Chương 51 : GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ SOMALIA
Trước những diễn biến phức tạp ở miền nam Somalia, cộng đồng quốc tế đều bày tỏ sự lo ngại sâu sắc, còn người dân Somalia có những phản ứng quyết liệt hơn : lên án quân xâm lược Ethiopia và những kẻ phản quốc người Somalia. Từ Hargeisa, Tổng thống Somaliland Mohamed Haji Ibrahim Egal kêu gọi một cuộc đấu tranh chống xâm lược của “toàn thể nhân dân Somalia”.
Mohamed Haji Ibrahim Egal là một chiến sĩ cách mạng có nhiều danh vọng ở Somalia, từng tham gia đấu tranh giành độc lập thời thuộc địa, từng là Thủ tướng của Nhà nước Somaliland độc lập (26/6/1960 – 1/7/1960), và khi Somaliland tham gia vào Nhà nước Somalia thống nhất thì ông đã trở thành Thủ tướng Somalia (1/7/1960 – 12/7/1960, 15/7/1967 – 21/10/1969). Khi Tướng Mohammed Siad Barre ám sát Tổng thống Abdirashid Ali Shermarke, rồi đảo chính đoạt chính quyền thì ông đang thăm Mỹ trên cương vị Thủ tướng Somalia. Khi Tổng thống đầu tiên của Somaliland là Abdirahman Ahmed Ali Tuur bị phế truất vì chủ trương hòa giải với Mogadishu, ông đã được bầu làm Tổng thống kế nhiệm.
Khác với người tiền nhiệm, Mohamed Haji Ibrahim Egal có tư tưởng tiến bộ, thân thiện với Âu Mỹ và hy vọng xây dựng một nhà nước tập quyền, hạn chế quyền lực của các lãnh chúa địa phương. Do đó, khi đặc sứ của Hoàng đế Fujiwara đến Hargeisa, ông cùng với đặc sứ Ashlee Vance đã có “một cuộc nói chuyện hữu hảo, thân thiện và đầy triển vọng”.
Cuối tháng 1/1994, đặc sứ của Hoàng đế Fujiwara là Ashlee Vance lại có mặt ở Somaliland, chứng kiến một ‘Hội nghị Đoàn kết Nhân dân chống xâm lược’ nhóm họp ở Hargeisa, với thành phần tham dự là các trưởng lão địa phương, giới tư sản thành thị, thành phần tri thức của Somaliland và khu vực Bari vùng Puntland (lúc này vùng Puntland chưa thành lập một nhà nước thống nhất cho toàn vùng như ở Somaliland). Đây là những tầng lớp chủ yếu bất mãn với sự thống trị của các lãnh chúa quân sự (theo kiểu Sứ quân ở Đông Á). Hội nghị đã ra Nghị quyết về việc thành lập Vương quốc Somaliland, với lãnh thổ tạm thời gồm 6 gobollada của miền bắc (Awdal, Woqooyi Galbeed, Togdheer, Sanaag, Sool và Bari). Sau một thời gian tiếp nhận người tị nạn từ miền nam, dân số toàn vùng đã tăng lên đến 4,1 triệu người, chiếm hơn 60% dân số của Somalia lúc bấy giờ.
Theo thỏa thuận với các trưởng lão địa phương, Vương quốc Somaliland sẽ là một Nhà nước trung ương tập quyền, nhưng chính phủ chỉ trực tiếp quản lý các thành phố và thị trấn (có rất ít); còn các làng quê sẽ được hưởng quyền tự trị rộng rãi, chỉ cần đảm bảo các luật lệ địa phương không trái với Hiến pháp. Rõ ràng thỏa thuận này là sự chia sẻ quyền lực của các chính trị gia và trưởng lão các thị tộc, hy sinh lợi ích của tầng lớp quý tộc cao cấp, cũng tức là các lãnh chúa địa phương. Quá trình này tương tự như cuộc Duy Tân Minh Trị ở Nhật Bản, đã hy sinh lợi ích của Mạc phủ và các sứ quân địa phương.
Ngày 30/1/1994, Vương quốc Somaliland chính thức thành lập ở Hargeisa, tuyên bố là đại diện cho “đa số nhân dân Somalia”. Ngôi vị quốc vương do Hoàng đế Fujiwara kiêm nhiệm. Điều này không quá khó hiểu, bởi ở Somalia thiếu một lãnh tụ khiến mọi người đều kính phục. Tổng thống Somaliland Mohamed Haji Ibrahim Egal trở thành Thủ tướng đầu tiên của vương quốc. Hội nghị Đoàn kết Nhân dân trở thành Quốc hội lâm thời, những người tham dự Hội nghị đều trở thành Nghị viên. Mỹ và các đồng minh nhanh chóng công nhận vương quốc mới này. Hoàng đế Fujiwara đích thân đến Hargeisa chủ trì phiên họp Quốc hội đầu tiên để soạn thảo Hiến pháp. Một lực lượng giữ gìn hòa bình quốc tế gồm 3.000 quân Mỹ, 2.000 quân Brasil, 800 quân Anh, 800 quân Canada, 800 quân Mexico, 800 quân Hàn Quốc, 800 quân Pakistan, 500 quân Philippine và 500 quân Israel được gửi đến bảo hộ Hoàng đế.
Vương quốc Somaliland thành lập đã khiến nhiều người choáng váng. Một số lãnh chúa địa phương hợp quân chống đối, nhưng nhanh chóng bị quân chính phủ trấn áp thẳng tay. Đến lúc này, mọi người mới bất ngờ phát hiện Quân đội Somaliland đông đến 300.000 người, có trang bị quân sự tiên tiến từ nguồn viện trợ của Mỹ, được huấn luyện quân sự bởi các cố vấn Mỹ và Brasil. Bởi tình hình bất ổn trong nước, đa số thanh niên Somalia đều có khả năng sử dụng súng đạn; sau khi được phía Mỹ vũ trang và huấn luyện quân sự hơn nửa năm, các lực lượng quân Somaliland đã tương đối tinh nhuệ. Cuối cùng, hàng loạt lãnh chúa địa phương đã giao trả lực lượng dân quân về cho chính phủ quản lý, để đổi lấy một tước hiệu quý tộc và một ghế Nghị viên. Một số lãnh chúa tàn ác sợ bị truy cứu đã lưu vong sang Ethiopia.
Ở Mogadishu, Chính phủ Lâm thời Somalia lên án chính quyền Somaliland gây chia rẽ đất nước. Đáp lại, chính phủ Somaliland buộc tội những lãnh đạo chủ chốt của chính phủ Mogadishu là “một lũ bán nước”, đòi đưa cả bọn ra tòa. Phía Mỹ ngay lập tức ủng hộ bằng cách đưa ra một danh sách các “tội phạm chiến tranh”, trong đó đứng đầu là Tướng Mohamed Farrah Aidid (đang là Thủ tướng của chính phủ Mogadishu), yêu cầu bắt giữ và đưa ra xét xử ở Tòa án Quốc tế, với tội danh chủ yếu là đã tấn công ‘Lực lượng Giữ gìn Hòa bình Liên Hiệp Quốc’ (quân Pakistan). Đây là một tội danh nghiêm trọng và không thể chối cãi, vì quân Pakistan đến Somalia trong vai trò Lực lượng Giữ gìn Hòa bình Liên Hiệp Quốc (lính Mũ nồi xanh), và sau khi cuộc tấn công xảy ra, chính Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã ra Nghị quyết lên án.
Động thái của phía Mỹ khiến nhiều người ở Mogadishu lo lắng.
Ngày 6/2/1994, Lực lượng dân quân Mặt trận Giải phóng Quốc gia Ogaadeenya (ONLF) ra thông cáo quốc tế kêu gọi Quân đội Somaliland mở chiến dịch giải phóng Ogaadeenya.
Mặt trận Giải phóng Quốc gia Ogaadeenya (ONLF) là một tổ chức quân sự thành lập vào năm 1984, cùng với Mặt trận Giải phóng Miền Tây Somalia (1973 - 1989), hoạt động đấu tranh vũ trang với mục tiêu giải phóng vùng Ogaadeenya (còn gọi là Miền Tây Somalia), một vùng đất của người Somalia, nhưng thuộc Ethiopia (ONLF cho rằng Ogaadeenya đã bị Ethiopia chiếm đóng). Ngày xưa, vùng Ogaadeenya là một vương quốc Hồi giáo của người Somalia, sau đó bị Ethiopia chinh phục vào năm 1897. Trong thực tế, phía Ethiopia chỉ kiểm soát vùng này trên danh nghĩa cho đến năm 1934. Từ năm 1936, vùng này trở thành thuộc địa Somaliland thuộc Italia. Sau đó, người Anh đã sát nhập Somaliland thuộc Italia với Somaliland thuộc Anh thành vùng Đại Somaliland. Sau năm 1945, Ethiopia nhiều lần đòi lại vùng Ogaadeenya nhưng bất thành. Đa số người dân Ogaadeenya (cũng là người Somalia) ủng hộ sự thống nhất với Somalia. Do ảnh hưởng của Mỹ, đến năm 1954, người Anh mới giao lại vùng Ogaadeenya cho phía Ethiopia.
Vào giai đoạn những năm 1977 – 1978, Chiến tranh Ogaadeenya nổ ra giữa Somalia và Ethiopia. Liên Xô, Cuba và CHDCND Yemen ủng hộ Ethiopia; trong khi Mỹ và CHND Trung Hoa ủng hộ Somalia. Phía Ethiopia có 67.000 quân tham chiến, trong khi phía Somalia chỉ có 25.000 quân. Mặc dù quân Ethiopia đông hơn quân Somalia nhiều lần, nhưng quân Somalia tinh nhuệ hơn và có trang bị tốt hơn, đã đánh bại quân Ethiopia và chiếm được 90% lãnh thổ Ogaadeenya. Ethiopia đã nhận được 7 tỷ USD viện trợ quân sự từ Liên Xô, cùng với 18.000 quân Cuba và 1.500 cố vấn quân sự Liên Xô. Tháng 2/1978, liên quân bắt đầu phản công, dần dần đẩy lùi quân Somalia về phía bên kia biên giới.
Tóm lại, người Ethiopia chỉ cai trị vùng Ogaadeenya trong một thời gian ngắn ngủi hơn 40 năm (1934 – 1936, 1954 – 1977, 1978 – 1994).
Ngày 7/2, chính phủ Somaliland chính thức tiếp nhận yêu cầu của ONLF. Quân đội Somaliland tiến về phía Ogaadeenya. Dưới sự hỗ trợ của ONLF và nhiều trưởng lão Ogaadeenya, đến cuối tháng quân Somaliland đã kiểm soát được khoảng hai phần ba lãnh thổ Ogaadeenya. Tại chiến dịch sông Shabelle, quân Somaliland dựa vào ưu thế về trang bị, đã gây thương vong nặng cho đối phương. Các sư đoàn bộ binh thứ 3 và thứ 4 của quân Ethiopia hầu như không còn tồn tại. Không quân Ethiopia (sử dụng máy bay cũ do Liên Xô viện trợ từ nhiều năm trước) cũng bị áp đảo trước không quân Somaliland (máy bay do phi công Mỹ và Brasil điều khiển).
Ethiopia vội vã tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế.
Thế nhưng ... thời đại đã khác. Hiện tại thế giới chỉ có một cực. Lãnh tụ của người Somalia lúc này lại là Hoàng đế Fujiwara. Do đó, cả Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế đều không có phản ứng nào có lợi cho phía Ethiopia về thực tế. Chính phủ Libya có lên tiếng ủng hộ Ethiopia, nhưng chỉ “ủng hộ về mặt tinh thần”. Các đồng minh cũ khác của Ethiopia đều có những phát ngôn thận trọng.
Ngày 27/3, thành phố chiến lược Dire Dawa thất thủ.
Dire Dawa không chỉ là căn cứ quân sự lớn thứ hai của quân đội Ethiopia, mà còn là nút giao thông chiến lược từ Ethiopia đến Ogaadeenya, đồng thời còn có tuyến đường sắt của Ethiopia đến Hồng Hải đi qua. Dire Dawa thất thủ cũng có nghĩa là giao thương với quốc tế của Ethiopia bị đình trệ. Ethiopia là một quốc gia nội lục, giao thương quốc tế chủ yếu thông qua Somaliland, Eritrea và Djibouti (về hướng Kenya và Mogadishu giao thông bất tiện), trong khi chính phủ Eritrea thù địch với Ethiopia, còn Djibouti đang lâm vào nội chiến.
Những tháng sau đó, chiến sự diễn ra quyết liệt ở bên ngoài thành phố Dire Dawa. Quân Ethiopia nhiều lần phản công hòng chiếm lại thành phố, nhưng đều thất bại và tổn thất nặng nề. Quan trọng nhất là, tổn thất quân số còn có thể bổ sung, trong khi tổn thất khí tài quân sự không thể bổ sung, làm cho sức chiến đấu của quân đội Ethiopia ngày càng giảm sút.
Ngoài mặt trận Dire Dawa, quân Somaliland cũng có tiến triển thuận lợi ở nhiều mặt trận khác. Giữa tháng 5, quân Somaliland chiếm được Liben, tuyên cáo toàn vùng Ogaadeenya đã được ‘giải phóng’. Lực lượng Ethiopia ở Mogadishu cũng bị đánh tan khi đang trên đường rút về nước. Cuối tháng, vùng Afar ở phía tây bắc Dire Dawa bị chiếm lĩnh. Đầu tháng 6, đến lượt Borene, Guji và Bale ở miền nam liên tiếp bị chiếm lĩnh. Cuối tháng, đến lượt Arsi thất thủ. Con đường tiến vào Addis Ababa đang dần rộng mở. Ưu thế chiến trường nghiêng hẳn về phía quân Somaliland. Quân Ethiopia được triệu tập khẩn cấp từ các nơi về bảo vệ thủ đô.
Đầu tháng 7, Eritrea bất ngờ tuyên chiến với Ethiopia. Quân Eritrea vượt biên giới tiến vào vùng Tigray. Eritrea là một vùng bị Ethiopia chiếm đóng giống như vùng Ogaadeenya, đã giành được độc lập từ năm 1991 sau 30 năm đấu tranh vũ trang, nhưng nền độc lập chỉ được phía Ethiopia thừa nhận vào năm 1993. Tuy nhiên, song phương vẫn còn một vùng đất tranh chấp ở Badme, phía Eritrea xem là một phần của khu vực Gash-Barka, trong khi phía Ethiopia xem là một phần của vùng Tigray (đây là nguyên nhân của cuộc Chiến tranh Ethiopia – Eritrea trong nguyên bản lịch sử). Nhân dịp này, nhờ sự hậu thuẫn bí mật từ nước ngoài, chính phủ Eritrea quyết định giải quyết tận gốc tranh chấp. Do quân đội Ethiopia tập trung chủ yếu ở phía đông, nên quân Eritrea tiến vào vùng Tigray khá thuận lợi.
Bị giáp kích cả hai mặt, những người ở Addis Ababa cảm thấy bất an.
Cuối tháng 7, Hoàng đế Fujiwara đích thân dẫn 200.000 dân binh Somaliland đến Dire Dawa. Sau đó, dân binh Somaliland phụ trách phòng thủ các địa phương, để quân đội Somaliland có thể rảnh tay chuẩn bị cho chiến dịch Addis Ababa. Tại Dire Dawa, Hoàng đế tiếp kiến lãnh đạo của Mặt trận Giải phóng Oromo (OLF) và lực lượng quân sự của nó là Quân đội Giải phóng Oromo (OLA).
Giữa tháng 8, quân đội Somaliland với sự hỗ trợ của OLA đã chiếm giữ Baha Shawaa, tiến đến ngoại ô Addis Ababa. Đến cuối tháng, Addis Ababa bị vây hãm. Do Hoàng đế Fujiwara công khai tuyên bố ủng hộ mưu cầu độc lập của người Oromo nên tình hình bên trong thành phố không được yên ổn cho lắm.
Addis Ababa là một thành phố nằm giữa các lãnh thổ của người Oromo (vùng Oromia), vừa là thủ đô của Ethiopia mà cũng vừa là thủ phủ của vùng Oromia. Addis Ababa là tên gọi bằng tiếng Amharic (ngôn ngữ của người Amhara cầm quyền và cũng là ngôn ngữ chính thức của Ethiopia), người Oromo lại gọi thành phố là Finfinne. Người Amhara nắm quyền thống trị ở Ethiopia, nhưng chỉ là dân tộc lớn thứ hai (người Oromo đông nhất), nên mâu thuẫn giữa người Amhara và người Oromo vẫn luôn tồn tại, vì thế mà Mặt trận Giải phóng Oromo có ảnh hưởng không nhỏ ở vùng Oromia.
Cuối tháng 9, sau một số cuộc bạo loạn của người Oromo bên trong Addis Ababa, sau khi nguồn cung một số nhu yếu phẩm trở nên khan hiếm, sau khi vòng vây ngày càng khép chặt và không thấy quân Somaliland có ý định tấn công vào bên trong thành phố, chính phủ Ethiopia đành tập trung lực lượng tổ chức phá vây, rút lui về căn cứ địa của họ là vùng Amhara.
Mặt trận Giải phóng Oromo tuyên bố : “Finfinne đã được giải phóng”.
Sau khi chiến dịch Addis Ababa kết thúc, khác với dự đoán của nhiều người, quân đội Somaliland không mở rộng sự hoạt động lên phía bắc (tức là vùng Amhara, nơi quân Ethiopia đang tập trung), mà lại tiến về phía nam, chiếm giữ vùng Các Dân tộc Phương Nam (nguyên là 5 vùng tự trị khác nhau, được hợp nhất lại vào năm 1992) và vùng Dân tộc Gambela. Đó là hai vùng đất không quan trọng, kinh tế kém phát triển và không có mưu cầu độc lập. Ở mặt trận phía bắc, chỉ có lực lượng của Quân đội Giải phóng Oromo dưới sự hỗ trợ của quân đội Somaliland tiến chiếm Semien Shewa. Đây là một khu vực đặc thù. Lãnh thổ nguyên thuộc vương quốc Shewa (người Oromo gọi là Shawaa) được chia thành Đông Shewa (Shawaa Bahaa), Tây Shewa (Shawaa Lixaa), Tây Nam Shewa (Shawaa Kibba-lixaa), Bắc Shewa thuộc Oromia (Shawaa Kaabaa), Bắc Shewa thuộc Amhara (Semien Shewa) và ở giữa chính là thủ đô Addis Ababa. Sau khi chiếm được Semien Shewa, người Oromo đã đổi tên thành Shawaa Kaabaa-bahaa theo ngôn ngữ Oromo.
Trong khi đó, từ thủ đô lâm thời Bahir Dar, ‘chính phủ Ethiopia của người Amhara’ kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp. Vì nhiều lý do, các quốc gia trên thế giới không công khai ủng hộ Ethiopia, nhưng một số quốc gia cũng bày tỏ sự lo ngại về tình hình xung đột ở “đông bắc châu Phi”, và hy vọng các bên có thể giải quyết mâu thuẫn thông qua đàm phán hòa bình.
Ghi nhận các ý kiến từ cộng đồng quốc tế, ngày 11/11/1994, Hoàng đế Fujiwara triệu tập một Hội nghị Hòa bình ở Dire Dawa. Các bên tham dự gồm : Chính phủ Vương quốc Somaliland, Chính phủ Somalia (chính phủ của Liên minh Các Tòa án Hồi giáo; còn chính phủ lâm thời do Ethiopia hậu thuẫn không được phía Somaliland, Mỹ và các đồng minh công nhận), Chính phủ Eritrea, Chính phủ Djibouti, Mặt trận Giải phóng Quốc gia Ogaadeenya, Mặt trận Giải phóng Oromo, Mặt trận Giải phóng Benishagul (mới được thành lập) và Mặt trận Giải phóng Gumuz (mới được thành lập). Các quan sát viên gồm đại diện của Liên Hiệp Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Nga, CHND Trung Hoa, Brasil, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, Mexico, Pakistan, Philippine và Israel. Mặt trận Thống nhất Dân chủ Afar (thành lập năm 1993 bằng việc sát nhập các nhóm dân quân Afar ARDUF, AUDF và ARF) vì không phải là một bên tham chiến nên được mời tham dự dưới tư cách quan sát viên. Phía ‘chính phủ Ethiopia của người Amhara’ không được mời tham dự. Tuy nhiên, không ai nghi ngờ tầm ảnh hưởng của Hội nghị Hòa bình này. Các phe phái ở Ethiopia như Mặt trận Giải phóng Quốc gia Ogaadeenya, Mặt trận Giải phóng Oromo, Mặt trận Giải phóng Benishagul, Mặt trận Giải phóng Gumuz và Mặt trận Thống nhất Dân chủ Afar cũng không công nhận chính phủ của người Amhara là đại diện cho “toàn thể nhân dân Ethiopia”.