Ảo Mộng Nhân Sinh

Chương 57: CHIẾN SỰ Ở ĐẠI KONGO



Chương 57 : CHIẾN SỰ Ở ĐẠI KONGO

Bên ngoài thị trấn Georgburg, theo lời hiệu triệu của các trưởng lão và giới quý tộc bản địa, liên quân Kokongo - Ngoyo đang tụ tập càng lúc càng đông. Có lẽ bọn họ đã động viên gần hết lực lượng có thể điều động được, nên quân số đông hơn dự kiến, lên đến gần 2,4 vạn người. Đối với những người ở đây, quy mô chiến tranh như thế là rất hiếm gặp. Lại thêm tấm gương của người Portugal trước đây, những di dân người da trắng trong vùng đều thấy phía Georgburg không có mấy cơ hội chiến thắng, nên đa số đều tránh xa khu vực chiến sự, lãnh nhãn bàng quan, chỉ có một toán 26 người gốc Britain từ Boma đến Georgburg trợ chiến.

Hệ thống phòng thủ của thị trấn đã được hoàn thành từ mấy hôm trước, gồm hai bức tường đất bao quanh thị trấn. Bức tường bên trong cao ba mét, rộng hai mét, ngay bên ngoài là vòng hào sâu hai mét, rộng bốn mét, bên dưới có cắm chông, chỉ có hai cửa thông ra bên ngoài theo hướng đông tây. Bức tường bên ngoài cao ba mét, rộng một mét, chu vi 6 km, cũng có vòng hào bao quanh và có hai cửa thông ra bên ngoài theo hướng nam bắc. Hệ thống phòng thủ như vậy rất có ưu thế khi phải đối phó với những đội quân tấn công không có pháo lớn, tăng phạm vi hỏa lực, tăng tính sát thương, duy trì áp lực lên kẻ địch. Đặc biệt khi đối phó với dân bản địa lạc hậu chỉ có đao thương, cung tên thì càng có lợi.

Đêm trăng tròn, các lộ liên quân đã đến đông đủ, chúng thủ lĩnh liền tổ chức tế thần, chuẩn bị cho cuộc tấn công vào ngày mai. Đó là nghi lễ truyền thống địa phương, chưa biết linh nghiệm thế nào nhưng ít nhất cả đoàn quân có được sự tự tin đáng kể. Cả bọn làm ầm ĩ suốt cả đêm, và xem ra đã được thần linh phù hộ nên sĩ khí rất cao ngang. Những người bên trong thị trấn cũng tích cực chuẩn bị chiến đấu.

Sáng hôm sau, cả bọn nghỉ ngơi một buổi, làm ầm ĩ thêm một lúc nữa, rồi đến đầu giờ chiều mới bắt đầu phát động tổng tiến công. Bọn họ chẳng có chiến lược chiến thuật gì cả, cứ lũ lượt tràn lên tấn công vào các cửa thành. Người trước ngã xuống thì người sau tràn lên thay thế. Trận chiến diễn ra vô cùng khốc liệt, máu chảy đầy đồng, thây phơi đầy nội. Quân Georgburg sau khi bắn hạ gần nghìn quân địch, đã giả vờ yếu thế, vừa đánh vừa lùi, rút dần vào phía sau bức tường bên trong. Liên quân Kokongo – Ngoyo tạm thời giành được thượng phong, chiếm được trận địa bên ngoài, nên tiếng hò reo vang dội. Thừa thế xông lên, bọn họ lập tức huy động đại quân toàn lực tấn công, chỉ có điều tường thành ở đây kiên cố hơn, hỏa lực mạnh mẽ hơn, nên sau khi thấy có mấy trăm người bỏ mạng, trời lại sắp tối, cả bọn đành tạm đình chiến, chuẩn bị nghỉ ngơi ăn uống.

Đột nhiên, bên ngoài súng nổ vang rền. Hai cửa thông ra ngoài đã bị những chiếc xe chở đầy đất đá đổ xuống chặn lại, tạo thành chướng ngại vật ngăn cản đường lui của liên quân. Phía ngoài lại có mấy hàng quân súng đạn sẵn sàng, hễ ai chạy ra đến cửa đều bị bắn hạ lập tức. Chẳng mấy chốc, ngay cửa đã có mấy trăm tử thi chất chồng tại đó, khiến phía liên quân sợ hãi xô đẩy nhau chạy lui về phía sau, tránh xa khu vực chết chóc nguy hiểm kia. Song phương rơi vào thế cầm cự. Đồng thời, doanh trại liên quân bên ngoài cũng đã bị thủy binh từ trên pháo hạm kéo xuống chiếm giữ. Những người phòng thủ ở trong doanh trại đa phần lão nhược bệnh tàn hoặc cành vàng lá ngọc, nhanh chóng bị khống chế. Liên quân mất hết hậu cần cấp dưỡng, lại bị vây hãm giữa hai vòng hào lũy vững chắc, tình hình cực kỳ nguy ngập.

Màn đêm dần buông xuống.

Trời tối không thích hợp chiến đấu. Song phương tạm thời đình chiến. Quân Goergburg củng cố trận địa, khiến vòng vây càng chặt chẽ hơn. Sáng hôm sau, phía liên quân phát hiện hai cửa thành đã bị phong tỏa hoàn toàn, khó thể vượt qua làn đạn của đối phương, nên càng thêm tuyệt vọng. Nhiều người trong số họ liều mạng phá vây, và đã nhanh chóng nằm xuống vĩnh viễn tại đấy. Đến chiều, cả bọn vừa mệt vừa sợ lại vừa đói, nên không còn sức lực và tinh thần nghĩ đến chuyện phá vây nữa. Một số trong bọn đã nghĩ đến chuyện đầu hàng. Bọn họ đi công thành, chỉ có vũ khí trong tay chứ đâu có mang theo thức ăn nước uống. Quân Georgburg chỉ bao vây chứ không tấn công, thỉnh thoảng lại pháo kích vào bên trong uy hiếp tinh thần kẻ địch, cũng như không để kẻ địch có thời gian nghỉ ngơi dưỡng sức. Thậm chí, bọn họ còn cố ý mang thịt cá ra trước trận địa, đặt bếp lò ở trên đầu gió, rồi nướng thật thơm, sau đó còn ra sức quạt mùi thơm về phía đối phương. Thật là ‘tàn nhẫn’ !

Hai ngày sau, phía liên quân đều mệt lả, không còn đủ sức đi đứng, đừng nói gì đến chuyện cầm vũ khí chiến đấu. Quân Georgburg mở vòng vây, tiến vào giải quyết chiến quả.

Trận Georgburg mở đầu oanh oanh liệt liệt nhưng kết thúc một cách hý kịch.

Trận chiến này, phía liên quân Kokongo – Ngoyo huy động 24.000 quân, sử dụng toàn cung tên, giáo mác, đao kiếm, gậy gộc tấn công vào thị trấn Georgburg có tường thành kiên cố với 1.000 thủ quân trang bị súng đạn tiên tiến phòng thủ, kết quả thảm bại. Phía liên quân tử vong 3.168 người, số còn lại đều bị bắt làm tù binh, số chạy thoát không đáng kể (chủ yếu là thủ quân ở trong doanh trại liên quân, đã kịp thời bỏ chạy khi bị thủy binh tấn công).

Sau khi xử lý tù binh, Ritter der Hertling chọn ra 260 người trong số đám tù binh, đều những kẻ cứng đầu nhất hoặc gia quyến thân thuộc của các thủ lĩnh bộ tộc, giao cho nhóm người Britain trợ chiến, xem như phần thưởng, mặc dù có mặt bọn họ hay không thì cũng chẳng có ảnh hưởng gì đến chiến cục. Nhưng ít ra thì bọn họ có lòng tốt đến giúp đỡ, rất đáng tuyên dương. Số tù binh đó có thể bán cho các nhà buôn nô lệ, cũng là một tài sản đáng kể. Số còn lại sẽ được bổ sung vào lực lượng khổ công, tham gia kiến thiết địa phương, dùng sức lao động để chuộc tội.

Những ngày sau đó, các đội quân từ Georgburg liên tục xuất kích, chiếm lĩnh Boma và càn quét cả khu vực. Trú địa của các bộ tộc địa phương lần lượt bị viếng thăm. Bộ lạc nào không có tham gia liên quân thì được chiêu an. Những bộ lạc có tham chiến đều bị xử lý triệt để, tộc dân bị bắt làm tù binh, toàn bộ tài sản sung công.

Nửa tháng sau, toán quân thứ ba đến nơi bổ sung cho lực lượng quân sự ở đây, đồng thời mang theo những mệnh lệnh mới của Adalbert. Toàn bộ quân số đã tăng lên 4.000 người, được tổ chức thành ba trung đoàn bộ binh (mỗi trung đoàn phối thuộc một trung đội pháo binh), do Ritter der Hertling, Johann Georg và Franz Joseph làm trung đoàn trưởng, cùng với 4 đại đội thủy binh (4 pháo hạm), 2 đại đội kỵ binh, 2 đại đội bộ binh và 2 đại đội pháo binh độc lập. Ba trung đoàn bộ binh phụ trách chinh chiến các nơi, mở rộng phạm vi kiểm soát. Thủy binh tuần tra trên sông và dọc theo bờ biển. Kỵ binh cơ động tuần tra các nơi. Còn các đại đội bộ binh và pháo binh độc lập chia ra phòng thủ Georgburg và Boma, hai cứ điểm quan trọng trong khu vực, đảm bảo hậu cần cho các đội quân chinh phục.

Ngoài ra, đi theo chuyến này còn có các nhân viên hành chính và chuyên gia, kỹ thuật viên. Bọn họ có trách nhiệm xây dựng cơ sở hạ tầng, chuẩn bị tiếp đón di dân. Theo mệnh lệnh của Adalbert, bọn họ cho người khảo sát khu vực hồ Nkunda, nơi Adalbert dự định xây dựng thành phố thủ đô. Một đại lộ từ Goergburg đến Nkunda cũng đang trong quá trình khảo sát, chuẩn bị khởi công.

Hồ Nkunda là một địa điểm quan trọng trên sông Kongo, con sông lớn thứ hai trên thế giới (sau sông Amazon), dài thứ chín và sâu nhất thế giới (có chỗ sâu đến 220m). Sông Kongo và các sông nhánh của nó chảy qua rừng nhiệt đới Kongo, khu rừng lớn thứ hai trên thế giới chỉ sau rừng Amazon, lưu lượng lớn thứ hai thế giới (sau sông Amazon) và có lưu vực sông lớn thứ ba thế giới (sau lưu vực sông Amazon và Plate). Do lưu vực sông bao gồm cả phần ở bắc và nam xích đạo, sông lại chảy qua xích đạo hai lần nên có dòng chảy ổn định, vì lúc nào cũng có một phần của sông có mưa. Do vậy, điều kiện tự nhiên ở đây rất tốt. Mục tiêu của Adalbert là khống chế toàn bộ vùng lưu vực này, làm cơ sở cho vương quốc tương lai của cậu.

Sông Kongo có chiều dài 4.700km, với lưu vực hơn 4 triệu km2 (chiếm 13% diện tích châu Phi). Nguồn của sông bắt đầu từ hồ Tanganyika và hồ Mweru, qua sông Lualaba đến thác Boyoma (gồm 7 thác nước liên tiếp nhau, dài 100km). Sông Chambeshi ở Zambia cũng là một nguồn khác của sông Kongo. Qua Boyoma, sông chính thức có tên là sông Kongo, chảy qua Kisangani, sau đó dần dần uốn cong về phía tây nam, đi ngang qua Mbandaka, hợp lưu với sông Ubangi, rồi đến hồ Nkunda, sau đó qua đoạn thác ghềnh Inga dài 300km, đến Matadi, thêm 50km nữa đến Boma, rồi thêm 100km nữa sẽ đến Georgburg ở cửa sông, đổ vào Đại Tây Dương.

Thuyền bè không thể đi qua đoạn thác ghềnh Inga, nhưng từ hồ Nkunda cho đến thác Boyoma với chiều dài hơn 2.000km, sông không có nhiều độ dốc, không thác ghềnh, thuyền bè đi lại dễ dàng. Do đó, khu vực hồ Nkunda là một đầu mối giao thông thủy quan trọng đi vào nội lục châu Phi. Trong nguyên bản lịch sử, hai thủ đô Kinshasa và Brazzaville đều nằm hai bên bờ hồ, cách nhau chỉ khoảng 5km, là hai thủ đô gần nhau nhất thế giới. Ngoài ra, sông không có nhiều độ dốc đã tạo ra một vùng đồng bằng phì nhiêu thích hợp phát triển nông nghiệp.

Hồ Nkunda chỉ là một đoạn sông được mở rộng ra, dài 35km, rộng 23km, sâu từ 3 – 10m, diện tích khoảng 500km2, ở giữa có đảo M’Bamou rộng 180km2. Adalbert dự định thiết lập kinh đô vương quốc của cậu ở đấy, qua đó khống chế cả lưu vực sông Kongo.

Sau khi khảo sát thực địa, các chuyên gia lập tức cho xây dựng nhà máy xi măng, xưởng gạch ngói, xưởng đá, xưởng gỗ, ...; khai thác các mỏ cần thiết phục vụ việc xây dựng cơ sở hạ tầng. Quân đội lập tức phái ba vạn khổ công tham gia các công trình. Khác với lao công (công nhân lao động), khổ công (công nhân lao động khổ sai) đều có nguồn gốc là tù binh hoặc tội phạm, chỉ phải bao ăn ở, không phải trả lương.

Công trình quan trọng nhất là đoạn đường từ Goergburg đến hồ Nkunda dài khoảng 450km, với thiết kế rộng 12m, 4 làn xe (lúc bấy giờ chỉ có xe ngựa, chưa có xe tải, nên đường như thế đã đủ rộng), mặt đường đổ bê tông kiên cố (thời này chưa có nhựa đường), có dải phân cách ở giữa, được đặt tên là Đại lộ Adalbert. Dọc theo đại lộ, cứ mỗi 50km sẽ được xây dựng một đô thị, làm nơi nghỉ chân cho khách lữ hành. Ở cửa sông là Georgburg, tiếp đó là Josephburg, Bomaburg, Theresaburg (ngay dưới khu ghềnh thác Inga), Ritterburg, Johannburg, Johannettaburg, Adolphburg, Segitzburg rồi đến Adalbertburg(1) ngay bên bờ hồ Nkunda. Trên đại công trình này, chỉ có đoạn qua hẻm núi M’pozo gặp nhiều khó khăn khi thi công, nhưng nhờ sử dụng thuốc nổ phá đá, nên vấn đề cũng được giải quyết. Các nhà khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Vũ khí Adalbert quyết định tận dụng cơ hội này để nghiên cứu các công thức thuốc nổ, tìm ra cách chế tạo ‘bộc phá’ có sức công phá mạnh nhất.

Ba vạn khổ công được chia làm ba bộ phận. Một vạn người xây dựng Đại lộ Adalbert, nửa vạn xây dựng các thành thị và số còn lại làm công nhân trong các xưởng, mỏ hoặc tiến hành khai hoang, chuẩn bị đất canh tác cấp cho di dân trong tương lai. Quân đội cũng khẩn trương bình định khu vực hạ du sông Kongo.

Mùa đông năm 1845.

Sau nửa năm chinh chiến, đội quân của Adalbert đã khống chế được khu vực trung – hạ du sông Kongo, chủ yếu là lãnh thổ của các vương quốc Kakongo, Ngoyo, miền nam Loango và miền nam Kongo. Ngay cả kinh đô của vương quốc Kongo ở miền trung cũng bị chiếm và ManiKongo đã phải chạy về khu vực Pango ở miền bắc. Tổng diện tích vùng kiểm soát hơn 800.000 km2, dân số 260.000 người da trắng và gần 8 triệu người da đen bản địa, trong đó chỉ có hơn 6 triệu dân tự do và khoảng 1,7 triệu khổ công (vốn là tù binh chiến tranh).

Kinh tế châu Âu hiện thời đang trong giai đoạn suy thoái, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn, lại liên tục gặp thiên tai khiến mùa màng thất bát, giá lương thực tăng cao, vì thế mà bạo loạn và cách mạng mới xảy ra thường xuyên. Theo nguyên bản lịch sử, người châu Âu lũ lượt di dân sang Mỹ châu (chủ yếu là USA và Canada) với hy vọng tìm được miền đất hứa. Theo thống kê, USA có dân số 5,24 triệu vào năm 1800; tăng lên đến 9,64 triệu vào năm 1820; rồi 17,07 triệu vào năm 1840; 31,44 triệu vào năm 1860; 49,37 triệu vào năm 1880; 76,21 triệu vào năm 1900, ... Nói tóm lại là dân số USA tăng cơ học rất nhanh. Nhưng hiện tại, nhờ những biện pháp quảng cáo hữu hiệu, nhờ những chính sách ưu đãi hấp dẫn, nhờ danh tiếng của Adalbert, đặc biệt là vị trí không quá xa châu Âu và không phải mạo hiểm vượt đại dương, khu vực Hạ Kongo trở thành một vùng đất di dân lý tưởng của những nông dân phá sản và công nhân thất nghiệp ở châu Âu. Trong nguyên bản lịch sử, hơn 100.000 người Ireland đi thuyền đến Canada vào năm 1837, ước tính có 1/5 đã chết vì bệnh tật và suy dinh dưỡng. Khoảng từ 1/4 đến 1/3 tổng số người châu Âu nhập cư đến Bắc Mỹ trước năm 1891 đã thiệt mạng do các bệnh truyền nhiễm. Thời kỳ này, vượt đại dương đối với người nghèo là rất nguy hiểm.


TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv