Hoa Kỳ³, nghiêm trang nhìn thẳng về phía trước, cầm trong tay chiếc kính bảo hộ và chiếc túi nhảy dù. Trên bệ có khắc tên đầy đủ và chức vụ của hắn: "Đại úy Charles Sinclair, Không Lực 8⁴. Tượng đồng này chắc hẳn dựa trên ảnh chụp của Chuck lúc nhập ngũ, tóc tai vuốt đến là chỉnh tề, biểu cảm đến là nghiêm túc. Bất cứ ai quen biết Đại uý Sinclair đều sẽ nói, Chuck là kiểu con trai rất hợp lên áp phích chiêu binh, với mái tóc nâu sẫm chải chuốt và đôi mắt xanh tràn đầy hy vọng, đủ để khiến cho người ta yêu thích. Tiếc là hắn quá hiếu động, giống như chú chó chăn cừu thừa năng lượng. Dù sao thì tượng đồng cũng do toà thị chính chi ngân sách đặt làm hơn ba mươi năm sau với yêu cầu phải thỏa mãn trí tưởng tượng của mọi người về những anh hùng thời chiến, chứ độ giống thật không phải yếu tố cần được cân nhắc hàng đầu. Mà giờ phút này, nơi đặt tượng đồng vẫn chỉ là mảnh đất nhỏ trống không đầy bùn, Chuck khạc một bãi nước bọt đầy máu, bò dậy, giơ ngón giữa về phía những kẻ đang hả hê đứng nhìn người khác gặp họa rồi khập khiễng bước đi.
Cuối cùng, Chuck tìm được công việc chuyển và nhận điện tín ở bưu điện. Quầy tiếp khách nhỏ như một cái vỏ ốc, còn hắn như một con ốc mượn hồn to bự đang muộn sầu mà co ro trong vỏ. Ở một nơi hẻo lánh như Newell, điện tín gửi đến và đi chẳng có bao nhiêu, một tuần có ba lá thư đã khá lắm rồi. Đài phát thanh trong văn phòng bật cả ngày, Chuck ngồi cắn bút chì, gác chân lên quầy, nhìn chằm chằm lên trần nhà, lắng nghe âm thanh của chiến tranh xa xôi ngoài kia cùng những tạp âm rè rè, về những con tàu chìm và những chiếc máy bay cháy, chết chóc và người tị nạn, Churchill và Roosevelt.
Trong ký ức của Chuck, mùa hè năm 1940 chẳng khác gì những mùa hè khác, chỉ là buồn tẻ hơn. Thế nhưng, sự tẻ nhạt này đã chấm dứt vào cuối tháng bảy, khi một lô điện tín chiêu binh gửi tới bưu điện, khiến Chuck và nhóc tóc đỏ bên phân loại phải bận rộn một hồi. Chuck không nhận được thư, nhưng Ếch Ộp và một phần tư đám thanh niên ở nhà máy sản xuất vòng bi đều được gọi nhập ngũ, chỉ trong thời gian ngắn, các quán bar quanh thị trấn chật ních các tân binh trong bộ quân phục mới của họ. Billy cho Chuck xem một chiếc huy hiệu trên mũ và đôi giày bóng loáng, trấn an hắn rằng: "Đừng lo, rồi sẽ đến lượt mày thôi." Dường như cứ hai ngày một lần, chuông hôn lễ ở giáo đường lại reo vang – các chàng trai vội vã đeo nhẫn lên tay người con gái mình yêu trước khi đi. Ngày những chiếc xe tải của quân đội đến Newell, các cô gái với đôi mắt sưng húp đứng bên đường nhìn người chồng mới của họ ra đi, cả thị trấn chìm trong bầu không khí vi diệu vừa tang tóc vừa tưng bừng như một cuộc dạo chơi nơi ngoại ô thành phố. Trên con đường đất khô ráo gập ghềnh mà xe tải chứa đầy tân binh đi qua, khói bụi bốc lên đọng lại mãi chẳng tan; trong văn phòng bưu điện, Chuck nhìn chằm chằm bụi đường nâu vàng ấy một hồi, kéo cửa chớp xuống.
Vì lý do thiếu nhân lực, nhà máy sản xuất vòng bi đã tăng mức lương làm theo giờ, lời đồn Roosevelt muốn tham chiến cũng lan truyền khắp các nẻo đường, Boeing và Lockheed Martin đang liên tục gửi các đơn đặt hàng vòng bi, đơn tới càng lúc càng nhiều để đáp ứng nhu cầu tăng vọt về máy bay tiêm kích. Chuck cân nhắc gần một tuần, quyết định bỏ việc ở bưu điện, đi làm ở nhà máy sản xuất vòng bi. Chưa tới bảy giờ sáng đã rời nhà, mãi tới khi trời xẩm tối mới trở về, lúc đó cả nhà đã dùng bữa xong xuôi. Ông bô hắn rất hài lòng về chuyện ấy, trong lòng người nông dân trồng thuốc lá này chỉ có công việc liên quan đến nhà máy và ruộng đồng mới gọi là công việc thực sự.
Cơ mà Chuck cũng chẳng ở lại nhà máy được bao lâu. Mùng 5 tháng 11 năm 1940, cuộc bầu cử tổng thống đi tới hồi kết, Roosevelt vững vàng trở lại Phòng Bầu dục, chỉ trong một tháng, hàng loạt điện tín chiêu binh khác lại được gửi đi liên tiếp. Lúc Chuck từ nhà máy về nhà, một phong thư quen thuộc đã nằm trên bàn ăn, bên cạnh đĩa thịt và khoai tây nghiền đã nguội. Hai cô em gái đang nằm trên thảm phòng khách chơi xếp hình bằng gỗ, không thèm ngẩng đầu lên. Mẹ đang rửa bát ở trong bếp, quay lưng lại với hắn; bố thì đang ngồi ở sofa hút thuốc, nhả khói không ngừng, hệt như chiếc ấm đun nước đang tức giận. Không một ai nhìn Chuck, nhưng Chuck biết mọi người đều để ý tới bức thư này. Hắn ngồi xuống, mở thư ra, đọc tận hai lần.
"Thư viết gì?" Bố cắn tẩu thuốc, hỏi rõ to.
Hai chị em tranh nhau khối xếp hình màu đỏ, cùi chỏ của Meggie đập vào cằm của Susie, làm em út ngã xuống tấm thảm, khóc lớn. Mẹ thả cái nồi hầm đầy bọt xuống, lau lau tay vào tạp dề, đến tách hai đứa con gái nhỏ ra rồi dọn sạch mấy khối xếp hình. Chuck cũng đi qua, nhặt con thỏ bông quăng bừa bãi trên sofa lên trêu Susie đang khóc đến mức mặt mũi đỏ bừng.
"Thư viết gì con?" Mẹ hỏi.
"Trước thời gian chỉ định phải đến địa điểm chiêu binh báo danh." Chuck nói, giữa tiếng gào khóc chói tai của cô em gái lúc này đang chẳng chút hứng thú với thỏ bông, "Mà "thời gian chỉ định" là thứ năm tới."
"Mày có thể không đi, đúng không? Đốt bức thư đi." Ông bô lẩm bẩm, nhả ra một làn khói thuốc từ mũi, "Trận chiến này chẳng liên quan đến chúng ta tẹo nào."
"Bố, đây không phải dạ hội tốt nghiệp, con không thể nói không muốn đi thì sẽ không phải đi."
Ông bô tiếp tục lầm bầm mắng bức thư ngu ngốc, mắng Roosevelt chỉ đang làm bộ làm tịch chứ chẳng dám đưa lính Mỹ qua châu Âu thật, và rằng trai tráng thì nên ở lại các nhà máy và đồng ruộng chứ không phải bị đưa sang bờ biển bên kia, đại loại vậy. Chuck thì đã thả hồn đi đâu từ lâu, từ lúc chào đời tới giờ lần đầu tiên quan sát phòng khách và con người ở nơi này bằng ánh mắt của một kẻ xa lạ, hắn chưa từng để ý những mảng vôi bong tróc trên tường, những tấm vải sơn xấu xí phủ trên nền nhà bị hỏng, phòng khách kiêm luôn phòng ăn luôn đượm mùi dầu mỡ lẫn mùi bắp cải luộc, quyện với mùi cây thuốc lá cùng vị cay nhẹ. Và chiếc cúp vô địch bóng bầu dục thời trung học hắn giành được năm mười sáu tuổi nằm trong ngăn tủ, được lau sạch đến mức không chút tì vết.
Mình phải đi, Chuck nghĩ, ý nghĩ ấy mang đến nỗi sợ hãi cùng niềm vui sướng mãnh liệt, khiến hắn cảm thấy hơi chút hổ thẹn.
–
Ở hướng đông nam của Vương Quốc Anh, cách Chuck bảy nghìn sáu trăm ki-lô-mét, một chiếc máy bay tiêm kích Spitfire I đơn độc cất cánh từ Đồi Biggin, bay lượn dưới vòm trời trong xanh không một gợn mây.
Nhìn từ xa cũng có thể nhận ra đây là một chiếc máy bay tiêm kích đã được cải tạo vỏ ngoài, màu sơn hồng nhạt đặc thù như ẩn hiện giữa những tầng mây. Phi công điều khiển Spitfire là Louis Linden – không giống như Chuck – Louis tới đây có chuẩn bị trước. Hệt như nhiều con em quý tộc thời điểm ấy, người thừa kế tước vị trẻ tuổi này trong suốt các kỳ nghỉ đã bắt đầu tham gia những khóa học ở trường bay, liên tục từ năm 1938 cho tới khi gia nhập Lực lượng Không quân Hoàng gia vào đầu mùa xuân năm 1940, được chuyển tới Phi đoàn 610 tại căn cứ Đồi Biggin.
Đây là nhiệm vụ trinh sát trên không thứ ba của Louis, vì cũng chẳng phải là một con số may mắn gì nên Louis đã treo vật cầu may của mình lên gương chiếu hậu – một mảnh kim loại tròn tròn nhỏ xíu lấy từ xác của chiếc Spitfire đầu tiên của mình. Này là chuyện cách đây bốn tháng trước, khi anh bị bắn khi bay qua cảng Dover, động cơ cánh quạt⁵ hoàn toàn dừng lại, buồng lái bốc khói mịt mờ, thậm chí còn chẳng thể nhìn rõ mọi thứ xung quanh dù chỉ gần trong tầm tay. Để đánh giá độ cao, Louis đã phải mở kính buồng lái, thò đầu ra ngoài quan sát. Về sau, khi kể lại chuyện này trong phòng chờ ở căn cứ Không quân, Louis nói rằng đây là khoảnh khắc mà anh tin tưởng nhất vào Chúa: "Tựa như đã có một bàn tay nhẹ nhàng nâng máy bay lên." Chiếc Spitfire chồng chất xước xát tiếp đất không mấy nhẹ nhàng, để lại một mảng cháy xém ở chốn hoang dã đầy đất đá. Louis cởi đai an toàn rồi nhanh chóng nhảy khỏi cabin, chạy ra ngoài chưa được ba mươi mét thì trong buồng lái đã bùng lên vụ nổ nhỏ, các mảnh vỡ văng tứ tung, cả chiếc máy bay cháy rụi như củi khô chìm trong biển lửa. Sáng hôm sau, căn cứ cử một thợ máy tới dọn dẹp chiếc máy bay, nhưng thợ máy cho rằng nó hư hại quá nghiêm trọng, không đáng để sửa và để nó nguyên ở tại đấy. Louis nhặt một mảnh vụn cháy, mài nhẵn các cạnh sắc nhọn và mang theo mình mọi lúc.
Lúc này đây, mảnh kim loại đu đưa theo sự rung lắc của máy bay, đằng xa kia là bờ biển, Louis liếc nhìn đồng hồ đo mà viết lại khoảng cách, độ cao và tốc độ lên bảng. Trong lúc làm nhiệm vụ trinh sát sẽ không thể sử dụng bộ đàm, tất cả những gì anh có thể dựa vào cũng chỉ có ghi chép này và phán đoán của chính mình. Trời nắng ráo với những tầng mây cao và thưa thớt, việc ghi hình sẽ không gặp trở ngại gì, thế nhưng nhược điểm là hoả lực phòng không dưới mặt đất cũng có thể nhắm chuẩn vào máy bay trinh sát một cách dễ dàng. Anh đặt bảng viết về chỗ cũ, kéo nhẹ cần điều khiển về phía sau, tiếp tục bay thẳng lên.
Chẳng có ai thích nổi nhiệm vụ do thám, ở trên không trung cabin chật chội này lạnh đến lạ, làm anh không thể không mặc thêm một chiếc áo khoác to đùng lót bằng da cừu chần bông mà nếu như rơi xuống biển, chiếc áo này hẳn sẽ nặng đến chìm xuống như cục chì. Lúc bay qua không phận của địch còn đáng sợ hơn, không khác gì trần trụi mà lượn qua lại trên đầu kẻ địch; để giảm trọng lượng, chiếc Spitfire này chẳng những bị gỡ bỏ thiết bị truyền tin vô tuyến và khung thép bảo vệ, mà còn bị lắp thêm máy ảnh ống kính đứng F24 cồng kềnh. Nghe đồn người Đức đang xây dựng các trạm radar mới, Lực lượng Tình báo Không quân đang trông cậy vào máy ảnh F24 này để chụp lại được những bức ảnh rõ nét về các trạm radar.
Phút thứ chín mươi bảy, máy bay trinh sát bay qua bờ biển tây bắc nước Pháp. Các bến tàu nằm rải rác giữa hai cảng Calais và Brest dường như càng thêm bành trướng, xung quanh bến tàu là những ống bê tông mới xây, dùng để đỗ tàu ngầm U-boat. Này không phải tin gì mới, tàu ngầm chưa bao giờ ngừng đem phiền toái đến cho Hải quân Hoàng gia Anh. Tin xấu là có vẻ như các cột vô tuyến đang được dựng lên dọc theo bờ biển. Chuyện này có nghĩa là, Không quân Đức Quốc xã⁶ giờ đây có thể "thấy" được những chuyến tàu vận chuyển từ sông Thames ra biển, sau đó thong thả lên kế hoạch cho các cuộc đột kích ngầm. Louis chụp được hàng dài các cột vô tuyến, liếc nhìn đồng hồ, ghi lại thời gian và tọa độ, tiếp tục bay về hướng đông.
Mặt trời lên cao, xua tan những tầng mây lãng đãng cuối cùng. Bây giờ chính là thời hiểm nguy hiểm nhất, ẩn nấp dưới mặt đất cách điểm này ba mươi lăm nghìn feet là dàn máy bay tiêm kích cùng với hỏa lực phòng không của Không quân Đức. Không có quân tiếp viện, chẳng thể gửi tín hiệu cầu cứu, Louis nghe tiếng hít thở của chính mình, quét mắt nhìn bầu trời, đề phòng những kẻ đánh lén.
Chặng đường này vẫn cứ suôn sẻ, cho đến khi anh ở biên giới Pháp – Đức tìm thấy một trạm radar hệt vậy, Louis dùng nốt những thước phim thừa trong máy ảnh, lượn nửa vòng trên bầu trời Köln rồi bay về nhà. Đại Tây Dương lại lần nữa bộc lộ bản chất khó nắm bắt của nó, bán đảo Brittany hai tiếng trước còn trời quang mây tạnh, giờ đây đã bị bao phủ bởi mây mù mưa sa và tầng sương xám giăng dọc theo bờ biển. Anh thả lỏng một chút, lớp lớp mây trôi đúng là nơi trú ẩn hoàn hảo, không cần phải lo lắng về hoả lực phòng không. Thế nhưng, khi vừa bay xuống eo biển, một đội Me 109⁷ xuất hiện ở mạn phải, có lẽ là đang làm nhiệm vụ tuần tra định kỳ. Đúng lúc Louis đang cân nhắc nên nấp vào trong mây hay tăng tốc chạy trốn thì hai máy bay Me 109 đột nhiên rời khỏi đội ngũ, xông thẳng tới áp chặt máy bay trinh sát của anh.
Không còn lựa chọn nào khác, Louis nhấn ga tăng tốc về phía căn cứ Đồi Biggin. Me 109 áp sát sau lưng không chờ nổi mà khai hoả, thế nhưng khoảng cách giữa cả hai quá xa để có thể gọi là tấn công, nói là đe dọa thì đúng hơn. Chênh lệch độ cao giữa thợ săn và con mồi chỉ vỏn vẹn hai nghìn feet, để không bị bắn trúng, máy bay trinh sát phải duy trì hướng bay hình chữ Z⁸. Lượng nhiên liệu ít ỏi còn lại tụt xuống mỗi lúc một nhanh, nhưng anh đã có thể nhìn thấy rõ cửa sông Thames, vậy nên chỉ trong vài phút nữa thôi, hai máy bay Me 109 sẽ nằm trong tầm bắn của pháo cao xạ.
Lúc bấy giờ, hai chiếc máy bay tiêm kích một động cơ của Đức Quốc xã gần như đang bay song song với máy bay trinh sát, liên tục nã đạn về phía anh. Đúng như Louis dự đoán, hỏa lực phòng không trên mặt đất nhanh chóng tham gia tác chiến, có điều máy bay Me 109 quá nhanh, khiến pháo cao xạ không làm gì được. Máy bay của anh lại ăn thêm phát đạn, lần này là ở cánh, tia lửa bắn ra xung quanh. Đột nhiên, cứ như có kỳ tích xuất hiện, bốn máy bay tiêm kích Hurricane xông ra giữa ánh nắng chói chang, nhắm thẳng vào máy bay Me 109 mà bắn; một chiếc Me 109 bị trúng đạn trực diện, rơi xuống eo biển còn kéo theo làn khói trắng; chiếc còn lại lóng ngóng quay đầu về trốn, bị chiếc Spitfire đuổi theo nhưng cũng đã nhanh chóng thoát khỏi tầm mắt. Louis hít một hơi thật sâu, từ từ hạ độ cao, băng qua những cánh đồng quen thuộc, thuận lợi đáp xuống căn cứ chân Đồi Biggin. Ba cậu "chim cánh cụt"⁹ đã chờ sẵn từ lâu vội chạy tới, tiếp đón máy bay trinh sát bị hư nhẹ trong tay anh.
"Chỉ huy, anh may mắn thật đấy, tấm thép này vậy mà vẫn chịu được đến tận hôm nay." Thợ máy nói, gõ gõ chiếc cánh máy bay đầy vết đạn.
"Tốt nhất nên kiểm tra cả phần đuôi nhé Robbie, lúc vội về nhà chắc cũng trúng vài phát đạn."
"Tất nhiên rồi, thưa chỉ huy."
Louis vòng ra đằng sau cánh để lấy cuộn phim ra từ máy ảnh, vỗ nhẹ bả vai cậu thợ máy, kẹp chiếc hộp chứa phim âm bản dưới bắp tay. Anh băng qua sân bay đi về phía bộ chỉ huy, lúc vào cửa vừa hay gặp phi đoàn trưởng Milston đang bước ra. Đây là một người đàn ông nhỏ bé nhưng rất máu chiến, thấp hơn Louis một cái đầu nhưng đã có kinh nghiệm bay lâu hơn Louis những ba năm.
"Chú chim sắt bé nhỏ màu hồng đã trở lại rồi ha." Phi đoàn trưởng giọng điệu vang dội như thường lệ, "Phi đoàn 54 vừa chặn đánh một đoàn máy bay chiến đấu của Đức cách đây mấy phút thôi đấy."
"Tôi biết, lúc nãy vừa hay bay ngang qua."
"Bay vui chứ?"
"Vui như được đi dã ngoại vậy đó." Louis ước chừng sức nặng của cuộn phim trong tay, "Mấy tên điên này dựng thêm cột radar dọc bờ biển Normandy, bảo sao mỗi lần chúng ta vừa đến cảng Calais là có ngay một đội Me 109 nghênh đón."
"Giả như người Mỹ có thể gửi máy bay ném bom của bọn họ đến, mấy chuyện này đều không thành vấn đề."
"Tôi không nghĩ người Mỹ sẽ đến." Louis lắc đầu, "Cho dù không có bọn họ, chúng ta cũng có thể tự mình đối phó Không quân Đức Quốc xã."
Vế sau của câu có thể đúng, nhưng vế trước đã bị chứng minh là sai ngay sau đấy. Hôm ấy là ngày 21 tháng 12 năm 1940, là bốn ngày trước Giáng sinh, cũng là tròn bốn trăm ngày trước cuộc gặp gỡ đầu tiên của Louis và Chuck.
–
Chú thích của người dịch (Translator's Note):
1. Gốc: 圣坛, tiếng Anh: Chancel. Là không gian xung quanh và bao gồm án thờ, tính cả ca đoàn và cung thánh.
2. Gốc: 轴承, tiếng Việt: Vòng bi. Là các loại ổ lăn, cũng là chi tiết quan trọng trong truyền động cơ khí.
3. Gốc: 陆军航空队, tiếng Anh: United States Army Air Forces (USAAF). Tên gọi này của Không quân Hoa Kỳ được dùng từ năm 1941 tới năm 1947 trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
4. Gốc: 第八航空队, tiếng Anh: Eighth Air Force. Tiền thân là Bộ tư lệnh ném bom số 8, từng đóng quân tại Anh trong Thế chiến 2, được tái chỉ định thành Không lực 8 (Không lực mang số) năm 1944. Tên khác: The Mighty Eighth – Số 8 Hùng Mạnh.
5. Gốc: 推进器. Hiện tại dùng để chỉ động cơ phản lực của máy bay với cánh quạt nằm trong, nhưng thời xưa là để chỉ cánh quạt nằm ngoài của máy bay tiêm kích một động cơ cánh quạt như Spitfire (hay Me 109 và Hurricane).
6. Gốc: 纳粹空军. Tác giả dùng từ Không quân Nazi – Không quân Đức Quốc xã để phân biệt với Không quân Đức bây giờ.
7. Gốc: Me 109. Là máy bay Messerschmitt Bf 109 của Đức Quốc xã; trước năm 1938 gọi là Bf 109, sau năm 1938 gọi là Me 109. Tên Me 109 cũng thông dụng ở các nước nói tiếng Anh thời chiến, nhưng các máy bay còn tồn tại tới ngày nay đều có tên Bf 109.
8. Gốc: 之字形航线, tiếng Việt: Tuyến đường hình chữ "Chi". 之 và Z giống nhau về mặt hình thức, tuy nhiên, xét về bối cảnh thì miêu tả tuyến đường ngoằn ngoèo dùng chữ Z thông dụng và hợp lý hơn.
9. Chú thích của tác giả: "Tiếng lóng của Không quân, chỉ tiếp viên mặt đất."