"Con ăn cái này đi, Này ngon nè!".
"Dạ vâng".
"À! Này nữa. Món này cũng ngon lắm!".
"Dạ vâng".
"Cá nữa. Cá bà đã bỏ xương đem chiên. Giòn lắm!".
"Dạ vâng".
"Này nữa".
"..."
"Thịt cũng xào con thích này".
"..."
"Thêm miếng rau. Nay rau hái trên núi nên tươi lắm".
"..."
"Của cả bà tự muối, ăn thêm miếng đi".
...
Trong một bữa cơm tối, chẳng biết tôi đã phải bao nhiêu lần nhìn thấy đũa của bà gắp thức ăn đưa đến chén mình, từ món này đến món, chẳng sót một thứ gì nằm trên mâm cơm yên vị trên phần cơm trắng đầy hơn nửa chén. Nó thật sự khiến tôi áp lực rất nhiều, dù hành động được gắp thức ăn cho chính là một phần yêu thương mà bà ngoại dành cho đứa cháu gái ít dịp gặp gỡ này.
Cũng như bao nhiêu thiếu nữ tuổi mười tám khác, tôi cũng bài trừ việc tiêu thụ nhiều tinh bột, mà thay vào sẽ chủ yếu tiêu thụ các món trái cây, rau củ, hay chủ yếu ăn thịt như món chính tương tự người phương tây để kiểm soát tốt cân nặng. Mặc dù thì sau đó đi với bạn cũng làm một ly trà sữa, hay sinh tố, chè lạnh các kiểu. Song, cốt lõi vẫn là tôi đã lâu không còn dùng bữa theo mô hình gia đình cùng ăn cơm của một người Đông Nam Á, thành ra trong bữa ăn tối đã cưỡng ép bản thân không ít.
Hiện tại bụng cũng hơi không ổn, cảm giác có chút khó tiêu, chỗ thức ăn tối cũng như còn đọng ở cổ chẳng chịu trôi. Cả người đều thật khó chịu, dù với cảm nhận cá nhân thì đồ ăn bà ngoại nấu cho tôi rất ngon và mâm cơm ấy cũng có vẻ sung túc hơn những gì mà ông bà cùng mọi người thường ăn. Nhìn vào ánh mắt vui vẻ của mấy đứa cháu, em họ nhỏ khi ăn là biết. Chỉ là thật tiếc, loại vui vẻ cùng người nhà dùng bữa, gắp cho nhau ăn tôi đã quên quá lâu.
Chẳng lẽ tôi dị ứng với sự yêu thương sao? Thật khó nghĩ.
Bỏ qua chuyện ăn uống, chuyện tắm rửa, nghỉ ngơi, nơi đây cũng khiến tôi không thể tiếp nhận, thích nghi. Nhà tắm nhỏ tầm một mét vuông gì đó, trần thấp, đèn huỳnh quang ánh sáng trắng chói mắt, không bồn tắm, nước trong vòi xả vào thùng chuyên dùng đựng sơn dung tích lớn kèm một ca múc nước có tay cầm và nước nóng phải tự nấu mang vào. Tôi đã không ít lần chật vật vì bị đụng trúng, chói mắt, hay hắt xì ngay trong chính phòng tắm và phải tự tăng tốc nhanh việc vệ sinh cơ thể để chạy thoát thân về phòng nghỉ. Đến phòng nơi được ngoại sắp xếp, cảm xúc trong tôi càng tệ hơn trước.
Căn phòng bà ngoại xếp cho tôi ở là phòng cũ của mẹ, rộng chỉ khoảng hai mét vuông, trần không che thấy cả cái đoàn cột của mái nhà khung gỗ lợp ngói, chiếc giường gỗ giản đơn trải mỗi chiến trúc lên trên, thêm một gối nằm, một gối ôm và chiếc chăn bằng vải nỉ có họa tiết bò sữa, đầu giường cửa sổ lớn đóng chặt, đối diện giường là quạt treo tường, vách gỗ dán đầy giấy khen để tên của mẹ tôi, thêm một kệ sách để linh tinh đủ thứ với sách nữa là đầy ứ một phòng. So với căn phòng luôn đủ tiện nghi, rộng khắp, có chăn ấm đệm êm từ các thương hiệu lớn, tủ quần áo xa xả, bàn trang điểm sang trọng, cách biệt với phòng sách dùng để học, giải trí, nơi này làm tôi có chút ngột ngạt.
Tầm khoảng ba tiếng sau đó, khi đã yên vị trên giường nghỉ ngơi, thân trong màn ngủ, cây quạt bên đối diện bên trái quay tròn nhả gió, cảm giác bức bối khó chịu trong lòng tôi vẫn chưa thể nào tiêu tan được. Cảm giác này khó chịu, áp lực, làm tôi không thể nào nhắm mắt quá mười phút và vì vậy mà đã quá mười một giờ đêm, cả nhà đã chìm vào giấc ngủ rất lâu, thì ở đây bản thân lại vẫn lang thang trên điện thoại lướt từng tin một.
Mạng hơi kém, wifi nhà ngoại không có, tôi đã rất khó khăn với những biểu tượng loading hiển thị trên mình, cố gắng để không ném thứ thiết bị đang vô dụng khi thiếu nguồn mạng tốt trước mặt. Song, một cuộc gọi tới đã khiến tâm trạng tôi lên rất nhiều.
"Gọi gì?", tôi tỏ ra cộc, giọng ngang như đang rất khó chịu, dù đang thấy vui vì có người gọi đến trong lúc khó khăn này.
Bên kia đầu dây là tiếng cười khúc khích của Tạ Yến Quyên, một trong những người bạn tôi quen được từ hồi cấp ba, "Gì mà cộc vậy người đẹp! Thấy mình gọi đến không vui à? Cảm giác sinh thái tốt chứ?".
Sinh thái gì chứ? Tôi đang sắp ngạt chết vì căn phòng nhỏ này đây.
"Tốt lắm, muốn đổi không? Đừng đi du lịch Đức, đổi cho về quê sinh thái liền".
"Ha! Mơ đi. Mi có gì tốt cũng toàn tận hưởng mình, nhường ai bao giờ. Hiện tại đòi đổi là đang không hài lòng, muốn chuyển thành đi du lịch Đức chứ gì. Quyên đi trong bụng Mi rồi, đừng có mà lừa".
"Ủa? Trước đây còn bảo thương yêu người ta lắm, giờ kêu đổi thì bắt bẻ, không tin tưởng, nói người ta ích kỷ. Yêu thương kiểu gì vậy trời!", tôi cố ý trêu. Ai kêu trước đây nhỏ Tạ Yến Quyên khó ưa này dám trêu, cố tình ngay cá tháng tư tỏ tình, làm tôi bối rối, giờ lâu lâu mang ra chọc cho bỏ.
"Hahaha! Yêu lắm, thương lắm, nên mới để người yêu bé nhỏ tận hưởng vùng quê thanh bình đó. Chứ bên Đức không khí công nghiệp, xung quanh toàn người tây xí xa xí xào tiếng Đức, nghe không hiểu áp lực, không vui chút nào".
"Xì! Toàn ba hoa, nói yêu thương mà cứ giở ra là biện hộ lừa người. Gọi "Lươn Đà Lạt" không lệch tí nào".
"Ủa? Mà Mi đã làm người yêu của Quyên đâu mà đòi yêu thương nhỉ! Làm đi rồi người ta vạn dặm bay về đổi cho liền nè!".
"Bớt dối gian lại. Mà đang ở Đức à? Đi được đâu rồi?", tôi chuyển chủ đề, tránh đem chuyện yêu đương ra đùa tiếp.
"Ưm... Nhớ người, muốn call video nên làm bộ hỏi ở đâu chứ gì? Xấu quá nha tình yêu. Mở cam đi cho xem", Tạ Yến Quyên bên kia đầu dây giọng đắc ý thấy rõ, làm tôi muốn xuyên màn hình tát cái cho nhỏ tỉnh ghê. Song, tôi vẫn ấn vào nút mở camera khi nó thông báo hỏi, để cốt được xem cảnh ở Đức đang ra sao.
Tuy đã đi Đức được mấy lần để du lịch, nhưng tôi vẫn luôn không hết tò mò cảnh vật có thể đổi thay thế nào khi bản thân đã đi qua.
Camera mở, cảnh ở Đức đâu không có, chỉ thấy gương mặt tươi cười nhắng nhít như con nít ranh của nhỏ bạn trên màn hình, làm tôi mất cả hứng, tỏ thái độ ra mặt, "Làm ơn, tôi mở cam để ngắm cảnh, chứ không phải coi đười ươi trong sở thú. Mà nhìn cảnh sau lưng thế kia chắc là đang ở phòng chờ nhỉ!". Khung cảnh phía sau có cửa kính, chữ được in chìm bị ngược ra ngoài, nhìn kỹ chút thì tôi đọc được nó ghi là phòng chờ sang bay dành cho hạng thương gia.
"Ưm! Người ta cố tình không lên máy bay để ngồi chờ cậu đến vào phút chín mươi để đi cùng, tận hưởng tuần trăng mật với nhau, vậy mà coi kìa, thái độ chưa kìa", Tạ Yến Quyên cố tình bày ra bộ dáng ủy khuất, vờ chấm nước mắt vô hình trên mặt. Song, thần thái mạnh mẽ, mái tóc ngắn cá tính nổi bật cùng gu thời trang theo kiểu phụ nữ trưởng thành với áo blazer nâu phối váy vàng nhạt, cô nàng diễn cỡ nào cũng không nổi nét trẻ con như cô bé váy lam tôi gặp lúc chiều.
"Bớt lại. Đừng có mà ra đó ngồi dọa trẻ con", tôi vẫn duy trì thái độ cộc như thường lệ khi đối diện với Tạ Yến Quyên. Ban đầu thì cũng lo mình khó khăn, nhưng cô ấy đã bảo thích tôi thoải mái, tự nhiên theo cách riêng, nên cũng không có việc gì bày ra bộ dáng thục nữ giả tạo.
"Cộc ghê!", Tạ Yến Quyên lè lưỡi tỏ ý chê. Sau nói tiếp, "Mà nhìn mặt hình như đang mệt nhỉ? Chuyến đi không thuận lợi à?".
Đương nhiên là không thuận lợi. Tôi sau đó mang hết bực tức, cũng như trải nghiệm của bản thân, thêm mắm dặm muối một chút kể cho Tạ Yến Quyên nghe. Song, nghe rồi cô ấy lại cười, nghĩ mà tức.
"Có gì vui. Mình tức đến điên đây. Nếu đây có app là đánh giá cho một sao, chứ đừng có mà nghĩ hiền rồi làm tới. Tiền chứ có phải nước đâu mà ăn trên đầu trên cổ".
"A a a! Biết quạu, tức lắm, nhưng đừng cau mày, da nhăn, mau già liền bây giờ. Thư giãn, thư giãn tí, hít thở sâu", Tạ Yến Quyên làm động tác hít thở sâu theo phong cách lố, mặt làm ra vẻ xấu, cố tình an ủi và tôi đã thật sự bật cười vì khuôn mặt trong như kẻ ngốc của cô ấy.
"Bớt diễn trò. Kêu cảnh sát sân bay đến bắt vì tội dọa trẻ con, làm ô nhiễm quan cảnh bây giờ", tỏ vẫn tỏ ra khó chịu ngoài mặt, nhưng giọng nói đã dịu đi hơn và hẳn Tạ Yến Quyên cũng sẽ nhận ra việc an ủi đã có tác dụng.
"Ủa? Ai dám bắt? Có ông là Đại tướng, cha là Chủ tịch tập đoàn hàng không, mẹ bên hải quan để làm gì nhỉ!", Tạ Yến Quyên hất tóc, tỏ ra đắc ý.
"Ừm, còn bên ngoại mấy đời làm pháp sư trừ tà nữa. Ngầu nhất chị Yến Quyên nhà ta luôn á!".
"Đương nhiên ngầu nhất rồi. Sao, giờ em đã hối hận vì ngày xưa từ chối chưa hả?", Tạ Yến Quyên nháy mắt, cố diễn nét một tay chơi sát gái. Cơ mà gái bị sát đâu không biết, hay ai bị sát không biết, chứ tôi thì muốn xuyên màn hình đấm vào mặt đứa bạn này của mình ghê nơi.
"Ghê chưa! Vậy giết bồ cũ giùm em đi, rồi yêu nhau liền. Chứ nó hãm quá mức, ta đến với nhau không được đâu nha!", tôi cũng không tức đùa lại.
Tạ Yến Quyên liền phá lên cười, hỏi, "Ủa? Nó vẫn còn nhắn tin hả?".
"Ừ! Thứ đỉa đói, chia tay vẫn nhắn tin các kiểu, giả vờ đáng thương. Lúc nó cắm sừng người ta cho sướng đầu dưới chắc nghĩ gì ai, giờ năn nỉ như kiểu bản thân tình thánh. Con người chứ con gì mà nó lạ lắm", tôi vừa nói vừa nghĩ đến đoạn video bạn trai cũ của mình với mấy nhỏ khác làm tình ngay trên giường mà cả hai hay nằm với nhau, lòng vừa tức điên, vừa kinh tởm hạng nhân cách phế thải đó đến tận xương tủy. Nhà nước mà cho một ngày thanh trừng, giết người không ở tù thì thằng đó chắc ăn có một suất được tôi nhẹ nhàng tiễn sang thế giới bên kia.
"Hahaha! Mới nói chút coi giận kìa. Thôi, kệ nó đi, đồ rác rưởi đó thì để tâm làm gì. Quan tâm, trân trọng người trước mắt luôn yêu Mi nè!".
"Ừ! Trân trọng lắm, thương lắm, thì có vì vậy bỏ đi du lịch chạy xuống đây vì tôi không? Chỉ giỏi dụ dỗ, thả thính, vờ thâm tình khắp nơi", tôi vô tình giận cá chém thớt, theo mạch cảm xúc mà hơi nặng lời với Tạ Yến Quyên. Lúc nhận ra mình lỡ lời thì đã muộn, không cách nào rút lại những câu chữ đã nói, lòng với đối phương không khỏi áy náy. Song, dường như cô ấy lại không nghĩ vậy, thậm chí còn phá lên cười.
Nhỏ này thích bị ngược đãi, thuần chủng máu "M" ư?
"Cười gì? Thích nghe ăn chửi lắm hả? Mà cũng đúng, được mỹ nhân chửi là phước mấy đời, không phải ai cũng được hưởng đâu. Tự cảm ơn bản thân kiếp trước đã tu phước đi".
"Chắc vậy rồi. Đâu phải ai muốn thấy hoa khôi toàn trường Hồ Miên Mi giận là được đâu, cũng diễm phúc lắm mới thấy cơ. Đúng không nè?", Tạ Yến Quyên nháy mắt tinh nghịch, hẳn lại muốn làm tôi vui đây mà. Thật, trong đám bạn hiện tại thì dường như cô nàng này là chịu chiều tôi nhất, cũng biết cách dỗ người nhất. Chỉ tiếc là miệng lưỡi ngọt ngào, rải thính khắp nơi, nam nữ ăn không tha, cốt tủy hoa đào, nên đến giờ vẫn chưa thấy yêu đương nghiêm túc nổi với ai.
"Bớt miệng lưỡi lại để sớm có người yêu. Đây còn chờ một màn "rửa bồ" ở nhà hàng năm sao tại Paris".
"Được. Muốn là có liền, nhưng hơi cực. Mi phải đi Paris ăn tối với tận hai thân phận cơ đó. Chịu không?".
"Cút!", tôi lườm cảnh cáo Tạ Yến Quyên tội dám công khai gạ gẫm bạn làm người yêu. Đương nhiên tôi biết cô ấy đùa và bản thân cũng là đang đùa lại. Tí niềm vui của gen Z, cộc như đam mê, bạn thân là để chửi.
"Hahaha! Cút chứ không phải từ chối chứ gì. Ok! Hẹn gặp lại em yêu sớm nhất để tâm tình chuyện chúng mình nhá!".
"Đến giờ bay?".
"Ừm, người ta hối, không đi người ta bỏ lại. Thôi thì bỏ bồ, chứ bỏ vé thì tốn tiền, nên tạm biệt nhé người yêu tương lai!".
"Hơ! Trước miệng lưỡi yêu đương, sau thì vì tiền mà bỏ lại. Giờ ngon thì chạy xuống đây, bỏ chuyến bay vì tôi đi rồi tính tư cách làm người yêu tương lai nha bạn".
"Chắc chưa? Không hối hận nha! Giơ ngón út để ngoắc tay qua màn hình làm tin cái", Tạ Yến Quyên giơ ngón tay út trái lên để lộ nhẫn đôi thuộc một cặp mua với tôi. Nhẫn làm từ bạch kim, dạng tròn mỏng đơn giản, là nhẫn cặp tình bạn do tôi mua cho cả hai hồi lớp mười một, sau khi cả hai bị cha mẹ phạt vì tội cùng trốn học bay sang Thái mấy hôm mà không xin phép ai. Mà lần đó nguyên nhân cho chuyến đi đột xuất đó chỉ vì tôi đọc một mẩu tin trên mạng xã hội về một quán Raan Jay Fai ở Thái được một sao Michelin và than thở muốn đến ăn thử món trứng ốp lết cua.
Tạ Yến Quyên không như tôi, tính khí thất thường, chọn lối sống bình bình, hưởng thụ, cô ấy là con người năng động, có năng lực, mạnh mẽ, thông minh, luôn có kế hoạch cho cuộc sống và nhiều chức vụ làm trong mấy năm liên tiếp từ Tiểu học đến hiện tại là Đại học cũng không phải hữu danh vô thực. Song, cũng chẳng biết vì lý do gì, tại tôi đẹp, hay do bắt được tần số, chơi hợp nhau, cô ấy lại hay có xu hướng nuông chiều, nhường nhịn cho đứa bạn này trong mọi chuyện. Lần sang Thái là thức khiến tôi cảm nhận rõ nhất việc được coi trọng cỡ nào, nhẫn đôi tình bạn cũng vì vậy mà đeo trên ngón út của chúng tôi đến hiện tại.
Chính vì lẽ trên, dù đôi khi bực vì nết thả thính khắp nơi, đùa nhây, hay không rõ ràng trong chuyện tình cảm của Tạ Yến Quyên với người khác, nhưng tôi chưa bao giờ muốn kết thúc tình bạn này. Và thông thương nếu cô ấy dám không nghiêm túc, làm khổ con người ta, tôi sẵn sàng là người đầu tiên đấm bạn mình ra bã.
"Thôi thôi bớt nói nhảm. Lo đi rồi mua quà về đây cho tôi, không thì không bạn bè, yêu đương gì hết", tôi vờ xua đuổi, dù thật sự vẫn muốn nói chuyện với bạn hơn một lát. Tại khi nói chuyện với nhau, được vui đùa, chuyện trò thoải mái không lo nghĩ, trong một thoáng cảm giác ngột ngạt của tôi khi ở nơi này đã giảm đi đáng kể.
"Ừ! Ôm cả nước Đức về cho làm quà, chịu chưa?".
"Ngon làm được thì nói nha!".
Tạ Yến Quyên bật cười, "Đương nhiên, cho người yêu mà".
"Bớt nhây. Lo mà đi đi kìa. Sang đó giờ mùa này nắng như điên, lo mà chuẩn bị chết cháy đi".
"Đừng lo, chuẩn bị kem chống nắng rồi nha người yêu".
"Ai thèm lo. Bớt ảo tưởng lại giùm".
"Hahaha! Người yêu ở quê du lịch sinh thái cũng ít thôi, ngủ đúng giấc của người nông thôn, ăn uống cẩn thận, làm theo con ngoan trò giỏi. Nếu nhớ thì nhấc điện thoại gọi, đây luôn luôn sẵn sàng chờ xem bộ dạng thảm thương của cưng đó nha!".
"Ừa! Không tiễn, đi đi".
"Ủa chứ tiễn được à?".
"Bớt khịa. Đấm cho bây giờ".
"Hahaha! Vâng! Đi đây. Bis gleich!", một lời hẹn gặp lại tiếng Đức, nhưng Tạ Yến Quyên lại chào sai. Ngốc ghê! Mất cả hình tượng trưởng thành, mẫu mực, thông minh rồi.
"Phải là "Bis dahin" đồ ngốc à! Mach's gut!".
"Hihi! Schlaf gut!", Tạ Yến Quyên cười đầy thâm ý, vẫy tay với tôi. Cũng chẳng hiểu cô ấy cười cái gì, nhưng rất nhanh cuộc gọi chung giữa chúng tôi đã phải kết thúc. Cảm giác ngột ngạt lại mau chóng kéo đến và nhấn chìm tôi.
Lần nữa, tôi lại tìm đến điện thoại để giúp bản thân mình tốt hơn, dù biết nó chẳng mấy tốt đẹp về lâu về dài. Song, chẳng biết gì lý do vừa rồi cuộc gọi quá dài, hay nguyên nhân của vùng, mạng kết nối điện thoại của tôi đang yếu đến mức không thể tả, chẳng bù cho cuộc gọi suôn sẻ không điểm chết trước đó.
Không lướt được mạng, tôi chuẩn sang chơi tạm mấy game ngoại tuyến trên điện thoại, nhưng lần nữa thứ công nghệ này lại giở chứng, pin hiển thị còn mười lăm phần trăm. Hay nói cách khác, tôi nên sạc điện thoại, không thì sẽ rất nhanh thứ trị giá bằng cả mấy tháng lương của một người bình thường trên tay tôi sẽ biến thành cục gạch vô dụng chờ vô bãi phế liệu. Nên dù không muốn lắm, nhưng có lẽ cũng không còn cách nào khác ngoài đi "cho điện thoại ăn".
"Mệt quá", tôi ngồi dậy, kéo một góc màn vừa đủ chui ra, đi đến túi hành lý tìm kiếm dây sạc để nạp năng lượng cho chiếc điện thoại sắp chết của mình. Song, kiếm được dây rồi, nhìn quanh một chút, nơi này lại hình như không có ổ cắm điện.
"Gì vậy? Ổ cắm điện đâu rồi?", tôi hoang mang.
Đi loanh quanh, nhìn ngó một chút tới lui, chẳng nơi đâu cho tôi tìm thấy được chỗ cắm sạc. Chắc tôi nên ngó xuống, hay cụ thể là sau đó phải quỳ xuống, bắt đầu tìm kiếm dưới bờ vách ổ cắm điện để sạc điện thoại cho bằng được, không sợ là đêm nay ngủ chẳng nổi mất.
Kiếm một lúc, tôi chuẩn bị bỏ cuộc, trời lại không phụ lòng người, ở chỗ gần kệ sách, gần như ẩn đi, đã tìm thấy một ổ cắm điện được lắp dính vào vách gỗ phía gần sát sàn. Nhưng tủ sách lớn đã che nửa ổ điện đi, nên tôi đã rất mất công để đẩy tủ sách qua một chút mới thấy được ổ điện trọn vẹn, đủ chỗ để cắm cục sạc vào và nạp năng lượng cho chiếc điện thoại yêu (hiện tại).
"Để sạc được cho mày mà chủ đây hơi bị khổ đấy nhóc!", tôi than thở vời chiếc điện thoại của mình, trong khi đang bận thao tác tắt báo thức, bật chế độ máy bay để tránh bị làm phiền khi ngủ, dù cũng chưa biết là đêm nay ngủ được không. Song, trước khi kịp quay lại giường, cố ru bản thân vào giấc ngủ, lúc để điện thoại xuống, mắt tôi đã va vào một cái lỗ nhỏ bằng miệng một lon nước ngọt loại cao sàn gỗ.
Gỗ sau khi cắt ra nơi từng là nhánh cây sẽ có vòng, hình dạng như mắt, hay gọi là mắt gỗ, chỗ bị hỏng trên sàn vừa đúng có độ lớn như những mắt gỗ tôi hay thấy ngày nhỏ khi chơi trò đếm các đường vân gỗ dài trên sàn nhà ngoại. Chẳng lẽ nào do nhà quá lâu, bị ẩm, mục đi, mắt gỗ có dạng định hình sẵn nên bị lủng mất, hay là mẹ tôi lúc nhỏ đã nghịch đây nhỉ? Chỗ lỗ kia dù sao nhìn trông cũng khá trơn mịn, không giống như mới được tạo ra lắm.
Tò mò, tôi cố đẩy tủ sách ra thêm một chút nữa để nhìn rõ lỗ trước mặt, dù nói cách nào đó thì ban đêm ngồi quan sát một cái lỗ trên sàn là chuyện nhàm chán nhất con người có thể làm. Song, đó lại là một quyết định sai lầm.
Khi chỗ bị thủng hút mắt một cách khó hiểu, cố nhìn sâu xuống, muốn xem tường tận bên dưới có gì, tò mò như đứa trẻ, thì bỗng dưng một con mắt với các gân máu đỏ lay động nhìn thẳng vào tôi. Theo phải xạ và tâm lý bình thường, tôi giật mình ngã ngồi ra sau, đầu vô tình đập thẳng vào vali đang để sau lưng ngã lên sàn, tạo thành âm thanh lớn chói tai.
Tim tôi đập mạnh, cả người căng cứng, lưng lạnh sống, trong đầu là hình ảnh con mắt đang sợ dưới lỗ kia bao trùm, cả cơ thể rơi vào nỗi kinh hoàng hiếm, môi mấp máy lại chẳng nói nên lời. Cái thứ, nó sao lại ở đấy?
Nhà ngoại tôi xây ba gian bằng mái lợp ngói vảy cá đất nung, kiến trúc kiểu cổ, sàn nhà thấp cách đất chưa quá hai mươi centi, dùng cho mục đích tránh côn trùng, cách nhiệt là chủ yếu, muốn chui xuống được cũng chỉ có thể chó mèo các loại, cơ bản con người không thể nào. Cho nên, con mắt đỏ ngầu, nhìn thẳng tôi trước đó chắc chắn không phải của người, mà nếu là người cũng chắc chắn không phải chuyện tốt làm gì.
Thật khủng khiếp. Tôi nên gọi mọi người dậy xem xét không? Nhưng họ đã ngủ cả, lỡ vừa rồi là tôi nhìn không cẩn thận hiểu nhầm, lại như không làm ầm đi phiền người ta, vậy thì tội lỗi và mất mặt lắm.
Tôi không biết làm gì cho phải hết. Làm sao đây? Có ai giúp tôi không?
Mất hồi lâu, tôi vẫn không cách nào cử động, sợ hãi như một đứa ngốc, mà không chịu đứng dậy tìm cách giải quyết, hay nhờ sự giúp đỡ của ai. Cho đến khi bên ngoài cửa sổ có tiếng như bị thứ gì đó va vào kéo tôi quay lại thực tại, rồi một tiếng, hai tiếng, nhiều lần lập lại liên tục chứng tỏ thứ gì đó va vào cửa không phải ngẫu nhiên.
"Gì vậy?", tôi tỏ ra đề phòng, quan sát chăm chú cửa sổ đóng chặt, trong khi chống tay ngồi dậy. Song, so với trước đó, cảm giác như có ai đó đang cố gắng gây chuyện làm tôi cảm giác an lòng hơn. Hoặc có lẽ so với ma quỷ quái chạy khắp nơi gây loạn, tôi dành ít sợ hãi cho người sống hơn một chút do ít nhất khi bản thân phản kháng còn có thứ cho mình làm mục tiêu đánh trúng.
Tôi đứng nhìn cửa sổ vẫn đóng, những tiếng va đập vào cửa sổ vẫn không dừng lại, cứ như có ai đó dùng đá ném vào cửa sổ. Lúc chiều khi tôi vào làng nơi đây chưa đến bảy giờ đều đã đóng cửa, ai ở nhà nấy, ngoài trừ nhà ngoại ra đoán cháu thì tuyệt chẳng soi được bóng ai, vậy mà giờ giữa ban đêm thế này lại... Điều gì đang chờ đợi tôi đây? Còn nữa, con mắt đỏ ngầu đó...
Vô thức, tôi lại nhìn về chỗ lỗ dưới sàn, trái tim trong lồng ngực vẫn không ngừng nhảy loạn, sợ hãi cùng tò mò hòa thành một, sự mâu thuẫn chồng chất, đôi mắt không nghe lý trí vẫn cố muốn xem thứ khiến mình lo sợ bên dưới tấm gỗ lót sàn dày. Nhưng ở đó chỉ còn một mảng tối.
Vẫn vô cùng tò mò, tôi nhích đến chút coi, dùng cả điện thoại soi xuống cũng chỉ thấy một nền đất pha sét bám rêu xanh, con mắt trước đó giống như chỉ là một khoảnh khắc nằm trong miền ảo tưởng của chính mình.
"Ôi trời! Mình điên rồi", tôi thầm tự trấn an bản thân, tự trách chính mình để thần hồn át thần tính, hoa mắt nhìn bậy. Song, tiếng động bên cửa sổ vẫn như vậy, vô cùng rõ ràng, không thể nào cũng là giả.
Tôi lấy ra từ vali đồ chai xịt hơi cay, cẩn trọng tiếng lại cửa sổ, chờ đợi, muốn xem bên ngoài có phải thật sự có người đến phiền nhiễu. Nếu đúng phải, chai xịt hơi cay mua lâu ngày này tôi nhất định không để vô dụng.
Sau này nhìn lại, tôi cũng chẳng hiểu mình lấy đâu ra can đảm cầm chai xịt cay chờ đợi đối đầu với nguy hiểm, trong khi trước đó còn sợ đến mất hồn vì nhìn lầm có một con mắt dưới sàn nhà. Cơ mà, cũng có thể vì biết chuyện trước đó là giả, bản thân sau đấy vì vậy mà có chút chuyển xấu hổ thành giận, muốn tìm thứ gì đó xả tức, hay đối tượng gây chuyện tình cờ để đổ tội, vô tình tự sinh ra dũng khí.
Tôi im lặng, tay nắm chặt bình khí cay, tai áp sát vào vách gỗ, dưới cửa sổ, cố lắng nghe bên cạnh tiếng ồn liên tục trên cửa còn thêm thứ gì có manh mối, hay biết được bên ngoài là thứ gì không. Mặc dù thực tế thì lòng tôi đang tự nhủ bên ngoài là người, muốn bên ngoài là người và cưỡng chết bản thân chắc chắn bên người là người. Chứ kia thì... Lạy Chúa trên cao!
"Mi ngủ rồi sao ư? Tiếng ồn vừa nãy... Làm sao bây giờ? Gọi không?", giọng nói như con nít, âm điệu trong trẻo, âm lượng nhỏ đến gần như là thì thầm, tôi phải cố lắm mới nghe được trọn giữa ồn ào anh thâm dị vật va vào cửa và nhận định được người là ai.
Tôi không nghĩ nhiều liền đứng dậy, tháo chốt, mở tung cửa sổ, một hòn đá nhỏ vừa lúc đang bay đến, tránh không kịp, hại mặt bị đá va trúng.
"Điên à!", tôi dùng tay xoa chỗ mặt bị đá ném trúng. Máu không chảy, đá cũng nhỏ, nhưng mặt tôi khá đau. Xui gì đâu.
Tôi ném ánh nhìn giận giữ ra kẻ bên ngoài, tức giận mắng, "Nửa đêm không ngủ còn chạy đến quậy phá. Điền à".
Bên ngoài, dưới bóng tối của trời ảm đạm sau mưa, nương theo đèn pin trên tay của đối phương, gương mặt tội lỗi, lo lắng của cô nàng lúc chiều ôm giúp tôi hành lý hiện rõ trong mắt. Vẫn bộ váy lam sắc đó, khuôn mặt trong trẻo, hiền lành, mang hương vị thiếu nữ mười lăm, khiến ai cũng dễ dàng yêu thương, say mê ấy, nhưng mà giờ cô ta khiến tôi hơi bị ghét.
Trước tự ý đang xách hành lý cho người ta bỏ đi, sau nửa đêm ném đá vô cửa, gây tai nạn đá va xém vỡ mặt, hỏng nhan sắc của tôi. Từng bước một, thiện cảm nhờ nhan sắc và tính cách đáng yêu ban đầu đều vỡ đi không ít. Cũng chẳng hiểu nửa đêm đi kiếm người làm gì? Ăn khuya chắc?
"Đến đây chi?", tôi xoa xoa mặt, lợi dụng chiều cao trong phòng hơn bên ngoài tầm năm mươi centi nhìn xuống đối phương, tỏ ra khí tức phẫn nộ, như kẻ bề trên đang muốn trừng phạt kẻ hạ tiện. Cơ mà, tôi cũng không phải xem ai thấp hơn mình, mà chủ yếu do khí chất bản thân khá kiêu, bình thường bạn bè còn hay trêu là "Nữ vương", lúc này đang giận, nên có nhiêu chơi hết nhiêu luôn.
Cô ấy cúi đầu, vai run lên, dường như đang cảm thấy tội lỗi vì những gì đang làm, môi khẽ nói, "Xin lỗi... Mình chỉ muốn xem Mi. Mình thật sự xin lỗi". Đầu cô ta cúi sát đến nỗi tôi cảm giác như múi gập nửa người.
"Xem cái gì? Bộ tôi thú lạ ở sở cho cô tham quan à? Có ai nói với cô chuyện cố tình theo dõi, quấy rối người khác là hành động của kẻ biến thái không hả? Muốn gì sao không đến nói trực tiếp với tôi, rảnh hơi bày trò này vui lắm hả?", tôi gần như nạt nộ đối phương. Nghĩ lại thì lúc ấy tôi cũng nóng thật, cô ấy cũng đã cố ý ném đá trúng, với lại làm ồn lúc ngủ cũng không đến mức nên cộc như vậy.
"Mình xin lỗi. Mình chỉ sợ Mi ngủ không ngon, muốn đến xem một chút. Vừa nãy nghe tiếng ồn nên... Mình thành thật xin lỗi mà. Mi đừng giận, đừng nghỉ chơi, bỏ mình lại nhé! Mình mua kẹo bù cho Mi được không?".
"Tôi là con nít à? Cô muốn tìm bạn nhỏ chơi đùa thì đi nơi khác, đừng phiền tôi ngủ!", tôi giận đến cực độ, nói xong tay đóng cửa sổ lại, không thèm quan tâm cái người kia. Sau này nghĩ chút thì cô ấy cũng có ý tốt, muốn xem tôi ngủ trước, với lại nghe tiếng động, lo lắng mới dùng đã ném vào cửa để kiểm tra tình hình. Song, cách bám theo âm thầm như vầy thật sự biến thái, khiến tôi rùng mình và tức giận.
Lúc đóng cửa, âm thanh lớn đến mức tôi cảm giác nó sắp rơi ra ngoài, nhưng lại chẳng để ý bản thân có thể khiến cả nhà thức vì cơn giận của mình. Sau đó tôi quay lại giường nằm, kéo chăn, nhắm mắt ru mình vào giấc ngủ, dù cảm giác ngột ngạt vẫn ở ngay cổ, hiện còn thêm sự tức giận, lòng nóng ran, chẳng thể bình an ru giấc.
Nằm khoảng gần nửa giờ, cơn giận đã bớt, tôi nhìn nhận lại mọi thứ theo hướng thoải mái hơn và thừa nhận sự quan tâm kia là thật dù nó cũng có gì đó biến thái đến khó hiểu. Mọi người biết đó, ai lại hy vọng dính vào một kẻ bám đuôi đâu. Nhưng nghĩ đến người ta con gái dễ thương, nửa đêm nửa hôm thế này ở bên ngoài, nói không lo chính là nói dối.
"Trời ạ! Sao mình lại đi lo lắng ngược cho kẻ bám đuôi mình kia chứ?", tôi tự than thở về bản thân, tò mò tình hình của người kia không biết đã thế nào.
Tôi lăn lộn lại trên giường, nghĩ xem bản thân nên đi coi chút, xem tình hình ra sao không hồi lâu. Đến cuối vẫn là nhân tính nhiều, con gái hay lo cho nhau, tôi vẫn để tình cảm át lý trí, ngồi dậy, kéo màn ngủ lên, đi lấy điện thoại đang sạc mở đèn, mở cửa sổ, gọi đèn ra xem kẻ bám đuôi mình đã ra sao và bất ngờ ghê, cô ta vẫn ở ngoài đó kìa.
Dưới ánh đèn, cô ta ngồi co ro, cúi đầu, mái tóc đen dài che đi gối, bộ dáng nhỏ bé đáng thương, nói không ai tin chứ giờ nhìn còn giống tôi đây là người đuổi con người ta ra đường, để mặc đối phương chịu ủy khuất hơn mới buồn cười. Sao mà có thể làm ra hành động ngược lại khiến bản thân đáng thương hơn người bị hại, bị theo dõi kia chứ. Ơi là trời!
"Này! Định ngồi ở đó đến sáng mai, cho người nhà của tôi và dân làng đến thấy, hiểu lầm, đánh giá tôi hả gì?", tôi tỏ ra cục súc, dù thật lòng là đang quan tâm cô ta. Chứ không ngủ luôn rồi, hoặc không ngủ cũng nằm yên trên giường chơi, chứ không mắc gì phải mở toang cửa sổ cho gió lạnh lùa vào, buốt cả người chi.
Cô ta ngóc đầu dậy, hai mắt đỏ hoe rưng rưng, môi cắn chặt, khuôn mặt đáng thương nhìn tôi, bộ dáng như người bị hại dù thực tế là bị báo.
Ủa? Tôi mới là người bị hại, cần khóc nè? Cô ta mắc gì khóc? Nếu bằng tuổi thì cũng mười tám rồi, có phải ba bốn tuổi đâu mà mới nói mấy câu đã nức nở như cả thế giới sụp xuống vậy. Tiểu bạch liên à? Ghét ghê!
"Bộ tôi ức hiếp cô lắm sao khóc? Mất gì khóc?".
Cô ta lắc đầu, "Không có. Hức. Mi không có... hức... ức hiếp. Mình xin... hức... lỗi. Đừng... hức... đừng nghỉ chơi... hức với mình mà. Mình xin lỗi!".
Ngay cả nấc cụt cũng y như con nít, cô ta thật sự làm tôi nghi ngờ độ tuổi nha!
"Thế thôi mà khóc y như mất cả thế giới vậy à? Cô từng chia tay bạn trai chưa vậy? Y như con nít chưa lớn ấy".
"Mình... hức... xin lỗi... Hức... hức... Mình xin lỗi Mi. Sẽ... hức... không khóc nữa. Đừng... hức... bỏ mình... hức nhé!", vừa nói vừa nấc cục, nước mắt thì vẫn còn đọng lại trên cả mắt và mặt, vệt đỏ tô điểm cho nước da trắng nhợt nhạt, cô ta dường như đẹp hơn lúc chiều gặp nhau mấy phần. Đúng là con gái có vẻ ngoài, dù là khóc, quấy y như con nít ranh, thì thu vào mắt vẫn thật có phong vị riêng, làm người ta không thể ghét bỏ nổi.
"Nói kèm nấc cục, nghe hiểu chết liền", tôi tỏ ra khó chịu ngoài mặt, quay đầu bước đi chỗ khác. Song, không phải là bỏ đi chẳng quan tâm, mà thay vào đấy là đến chỗ túi xách lấy ra khăn tay thủ công của chính mình, quay lại, rồi ném ra cửa sổ cho cô nàng trẻ con bên ngoài lau nước mắt. "Cầm lấy lau nước mắt. Đừng để người ta nghĩ tôi này nọ, không cô đừng hòng sống cho đến khi tôi quay lại thành phố".
Cầm chiếc khăn trên tay, ánh mắt cô ta có mấy phần sững sờ trong giây lát, sau lại chuyển thành vui vẻ, nhìn chiếc khăn như thể vật báu, để sát phần mũi và miệng y như đang say đắm ngửi, không thèm nể mặt tôi còn đang nhìn dù một chút. Cô nàng này, nên bảo ngây thơ không hiểu chuyện, hay là quá mức vô sỉ đến độ công khai có hành động như quấy rối đây?
"Điên à? Ngửi cái gì? Mau trả lại đây!".
"Không có... hức... Không có ngửi", cô ta vội xua tay giải thích, đồng thời đứng lên, chạy đến bên cửa sổ để gần nhau hơn. Bên ngoài ngay dưới của sổ là phần dàn của nhà cất dư một khoảng làm lối đi lại, cô ta chạy đến đứng gần, chiều cao thấp hơn tôi gần như chỉ một chút, khoảng cách thu hẹp lại còn mỗi những thanh gỗ dọc chắc cửa sổ.
"Không ngửi thì làm gì mà đưa lên gần mũi thế kia. Cho mượn lau nước mắt, dám lau nước mũi tôi đánh cho đó", tôi đưa tay dọa.
Trời ạ! Nhờ cô ta mà tôi lòi máu bạo lực.
Cô ta hai tay ôm đầu sợ hãi, "Đừng đánh! Không... hức... không khóc nữa. Đừng đánh mà... Hức... đừng đánh! Đau lắm! Hức! Đừng đánh nữa! Đau lắm! Sợ lắm! Mi à! Đừng mà...".
Con nhóc này, cô ta lại bị gì vậy trời.
"Này!", tôi đưa tay qua cửa sổ nắm lấy bàn tay đang áp sát đầu của cô ta, muốn ngăn sự làm ồn phiền phức này lại. Song, lại phát hiện ra tay cô ta đang run rẩy, lạnh còn hơn cả băng, sợ hãi dường như cũng chẳng phải giả.
Trong một phút, tôi đã mủi lòng, nén không được lo lắng cho người ta, "Cô đã đợi bên ngoài bao lâu vậy. Lạnh như băng ấy". Tôi siết nhẹ tay, muốn hơi ấm của bản thân truyền qua được một chút cho cô ấy.
Hành động ấy có lẽ có chút tác dụng, cô ta không còn sợ hãi la hét chuyện đánh đấm, ngóc đầu nhìn tay, ánh mắt to trong, linh động, như một đứa trẻ đang nhìn thấy thứ gì đó vô cùng trân quý. Vì ánh mắt này, tôi trong một khoảnh khắc đã động lòng, để rồi sau này cả đời cũng chẳng quên được. Ngốc ghê!
Thấy cô ta đã dịu xuống, tôi cũng không quên tiếp tục trấn an, "Tôi chỉ dọa cô thôi, đừng sợ. Tôi ở đây, tôi không đánh cô, cũng không để ai đánh, hay chạm đến cô được. Hiểu chứ?".
Cô ta gật đầu, bộ dáng ngoan ngoãn như đứa trẻ nhỏ. Ánh mắt nhìn tôi cực độ tin tưởng, lấp lánh như ánh sao, đẹp và chân thành hơn cả những kẻ từng quỳ xuống trước tôi tỏ tình. Cũng phải thôi, bọn người yêu cũ của tôi hai tám mươi phần trăm đều làm đám khốn mà.
"Chờ tôi bao lâu rồi? Lạnh không?".
"Mình muốn chờ gặp Mi...".
"Tức là từ lúc tôi về chờ đến giờ?".
Cô ta gật đầu.
"Ngốc vừa thôi, ai lại đợi mà không nói tiếng nào như vậy. Muốn gặp thì cứ gọi, tôi cộc chứ cũng đâu đến mức đánh người khác chỉ vì làm phiền mình một chút đâu. Giờ sao, muộn rồi đó. Sao không về nhà ngủ đi?".
"Không về được".
"Sao không về... À! Mà cũng đúng. Tôi mà có đứa con gái tự dưng đi chơi muộn, bắt canh cửa thì chắc ăn cho nằm ngoài, chứ không có chuyện mở cửa đâu", tôi cười, tay còn lại đưa ra búng nhẹ vào trán của cô ta, tỏ ra bản thân như người lớn đang dạy bảo trẻ nhỏ nên người.
Ủa? Trước đó còn là tình huống tôi bị theo dõi, cô ta là người bám đuôi mà nhỉ? Chuyển biến gì lẹ vậy? Sức mạnh của gái đẹp đây ư?
"Không sao. Đợi ở đây", cô ta đáp lại không đầu không đuôi. Nhưng bằng trí thông minh tuyệt đỉnh, tôi đoán được ý là cô ta muốn ở đây đợi tiếp đến sáng gặp tôi, không về nhà, không ngủ. Wow! Con gái ngoan của mẹ.
"Điên à! Đợi đến sáng cô có gì thì tôi đi tù, hay cả đời bị lương tâm lên án hả gì?".
"Xin lỗi...".
Tôi nhìn cô ta cúi đầu nhận lỗi, lòng không khỏi thở dài. Sau nhìn lại giường gỗ không to cũng chẳng quá nhỏ, cố chen chúc vẫn đủ chỗ nằm của mình, nghĩ tới lui chút, cuối cùng vẫn là lòng tốt thắng lý trí người bình thường.
"Muốn ngủ với tôi không?".
"Ngủ cùng với Mi?", cô ta nhìn bằng ánh nhìn kinh ngạc, nhưng đâu đó tôi thấy cả niềm vui sướng.
Chết cha! Mình dụ sói vô nhà hả ta? Sợ quá! Cơ mà lỡ muốn làm người tốt rồi, giờ nửa đường bỏ thì kỳ lắm, nên thôi, phòng lao thì theo leo, chơi tới thôi. Có chuyện gì thì coi như trải nghiệm.
"Ờ! Chứ không lẽ để cô vầy về. Con gái với nhau, tôi sợ cô làm tôi hai vạch được được chắc. Ngủ không?".
Cô ta gật gật đầu, ánh mắt hiện lên niềm vui thấy rõ. So với dáng vẻ con nít khóc trước kia, hiện tại như vầy ngoan ngoãn, như trẻ nhỏ mừng kẹo khiến tôi thật thích hơn.
"Cô như cún nhỏ ấy", tôi không ngăn được mình bật cười, dùng tay vỗ nhẹ vào đầu của cô ta. "Đứng đợi tôi một chút, để đi cửa sau ra mở cửa cho".
Tôi buông tay, định đi mở cửa, nhưng có vẻ cô nàng đáng yêu này thấy tiếc, tay chẳng muốn rời, thấy buông liền nắm lại. Song, tôi không thích mấy kiểu lâm li, nắm kéo này, nên giựt tay lại, tiện thể cho đối phương cái lườm "thiện lành", rồi mới ra cửa sao mở cửa cùng với chiếc điện thoại đang mở đèn.
Nhà ngoại thường sau năm giờ chiều đều đóng khóa trước sau, nhưng riêng cửa sau lại dẫn ra chuồng gà, tôi trước đó đi tắm thấy cậu đi cho gà ăn vào quên khóa, nghĩ chắc gì có thể cũng vậy, liền đánh liều ra mở thử xem sao. Ai dè đúng như bản thân nghĩ, đàn ông mà quên gì đó thì hoặc nên làm luôn, hay nhắc nhở lần này rồi lần sau nhắc tiếp, chứ ít trông mong gì nhớ mấy cái nhỏ nhặt. Cha tôi cũng vậy, hay kiểu mở nước quên khóa các kiểu, nên rành khỏi nói.
Tôi cẩn thận mở chốt cài cửa, đi rón rén ra ngoài, tránh phát ra tiếng động khiến cả nhà dậy, rồi vòng qua bên chỗ cửa sổ phòng mình để đón cô nàng trẻ con đương chờ kia. Vừa đến, tôi đã thấy ngay một chú cún chính hiệu, hai mắt to tròn lấp lánh, ngước nhìn mình đầy mong đợi, cầu được mang về nuôi.
Ôi là trời! Cô nàng này mà học cùng khoa, hay trường thì chắc danh hiệu hoa khôi top đầu trường của tôi lung lay.
Kiểu mẫu con gái ngọt ngào, vẻ ngoài trong trẻo, giọng dịu dàng êm tai, tính cách con nít hơi mít ướt nhưng cũng dễ bảo, thử hỏi anh nào thoát được.
"Đi thôi", tôi vẫy tay kêu theo mình. Song, cô ta không hiểu, hay cố tình không hiểu, lại chạy đến nắm tay tôi, cười tươi như hoa các kiểu, làm tôi bị đứng hình mất mấy giây.
Đã cho ngủ cùng tạm còn lợi dụng, cô ta thật sự muốn chết mà.
Tôi định mắng người, thu tay lại, nhưng thấy ánh mắt cô ta vui vẻ, sáng ngời như sao, lòng lại không nỡ thái độ, nên thôi. Lần này coi như cô làm từ thiện, cho mượn tay một chút, mang niềm vui lại cho người ta vậy.
Trên đường đi đến cửa sau nhà, tôi cũng không quên hỏi một vấn đề cốt lõi để bắt đầu mọi câu chuyện nghiêm túc, "Cô thì hay, nhớ cả tôi tôi. Trong khi tôi còn không nói gì về chúng ta đấy".
"Nghi".
"Hửm?".
"Mình tên Nghi. Mi đừng quên, là Nghi", Nghi có vẻ rất muốn tôi nhớ tên, cả ánh mắt và thái độ đều hiện rõ.
"Nghi sao? Nghe hay đó. Tôi thích tên này", tôi cười tán thương. Quả nhiên người có nhan sắc thì tên cũng hay. Nghi, con người luôn khiến người ta thoải mái bên cạnh, có sắc có tài. Cha mẹ thật khéo đặt tên.
Nghi cũng tỏ ra vô cùng vui vẻ khi tôi khen tên, cười tít cả mắt, tay cũng siết chặt thêm một chút. Song, cảm giác lạnh lẽo này thật khiến tôi rùng mình, muốn thu tay về.
Đến cửa sau, ngay giây phút tôi nghĩ là "Ok! Xong chuyện. Giờ vào ngủ, kết thúc một ngày với công việc từ thiện cuối cùng", thì đời không như mơ, cửa sau nhà không biết bị người trong nhà vô tình khóa, hay kẹt gì đó mà chẳng mở ra được dù thử mấy lần.
Ôi Chúa ơi! Con muốn làm việc tốt khó thế ư?
Tôi sau đó nhìn Nghi chết trân, cười mếu máo, hỏi, "Ngủ lang một đêm ngoài trời lạnh không chết đâu nhỉ?".
Không biết là Nghi biết, hay chưa biết chuyện cửa không mở được, mà rất tự nhiên mỉm cười, đáp lại, "Mình tình nguyện cùng chết".
Hahaha! Xin lỗi, tôi không có nhu cầu cùng chết. Cảm ơn!