Vì lo xa nên tôi đã dặn kỹ với bà Già đến mấy lần vào buổi chiều rằng nếu có ai đến hỏi mua cây duối thì bà nhất quyết chỉ bán với giá 2 triệu, không bớt một xu. Đối với tuổi đời của cây duối thì tôi không biết thời Minh Mạng là năm bao nhiêu nhưng tôi cứ nói đại với bà rằng cây duối ấy nghe người ta bảo cũng hơn 200 năm, việc này rất khó xác định được chính xác vì chẳng ai sống được từng đó năm để mà cãi nhau. Những suy nghĩ này là nền móng đầu tiên để tôi xây dựng một quan điểm rằng muốn bán bất cứ cái gì thì cũng cần có một câu chuyện và câu chuyện để phục vụ việc bán món hàng đó phải có những chi tiết mà người mua không thể phản bác được những ý kiến của tôi, nhằm hạ giá món hàng đó. Tất nhiên, để hình thành những kỹ năng cần thiết phù hợp với việc buôn bán thì tôi cần phải có nhiều thời gian hơn để rèn luyện, sau nhiều năm, tôi tự đánh giá bản thân mình là một người bán hàng trung thực bởi thế nên tôi chưa giàu có, được cái vui vẻ là nhiều.
Tôi cũng có nhiều quan điểm khác người, ngay trong tình yêu cũng vậy. Hồi tôi còn đi làm thợ cưa với một cái cưa cùn thì quan điểm để đời của tôi là “Trong tình yêu tất cả mọi thủ đoạn đều ngay thẳng” và với phương châm mặt dày cộng khéo léo thì tôi đã đạt được mục đích của mình là lấy được vợ, thi thoảng tôi vẫn hay rêu rao về tài năng của mình trong nghề “cầm cưa” nhưng bản thân tôi nghĩ bây giờ mình cũng lụt nghề rồi, bao nhiêu mưu ma chước quỷ cùng những tinh hoa đúc kết bao năm của tôi... đã không còn gì, nhưng hy vọng một ngày tôi có thể viết thành bí kíp giúp vài người thoát kiếp cô đơn.
- Cho cháu thêm mấy chai nước bà ơi!
Tôi bước vào quán của bà cụ Kh. khoảng tầm 5g chiều, bà cụ Kh. đang lúi húi dọn dẹp bớt hàng hóa vào trong căn nhà nhỏ kiêm cửa hàng. Ban đêm bà cụ ngủ lại luôn ở đây nên thi thoảng cuối tuần cũng nhiều người ra gõ cửa mua rượu, tôi thì cũng có vài lần lên cơn thèm kẹo lạc hay kẹo dừa cũng ra gõ cửa. Chả hiểu sao lần nào bán hàng cho tôi bà cụ cũng mắng mỏ vài câu, giống như mắng con cháu vậy, tôi cứ cười xuề xòa, kể ra bà cụ cũng đâu thiếu cháu con, chẳng qua không có đứa nào ở nhà mà thôi.
- Chiều mày mới lấy hai chai mà đã uống hết rồi à? Uống nhiều thế sâu răng mày chết!
- Bà cứ lo xa, thèm thì phải uống chứ sợ gì mấy con sâu răng... Cùng lắm mỗi lần uống hết một chai thì cháu đánh răng một lần cho mấy con sâu ấy chết luôn!
- Đúng là nòi nào giống nấy, mày suốt ngày lý sự. Thế lấy mấy chai?
- Bà cho cháu thêm hai chai Coca.
Bà cụ Kh. lấy hai chai Coca thủy tinh cho vào một cái túi nhỏ để tôi treo lên xe đạp, xe Peugeot này xem ra cũng bất tiện vì không có giỏ như mấy cái mini tàu của đám bạn tôi.
- Mày đòi cái cây duối nhà mày tận 2 triệu cơ à? – Bà cụ Kh. tay đưa túi cho tôi tiện miệng hỏi chuyện, thật ra nếu bà cụ không hỏi thì kiểu gì tôi cũng bắt vào chuyện ấy để tìm thêm thông tin về nhóm người lạ mặt.
- Nhà cháu là cây cổ đấy bà ạ, tuy bây giờ một số cành bị sâu nó đục nhưng xem chừng vẫn còn ngon lành lắm. Mấy chú kia trả có 500 nghìn thì làm được việc gì đâu ạ?!
- Mày cũng ghê gớm y như thằng bố mày! – Bà cụ Kh. nhận xét.
- Bố cháu hiền khô, ghê đâu mà ghê bà ơi! – Tôi cười tít mắt nói với bà cụ.
- Ghê gớm buôn bán ấy, tao là thấy mày có cả nét của ông nội mày nữa chứ không chỉ riêng của bố mày đâu nhá! Mấy người ban chiều hỏi chuyện tao về mày đấy, tao nói vống lên có khi cái đám ấy cũng tin.
- Cháu mà bán được đúng giá thì cháu sẽ biếu bà một ít!
- Tao không thèm!
- Ai nói bà thèm đâu, cháu quý bà thì cháu biếu chút ít để bà ăn quà sáng có sao đâu?!
- Đấy, lại còn dẻo miệng y chang ông ngoại mày nữa! Được, mày nói vậy thì tao cũng chả dại từ chối. Mà mấy người đấy đã tìm thuê nhà trong làng đấy!
Lời nói của bà cụ Kh. làm tôi thoáng ngạc nhiên nhưng cũng nhanh chóng hiểu ra vấn đề, nếu họ quyết tâm tìm kiếm gì ở đây thì chắc chắn sẽ phải tìm cách ở lại trong làng một cách đường hoàng, điều này sẽ tiện cho họ rất nhiều thứ.
- Làng mình cũng có nhà cho thuê hay sao ạ?
- Làng mình thì nhà bỏ không thiếu gì, họ muốn thuê ở tạm chừng mươi bữa vì bên xã không thuê được chỗ ở.
Một lý do cực kỳ hợp lý, tôi gật gù tán đồng.
- Họ đã thuê được nhà ai chưa bà?
- Nghe đâu thuê được nhà bên mé khu Tây rồi đấy, gần nhà ông Nh.
- À, khu đấy cháu biết, tối xuống vắng tanh như chùa bà đanh lại gần ngay cánh đồng, ớn lắm ạ!
- Chúng mày trẻ con suốt ngày ma với cỏ. Khu ấy vắng người là vì chẳng ai ở chứ có gì mà sợ?!
Chào bà cụ Kh. xong là tôi nhanh chóng đạp xe một mạch về nhà, bây giờ chưa đến 5g30, tôi muốn báo với chị Ma việc này nhưng do không có hẹn trước nên cũng khó. Tôi dắt xe qua cổng nhà liếc mắt nhìn mấy viên sỏi đang khuyết một viên, khi tôi dắt xe qua cổng thì đứng lại nhìn một lúc thì kỳ lạ thay, bằng cách nào đó những viên sỏi đã đủ 8 tự khi nào. Tôi đứng đấy lặng nhìn và khẳng định thêm rằng mình đi ngả nào viên sỏi sẽ theo ngả đó, có thể nó cũng đi theo dõi cả bà tôi nữa chứ không chỉ riêng tôi.
Sau khi cho xe đạp vào nhà, tôi bước xuống sân và đi lại mấy vòng rồi sau đó bước ra khu vườn, tôi thầm mong con bướm trắng xuất hiện nên trong miệng lẩm nhẩm cầu khấn, tôi muốn có cái lá để ẩn đi dương khí, để giống như một hồn ma, tôi muốn thử đến căn nhà mà những người lạ kia mới thuê xem có gì hay không.
Tôi vừa khấn vừa kể lể ngắn gọn mong muốn của mình, đến lần thứ hai thì có một con bướm trắng xuất hiện từ trong lũy tre bay ra, tôi ngước lên nhìn và không giấu nổi sự vui mừng.
“Đúng là chị ấy lẩn khuất đâu đây và có thể nghe được lời khấn cầu của mình!”
Tôi thầm nghĩ trong đầu và với tay ngắt lá vối, con bướm trắng không bay đi luôn mà đậu nhẹ lên vai tôi, đầu tiên là đậu bên vai trái sau đó lại nhẹ nhàng bay đậu sang bên vai phải rồi mới bay đi và biến mất trong lũy tre gai. Tôi nhìn theo và cố lý giải hành động này, sau cùng tôi cho rằng chị ấy muốn động viên tôi, tôi cho rằng hành động vỗ vai người khác có thể biểu thị cho sự động viên, tin tưởng.
- Bà ơi, cháu xuống nhà thằng H. một tí cháu về ngay ạ!
- Mày vừa mới về lại đi đâu? – bà Già đang nấu cơm dưới bếp nói vọng ra – Đi mau rồi về ăn cơm!
- Dạ!
Tôi đi lại gần ụ rơm, ngó trước ngó sau cẩn thận mới đưa cái lá lên miệng rồi nhanh chóng chạy ra khỏi cổng. Chị Đẹp đã nói rằng cái thuật “Phi sa tẩu thạch” không theo được người đã chết khiến tôi yên tâm hơn nhiều, dĩ nhiên tôi còn sống sờ sờ ra đây nhưng cái thứ lá cây bình thường ở trong vườn đã được chị Ma làm gì đấy, tôi tưởng tượng ra rằng xung quanh mình có một lớp sương lạnh bao phủ khiến cho tôi trở nên vô hình và chỉ bắt đầu có hiệu quả từ giờ gà lên chuồng còn ánh mặt trời hẳn là khắc tinh của âm khí nên thứ lá này vô tác dụng.
Làng tôi cũng như bao ngôi làng khác ở thời điểm cuối thế kỷ 20, chẳng nhà nào có số nhưng chỉ cần biết khu vực và tên của chủ nhà thì tìm đến rất nhanh. Tôi không biết những người đàn ông lạ mặt kia thuê nhà nào, chỉ biết gần nhà ông Nh., như vậy cũng là đủ lắm rồi. Con đường tôi đi không có gì lạ lẫm bởi vì nó là con đường dẫn ra mé Tây của làng, tôi đi qua đoạn đã rẽ tắt để đến nhà bà ngoại tối hôm qua. Thêm một đoạn nữa thì tôi đi qua luôn ngã rẽ trái để đi đến nhà mấy đứa em họ, con của cô út nhà tôi, qua ngã rẽ ngày chừng 30m là tới nhà ông Nh. ở phía tay trái con đường nhỏ, nếu đi thẳng khoảng 150-200m sẽ tới rìa làng và có thể nhìn thấy gò đất hình đầu rùa đã từng bị đào bới và người nào đó đã muốn yểm một con chó đen xuống đất.
Từ đoạn nhà ông Nh. Tôi đi chậm và nhìn ngó hai bên đường nhưng căn nhà nào cũng cửa đóng then cài, xem như không có ai ở bên trong, để cẩn thận tôi đã hé mắt qua khe cổng để nhìn vào nhưng đều là những căn nhà vắng lặng, tối om và xung quanh đều là cây cối.
“Chắc là mấy người này chưa chuyển đến”.
Tôi thầm nghĩ trong đầu như vậy và thấy hơi thất vọng. Tôi đứng trước cổng ngôi nhà mà mình đã từng nằm bẹp trên mái mấy tháng trước và tự hỏi liệu Tết vừa rồi chủ nhà có chửi tôi vì đã làm gãy thanh thu lôi của nhà họ hay không, nhưng tôi đã thấy một thanh thu lôi bằng sắt khác được gắn lên, nhìn có vẻ to và chắc chắn hơn nhiều so với cái thanh sắt gỉ trước đây khiến tôi suýt chết. Tôi chậm rãi bước đi về, được chừng vài mét thì thấy từ xa có bóng đèn tròn của xe máy đi tới, thấp thoáng có bóng người nên giống như phản xạ tự nhiên tôi vội vàng nhảy tót vào bụi rậm ven đường. Tôi nhớ rằng ánh mặt trời có thể làm tôi lộ diện nhưng ánh đèn xe máy thì sao? Tôi không muốn thử vào lúc này và để dành về đến nhà thử cho chắc ăn, mấy lần trước có dùng với R9 thì hai chúng tôi đều chưa thử xem mình có bị phát hiện bởi ánh đèn hay không.
Tiếng xe máy tới gần chỗ tôi nấp rồi rẽ phải vào một cái ngõ nhỏ mà ban nãy tôi đã bỏ qua, có tất thảy ba xe máy nối đuôi nhau đi vào ngõ. Tôi chờ cho chiếc xe máy cuối cùng đi khuất vào ngõ thì nhảy trở ra đường rồi khom người chạy tới, chỉ chừng hơn 5m là tới đầu ngõ. Ngõ này tôi không biết vì một bên là bức tường gạch của một căn nhà và một bên có bụi tre nhỏ, phía trong là một hàng những cây sắn, tôi không nghĩ đây lại là một lối vào của nhà của một gia đình nào đó trong làng. Thò đầu ra khỏi bức tường gạch để quan sát, tôi thấy mấy người đang đứng túm tụm có lẽ là trước một cái cổng, tôi đoán như vậy, tiếng xe máy đã tắt và không gian trở lại yên tĩnh. Trời đã bắt đầu tối nhọ mặt người, tôi lom khom đi men bức tường gạch để đến căn nhà mà mấy người lạ mặt đã thuê sau khi họ đã dắt xe máy vào trong sân.
Cổng nhà này có cửa gỗ và then đã cài bên trong, tôi nhìn qua khe cửa nhìn thấy ba cái xe máy đang dựng ở trong sân, trong nhà đã bật điện và hắt ra ngoài thứ ánh sáng vàng vọt, yếu ớt của cái bóng đèn tròn chỉ 25W. Làng Bưởi Cuốc này của tôi nhiều nhà cả năm chẳng có người về ở nhưng tiền điện vẫn đóng đầy đủ do chẳng đáng bao nhiêu, có nhà thì hàng tháng gia chủ về đôi lần ngủ một đêm vì có đám giỗ hoặc đám cưới, phần lớn là lắp bóng đèn vàng chứ không lắp bóng huỳnh quang như những nhà có người ở, điều này tôi không biết tại sao. Tôi đứng nhìn một hồi để quan sát rõ phía trong qua khe cửa nhưng chỉ thấy có hai người ngồi trên bậc thềm nhà hút thuốc lào, bốn người khác hình như đang ngồi trong nhà.
Căn nhà này có 3 gian và một chái nhưng chưa có lợp ngói, hai đầu hồi phía này tôi nhìn thấy gạch màu đỏ lẫn với đất, kiểu như một căn nhà tranh vách đất với gạch, nhìn tổng thể ngôi nhà hơi thấp. Chỗ hai người đàn ông đang ngồi hút thuốc lào cũng chẳng có bậc tam cấp nào mà từ nền nhà đến sân nhà chỉ cao chừng 20cm mà thôi. Sân nhà tôi đoán chừng có mọc rêu xanh vì ẩm mốc chứ không phải một nền sân cứng và sạch sẽ.
Cổng của nhà này là hai cánh cửa bằng gỗ màu xám nhạt, không mới, xây bằng gạch đã cũ với những mảng xi-măng đã bong ra ít nhiều. Bên cạnh cổng nhà là một dãy tường gạch thấp, xem chừng chỉ cao độ 60cm nhưng có rất nhiều cây nhỏ nên tầm nhìn cũng bị hạn chế khi tôi là trẻ con. Sau khi thám thính một vòng quanh thì tôi biết ngõ này là ngõ cụt, cuối ngõ là vài cây mít và bụi tre thưa nhìn ra cánh đồng, bên cạnh mấy cây mít là tường phía sau của một căn nhà quay mặt ra hướng bên kia, chỉ có hai cái cửa sổ, một gần chỗ cây mít và một ở đầu này nhìn chéo qua căn nhà mà những người lạ mặt đã thuê.
Sau một hồi loay hoay tìm kiếm đường đột nhập thì tôi cũng đã thấy một chỗ thoáng nằm sát ngay phía đầu hồi nhà gần phía cây mít, đứng đó băn khoăn hồi lâu vì phải tìm cách trình bày với Thổ Địa, chỉ cần trèo qua bức tường thấp này, đặt chân xuống đất thôi là kiểu gì cũng có một ông lão hiện hình, mà đúng là như thế thật, chân chạm đất, mông vẫn trên tường gạch mà đã có người đứng nhìn mình với ánh mắt dò xét.
- Quay ra! – Ông Thổ địa nhìn tôi quát.
Tôi nở ngay nụ cười cầu tài, răng vẫn cắn chặt cái lá trong miệng.
- Hị hị, cháu chào ông Thổ địa nhé!
- Mày lang thang vào đây làm gì? Về nhà mày đi không ta đánh gãy chân bây giờ!
- Ông Thổ địa nhà cháu hiền khô, sao ông lại dữ tính như thế?
- Thổ địa nhà mày không hiền lành với mày thì sao, ta hiền để đám ma cô chúng mày vào nhà này quậy phá sao?
- Ông Thổ địa nhầm rồi, cháu chưa chết, cháu có phải hồn ma đâu?! – Tôi nhe hàm răng đang có lá vối và chỉ tay vào. - Ẩn dương khí giả làm ma ông ơi!
- Nhóc con! – ông Thổ địa ngạc nhiên thấy rõ – Mày lại định lừa ta đấy phỏng?
- Ch...cháu là N., ông Thổ địa có từng nghe thằng N. ở khu Giữa đã từng phá đám thầy phù thủy ngoài Cầu Khoai không?
- Ra là mày, - Ông Thổ địa nhìn tôi. - Trông như đứa ốm đói thế này mà đánh nhau với ma quỷ kiểu gì đây?
- Cháu đi theo dõi người thôi chứ còn ma quỷ xấu thì có chị Ngọc Hoa kia đánh chứ cháu đánh sao được. Hôm qua cháu cũng gặp một ông Thổ địa ở gần đây...
- Ta có nghe... chẹp! Đêm qua trăng tròn lại có rượu ngon cũng tốt đấy, ta thấy mày là một thằng bé trọng lời hứa...– Ông Thổ địa gật gù.
- Ông thích cái gì ngày mai cháu tìm cách gửi cho ông hoặc chị Ngọc Hoa sẽ gửi biếu ông!
- Mày lại định ton lót ta?
- Sao ông lại nói thế?! Cháu là quý mấy ông Thổ địa tốt bụng, ngay thẳng, không tơ hào bạc cắc bao giờ nên chỉ là chút lòng thành. Ông xem xưa nay có ai đi hối lộ mà chỉ có cút rượu với lạc rang không?
- Mấy cái đứa mới đến ở này chẳng thèm cúng bái gì cho ta, cái bọn chả biết phép tắc gì cả!
- Họ không phải người làng này ông trách làm gì nhưng ông cũng phải cẩn thận, cháu nghe nói họ có thể triệu được Thổ địa lên để tra khảo đấy ạ!
- Có việc đấy??? – ông Thổ địa với chòm râu cụt ngủn mặt trở nên ngắn tũn – Chúng nó là thần thánh phương nào?
- Cháu nghe nói họ là thầy phù thủy có thể hô mưa lớn, gọi gió to, khiển âm binh.
- Ta đây mấy trăm năm qua chưa nghe đến việc thầy phù thủy có thể làm được mấy chuyện lớn gan như vậy, khiển âm binh thì không nói nhưng mưa gió thì không có đâu, có phải mày nói quá rồi không thằng bé?
- Cháu nghe nói thế thôi ạ.
- Thế mày định vào đây làm gì mà lại dùng cái thứ này, thứ này đâu phải ai cũng dùng được? Nó là phép ẩn thân.
- Cháu không biết ạ, chị Ngọc Hoa Công chúa bảo cháu ngậm lá này thì người trần mắt thịt không nhìn thấy, rất tiện cho việc đi thám thính.
- Thầy phù thủy người ta cũng có phép này đấy, ta khi còn sống có nghe nói rằng họ chỉ cần ném một hạt đỗ là lập tức vô hình, ngươi có từng nghe?
- Cháu chưa ạ! – Tôi lắc nhẹ đầu.
- Thôi mày vào đi, dù sao mày cũng chẳng phải là ma nên ta không cản.
- Ông... ông thích uống loại rượu nào? Để cháu mua hẳn loại nằm trong cái hồ lô luôn, nhìn đẹp lắm ạ!
- Có loại đấy thật à? Vậy cũng được nhưng ta đây không nhận của hối lộ!
- Cháu quý mến ông vì ông tốt bụng chứ có nhờ vả việc khuất tất nào đâu mà hối lộ, ông xem có phải không ạ?
- Ừ, quả có thế thật...
Ông Thổ địa gật đầu rồi biến mất, tôi thở phào nhẹ nhõm, quả nhiên mình không làm việc xấu thì mọi thứ đều có vẻ thuận lợi thật. Tôi nhẹ nhàng đi vào khoảng sân nhỏ trước nhà, hai người đàn ông khi nãy ngồi hút thuốc lào đã trở vào trong nhà, cái điếu cày được đặt nửa dưới đất, nửa trên hiên nhà dựa cái cột gỗ. Tôi hé mắt nhìn vào trong nhà, 4 người đàn ông đang ngồi chơi bài trên cái chiếu cói còn mới, 2 người ban nãy ngồi ngoài hiên nay đã cùng uống nước chè trên bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ. Nhìn lướt qua phía trong tuy tôi không quan sát được nhiều nhưng có thể đoán rằng họ chưa có đồ đạc gì mang tới ngoài mấy cái ba-lô đang vứt chỏng chơ ở trên giường, bóng đèn tròn treo giữa nhà chỉ đủ ánh sáng cho mấy người bên trong còn ngoài sân bóng tối đã bắt đầu phủ xuống, tôi đứng đó một hồi quan sát họ chơi bài nhưng không thấy có gì lạ mà đứng lâu thì mỏi chân cũng không biết mình rình mò thế này có tác dụng gì không.
Nhìn cái điếu cày đang để gần cái cột thì tôi chợt nảy ra ý định chơi khăm mấy người này nên nhẹ nhàng quay lại phía đầu hồi, ở đấy có mấy cây ớt nhỏ, tôi nhìn thật gần và lần mò hái mấy quả có vẻ là chín rồi ngắt chừng 5 quả, do sợ ánh đèn điện chiếu vào khi bước qua cửa nhà nên tôi phải đi ra vòng sát ra mé tường rào trước nhà, đi qua phía sau những cái xe máy đang dựng ngoài sân, tôi đoán rằng ai mà nhìn thấy cảnh này thì giống như mấy quả ớt đang lơ lửng giữa không trung. Ngồi xuống cạnh cái điếu cày tôi nhanh tay bẻ đôi quả ớt nhỏ ra quét một vòng quanh miệng điếu sau đó thả luôn vào trong điếu, một vài hạt ớt còn dính ở phía trên tôi phải lấy tay gạt ra. Mùi ớt hiểm hăng hăng xộc vào mũi nên tôi phải chun mũi, nheo mắt lại vì sợ mình sẽ hắt xì thì lộ. Một lúc sau thì 5 quả ớt đã không còn ở trên tay tôi nữa mà đã nằm trong cái điếu cày, tôi khẽ mỉm cười với cái trò của mình.Trong khi thực hiện xong cái công việc nghịch để tiêu tốn thời gian thì tai tôi vẫn vểnh lên nghe ngóng xem những câu chuyện của họ có gì đặc biệt hay không, một lúc sau hai có hai người bước ra ngoài hiên để ngồi, trời đã tối mịt mùng, một trong hai người này chính là người đàn ông đội mũ lưỡi trai ban chiều tôi gặp ở quán nước của bà cụ Kh., chắc ban nãy ông ta ngồi quay lưng qua ra cửa nhà nên tôi không nhận ra. Ngay khi họ bước ra tôi đã lom khom đi tới nấp ở đầu hồi nhà, chỉ cách họ chừng chưa đến 3m.
- Ngày mai đến nhà cái thằng ranh con lấc cấc lúc chiều đi, mày cũng phải xem kỹ cây duối ấy!
- Cái thằng đấy nhìn mặt đúng kiểu con nhà có tiền không coi ai ra gì!
- Mấy đứa nhà có tiền thì đều thế cả, không được thông minh lắm đâu! Nếu bà cháu nó cần 2 triệu thì cũng đành gật đầu cho xong, tao là tao nghi cái cây duối đấy lắm...
- Sao thế anh? – Người đàn ông kia hỏi lại.
- Cái cây đấy mọc rất lạ, tao chưa thấy cây duối nào lại mọc trong lũy tre cho nên tao đồ rằng lũy tre là được trồng về sau này. Cái hào nước ngay cạnh lũy tre đấy mới được đào từ hồi những năm 60 hồi chia đất, tao hỏi kỹ rồi!
- Anh nghĩ cây duối đấy là chỉ dấu à?
- Chỉ dấu hay không thì chưa biết nhưng lão khọm già bảo là cứ phải đào lên mới biết được, phải bứng được gốc cây lên để xem dưới đấy có gì, nếu xung quanh có hũ tiền xu cổ thì anh em mình cũng vớ được mớ hời, bèo lắm thì công không nhưng tiền cũng chả phải của mình, tính làm gì?!
- Nhưng 2 triệu thì hơi vô lý!
- Mấy nhà có tiền thì chả quan tâm đến tiền thì gì? Việc này phải dùng tiền chứ không bịp được như mấy chỗ khác. Chúng mày nhớ theo dõi kỹ những nhà đã đánh dấu xem họ có rời làng hay không, chiều nay tao gặp lão khọm già thì lão ấy bảo là khả năng nội trong nay mai trong mấy nơi đánh dấu sẽ có người rời đi xa một thời gian.
- Đêm nay thì sao anh?
- Chơi cho chán đi rồi ngủ, trăng tỏ như này chưa làm được gì cả, thời cơ chưa tới thì phải cẩn thận, mấy việc lớn này muốn nhanh không được. Mỗi ngày chúng mày ăn với chơi cũng có tiền gấp mấy lần đi đào ao, bắt cá thì lo cái gì?!
- Thì em có ý kiến gì đâu, em chỉ muốn hỏi để chuẩn bị tinh thần, nếu không có việc thì tí nữa em đi lên thị trấn làm cốc cafe.
- Lắm chuyện, cái thứ nước đắng ngòm ấy ngon sao bằng chè Thái.
- Nhưng nó lạ anh ạ, ngồi nhâm nhi nghe nhạc Tây cũng vui...
- Tùy chúng mày nhưng nhớ đừng quên công việc, nhỡ việc là không chỉ chúng mày chết mà tao cũng khó sống đấy biết chưa?
- Em biết mà!
Người đàn ông có vẻ là đàn em kia sau khi gật đầu như hứa vui chơi không quên nhiệm vụ thì vớ lấy cái điếu cày, vo viên nhúm thuốc lào rồi châm lửa rít một hơi dài, rõ kêu nhưng sau đó thì ho sặc sụa, ho chảy cả nước mắt, một tay vuốt vuốt cổ còn tay kia huơ huơ như khát nước, ông ta loạng choạng đứng dậy chân nam đá chân chiêu như người say rượu vục mặt vào cái vại nước ngay góc sân, gần cổng.
- Mày làm sao thế??? Say thuốc à?
- Thuốc thằng nào mua mà... mà... mà nồng quá anh ạ, cay như ớt!
- Thuốc lào Tiên Lãng thì phải ngon, mày hút ba cái thứ thuốc lào chả mất tiền ngoài quán quen rồi nên thế đấy!
- Vâng... chắc vậy...
– ông ta vuốt mặt mấy lần cho hết nước – Nặng thật! miệng em còn nóng ran luôn!
- Hút không quen thì hút Du Lịch ấy, thích sang thì làm gói Vinataba cho đậm!
Gã đàn em gật gật đầu và tranh thủ ho thêm vài tiếng, tôi đứng nép sát đầu nhà phải cho một ngón tay vào miệng cùng chiếc lá để cắn, tôi sợ nếu không đau mình sẽ bật cười thì chết chắc.