Tôi tên là Bình An, tôi được sinh ra từ cơ thể một người mẹ đã chết....
Nếu kể ra thì nhiều người sẽ bảo là tôi nói dối, vì người chết thì làm sao biết sinh con? Nhưng sự thật thì lại là như thế, có muốn tôi nói khác đi thì tôi cũng không nói được.
Tôi nghe mẹ Nhung kể lại, lúc bà phát hiện ra tôi vẫn còn đang hiện diện trên cõi đời này thì lúc ấy mẹ tôi đã chết được hơn 1 tiếng đồng hồ. Mẹ Nhung là người trực nhà xác lúc xác mẹ tôi được đưa vào phòng lạnh. Đáng lý tôi cũng đã chết nếu như khi ấy tôi không cử động trong bụng mẹ tôi...
Đừng nói là ai mà ngay cả khi tôi lớn lên, mỗi lần nhớ lại chuyện mẹ Nhung kể, tôi đều cảm thấy có chút không tin được. Nhưng trên đời này, có nhiều chuyện rất kỳ lạ, mà chuyện tôi được lấy ra từ cơ thể người mẹ đã chết của mình lại là một truyện kỳ lạ có thật. Hầu như những bác sĩ y tá hay thậm chí là người thân của những gia đình hôm đó có người nhà chết được chuyển vào nhà xác, nếu có nhắc lại chắc chắn mọi người đều sẽ nhớ.
Tôi không biết hơi ấm của mẹ tôi là gì, tôi cũng không biết bà cao gầy mập béo ra sao, tôi chỉ nghe kể lại là bà xinh lắm. Bác Khang, người chuyên canh giữ nhà xác của bệnh viện A cho tôi hay, bác bảo... mẹ tôi dù cơ thể đã cứng lại khi chuyển vào nhà xác nhưng mặt vẫn rất xinh. Bác còn bảo, tôi lớn lên lại hao hao giống mẹ của mình.
Hàng trăm hàng triệu những đứa trẻ đều được sinh ra tại phòng sinh của bệnh viện, duy nhất có tôi là được sinh ra từ nhà xác. Nghe thì có chút rùng rợn nhưng thực sự tôi cũng giống như bao cô gái bình thường khác, vẫn ăn uống vẫn sinh hoạt, vẫn đi học rất chi là bình thường. Nhưng có duy nhất một điều khác thường ở tôi là tôi có thể cảm nhận được người chết và cảm nhận được những cái chết không minh bạch. Khả năng đặc biệt này không phải mới bộc phát, mà từ khi tôi còn là một đứa trẻ tôi đã cảm nhận được như thế rồi. Không quá đáng sợ nhưng đôi khi cũng đem đến cho tôi rất nhiều phiền muộn...
Mẹ Nhung không phải là mẹ ruột của tôi nhưng nhờ có bà tôi mới có được cuộc sống đầy đủ như ngày hôm nay. Bà trước kia là y tá nhưng sau khi bệnh viện đi vào hoạt động, do thiếu người trực cho nhà đại thể nên bà mới bị điều xuống dưới làm, cũng vì thế mà bà mới phát hiện và cứu sống được tôi. Bác Khang là tổ trưởng của tổ điều hành nhà đại thể hay còn gọi là nhà xác của bệnh viện, mẹ Nhung tôi vừa là y tá vừa là nhân viên của nhà xác. Sau này khi bệnh viện nhận thêm người thì mẹ Nhung tôi không cần làm ở nhà đại thể nữa. Mẹ Nhung tôi kể, lúc chuyển mẹ tôi xuống nhà xác thì mẹ tôi đã chết, bác sĩ cũng kết luận là một xác hai mạng, bào thai cũng không cứu được. Nhưng chẳng hiểu kỳ lạ thế nào mà trong lúc lau rửa trang điểm cho thi hài của mẹ tôi thì mẹ Nhung lại phát hiện bụng mẹ tôi cử động. Bà ban đầu hoảng loạn giật mình vì tưởng là "thấy ma" nhưng sau đó khi bình tĩnh hơn, bà để tay lên bụng mẹ tôi kiểm tra thì mới xác định là thai nhi đang di chuyển trong bụng. Mẹ Nhung hoảng hốt kêu bác Khang, bác Khang liền chạy đi gọi bác sĩ, ngay sau đó xác mẹ tôi được chuyển qua phòng mỗ tử thi, 15 phút sau....tôi ra đời.
Sự ra đời của tôi trong nhà xác hôm ấy như một quả boom to lớn bùng nổ trong bệnh viện. Toàn thể bác sĩ y tá, bệnh nhân hay thậm chí là người dân xung quanh ai nấy đều hiếu kỳ chạy vào xem "đứa bé được sinh ra từ cơ thể người chết". Bác Khang lâu lâu hay cười trêu tôi là, nhờ tôi mà nhà xác lâu lâu mới có dịp đông vui như vậy.
Eo ơi, nghe mà nổi da gà!
Mẹ tôi chết nhưng không tìm được thân nhân, trên người không có giấy tờ tùy thân gì ngoài sợi dây chuyền có mặt bông hoa nhỏ. Vì do không có người thân nên xác mẹ tôi được bệnh viện đem đi hỏa táng và gửi tro cốt trên chùa gần với bệnh viện. Về tôi, tôi sinh ra đã mồ côi mẹ, lại không có cha, không nội ngoại thân thích, hoàn toàn trở thành đứa nhỏ vô gia cư đúng nghĩa. Ban điều hành bệnh viện có ý đưa tôi về viện bảo trợ trẻ em rồi xem có ai có ý muốn nhận nuôi thì nhận. Đang trong lúc làm hồ sơ chuyển cho tổ chức xã hội thì bác sĩ phát hiện tôi bị vàng da bệnh lý. Tôi không nhớ rõ mẹ Nhung kể là tôi bị gì nhưng chỉ biết sau đó tôi phải nằm viện điều trị gần 2 tháng. Đúng lúc mẹ Nhung tôi là y tá khoa nhi nên bà được giao nhiệm vụ trông nôm chăm sóc cho tôi. Cũng từ đó bà sinh ra thương cảm với đứa trẻ sơ sinh đáng thương không cha không mẹ. Nên khi tôi hết bệnh, mẹ Nhung đã trình đơn lên bệnh viện xin nhận tôi làm con nuôi. Giám đốc bệnh viện cũng đồng ý, nên cứ duyên theo duyên tôi trở thành con gái của một cô gái chưa chồng.
Nói về mẹ Nhung tôi, bà không chồng không con, cha mẹ mất từ sớm nên xem như bà độc thân sống một mình. Lúc tôi còn nhỏ, bà cũng thường hay bảo với tôi là bà nhận nuôi tôi, bà muốn cho tôi biết từ bé để lớn lên sau này tôi không cảm thấy bỡ ngỡ. Mà với tôi, dù là con nuôi hay con ruột gì cũng không quan trọng, quan trọng là tình cảm của bà dành cho tôi. Không thân thích, không phải máu mủ ruột thịt gì mà bà có thể yêu thương tôi ngần ấy năm... công ơn này diễn tả làm sao cho hết.
Ngày tôi còn bé, do tính chất công việc bận rộn của mẹ Nhung, có đôi khi tôi phải đi theo mẹ lên nhà xác bệnh viện để chơi vì không có ai trông tôi được. Mà thực ra tôi rất ngoan, còn bé đã hiểu mẹ mình rất bận, bác Khang cũng không quá rảnh để trông tôi. Thế nên mỗi khi cả bác Khang và mẹ tôi đều bận thì tôi tự ở một mình, không ai trông tôi thì tôi tự trông tôi, không ai chơi với tôi thì tôi tự chơi một mình. Có đôi khi là ngồi chơi trong phòng nghỉ của nhân viên cạnh phòng giữ đông, có khi thì loanh quanh trong hoa viên nhỏ trước nhà đại thể. Cũng vì hay tới nhà đại thể để chơi nên tôi mới phát hiện tôi có vài khả năng khác người. Mà những khả năng này tôi cũng không hiểu vì sao tôi có được.
Tôi với mẹ Nhung nương tựa nhau mà sống cho tới năm tôi học lớp 6, mẹ Nhung của tôi vì bạo bệnh mà qua đời. Lúc mẹ mất tôi không khóc, một giọt nước mắt tôi cũng không rơi được. Mọi người nghĩ tôi bị sốc nên mới không thể khóc, mỗi một người quen đều ra sức trấn an tinh thần tôi, ai nấy đều lo sợ rằng tôi sẽ bị ảnh hưởng tâm lý. Nhưng thực ra tôi rất bình thường, nguyên nhân tôi khóc không được là vì tôi đã khóc quá nhiều, khóc tới mức khi mẹ mất tôi lại không thể khóc được nữa.
Trước khi mẹ Nhung mất độ chừng một tháng, đêm nào tôi cũng lén mẹ mà khóc. Vì bản thân tôi... tôi cảm nhận được rằng rồi mẹ tôi sẽ chết... Không phải vì bà nằm liệt giường chờ chết mà tôi biết bà không qua khỏi, cái tôi nhận ra rằng bà sẽ chết là do màn sương đen trước mặt bà. Tất nhiên là không ai thấy màn sương đen đó, ngoại trừ tôi. Khả năng đặc biệt của tôi, tới tôi còn cảm thấy kinh hãi.
Sau khi mẹ Nhung mất, bác Khang có ý định nhận nuôi tôi nhưng lúc mẹ tôi còn sống, bà dặn tôi đừng tới làm phiền bác Khang. Một mình bác ấy sống cũng đủ vất vả lắm rồi, thế là tôi từ chối. Nhưng hình như cũng không phải chỉ có một mình tôi cảm nhận được cái chết của mẹ Nhung, mà hình như chính bà cũng cảm nhận đuợc rằng là bà ấy sắp chết. Cũng vì lẽ đó mà trước khi chết bà kịp thời gửi gắm tôi cho một gia đình giàu có nuôi nấng dùm. À không phải là gia đình giàu có, mà phải nói là gia đình rất rất rất giàu.
Sau hôm chôn cất mẹ Nhung, một người đàn ông trung niên dáng dấp vẫn còn phong độ tới đưa tôi đi. Ông ấy tự xưng là bác Kiên, người mà mẹ tôi đã nhờ để nuôi tôi tới khi tôi trưởng thành. Vì trước đó mẹ Nhung có dặn tôi đi theo bác Kiên nên khi gặp ông ấy, tôi cũng không lấy làm sợ hãi, mặc dù cũng có chút e dè lo lắng. Nhưng con nít mà, gặp người xa lạ không thân thích thì nói không sợ là không phải.
Ban đầu, tôi cứ tưởng nhà bác Kiên cũng giống như bác Khang, là một gia đình bình thường. Nhưng khi đặt chân tới nhà bác Kiên rồi, tôi mới phát hiện ra một điều... là không phải ai cũng nghèo như mẹ con tôi. Phải nói, khoảng đất được lát đá dưới chân mà tôi đang đứng phải rộng gấp 10 lần cái nhà đại thể. Còn căn biệt thự to đùng trước mặt phải sấp sỉ gần bằng với bệnh viện nơi mẹ tôi làm việc.
Chu choa, thật sự là rất đẹp, rất sang, rất rất rộng...
Tôi còn nhớ lúc ấy, bác Kiên quay sang xoa đầu tôi, ông ấy nói thật chậm rãi:
- Bình An, sau này con sẽ sống ở đây với bác.
Tôi ngước cặp mắt sáng trong lên nhìn ông ấy, vừa nghe ông ấy nói tôi vừa quan sát biểu cảm của người đàn ông cao to trước mặt mình.... trong lòng thầm nhũ rằng:
" Bác ấy đáng tin tưởng".
____________
Thời gian trôi qua nhanh thật, mới đây mà tôi đã 23 tuổi rồi. Cũng sống ở Trần gia này được gần 5 năm, con số không ngắn cũng không quá dài. Trong biệt thự Trần Đô, người làm họ gọi tôi là cô An nhưng những ai thân thích tôi đều bắt gọi tôi là Bình An hoặc là Tiểu An. Bao năm sống ở đây tôi chưa từng một lần có ý nghĩ mình là một thiên kim đại tiểu thư. Tôi thừa biết tôi là ai và vì sao tôi lại được sống ở nơi này. Nếu ngày trước không phải nhờ ơn mẹ Nhung từng cứu con trai của bác Kiên thì làm sao bây giờ tôi được sung túc tới nhường này. Lúc mẹ Nhung tôi còn sống, bà từng nói với tôi rằng:
" Cuộc đời của mẹ, mẹ hối hận nhất là không nói yêu thương ông bà ngoại của con nhiều hơn. Nhưng thứ mà làm cho mẹ hài lòng nhất, một là nhận nuôi con, còn hai là cứu được con trai của Trần Huy Kiên."
Rõ ràng đúng là như vậy, hai thứ mẹ hài lòng nhất thì nghĩ kiểu gì cũng đều là dành cho tôi.
Vì ngày đó mẹ Nhung cứu Huy Lập khỏi tay bọn bắt cóc kịp thời nên vợ chồng bác Kiên mới ghi nhớ ơn nghĩa của mẹ Nhung mà chấp nhận cưu mang chu cấp nuôi dưỡng tôi. Tôi sống ở Trần Đô được 5 năm thì đi du học thêm 5 năm, vừa về nước chưa tới một tháng.
Sống ở Trần Đô, tôi không phải là thiên kim tiểu thư danh giá gì, tôi vẫn sống bình thường như bao người làm trong nhà. Ban đầu bác Kiên không đồng ý cho tôi theo phụ việc trong biệt thự, nhưng sau khi nghe tôi trình bày ông lại thở dài bảo tôi muốn làm gì thì làm, làm gì tôi thấy thoải mái là được. Tôi ở Trần Đô tới năm 18 tuổi thì đi du học sang Hàn 5 năm, vừa về lại Trần Đô hơn tháng. Thật sự ban đầu tôi cũng có ý định sẽ định cư luôn bên Hàn nhưng khi đi xa 5 năm tôi mới biết cảm giác nhớ quê hương là như thế nào. Mặc dù ở đây tôi không còn người thân thích nào nữa... Nhưng dù thế, trong lòng tôi vẫn luôn nôn nào muốn được về và sống tại nơi mình được sinh ra.
5 năm đi du học, 5 năm tự lập không dựa vào Trần Đô. Khó khăn thì có khó khăn, tôi vừa đi học vừa đi làm để có thêm thu nhập. Bác Kiên vẫn chu cấp tiền mỗi tháng cho tôi nhưng tôi đều gom lại để đó không xài. Mà thực ra tôi cũng không biết xài tiền vào chuyện gì và điều quan trọng nhất là tôi rất mê tiền, nếu không có mục đích chính đáng tôi sẽ không xài tiền hoang phí.
Lần này về lại quê hương, tôi định sẽ xin việc, sau đó kiếm thật nhiều tiền để phòng thân về sau. Thật sự cái cảm giác trong tay có tiền luôn khiến con người ta dễ chịu, tôi muốn cuộc sống của tôi sau này khi về già sẽ không lo nghĩ tới tiền bạc nữa. Và tôi cũng không muốn vì bản thân không có tiền mà bỏ lỡ những thứ tôi yêu thích.
Vẫn giống như những ngày của 5 năm về trước, sáng tôi dậy sớm xuống bếp phụ việc với mọi người. Làm bữa sáng cho vợ chồng bác Kiên, cậu Lập xong thì tôi lại lọ mọ đi tưới rau. Tưới rau xong xuôi lại cùng chị Diệu bưng đồ ăn sáng lên phòng ăn cho gia đình bác Kiên.
Tôi đi trước, chị Diệu đi sau, hai chị em vừa đi vừa nói chuyện. Chị Diệu hỏi tôi:
- An, em xài nước hoa gì mà thơm dữ dạ?
Tôi quay sang trả lời:
- Nước hoa hả? Em không có xài nước hoa, hầu hết tất cả các loại nước hoa em đều không ngửi được.
Chị Diệu trưng ra vẻ mặt không tin, chị lại hỏi:
- Không xài nước hoa sao người em thơm vậy, hay là xài sữa tắm gì?
Tôi lại lắc đầu:
- Em xài chung sữa tắm với mấy chị mà... à chắc do em xài sữa dưỡng thể nên thơm, để lát em chỉ chị chỗ mua.
Chị Diệu siêu điệu, nghe tôi bảo sẽ chỉ cho chỗ mua liền gật đầu răm rắp. Tôi quay lên trước nhẹ thở dài mấy hơi.... thú thực, mùi thơm trên người tôi là tự nhiên chứ làm gì do xài sữa dưỡng thể. Cái mùi thơm này đã đi theo tôi hơn 15 năm rồi, giống như là thơm từ trong máu thơm ra.
Tôi với chị Diệu, một trước một sau bưng đồ ăn lên trên bàn ăn. Trên bàn ăn có 5 chỗ ngồi đã được yên vị, ở chính giữa là bác Kiên, kế bên bác Kiên là Bà Nội, kế bà Nội là bác Loan vợ bác Kiên, đối diện với bác Loan là cậu Lập, kế cậu Lập là chị Nga. Thấy tôi đem đồ ăn dọn lên, bác Kiên liền giữ tôi lại:
- Bình An, ngồi xuống ăn chung đi con.
Nghe tiếng bác Kiên gọi, tôi nhìn lại bác rồi lắc đầu cười nói:
- Dạ con ăn rồi, mọi người ăn đi ạ.
Thấy tôi từ chối, bác Kiên khẽ nheo mày, còn bác Loan lại cười mỉm trông như hài lòng. Thực ra tôi biết rõ bác Loan không thích tôi quá lộng quyền trong Trần Đô, chắc bà ấy sợ tôi có ý muốn leo lên làm vợ cậu Lập....
Nói rồi tôi cũng đi xuống trả lại không gian lại cho gia đình bác Kiên. Trong lúc đi ra, Thanh Nga phải liếc nhìn tôi tới mấy bận.
Đi ra ngoài, chị Diệu khều tay tôi hỏi:
- Ê An, chị thấy cô Nga liếc nhìn em chằm chằm.
Tôi khẽ gật đầu, mí mắt cũng hơi khép lại:
- Em biết, em quen rồi.
Chị Diệu vỗ vai tôi cái bốp:
- Nhưng mà chị thấy em với cậu Lập đẹp đôi hơn là.... ý cậu...
Chị Diệu chưa nói dứt lời thì cậu Lập đã chặn ngang đường của hai người bọn tôi. Trước mắt tôi Huy Lập giờ đã cao lớn phong độ đẹp trai xuất thần. Mà cũng phải, tôi đi 5 năm rồi, một thanh niên 21 tuổi ngày nào giờ cũng đã thành một người đàn ông trưởng thành ngời ngời nam tính.
Cậu Lập liếc nhìn sang chị Diệu, cậu lên tiếng:
- Chị Diệu đi trước đi, tôi nói chuyện với Tiểu An một chút.
Chị Diệu thấy cậu Lập thì ngơ người mấy giây, cậu càng nhìn chị càng đỏ mặt. Phải tới khi tôi huých tay chị ấy thì chị mới co chân lên mà chạy một mạch.
Thấy bộ dáng của chị Diệu tôi lại thấy có chút buồn cười, đột nhiên trong đầu tôi lại nhớ tới một người lúc trước.... À hình như tôi cũng đụng phải người đàn ông đó ở chỗ này thì phải...
Đợi chị Diệu đi rồi, Huy Lập nhìn sang tôi, cậu ấy nheo mắt véo mũi tôi mấy cái:
- Chưa ăn sáng sao dám nói ăn rồi?
Tôi lắc đầu sang bên né tránh, tôi khịt mũi:
- Cậu đừng véo mũi tôi... đau mà.
Cậu Lập cười tươi, càng cười càng đẹp, cậu hỏi:
- Trả lời tôi đi đã, chưa ăn sáng đúng không?
Tôi cũng không muốn nói dối, tôi gật đầu:
- À tôi chưa ăn nhưng lát nữa tôi ăn cùng chị Diệu, mà cậu đã ăn chưa mà ra đây?
Huy Lập nhìn tôi, nụ cười trên môi tắt ngắt, mắt cậu nheo lại, trong lời nói phát ra tia nộ khí:
- Tôi kêu em gọi tôi bằng anh rồi sao em vẫn gọi tôi là cậu? Em với Thanh Nga đều giống nhau, em không phải người giúp việc.
Tôi với Thanh Nga giống nhau... ừ tôi công nhận là giống thật. Tôi thì được bác Kiên đem về, còn Thanh Nga lại được bác Loan nhận về nuôi. Xét ra thân phận hai người bọn tôi giống nhau, đều có thể được người làm trong Trần Đô gọi là "cô chủ". Nhưng mà, tôi cảm thấy tôi không phải "cô chủ" thực thụ nên không muốn nhận cái danh này. Còn Thanh Nga thì khác.... chị ấy thích cậu Huy Lập, cũng thích được người khác gọi là cô Nga.
Tôi lừ mắt, giọng trầm xuống:
- Tôi dù được bác Kiên đem về nuôi nhưng thực ra cũng đâu phải dòng thiên kim đại tiểu thư, tôi nghĩ tôi nên kêu cậu bằng cậu là phải phép. Hơn nữa... gọi bằng anh, tôi thấy không quen mấy.
Huy Lập đi lại sát tôi, sát tới mức cậu ấy thở tôi cũng cảm nhận được mùi bạc hà phả ra. Cậu ấy gằn giọng:
- Em chưa bao giờ nghe lời tôi, 5 năm trước hay 5 năm sau gì cũng vậy. Em muốn cái gì mới nghe lời tôi đây?
Tôi rụt cổ, mắt chớp chớp mấy cái. Tôi e dè trả lời:
- À tôi thì thích tiền nhưng.... cậu cho tiền tôi cũng không gọi cậu bằng anh được đâu. Tôi nói thiệt.
Huy Lập nhìn tôi thêm một lát nữa, cuối cùng cậu ấy cũng chịu thua tôi. Nghe tiếng cậu thở dài, cậu nhàn nhạt nói:
- Em ngoan giống Thanh Nga một chút thì đỡ cho tôi quá.... thôi tùy em, em muốn kêu gì thì kêu, đừng kêu tôi bằng "thằng" là được.
Tôi mím môi, chỉ nhìn cậu Lập chứ không trả lời. Thực ra tôi cũng có thể gọi cậu bằng anh như Thanh Nga vẫn hay gọi. Chỉ có điều, tôi gọi thế thì chỉ có mình cậu vui chứ không ai vui thêm nữa. Bác Loan không vui, mà Thanh Nga lại càng không vui. Cũng không phải tôi sợ bọn họ không vui, cái tôi sợ là phiền phức. Tôi chỉ muốn kiếm tiền chứ kiếm chuyện.... thực tôi làm biếng lắm.
Thấy tôi im im, cậu Lập lại hỏi:
- Lát nữa đi cùng tôi lên công ty.
Tôi trố mắt ra nhìn cậu, ý hỏi là "tại sao?". Cậu Lập chắc cũng hiểu ý tôi nên cậu bồi thêm một câu.
- Là ba tôi kêu... nhưng nếu không phải ba kêu thì em không đi cùng tôi được à?
Tôi thẳng thắn:
- Không được.
Huy Lập lại nheo mắt, cậu hỏi:
- Nguyên nhân?
- Xe của cậu thơm phức mùi nước hoa, mũi tôi... không chịu được.
Huy Lập nhìn tôi, tôi thấy mặt anh ấy ngớ ra đôi chút. Mà thực sự là tôi không chịu được quá nhiều mùi nước hoa cùng lúc, mũi tôi sẽ tê liệt mất.
Thấy Huy Lập sụ mặt, tôi thấy có chút ngại ngại nên nói thêm một câu:
- Tôi biết rồi, khi nào đi cậu kêu tôi một tiếng.
Nói rồi tôi cũng rời đi, tôi biết bác Loan đang đứng phía xa kia, ánh mắt bác ấy nhìn tôi không có bao nhiêu là thiện cảm cả. Mà tôi, tôi chưa bao giờ ng