Đại Việt sử ký cũng có có viết rằng, tháng 10 năm 1224, nhà Vua Lý Huệ Tông xuống chiếu phong con gái thứ hai là Lý Phật Kim tức Chiêu Thánh công chúa làm Hoàng thái tử rồi truyền ngôi, Chiêu Thánh công chúa trở thành Nữ Hoàng Lý Chiêu Hoàng, vị Vua thứ 9 của Triều đại Nhà Lý là vị Nữ Vương thứ hai trong sử sách, Nữ hoàng đặt niên hiệu Thiên Chương Hữu Đạo có nghĩa là đạo Trời sáng tỏ. Cuối năm 1225 tức năm Thiên Chương Hữu Đạo thứ hai, Nữ hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh, Trần Cảnh lên làm vua và sáng lập ra Triều Trần, kết thúc sự nghiệp 216 năm của Triều Lý.
Một loạt biến cố xảy ra, tôn thất Triều Lý bị đuổi cùng giết tận lang bạt khắp nơi, phải thay tên đổi họ nhằm mai danh ẩn tích. Nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng sau khi nhường Ngôi báu thì trở thành hoàng hậu rồi lại bị giáng xuống làm Công chúa, rồi Sư cô và sau cùng được gả cho một vị tướng, tính ra là bà trải qua ba đời chồng, 7 chức vị khác nhau, đến năm 1278 Bà mất tại chùa Cổ Pháp lúc 61 tuổi, kết thúc cuộc đời của một người phụ nữ đầy bi kịch, đời sau bà bị người đời chửi rủa vì làm mất ngôi báu và lấy quá nhiều chồng. Khi Nữ hoàng mất, con cháu Triều Lý đã bí mật mang bà đưa đi chôn ở nơi bí mật, người ta tìm không ra nên lập lăng thờ ở bìa rừng Báng.
Hậu duệ nhà Lý phiêu bạt khắp nơi, khoảng tháng 1 năm Quý tỵ thì cụ tổ tôi chạy loạn đến làng này khi nhà Mạc và nhà Lê -Trịnh đánh nhau, Cụ tổ chỉ mang theo được hai người con trai và một người con gái, những người con khác và vợ đã lạc nhau trong ly loạn, khi đến xin ở lại làng, cụ tổ đã thay đổi họ một lần nữa và từ đấy đến nay không đổi thêm.
Điều đó có nghĩa là, tôi là hậu duệ nhiều trăm đời của Nhà Lý.
- Tại sao chị biết những điều này?
- Chị chết được vài năm thì Triều Lê được ra đời, chị không nhớ rõ năm nhưng bố cáo thiên hạ cũng đến làng này. Một số chuyện của làng từ dạo ấy chị có nhớ.
- Nhưng chuyện cụ tổ của em đổi họ sao chị lại biết?
- Chính ông cụ nói, khi ông cụ mất cũng đã già, lúc ấy nơi đây là bãi đất hoang cạnh cánh đồng của làng, cái miếu cũng không có. Con cháu xem thế đất tính chôn ở đây nhưng không được vì cả khoảnh đất này đã được lão thầy pháp xưa kia lập khế ước mua lại của quan binh, chỉ có chị được phép ở và những âm binh của lão phong ấn, sau đó con cháu xem lại rồi đưa đi chôn xa nơi này, trước lúc 49 ngày về làng có trình với quan binh canh giữ. Người khi đã chết phải khai tên họ thật hoặc quan binh sẽ giở sổ ra dò, đúng mới được cho vào nhưng nếu để quan binh dò ra mà cố tình sai thì sẽ bị đánh đòn không cho vào, bởi vậy chuyện này nếu chết đủ lâu thì biết.
- Thật ly kỳ...
- Dạo trước chị cũng có nghe thấy ở vùng cách đây khoảng một ngày đi bộ, cũng trong tỉnh này có bà Cụ tổ của dòng họ kê khai họ của chồng sai mà bị đánh, sau quan binh tra ra chồng bà cụ ấy là họ Lý, do bà cụ không biết nên may không bị trị tội.
- Chuyện xa như thế mà chị cũng biết, hay thật...
- Chết lâu rồi cũng rất chán, thi thoảng đi chỗ nọ chỗ kia chơi có sao đâu!
- Thần giữ của mà cứ đi như vậy có ngày mất đấy chị!
- Chị giữa là chỉ giữ lớp sau cùng, bên ngoài còn rất nhiều cơ quan của lão thầy để lại, không đọc đúng khẩu quyết thì bị giết ngay tại chỗ. Mấy trăm năm nay vào làng đã khó, vào đây còn khó gấp bội. Như tay thầy địa lý dạo trước đã đến đây nhưng không thấy gì mặc dù đã qua được mắt quan binh.
- Sao lại thế?
- Gia phả nhà nó ghi sai, tấm da dê lúc chạy loạn chết, thân thích mang về đến nơi thì bị thất lạc mất một đoạn quan trọng nhất.
.....
Có quá nhiều thứ vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi, tôi chỉ biết được rằng hơn một tuần sau, vào ngày Chạp Họ, tôi nghe bà Già bảo một nhánh nhỏ trong họ ở nơi khác đã làm lễ xin phép cụ tổ đổi về họ gốc, các bậc cao niên trong họ không tán thành nhưng không thể ngăn cản những người ấy cải về họ Lý!!! Nhưng hàng năm vẫn có mặt đầy đủ trong ngày gặp mặt, một cụ ông tôi đã gặp nhất mực khẳng định giữa bàn rượu rằng ông đã có tư liệu và tra ra nguồn gốc của tổ tiên, cũng khó mà cãi vì ông ấy học cao hơn, hiểu rộng hơn các ông làm ruộng và lớn lên ở địa phương.
Tôi đã dành thời gian để tìm hiểu khi tôi lớn lên nhưng tuyệt nhiên trong lịch sử không có bất cứ một cá nhân nào, hay biến cố nào có viết tên một ai có cái họ giống như tôi, thậm chí khi đi học sau này, trong một cuộc tranh luận với mấy đứa bạn, chúng nó cứ khăng khăng rằng tôi họ Nguyễn còn tên đệm chỉ là tên đệm, tôi bực mình đập bàn.
- Đm, họ của tao chả lẽ tao lại còn nhầm?! Hàng năm chạp họ đến 300 đinh, cả làng tao người ta ai cũng biết mà sao chúng mày lại khẳng định tao họ Nguyễn?
Một đứa đứng lên chỉ tay cả đám rồi nói.
- Đm, mày không tin à? Mày tên họ đầy đủ là gì?
Nói rồi nó chỉ lần lượt từng đứa đang ngồi.
- Vũ Quang V.
- Đỗ Xuân H.
- Hoàng Cảnh Tr.
- Nguyễn Văn C.
- Nguyễn Quốc T.
- Nguyễn Minh Q.
Rồi nó hỏi tôi.
- Mày thấy điều gì?
- Điều gì?
- Họ của mày là gì Tr.?
- Tao họ Hoàng
- Còn tao họ Nguyễn, tất cả bọn tao chả có đứa nào họ nằm ở tên đệm cả, hiểu chưa thằng ngu?
Tôi dở khóc dở cười.
- Thế chúng mày có thấy quy định nào bảo là họ phải đứng ở đầu còn tên đệm ở giữa không?
- Tờ khai nào cũng ghi như vậy, đó là quy định!
- Chúng mày ngu bỏ mẹ, cãi nhau về Toán Lý Hóa tao sẽ thua chúng mày nhưng đừng cãi nhau với tao về Sử, tao vào được trường này nhờ môn Sử đấy nhé! Có cần tao nói với chúng mày vì sao người ta lại soạn kiểu như thế không?
Chúng nó nhìn nhau, tôi nói đúng nên chúng nó không thể cãi được, năm tôi thi là năm kỳ lạ nhất của trường tôi và là năm duy nhất tuyển sinh khối A, B, C, D học chung một lớp, nếu đầu vào là C và D dĩ nhiên sẽ biết nhiều hơn về Sử và ngược lại. Chúng nó làm sao biết những ngày cấp III tôi đọc sách Lịch sử nhiều như nào, rồi đến khi tiếp xúc máy tính tôi đều dành phần lớn thời gian để đọc, đơn giản ban đầu vì thói quen, sau đó là để giải thích cho những thứ mà tôi cần biết.
Tôi cũng từng giải thích với chúng nó rằng, một phần những người mang họ Nguyễn nếu không có gia phả ghi chép rõ ràng thì đã được lấy theo họ của Vua, những người không biết chữ, tù nhân, người lang thang...đã được đặt họ Nguyễn trong đợt kê khai nhân khẩu phục vụ việc quản lý của bọn Pháp, hay việc vài đứa gọi tôi là "Nhà Quê" thì tôi bảo.
- Dân quê bọn tao chính gốc Việt Nam, mày cứ tự hào dân Thủ đô nhiều đời coi chừng gốc gác là dân Chiêm Thành bị bắt về làm nô lệ xây Thành rồi đời con cháu thành người Việt Nam.
Dĩ nhiên đời nào chúng nó chịu tin tôi.
Họ của tôi rất đặc biệt, chỉ cần tôi biết tên đầy đủ và là dân tỉnh tôi thì 100% phải hỏi lại ông nội hoặc bố tên gì, nhưng tôi chưa bao giờ gặp, họ của tôi chỉ có duy nhất ở làng tôi và một vùng nữa nay đã khác tỉnh.
Thế rồi Tết cũng đến gần, gia đình tôi ở Hà Nội về quê ăn Tết đông đủ giống như mong muốn của tôi, tôi đã có một tuần ấm áp giữa cái lạnh của Tết.
Tôi thắp nhang mỗi ngày cho chị Ma vì đã kể cho tôi nhiều thứ, tôi cũng xem chị ta như một người bạn hoặc người chị, nghe cũng hoang đường quá đỗi nhưng sống chung trên một mảnh đất và đều cô độc nên cũng có thể xem như cái duyên.
Qua Tết tôi đã không còn bán bánh đa phết kẹo nữa, bọn trẻ con đã chán kẹo, tôi rút ra kinh nghiệm rằng nếu một thứ cứ ăn liên tục sẽ thành quen nhưng sau một thời gian nghỉ thì thói quen đó sẽ thay đổi, vậy nên tôi nghỉ bán và không gặp con bé láu cá kia nữa.
Vậy là sắp đến sinh nhật lần thứ 11 của tôi.