1
Nơi chúng tôi ở là một ngôi làng nhỏ trên núi.
Không chỉ điều kiện vật chất nghèo nàn mà tư duy cũng lạc hậu.
Gia đình nào cũng muốn có con trai, nếu sinh con gái thì phần lớn chúng đều sẽ bị vứt bỏ.
Tôi là một người may mắn, là đối tượng mà tất cả cô gái trong làng hâm mộ.
Bọn họ dù cho không bị bỏ rơi thì cũng phải sống một cuộc sống tồi tệ, thường xuyên bị người nhà đánh đập, mắng mỏ, ai nấy đều gầy gò xanh xao.
Riêng gia đình tôi đối xử với tôi rất tốt, thậm chí không bao giờ bắt tôi làm ruộng.
Được nuôi nấng trong gia đình như thế, tôi xinh đẹp đầy đặn, mọi người đều khen tôi là cô gái đẹp nhất làng.
Cho đến một ngày cách đây ba năm, dì út từ nơi khác về.
Khi tôi mười sáu tuổi, đó là lần đầu tôi gặp dì ấy.
Dì ấy có đôi mắt trong vắt, hàm răng trắng đều, vô cùng xinh đẹp.
Trước nay tôi chưa từng gặp ai đẹp như vậy.
Dì ấy mỉm cười, đưa tay về phía tôi, trên tay có một chiếc kẹo xinh xắn.
Tôi đang định nhận thì mẹ đột nhiên kéo tôi ra sau, nhìn dì như thấy thần bệnh dịch, tuy nhiên bà ấy vẫn cố mỉm cười: "Em gái... Chào mừng em trở về."
Dì không hề giận, chỉ mỉm cười nhìn tôi rồi xoay người vào nhà.
Kể từ hôm đó, dì tôi ở lại.
2
Dì dành hết tiền tiết kiệm, còn đi vay mượn để xây dựng một trung tâm cứu hộ nhỏ nhằm tiếp nhận những đứa trẻ bị bỏ rơi trong làng.
Phần lớn trong số chúng đều là bé gái.
Ban đầu dân làng cho rằng dì tọc mạch nhưng dì ấy không hề bận tâm, ngày nào cũng ra ngoài tìm kiếm những đứa trẻ bị bỏ rơi.
Dần dần, số lượng trẻ được đưa vào trung tâm cứu hộ ngày càng nhiều, thậm chí bắt đầu có người chủ động đưa con cháu đến trước cửa.
Nhưng càng nhiều trẻ thì tiền càng nhiều, số tiền dì quyên góp cũng bị tiêu hết nhanh chóng.
Gia đình chúng tôi không giàu có, tất cả tiền trong nhà đều tiêu hết rồi.
Dì ấy đi gõ cửa từng nhà trong làng nhưng không ai muốn giúp đỡ.
Tiếng khóc của những đứa trẻ chờ được bú ngày càng vang vọng, trung tâm cứu hộ gần như không cầm cự nổi nữa.
Có điều không hiểu sao dì tôi bỗng có tiền, rất nhiều tiền là đằng khác.
Dì ấy mở rộng trung tâm, lũ trẻ được ăn uống ngon hơn.
Dì thậm chí còn thuê bảo mẫu đến chăm sóc cho chúng, tất cả đều là người trên thành phố.
Hơn nữa không biết có phải do tôi tưởng tượng hay không nhưng hình như mỗi lúc dì ấy một xinh đẹp.
Dì ấy có vẻ đã quên rằng trước đây mình từng bị dân làng quay lưng, ngược lại còn mang quà cáp đến từng nhà thăm hỏi.
Sau này tôi nghe kể dì đã có thỏa thuận với họ.
Dì ấy nói nhân lực ở trung tâm cứu hộ có hạn, không thể chăm sóc tất cả trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trong khu vực, chỉ cần dân làng có thể đưa chúng về nhà, họ sẽ được nhận những phần thưởng hậu hĩnh.
Không ai chê tiền.
Nhìn biểu cảm điên cuồng trên khuôn mặt của họ, tôi vô cùng hoang mang.
Ngôi làng này không có nhiều người, đâu ra lại có nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi như vậy?
Về sau tôi mới biết là có, thậm chí là rất nhiều, thậm chí là có nguồn trẻ bị bỏ rơi đều đặn.
3
Tôi xách thùng gỗ đựng sữa đậu nành tươi, mùi thơm của đậu thoang thoảng bốn phía.
Một vài đứa bé ở trung tâm cứu hộ đã cai sữa nên dì tôi thay bằng sữa đậu nành.
Bố tôi có tài làm sữa đậu nành nên dì giao việc này cho gia đình tôi.
Loại sữa này tôi đã uống từ khi còn nhỏ, tối nào mẹ cũng cho tôi uống một ly. Kể cả khi đi học, tôi cũng đổ vào chai nước khoáng lớn rồi mang đến trường.
Trước đây bố luôn là người đi giao sữa, không may hôm nay mẹ sốt cao, phải lên thị trấn khám bệnh, vậy nên nhiệm vụ giao sữa rơi vào tay tôi.
"Giao sữa xong thì về ngay, đừng ở lại đó lâu." Hiếm khi bố nghiêm túc yêu cầu tôi như vậy.
Trên đường dân làng nhiệt tình chào hỏi, tâng bốc tôi.
Tôi đi thẳng về phía trước mà chẳng hề ngẩng đầu.
Nhiều lần bố mẹ đã dặn tôi không được tiếp xúc gần với họ. Hai người dường như rất ghét dân làng, thậm chí còn mắng họ đều là kẻ tham lam.
Trung tâm cứu hộ nằm ở lưng chừng núi, phải mất rất nhiều sức tôi mới leo lên được.
Lần cuối cùng tôi đến đây là hai năm trước.
Hôm đó tôi giận dỗi gia đình, bỏ nhà lang thang, tình cờ đến trung tâm cứu hộ của dì.
Khi ấy trung tâm cứu hộ mới thành lập được nửa năm, nhà cửa đổ nát, thỉnh thoảng có tiếng trẻ con khóc.
Tôi mở cánh cửa gỗ xuống cấp thì thấy dì đang bế một đứa bé.
Với ánh mắt dịu dàng, dì thương yêu chạm vào khuôn mặt nó, cả người như được bao phủ bởi ánh sáng thánh thiện.
Tôi rất thích dì vì dì vừa xinh đẹp vừa tốt bụng như thiên thần.
Nhưng ba năm qua bố mẹ lại không cho tôi đến gần dì, chúng tôi rất hiếm khi ở riêng với nhau.
Dòng suy nghĩ trở về hiện tại, trung tâm cứu hộ trước mặt tôi đã được mở rộng hơn nhiều, nó đã không còn dáng vẻ hoang tàn đổ nát của ngày xưa.
Ở phía xa, một người duyên dáng đang đợi ở cửa, vẫy tay chào tôi.
Đó chính là dì tôi, dường như dì ấy chẳng già đi chút nào.
Thấy tôi, dì ngạc nhiên hỏi: "Tiểu Uyển, sao cháu lại đến? Bố cháu đâu?"
"Bố đưa mẹ lên thị trấn khám bệnh rồi." Tôi nắm chặt góc áo, không dám ngẩng đầu nhìn dì.
Đột nhiên có một bàn tay trắng nõn mảnh khảnh vươn tới.
Tôi ngước lên, bắt gặp ánh mắt cười của dì.
Dì cầm lấy cái thùng, nói: "Đi thôi Tiểu Uyển, vào trong với dì."
Chúng tôi vào trong, đi xuyên qua con đường dài nhỏ hẹp, mọi người ở đây đều tươi cười tủm tỉm gọi dì út là chị Linh.
Dì út tên Trương Linh, còn tôi là Trương Uyển.
Sau khi đặt thùng sữa đậu nành xuống, tôi lấy hết can đảm xin đi tham quan.
Nghe tôi hỏi, dì út sững sờ, ngay giây sau liền nở nụ cười trìu mến: "Được chứ, dì dẫn cháu đi."
4
Dì út dẫn tôi đi ngang một căn phòng màu trắng được ngăn cách bằng kính dày, bên trong có khoảng chục chiếc giường nhỏ.
"Đó là phòng vô khuẩn dùng để chăm sóc những đứa trẻ sơ sinh yếu ớt."
Tôi lấy làm lạ, trước giờ tôi chưa từng thấy thứ công nghệ cao như vậy.
Dì mỉm cười xoa đầu tôi: "Dì làm giống bệnh viện, toàn đồ xịn không đấy."
Tôi nghe không hiểu, tôi chỉ biết mình không thích nhìn những đứa trẻ từ khoảng cách này.
"Dì ơi, cháu có thể vào trong xem chúng không?"
Nụ cười trên mặt dì lập tức tắt, tròng mắt đảo trái phải một vòng, khuôn mặt xinh đẹp như biến thành chiếc mặt nạ nhợt nhạt.
"Không được!"
Tôi giật mình trước biểu cảm của dì, vội cúi đầu, không dám nói gì nữa.
Một lúc sau, dì đặt tay lên vai tôi, thái độ bình thường trở lại.
"Tiểu Uyển à, cháu không được quấy rầy chúng nghỉ ngơi."
Tôi sợ hãi gật đầu.
Người dì đang đứng trước mặt vó hơi kỳ lạ, dì ấy không hề nhận thấy sự thay đổi trong cảm xúc của tôi, vẫn nắm tay tôi, dắt tôi đi về phía trước.
Tay dì rất lạnh.
Đi giữa đường, di động đổ chuông, dì bảo tôi cứ thoải mái đi dạo, dì có một số việc cần giải quyết.
Trước khi đi, dì dặn tôi tuyệt đối không được đến phòng vô khuẩn.
Tuy thấy lạ nhưng nhớ tới sắc mặt đáng sợ của dì, tôi ngoan ngoãn gật đầu.
Ngay lúc dì ấy xoay người nghe máy, tôi vô tình liếc nhìn màn hình điện thoại.
Bác sĩ Tống.
Bác sĩ?
Tôi nghe nói bác sĩ ai cũng giỏi.
Sau khi dì đi, tôi lang thang khắp nơi, thỉnh thoảng tôi lại gặp những bảo mẫu bước đi vội vã, biểu cảm lạnh lùng, cứng ngắc như thể không nhìn thấy tôi, chỉ có một dì lớn tuổi mỉm cười.
"Em gái, trời sắp tối rồi, đừng đi lung tung, mau về đi."
Tôi ngẩng đầu nhìn bầu trời, đúng là không còn sớm nữa.
"Cảm ơn dì, để cháu đi chào dì út một tiếng rồi về."
Nhưng ngay lúc tôi xoay người, bà ấy đột nhiên nắm chặt cổ tay tôi, to tiếng: "Không được đi chào, bây giờ về ngay!"
"Vâng... Vâng..."
Thấy tôi nghe lời, dì ấy mới buông tay ra, tôi lập tức nhân cơ hội này bỏ chạy.
Khi rẽ vào một góc, tôi vô thức nhìn lại.
Dì ấy vẫn đứng đó, nhìn tôi bằng đôi mắt đục ngầu, miệng mở ra rồi khép lại như đang nói điều gì đó mà tôi không thể nghe thấy.
Chuẩn bị chạy ra ngoài, tôi lại dừng bước.
Tôi nghe thấy rất nhiều tiếng bước chân ở phía bên trái.
Hình như là gần phòng vô khuẩn.
Không phải dì không cho bất kỳ ai tự do đến đó sao?
Tôi đi về phía tiếng động, theo bản năng đi thật nhẹ.
Đến gần phòng vô khuẩn, tôi thấy đó là những cô bảo mẫu, họ lần lượt ôm theo những chiếc hộp nhỏ, bận rộn với khuôn mặt vô cảm.
Trong đó có dì lớn tuổi khi nãy.
Không có gì bất thường cả, tôi định ra về thì đột nhiên một bảo mẫu vô tình té ngã, chiếc hộp rơi xuống lộ ra một bàn tay.
Là một bàn tay trẻ con đầy máu.