Bộ Thiên Ca

Quyển 2 - Chương 15: Gió bắc



Hai cửu gió bắc lạnh khôn tả. Trải gấm vây quanh lò, không ngủ đợi quân vương.

Mấy ngày sau lại là một cửu, phi tần hậu cung lại tụ ở một chỗ yến ẩm. Ánh Vinh – cung nữ của cung Lưu Tuyền – ngâm câu tiêu hàn lệnh này, mọi người ngồi đấy đều im lặng. Thủ lĩnh tổ tiên di chuyển ở trên thảo nguyên, mỗi khi vào đông luôn thăm viếng mỗi lều trướng hỏi han ân cần, nhân dân bộ tộc đều vây bên lò đợi đại giá mỗi khi đông giá rét. Sau này trở thành truyền thống, đế vương sẽ hỏi thăm ngày rét theo như tập tục. Đế quốc càng lúc càng lớn, phạm vi di chuyển của bọn họ lại càng ngày càng nhỏ, cuối cùng biến thành đi một vòng trong cung. Phi tần thất sủng quanh năm suốt tháng chỉ có lần này mới có cơ hội gặp vua, thường hao tổn tâm sức ở bên hắn lâu hơn. Nhưng mà về sau, mấy năm hoàng đế cũng không đi nữa.

Không ngờ Khâm phi tính tình táo bạo, lại viết một câu ai oán đằng đẵng.

Tố Doanh than thở: “Giống như là thơ cung oán vậy.” Khâm phi cười xòa nói: “Thiếp nhất thời khoe khoang thông minh, làm mất hứng của mọi người, đúng là có tội.”

Đám hậu phi tụ lại nấu tuyết pha trà, cũng mời cả Tố Ly, nhưng đến lúc đó vẫn không thấy bóng dáng của nàng ấy. Tố Doanh khiến người đến Đông cung mời một lần, bên kia thoái thác nói là bị bệnh. Tố Doanh ân cần hỏi: “Ngự y nào đi xem đấy? Nói như thế nào?” Cung nữ trả lời: “Ngày hôm nay vừa hay Lý thái y rảnh rỗi, đi xem thì nói là bị nhiễm phong hàn, tĩnh dưỡng vài ngày là không sao nữa ạ.” Khâm Phi ha ha nói: “Là tâm bệnh phỏng?” Chúng phi tần đều hé miệng cười.

Đầu cửu này, Đông cung không yên ổn, trắc phi của thái tử lại cứ lâm bồn vào lúc này. Tuy là sinh ra con gái, khiến bản thân trắc phi hoàn toàn thất vọng nhưng bất ngờ là hoàng đế vô cùng yêu thích cháu gái mới sinh, ban cho chữ “Vận” làm tên, lại thêm một cái tên mụ là “Tề nhi”, ý nói đời cháu nam nữ đủ cả (tề = đủ). Hắn ban cho quận vương Tây Lăng ba đấu vàng, còn ban thưởng quan cấp dưới cho Đông cung, về quy cách thì chỉ hơi kém hơn hoàng tôn chào đời một chút.

Duệ Tuân đang phiền não vì người khác không đâu cuốn y vào nghi án ám sát và hạ độc, lúc này lại có một cô con gái được phụ hoàng yêu thích, dường như không khí vui mừng đã xua tan mây mù, vì vậy hết sức yêu quý con gái. Người sáng suốt đều nhận thấy được, thời điểm này, hoàng đế cố ý hậu đãi Đông cung bởi vì một cô cháu gái, dụng ý rõ ràng chẳng qua là để chứng tỏ địa vị vững chắc của Đông cung, không để quan lại bất hòa với thái tử.

Duy chỉ có Tố Ly biết rõ như vậy nhưng vẫn lo lắng hơn người bên ngoài. Nghĩ đến trắc phi mới sinh con gái thôi mà giá trị con người đột nhiên tăng gần như sánh vai cũng nàng ấy, không khỏi thầm sinh sầu oán, giận trắc phi may mắn, gặp được một thời cơ như vậy. Nàng ấy vốn đã sốt ruột mấy ngày, lúc này lại có một luồng khí nóng, ấm ức mà ngã bệnh. May mà đại sư Pháp Thiện ở trong cung, sớm tối cầu chúc cho nàng ấy. Nhà sư ân cần ra vào Đông cung vốn không thích hợp, nhưng hoàng đế nể đại sư Pháp Thiện là ông nội của Tố Ly, lại kính trọng vì ông ta đức cao vọng trọng nên đặc biệt cho phép lui tới.

Đám phi tần nói vài câu liền không nhắc đến Tố Ly nữa, vẫn tô tranh tiêu hàn của phần mình sau đó thưởng thức trà. Tố Doanh thấy các tranh vẽ chấm chấm màu đỏ tươi dần thành quy mô, cười một tiếng không biết nghĩ đến tâm sự gì, dường như tâm trạng rất tốt, đặc biệt pha một âu trà thơm nóng hổi, tự tay cộng thêm niêm phong, lệnh cho cung nữ nhân lúc còn nóng đưa đến Đông cung để Tố Ly đổ mồ hôi. Một hồi sau cung nữ trở về nói thái tử phi khấu tạ nương nương. Tố Doanh hỏi: “Đông cung phi uống trà này có phải có tinh thần hơn không?” Cung nữ ấp a ấp úng nói: “Trà nóng quá nên Đông cung phi vô ý làm đổ ạ.” Khâm phi hay buông lời cay nghiệt, lúc này hừ lạnh: “Nàng ta coi nương nương là ai chứ?” Tố Doanh nghiêm nghị liếc mắt trừng bà.

Cung nữ các cung tụ chung một chỗ, đắp sư tử tuyết lớn nhỏ, tư thế khác nhau, dùng chuông vàng lụa màu trang trí rồi đưa đến trước mặt chư vị nương nương xin được bình luận. Tố Doanh đang vui vẻ, chợt thấy trong bụng không khỏe, vội vàng giao mọi việc cho Khâm phi xử lý, còn mình vội vã về cung. Đám phi tần đứng dậy đưa giá, nhìn theo bóng lưng nàng âm thầm nói: “Trông thì không hề giống nhưng mà tình hình này lại giống như thật sự có chuyện lạ.”

Khâm Phi cười nhạt: “Giống hay không thì có liên quan gì đến chúng ta?” Hai chị em Cung tần và Cảnh tần cười nói: “Chị không biết bây giờ bao nhiêu người ngóng chờ vào cái bụng đâu!” Khâm phi lại cười nhạt nói: “Hai em đều đã sinh đẻ rồi, vậy các em nói thử xem, có chuyện đó hay không.” Cung tần và Cảnh tần ngượng ngùng đáp: “Làm sao bọn em dám? Vả lại bốn con mắt bẩn của bọn em làm sao so được với ánh mắt sáng như tuyết của chị? Nếu như chị nhìn ra điều gì, mong rằng tỏ ra một hai phần, để anh nhà là quận vương Nam An sớm tối thắp hương cầu phúc cho nương nương.”

Khâm Phi liếc mắt với đôi chị em này: “Bảo hắn đi thắp đi!”

Không chỉ có Cung tần Cảnh tần ngẩn ngơ, Túc tần và An tần cũng lấy làm kinh hãi. Khâm phi lại uyển chuyển cười nói: “Lúc Tố thứ dân khống chế cung Đan Xuyến, nhà em sống có tốt gì? Nương nương nói ngọt vì các anh em nhà các em ở trước mặt thánh thượng, lần nào mà không chu đáo? Lẽ nào việc này còn không xứng được ba nén nhang sớm tối của anh trai em?” Bà nói lời này, mọi người mới chuyển lại khuôn mặt tươi cười nhưng trong lòng càng ngờ vực vô căn cứ.

Tố Doanh nghỉ ngơi một hồi cảm thấy không có gì đáng ngại, lấy cọ màu đề tiêu hàn lệnh hôm nay lên tranh, tự mình đưa đến cung Ngọc Tiết. Gặp ngay đại sư Pháp Thiện giảng kinh cho hoàng đế trong cung, nàng ngồi bên cạnh hoàng đế lặng lẽ quan sát Pháp Thiện, đột nhiên lại đau bụng một trận. Đợi khi hoàng đế quay đầu thấy sắc mặt nàng trắng bệch, kinh hãi hỏi: “Làm sao vậy?”



Sắc mặt Tố Doanh thảm đạm, bấm bụng cúi người nói: “Thiếp đột nhiên cảm thấy không khỏe, xin bệ hạ cho phép thiếp cáo lui.” Hoàng đế kéo nàng lại, nói: “Đừng đi lại nhiều, cứ nằm nghỉ ở gian ngoài. Bây giờ cho đòi thái y đến.” Tố Doanh vội nói: “Người bệnh không dám kinh động ở trước thánh giá, xin cho thiếp về cung nghỉ ngơi.” Thái độ nàng kiên quyết, hoàng đế đành phải lệnh cho kiệu cẩn thận đưa nàng trở về, lại lệnh cho ngự y lập tức đến hầu hạ.

Pháp Thiện ngơ ngác đứng nhìn ở bên cạnh, đợi gió êm sóng lặng mới cất tiếng niệm Phật. Hoàng đế đoán được ông ta có chuyện muốn nói, hờ hững bảo: “Đại sư đã nhìn rõ gì chăng?”

“Lão nạp chỉ người trần đã xuất gia, có thể nhìn rõ thứ gì? Có điều chợt nhớ tới một điển cố, muốn cùng đàm luận với bệ hạ.” Pháp Thiện suy nghĩ cẩn thận một hồi, nói, “Lúc thái tổ dựng nước từng hỏi kẻ hiếm có ẩn cư nơi sơn dã về vận nước. Lúc đó người ấy đang cuốc đất, thuận miệng bảo, ‘Ba ngày trước đoạt đất, hai ngày sau tranh cuốc.’ Thái tổ không biết có ý gì. Người đời sau lại nói, ba vị vua đầu của triều ta tranh đoạt ngôi báu tàn khốc nhất, đợi đến lúc hoàng tử cạnh tranh vị trí trữ quân kịch liệt nhất thì vận nước cũng phải chấm dứt. Điển cố này được một ít người sành chuyện gọi là ‘sấm cuốc đất’.”

Hoàng đế không khỏi cười khẩy: “Đại sư, trẫm kính ngươi lớn tuổi, đối xử trọng hậu. Thì ra quả nhiên người lớn tuổi chóng quên, quy củ của cõi trần cũng không còn nhớ nữa rồi – chuyện trong hồng trần đương nhiên quy về bậc vua chúa trong hồng trần. Đại sư chỉ cần để ý đến việc chuyên tâm nghiên cứu Phật pháp, suy nghĩ xem làm sao nối liền với thần tiên là được.” Nói đến phần sau, tất cả âm điệu không còn ôn hòa chút nào.

Nhiều năm rồi Pháp Thiện chưa từng thấy vẻ mặt nghiêm nghị của hắn, nghe lời của hắn dường như đã hoàn toàn quên mất bọn họ vốn là cậu cháu, cha vợ con rể. Ông ta đột nhiên sợ đến mức ra một lớp mồ hôi lạnh, chợt thấy nản lòng, than một tiếng “thiện tai” chắp tay khom người. Lại giương mắt quan sát những đồ trang trí cũ mà chị để lại trong cung Ngọc Tiết, ông ta cười gượng nhưng lại không nói được một chữ nào.

Lúc ông ta ngán ngẩm rời khỏi, dường như hoàng đế không hề hay biết, mở tranh tiêu hàn mà Tố Doanh đưa tới ra xem.

Năm chữ “không ngủ đợi quân vương” quả thực làm người ta xót thương, hắn trầm ngâm chốc lát rồi nói với hai bên: “Cẩn thận nghĩ lại, đã có bảy tám năm không đi thăm đêm. Về sau không biết có cơ hội hay không… Năm nay đi một vòng đi.” Phan công công vội vàng khuyên: “Bệ hạ bảo trọng long thể quan trọng hơn.” Hoàng đế cười nói: “Ta đã có ý này thì nhất định phải làm.”

Hôm nay bèn theo như thánh ý, thông báo cho các cung chờ thánh giá. Thời tiết lại không tốt, đến giờ Dậu, hoa tuyết nhỏ vụn lơ lửng rơi xuống.

Tố Doanh uống thuốc xong, để nguyên quần áo rồi nửa nằm ở trên giường tĩnh dưỡng, trước cung chợt báo thánh giá giáng lâm, chớp mắt kiệu phong tuyết đã được khiêng vào. Tố Doanh hành lễ xong muốn đỡ hoàng đế, hắn lại xua tay cười nói: “Ta dưỡng bệnh non nửa năm, đi mấy bước này không khó khăn gì.” Quả thật bước đi vững vàng, vừa đi vừa hỏi Tố Doanh: “Nàng đã khá hơn chưa?”

Tố Doanh dìu hắn ngồi vào chiếc giường ấm áp, khiển trách: “Mới khá hơn đã lại phải nơm nớp lo sợ. E là đêm nay không khá được.” Hoàng đế cười: “Ta lại thấy ra hóng gió tốt hơn nhiều so với buồn bực ở trên giường.” Hắn liếc nhìn chung quanh, cảm khái nói: “Bao lâu rồi chưa từng tới nơi đây? Tuy là vẫn không thay đổi nhưng nhìn vào mắt lại mới mẻ.”

Tố Doanh nói chuyện với hắn một hồi, hoàng đế chợt ngoắc gọi Phan công công đỡ hắn dậy, lại ngồi vào kiệu phong tuyết, nói: “Nàng yên tâm nghỉ ngơi đi. Đêm nay ta còn muốn đến nhiều chỗ.” Tố Doanh không khỏi lắc đầu bảo: “Ngày mai người đầu tiên nên phạt là thiếp, đáng ra không nên dâng tiêu hàn lệnh cho bệ hạ xem. Người thứ hai phải phạt là Khâm phi đã nhắc lại thói quen cũ này.” Hoàng đế cười, kiệu bắt đầu đi.

Từ lúc hắn rời đi, Tố Doanh không thể yên tâm được. Một tòa cung điện mấy ngày không đến đã cảm thấy mới mẻ. Vậy có phải những người lanh lợi, đã lâu không thấy cũng sẽ khiến cho hai mắt hắn phát sáng không?

Hoạn quan nhỏ được khiến đi nghe ngóng lúc sau trở về báo: Thánh thượng đến cung Cảnh Phúc của Cung tần. Thánh thượng đi ra, đến cung Thái Phúc của An tần. Thánh thượng đã đến cung Dĩ Tuyền của Cảnh tần.

Sau đó qua một lúc lâu không thấy về thông báo, Tố Doanh thấy thế gió tuyết bên ngoài chỉ tăng không giảm, dần thấy bất an. Lại qua khoảng một khắc, hoạn quan nhỏ cuối cùng cũng trở về, mặc dù hoa tuyết trên người đã phủi sạch nhưng băng đọng trên tóc còn chưa tan. Tố Doanh thấy tay tai miệng mũi của y đều đông cứng đến đỏ bừng, biết gió tuyết bên ngoài rất đáng sợ.

Hoạn quan nhỏ run rẩy nói: “Lúc thánh thượng ở cung Lưu Tuyền, tuyết lớn chợt điên cuồng, khó có thể đi lại. Tối nay thánh thượng ngủ lại ở cung Lưu Tuyền ạ.” Người trong cung hai bên nghe xong, bỗng chốc đều không dám lên tiếng.

Tố Doanh trầm mặc trong chốc lát, than thở: “Đây là duyên phận của Khâm phi.” Dứt lời tự đi ngủ.

Đêm càng khuya, tiếng gió thổi càng dày, thảm thiết suốt cả đêm. Bọn cung nữ cẩn thận thêm vài phần, một đêm mấy lần để ý lò lửa, rất sợ không chú ý làm tắt hại nương nương bị cảm lạnh. Mỗi lần họ đi vào kiểm tra đều nghe thấy Tố Doanh trằn trọc trên giường, hỏi nàng rằng có phải thân thể không khỏe hay không, nhưng trong lúc nửa mê nửa tỉnh nàng lại lầu bầu nói không sao.

Lăn qua lăn lại suốt cả một đêm, ngày hôm sau lúc tỉnh dậy quả nhiên Tố Doanh oán giận rằng ngủ không được ngon giấc, không vui nói: “Sao tối hôm qua người đeo chuông lại chuyển tới gần cung Đan Xuyến hả? Leng ca leng keng ầm ĩ suốt đêm! Bây giờ trong đầu ta vẫn còn tiếng vang lanh canh. Đi tìm Chu thái y tới đây.”

Bọn cung nữ nghe xong đều cả kinh: Đêm qua không nghe được tiếng động dư thừa nào, bằng không sao dám cho người đeo chuông quấy nhiễu hoàng hậu nghỉ ngơi? Họ chỉ cho là cơ thể hoàng hậu không tốt cho nên nghe nhầm, lúc đi mời thái y thì kể với Tín Tắc đang muốn vào cửa một câu. Ngay sau khi vào cung, Tín Tắc lập tức quỳ nói: “Đêm qua tiểu nhân sơ sẩy, khiến người khác quấy rầy nương nương nghỉ ngơi, thực sự có tội. Không biết kẻ nào dám cả gan làm loạn ở gần cung Đan Xuyến? Tiểu nhân lập tức đưa nàng ta đến nghe nương nương xử lý.”

“Chỉ là ngủ không ngon hơi đau đầu, không cần phải làm kinh động mọi người như vậy.” Tố Doanh cười nói, “Nói chuyện chính sự đi.” Tín Tắc cầm quyển sách trong tay trình lên, nói: “Nương nương, đây là danh sách ban thưởng cho Bình vương và giao cho quận vương Đông Lạc để thay mặt hiến tế.” Tố Doanh nhận lấy tùy ý nhìn thoáng qua rồi nói: “Trước giờ đều là mấy thứ này, cũng chẳng có gì đáng xem cả.” Bỗng nhiên nàng nhớ ra điều gì bèn bổ sung: “Năm nay có điềm sao chổi, nên hiến thần linh một phần lễ hậu, cầu xin bình an tai qua nạn khỏi. Từ khi ta vào cung đến nay, rất nhiều châu báu mà bệ hạ ban thưởng vẫn niêm phong cất vào kho chưa động tới, trước Tết năm nay bệ hạ lại ban thưởng rất nhiều vàng ngọc đá quý, thường ngày ta rất ít dùng đến, anh hãy giao hết chúng cho quận vương Đông Lạc để ngài ấy hiến nhiều lễ ở trước mặt tổ tông. Trong số tơ lụa hôm trước thưởng xuống có xấp màu ngà trên thêu hoa mẫu đơn và san hô đỏ. Ta vừa nhìn thấy liền nhớ tới lần trước ban thưởng cũng có một xấp như thế, lúc Hiên Nhân vào đã nhìn không chớp mắt rất lâu, ta đã hứa sẽ tặng cho người khác nên không thể cho cô ấy. Lần này cho Hiên Nhân đi, những thứ khác thì để các bà của Bình vương làm quần áo mới.” Tín Tắc nhớ kỹ từng việc.

Chu thái y vội vàng tới chữa bệnh, Tố Doanh lại than phiền rằng trong đầu có tiếng chuông vang lên không ngừng. Trong lòng Tín Tắc rầu rĩ: Nàng nhắc tới chuông một lần nữa dường như có ý đặc biệt, nhất định không phải chuyện tốt lành gì.



Lễ tế hằng năm của Tố thị là việc lớn của cả họ, trước nay chủ tế đều là quốc cữu đảm nhiệm, hoàng hậu trợ lễ vật cũng là quy củ bất thành văn. Hôm mùng một tháng chạp cả họ tụ họp ở tông miếu. Tuy rằng mỗi nhà đều là hiển quý, nhưng anh em của hoàng hậu ở trong đó vẫn làm người ta vừa nhìn đã cảm thán rằng hạc giữa bầy gà.

Cha và em của thái tử phi tới chậm hơn, thấy bức chướng gấm[1] tràn ra bên ngoài mấy dặm, trước cửa tông miếu xe ngựa nườm nượp, ngay cả chỗ đặt chân cũng khó thấy. Bọn họ thét to một phen lại được cho biết rằng lễ vật dâng lên thần của quốc cữu đang vào cửa. Lễ tế hằng năm tự có quy củ riêng, bọn họ không thể động chạm tới vật tế, đành chờ ở một bên. Chờ mãi chờ mãi, hồi lâu sau vẫn không thấy đoàn người dãn ra. Tố Ly có một người em trai tên Tố Sâm, tuổi còn nhỏ, lúc này hiếu kỳ hỏi cha: “Tại sao lâu như vậy vẫn chưa qua? Lúc cha làm chủ tế, đưa vật tế cũng không cần lâu như vậy.” Cha cậu ta là Tố Nhược Loan nghe xong chợt cảm thấy buồn bã.

[1] Bức chướng, dùng vải hay lụa viết chữ để mừng hay viếng người gọi là chướng. Cũng đọc là trướng.

Người bên ngoài không nghe thấy cuộc đối thoại của cha con bọn họ, mỗi người đều bị vật tế mà quận vương Đông Lạc kính lên hấp dẫn, cũng đều lấy làm lạ: “Quái! Trước nay Tố Trầm khiêm nhường thỏa đáng, lần này sao lại rêu rao thế? So với năm ngoái hơn nhiều bảo bối quý giá như vậy, chẳng lẽ có duyên cớ đặc biệt khác?” “Có phải là đã đạt được mong muốn ở trước thần linh tổ tông cho nên mới thờ cúng gấp bội chăng?” Lời này vào tai làm Tố Nhược Loan thấp thỏm: Dường như lời đồn đại vu vơ trong cung về việc hoàng hậu có thai này lại thêm một bằng chứng.

Khó khăn lắm mới đợi đến khi vật tế nhà quốc cữu đi qua cửa, cha con Tố Nhược Loan cũng xuống ngựa đi qua. Bên trong cửa tông miếu, cột đá khắc hình Phật treo màn che màu sừng sững nghiêm trang, hôm nay gió lớn, tất cả chúng đều phất phơ ở giữa không trung, hệt như ráng mây muôn hồng nghìn tía ở phía trên tông miếu, có thế che khuất bầu trời.

Đám người quang vinh xán lạn rộn ràng, nam phía đông nữ phía tây, bề trên trước bề dưới sau, bảy nhà có khu riêng. Tô Sâm liếc mắt, giật nhẹ vạt áo cha nói: “Cha nhìn kìa!” Tố Nhược Loan nhìn lướt qua, thấy một nữ quyến bậc thấp trong nhà Bình vương mặc một bộ áo ngoài màu ngà, vô cùng kiều diễm loá mắt. Ông ta không cảm thấy có gì đặc biệt, lại nhìn một lần nữa mới phát hiện ra chất vải hệt như áo ngoài hôm nay của mẹ mình là vương phi Vĩnh Ninh. Mà vị nữ quyến nhà Bình vương kia chẳng qua là Hiên Nhân – con nuôi nhà bọn họ. Hai người phụ nữ một kẻ đứng bét ở họ Tố Đông Bình, một người đứng đầu họ Tố của Thái An, thật là chói mắt.

Tố Sâm cau mày thầm nói: “Không phải nói chất vải như vậy chỉ có một xấp thôi sao? Bình vương gia làm gì vậy? Để một kẻ xuất thân từ nô tỳ mặc giống vợ của người khác…” “Đừng nói nữa.” Săc mặt của Tố Nhược Loan càng thêm khó coi, “Người của nhà mẹ hoàng hậu muốn làm gì thì có ai quản được?”

Trước kia họ Tố ở Đông Bình cũng từng chủ trì lễ tế hằng năm nhưng lúc đó Tố Doanh mới vào cung, bọn họ không dám phô trương. Tính thích khoe mẽ của Bình vương đã phải nhịn một hồi, cuối cùng cũng đợi được Tố Doanh tự mình ban rất nhiều bảo vật như là ngầm đồng ý lo liệu, vì vậy năm nay lễ tế long trọng vô cùng, thậm chí hơi phô trương. Đồ dệt được làm tinh xảo vô song làm bật lên vật báu mà hoàng hậu thờ cúng được đưa lên tế đàn, những đám hoàng thân quốc thích cũng phải tấm tắc khen ngợi. Không biết ai nhỏ giọng nói một câu: “Suốt hai mươi năm cũng chưa từng thấy cảnh này.” Một câu nói lại chọc vào người của họ Tố Thái An. Mọi người biết rõ nhà ông ta thấy cảnh này nhất định không dễ chịu, có thể tưởng tượng mấy năm trước lúc họ Tố Thái An vinh quang cũng không coi ai ra gì, nay không khỏi nhìn thấy mà hả hê nên chẳng kiêng dè mà nói mát mấy câu.

Lúc tế xong, nhà quốc cữu phụ trách khen thưởng những người quản việc trong tông miếu. Từng gia trưởng của sáu nhà còn lại tiến lên hành lễ, Tố Nhược Loan ở cuối cùng. Thường ngày ông ta tôn trọng Tố Trầm và Tố Táp, vì vậy khá khách sáo. Nhưng lúc xoay người đối mặt với Bình vương thì tất nhiên ông ta không nể mặt nữa, giọng điệu không khỏi có chút mỉa mai: “Năm nay vương gia lo liệu vẻ vang thế, chắc tiêu pha không ít nhỉ? Người không biết còn tưởng rằng vương gia mò được của phi nghĩa ở nơi nào đấy. Mọi việc vẫn nên chiếu theo quy củ cũ, cẩn thận mới tốt.”

Bình vương liếc mắt nhìn ông ta, không khỏi cười khẩy: “Năm nay phô trương, quả thật tôi cũng không đủ cẩn thận, không suy nghĩ xem người khác sẽ nhìn thế nào. Nhưng tôi có năng lực để phô trương, cũng có sức lực để không cẩn thận, không kiêng kỵ. Ông muốn phô trương, muốn không kiêng kỵ gì cũng được, nhưng ông có thể thế ư?” Nói xong thì vênh váo tự đắc hừ một tiếng.

Một câu nói làm Tố Nhược Loan nghẹn đỏ bừng cả mặt, lạnh lùng trả lời lại một cách mỉa mai: “Thế cao không để người nghi ngờ, ngồi trên chẳng làm người kiêng kỵ – đạo lý này đám con gái nhà họ Tố ghi nhớ hết đời này sang đời khác mà vương gia hoàn toàn không nghe vào tai. Thực là đáng tiếc!”

Tố Táp thấy cha nói quá đáng, vội vàng sang hoà giải, nhưng Tố Sâm cho là hắn đi tới bênh vực nên tiếng lên trước bảo vệ trước người cha, hung hãn trợn mắt với Tố Táp. Tố Táp nhìn thấy đứa nhóc ấy thì cười, nói với Tố Nhược Loan: “Hôm nay cha tôi vui quá, có lỡ lời đắc tội thì xin quận vương bao dung cho.” Tố Nhược Loan hừ một tiếng, kéo con trai xoay người bỏ đi. Nhưng đứa bé kia lại hồn nhiên hỏi một câu: “Cha ơi, hắn chính là tên tướng quân bại trận rồi bị tước chức đó sao?” Nói rồi liếc về phía sau: “Vẫn là chị tự mình ra chiến trường xoay chuyển bại cục đấy.”

Tố Táp bị đâm trúng chỗ đau, trên mặt hết xanh lại trắng. Bản thân Bình vương bị chế nhạo vài câu thì không sao nhưng nghe thấy có người động vào Tố Táp thì lập tức không nhịn được lại muốn phát cáu, bị Tố Táp và quản gia Tố Bình ngăn lại. Tố Bình khuyên nhủ: “Vương gia cần gì phải vậy?”

Bình vương trợn mắt nói: “Cho dù là sói mà cụp đuôi lâu ngày cũng bị người ta nhận lầm là thỏ đấy!”

Tố Táp cũng khuyên: “Cụp đuôi vẫn tốt hơn bị người ta tóm được đuôi.”

Bình vương tức đến thổi bay cả râu: “Con làm sao vậy hả? Tố Bình nén giận cũng thôi, nhưng sao con cũng nói lời ngon tiếng ngọt thế? Con là anh trai hoàng hậu mà vẫn phải xem sắc mặt của nô tỳ? Né Đông tránh Tây, bó tay bó chân, người khác sẽ coi con ra gì? Con đã tự làm mất hết mặt mũi rồi.” Ông khinh miệt trợn trắng mắt với con trai, nói: “Lúc cha còn trẻ chẳng giống con chút nào. Tung kiếm hát ca, say liễu ngủ hoa, thoải mái xiết bao! Không phải cũng sống tốt đến bây giờ đó sao? Tuổi đã cao mà lại phải theo người thân nghẹn đầy một bụng! Bây giờ khiến người ta bới móc tới tận trước mặt rồi mà hơi tức giận đã bị đám không lạnh không nóng các người ngăn cản. Thật mất hứng!”

Tố Trầm xã giao ở bên kia xong thì lập tức đi tới, cười nói với cha: “Người là cháu ngoại trai của tiên đế, đã có quan hệ thông gia, lại có quan hệ huyết thống với hoàng tộc, dĩ nhiên họ Tố bình thường không thể so sánh. Chúng con không có phúc như cha, ít nhiều vẫn phải khiêm tốn hơn.”

Bình vương hừ hừ hai tiếng, dẫn một đoàn tùy tòng uy phong bốn phía, nghênh ngang mà đi. Tố Táp cười gượng hai tiếng, nói với anh: “Năm nay liệu có làm người ta chú ý quá không? Em nghe nhiều người nói thầm sau lưng rằng nhà ta tổ chức lớn thế vốn là để cầu con cho nương nương ở trước mặt tổ tiên. Hành động này sợ rằng sẽ làm nương nương phải mệt nhọc…”

Tố Trầm lại cười nói: “Anh lại cảm thấy nương nương luôn biết tính tình của cha nhưng có lòng mặc cho người khoe mẽ. Nếu đây là ý của nương nương, trong đó tất có lý của người. Chuyện hôm nay e rằng chính hợp ý người.”

Xung đột của họ Tố Đông Bình và họ Tố Thái An ở lễ tế năm nhanh chóng đồn vào trong cung. Hôm nay Khâm phi xem lấy băng ở bên hồ Thái Bình, vừa lúc thấy Đông cung phi dẫn theo vài cung nữ đi qua. Bà có ý định khiêu khích, tạt lại ở con đường đằng trước Tố Ly. Hai người đối mặt ở trên một cây cầu chín khúc kề sát mặt nước. Dưới cầu nước đã kết băng từ lâu, lại phủ kín một tầng tuyết đọng nhưng vẫn không làm người ta rét run bằng họ.

Khâm phi cười lạnh nói: “Gần đây thân thể của lệnh tôn có khỏe không?” Tố Ly lạnh nhạt đáp một tiếng: “Không tệ.”



“Tôi có thể nghe nói đầu óc ông ấy đã hồ đồ.” Khâm phi nói, “Lẽ nào tổ tông chỉ là tổ tông của nhà bọn tôi, chứ không phải là tổ tông của nhà họ Tố Thái An các người? Lẽ nào Bình vương hiến một phần vật tế long trọng chỉ là kính dâng cho nhà chúng tôi chứ không phải thay mặt bảy nhà cùng kính dâng, không thay nhà các người thờ cúng ư? Nhà chúng tôi bỏ tiền bỏ sức còn bị oán hận. Người nói thói đời này có phải rất lạ hay không? Bên ngoài cung đã như vậy mà trong nội cung, thế hệ sau cũng không biết nhường đường bề trên nữa!”

Bình vương gia cố ý cho một đứa con nuôi xuất thân từ nô tỳ ăn mặc quần áo giống như vương phi Vĩnh Ninh ngay trước mặt cả tộc làm vương phi Vĩnh Ninh khó chịu ra mặt, Bình vương lại còn làm nhục Tố Nhược Loan giữa đám đông. Những hành động này đã làm Tố Ly thầm tức giận, không ngờ hôm nay Khâm phi lại quật ngược lại. Từ sau khi Tố Nhược Tinh lên ngôi hậu, việc Khâm phi và họ Tố Thái An bất hòa đã chẳng phải chuyện gì bí ẩn. Lúc này bị Khâm phi châm chọc khiêu khích, Tố Ly thầm nổi giận, quan sát Khâm phi vài lần từ trên xuống dưới, cười nói: “Nương nương thật là một người thẳng thắn. Mấy ngày trước còn hoà hợp êm thấm, không ra vẻ bề trên đâu.” Khóe mắt hếch lên, nàng ấy nói lạnh như băng: “Nếu như hoàng hậu nói tôi vài câu thì cũng đành. Còn nương nương là ai trong họ Tố Đông Bình vậy? Lẽ nào thánh thượng vẻn vẹn chỉ ở lại cung Lưu Tuyền một đêm thì nương nương bỗng nhiên biến thành nhân vật lớn rồi ư?”

Khâm phi lập tức xấu hổ và giận dữ, tát ngay một cái vào mặt Tố Ly. Tố Ly là người từng trải qua chinh chiến, tay dùng sức, bắt được cổ tay bà, cười nói: “Suýt nữa đã quên, kẻ dám trắng trợn đánh chết người ở trong cung này chỉ có một mình nương nương mà thôi.” Dứt lời hất cổ tay của Khâm phi ra, làm bà lảo đảo suýt nữa ngồi phịch xuống đất.

Một chiếc vòng mã não trên tay của Khâm phi bị tuột ra, rơi xuống mặt băng vỡ tan thành mấy mảnh, quay tròn. Tố Ly thấy làm tổn hại đồ của bà, không muốn tiếp tục làm loạn nữa, hừ lạnh một tiếng liền nghênh ngang mà đi. Khâm phi vốn định làm nhục Tố Ly, không ngờ lại chuốc lấy nhục. Bà vốn không có tính cách dễ bỏ qua, lập tức sai người lấy khăn ra bọc lại chiếc vòng tay đã vỡ, đi thẳng tới cung Ngọc Tiết tố cáo.

Mấy ngày trước hoàng đế mới vừa nghe nữ quan thừa nghi trong cung Đan Xuyến tới tố cáo Đông cung không coi bề trên ra gì, hôm nay lại ra việc này. Hắn biết chuyện này có nguyên nhân nhưng mà đuối lý ở Tố Ly, trong lòng hắn cũng hơi không vui. Mặc dù như thế, hắn vẫn không muốn dung túng cho sự kiêu căng của Khâm phi, chỉ tùy tiện lắng nghe rồi nói: “Để nó đền cho nàng, đền cho nàng một chiếc vòng tay thượng hạng.”

Khâm phi thấy hắn bình thản như thế, nỗi tức giận nghẹn ở trong lồng ngực càng khó tản ra, lại đến cung Đan Xuyến than phiền với Tố Doanh.

Tố Doanh đang ngả mình nghỉ ngơi trên giường, mất tập trung nghe được vài câu, thỉnh thoảng đáp một tiếng. Khâm phi thở phì phì nói hồi lâu thì ngẩng đầu lên, đã thấy Tố Doanh đang ngủ. Khâm phi kinh ngạc, khẽ gọi tiếng “nương nương”, Tố Doanh cảnh giác, lập tức mở mắt ra ngượng ngùng cười nói: “Mấy ngày nay ban đêm không ngủ ngon, ban ngày cứ luôn ngủ gật.”

Khâm phi để chuyện của mình qua một bên, ân cần hỏi: “Vấn đề giấc ngủ này có thể lớn có thể nhỏ. Nương nương đã tìm thái y chưa?” “Thái y cũng không nói được là duyên cớ làm sao. Tuy đã uống thuốc vài ngày nhưng mà ban đêm hay nghe thấy âm thanh kia, phiền chết được.” Tố Doanh xoa trán, vẻ mặt ủ rũ.

“Âm thanh gì vậy?” Khâm phi hơi ngạc nhiên. Tố Doanh lại đem chuyện tiếng chuông lúc nửa đêm nói một lần, Khâm phi chợt nghĩ ra điều gì, run giọng nói: “Thỉnh thoảng bị gió đưa tới một hai tiếng cũng không lạ. Nhưng đêm nào cũng như vậy thì khó nói lắm. Liệu có phải là có người dùng thuật vu cổ ở trong cung, yểm bùa nương nương?”

“Sao có thể chứ?” Tuy Tố Doanh nói như vậy nhưng giọng điệu lại có vẻ không chắc chắn. Dùng vu thuật là điều tối kỵ trong cung, vẻ mặt vừa nghi vừa sợ của nàng thu vào trong mắt Khâm phi, trong lòng Khâm phi nảy ra ý tưởng, quan tâm nói: “Thân thể nương nương không thoải mái thì nghỉ ngơi cho tốt đi, thiếp sẽ thay mặt nương nương để ý việc này.”

Tố Doanh cười, mơ hồ đoán được bà muốn mượn cơ hội này để báo thù hôm nay.

Nhưng Khâm phi có thể làm loạn đúng lúc như vậy, ngay cả Tố Doanh cũng không hề nghĩ đến.

Ngay ngày hôm sau, dường như là ý trời mà dường như lại là ý người, vụ án quận vương Lan Lăng bị ám sát đã lâu chưa có kết quả bỗng nhiên có tiến triển giật mình. Cư tướng bẩm báo: Sau khi điều tra nhiều lần, rốt cuộc cũng tìm ra một kẻ tham dự vào việc ám hại Tố Táp.

Nếu như mũi dùi nhắm thẳng vào thái tử, tuy là hậu quả nghiêm trọng nhưng cũng không khiến người cảm thấy bất ngờ. Nhưng Tố Doanh không đoán được, Cư Hàm Huyền lại nói người có nhiều mưu đồ là Tố Ly – Đông cung phi.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv