Những ai dám đánh đổi những gì họ đã gửi trọn niềm tin để đạt cho bằng được mục tiêu thì cuối cùng cũng sẽ chẳng mấy hài lòng với những thành tích đạt được. Nếu chính bạn cũng không tin là mình đã chân thật, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy an lòng.
Cách đây vài năm, một sinh viên tại trường Đại học Yale đã từ chối nhận tấm bằng tốt nghiệp khi chỉ còn ít ngày nữa là đến ngày lễ trao bằng tốt nghiệp. Trước đây để được nhập học, cậu đã giả mạo tất cả những tài liệu trong bộ hồ sơ xin nhập học của mình: thứ hạng, giấy giới thiệu và cả những hoạt động ngoại khóa của cậu. Bộ hồ sơ giả mạo ấy hoàn hảo đến mức trường đồng ý nhận anh vào học ngay mà không hề nghi ngờ điều gì.
Sau đó, chàng sinh viên này vẫn học tập tốt và sắp đến ngày cậu tốt nghiệp.
Làm thế nào cậu bị phát hiện là đã giả mạo hồ sơ? Cậu đã thú nhận mọi chuyện. Đơn giản là cậu không thể giữ yên lặng về bộ hồ sơ giả mạo của mình, dù rằng cậu sắp được nhận bằng tốt nghiệp. Thành tích mà cậu có được luôn được khẳng định trên một nền tảng dối trá khiến nó không còn là một thành tích đáng tự hào với cậu nữa.
Nhiều người cho rằng cậu ta dại, đã làm thì làm cho trót, nào có ai biết đâu. Một số khác thì rất khâm phục cậu ta, dù trước kia cậu đã phạm sai lầm. Chỉ có riêng cậu mới có thể hiểu được ý nghĩa việc cậu đã làm. Sau vài năm vất vả nhưng cậu ta cảm thấy thanh thản, giờ đây cậu ta đã là trưởng nhóm trong một công ty uy tín - dù không có bằng đại học.
Sống hạnh phúc và có đạo đức, trung thực là hai điều luôn đi đôi với nhau. Những người cảm thấy mình thiếu đạo đức sau cùng nhận ra rằng - khả năng cảm nhận được hạnh phúc của họ giảm đi rất nhiều so với những người sống trong sạch.
- Garret