CHƯƠNG 42:CHÁU NGOẠI CỦA HOÀNG ĐẾ (2)
Brasil. Rio de Janeiro.
Cũng giống như các nước Mỹ Latinh lúc bấy giờ, ở Brasil đang trong quá trình chuyển tiếp từ chính phủ quân sự sang chính phủ dân sự. Thông thường, người dân xem chính phủ quân sự là độc tài, hân hoan chào đón sự chuyển tiếp, xem đó là sự tiến bộ của nền tự do dân chủ, với sự kỳ vọng lớn lao cho một cuộc đổi đời.
Thế nhưng ... thực tế hiện trạng xã hội không được như mong đợi. Đổi đời thì có, nhưng ... theo hướng tệ hại hơn trước, mà còn tệ hại hơn rất nhiều. Sự kỳ vọng hoàn toàn sụp đổ. Người dân rất bất mãn và dần mất lòng tin vào nền chính trị đương thời.
Năm 1989, người dân Brasil lần đầu tiên đi bầu trực tiếp Tổng thống. Fernando Affonso Collor de Mello là Tổng thống dân cử đầu tiên. Tuy nhiên, chính phủ dân sự này lại hoạt động kém hiệu quả, tình hình xã hội cực kỳ hỗn loạn, người dân mất lòng tin và Tổng thống đã phải từ chức, rồi ra tòa hình sự chỉ sau hai năm cầm quyền (mặc dù không bị kết án do thiếu bằng chứng, nhưng đã bị cấm hoạt động chính trị trong tám năm vì vấn đề đạo đức). Tổng thống kế nhiệm Itamar Franco cũng không khá hơn là mấy. Tình hình kinh tế xã hội tiếp tục tệ hại hơn.
Dấu hiệu quan trọng nhất của sự điều hành xã hội kém hiệu quả và sự mất lòng tin của người dân là chỉ số lạm phát quá cao. Năm 1991, chỉ số lạm phát ở Brasil là 400%. Năm 1992 tăng lên đến 1.020%. Đến năm 1993 dự kiến sẽ lên đến 2.000%. Đời sống người dân cực kỳ khó khăn. Thử tưởng tượng, vào năm 1990 chỉ mất 1 real để mua thức ăn mỗi ngày, nhưng vào cuối năm 1991 phải mất đến 4 real cũng chỉ để mua bao nhiêu đó; vào cuối năm 1992 lên đến 40,8 real; và đến cuối năm 1993 sẽ lên đến 816 real. Chỉ sau ba năm mà giá cả đã tăng lên đến hơn tám trăm lần. Thật là tồi tệ ! Dân chúng không thể kiên nhẫn được nữa. Mọi người hy vọng có một sự cải cách xã hội triệt để, thậm chí là cách mạng.
Tuy nhiên, so với nguyên bản lịch sử, tình hình ở Brasil lúc này có chút khác biệt.
Sau khi kết thúc sự cầm quyền của các chính quyền quân sự, giới quân sự tuy không tham gia chính phủ mới nhưng thế lực và tầm ảnh hưởng lại không giảm mà còn gia tăng đáng kể. Tất cả là vì vấn đề kinh tế. Khi Tập đoàn Công nghệ Mar mở rộng phạm vi hoạt động đến Brasil, quân đội được chọn làm đối tác liên doanh. Lý do rất đơn giản, tình hình ở Brasil quá bất ổn, phe dân sự quá hỗn loạn, chỉ có quân đội là đảm bảo được tính ổn định lâu dài. Kinh doanh chân chính cần nhất là sự ổn định. Trong khi lạm phát tăng trưởng đến 2.000% thì các công ty liên doanh cũng tăng trưởng với con số tương tự, hoạt động kinh doanh ngày càng mở rộng, tạo việc làm cho rất nhiều người dân. Kinh phí của quân đội ngày càng sung túc và ảnh hưởng cũng ngày càng tăng cường.
Bên cạnh đó, vì nhiều lý do, rất nhiều đảng viên Cộng sản từ Liên Bang Nga chạy sang Mỹ Latinh (Đảng Cộng sản bị cấm hoạt động ở Nga sau khi Liên Xô tan rã, Đại Hội Đảng năm 1993 phải tổ chức bí mật ở một nông trường), hoạt động rất mạnh, gây nhiều lo ngại trong thế giới phương Tây. Chế độ xã hội chủ nghĩa rất có khả năng trỗi dậy ở Mỹ Latinh. Xã hội bất ổn, kinh tế khó khăn, người dân mất lòng tin vào nền dân chủ hiện tại, chế độ quân sự cũng không được chấp nhận, nên lo ngại đó rất có thể sẽ trở thành hiện thực. Giống như ở Venezuela sau này, Tổng thống Hugo Chavez thực hiện các cải cách xã hội chủ nghĩa trong nước, quốc hữu hóa các ngành công nghiệp then chốt, sung công các công ty tư nhân, xem chúng là một phần của kế hoạch xã hội được gọi là ‘cách mạng Bolivar’.
Cuối cùng, các lãnh đạo của giới quân sự và nhiều chính trị gia hàng đầu đã gặp nhau để bàn cách đối phó với tình hình bất ổn trong nước. Song phương thường không có tiếng nói chung vì phe dân sự lo ngại giới quân sự tìm cách trở lại cầm quyền, trong khi giới quân sự lo sợ bị thanh toán giống như ở Chile và Argentina. Nhưng lần này, để đối phó với mối nguy cơ chung, bọn họ đã tìm cách thỏa hiệp. Một chính trị gia nổi tiếng nói :
- Chúng ta cần một lĩnh tụ có uy vọng, có thể đoàn kết toàn thể nhân dân.
Ý kiến này được hầu hết mọi người tán đồng. Trong tình hình bất ổn hiện tại, Brasil cần nhất là sự ổn định xã hội, và trước mắt là sự đoàn kết chính trị, xây dựng một chính quyền hiệu quả, khôi phục lòng tin của nhân dân.
- Tôi gần đây có nghiên cứu thể chế mới ở Palau. Ở đó có nhiều điều chúng ta có thể học tập.
Dưới ánh mắt quan tâm của mọi người, ông ta liền trình bày luận điểm của mình. Đó là một ý tưởng hay, có thể giúp xã hội ổn định mà lợi ích của mọi người cũng được đảm bảo. Lần đầu tiên, song phương đạt được sự đồng thuận, và một phái bộ liên hợp được cử đến Mỹ.
...
Mỹ. Washington, D.C.
Các lãnh đạo hàng đầu của cả hai phe Dân Chủ và Cộng Hòa đã gặp mặt để bàn về một sự kiện trọng đại sắp xảy ra. Đây là một cuộc họp không chính thức. Mọi người hy vọng có sự thống nhất giữa song phương trước khi chính quyền có những động thái chính thức.
- Tin tức đã được xác nhận, phái bộ liên hợp đang trên đường đến Mỹ.
- Bọn họ sao có ý nghĩ lạ kỳ ?
- Không lạ kỳ đâu. Tình hình ở đó rất tồi tệ. Những người cộng sản được hậu thuẫn từ Nga hoạt động rất mạnh. Để đối phó, lựa chọn đó xem ra thích hợp nhất. Bọn họ cần một lĩnh tụ có thể đoàn kết đông đảo nhân dân và cải thiện tình hình kinh tế đất nước.
- Nói như vậy chúng ta cần ủng hộ kế hoạch đó.
- Chỉ còn cách đó thôi. Chẳng lẽ anh dám công khai phản đối ?
Nghĩ đến hậu quả nghiêm trọng khi làm như vậy, mọi người khẽ lắc đầu. Đừng nói là công khai phản đối, chỉ cần có ý cản trở, nếu sự việc tiết lộ, sinh mệnh chính trị có cơ chấm dứt. Đối với các chính trị gia, sinh mệnh chính trị là quan trọng nhất.
- Anh có thể nghĩ theo hướng tích cực hơn. Một người Mỹ có thể nắm giữ vị trí đó sẽ có lợi cho nước Mỹ. Mộng tưởng về một Liên Minh Châu Mỹ sẽ có cơ hội thực hiện.
Liên Minh Châu Âu đang dần hình thành ở châu Âu, đồng tiền chung châu Âu sẽ ra đời vào năm 1999. Nước Mỹ rất bất mãn về việc đó. Tuy nhiên, giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ ít có tiếng nói chung, cản trở nỗ lực hình thành Liên Minh Châu Mỹ.
- Hừm ! Cũng có lý !
- Quan trọng là chúng ta phải đảm bảo một điều : Ngài ấy trước tiên là một người Mỹ, rồi mới đến các thân phận khác.
- Chuyện đó không khó. Ở Mỹ cũng có một vị trí tương tự. Đó là ...
- Ân ! Có lý.
...
Vương quốc Anh. Westminster.
Ngày xưa, nơi đây là Khu Tự quản Thủ đô Westminster. Năm 1965, nó chính thức trở thành một thành phố thuộc vùng Đại London, có địa vị pháp lý ngang với thành phố London. Thành phố nằm tại phía tây, đồng thời nối liền vào thành phố London xưa, ngay hướng chính đông của Khu Hoàng gia Kensington và Chelsea, có sông Thames là ranh giới phía nam. Là một thành phố thủ đô, nơi đây là trung tâm chính trị của cả nước Anh, bao gồm Cung điện Buckingham (Cung điện Hoàng gia), Cung điện Westminster (Tòa nhà Quốc hội), Tòa nhà số 10 đường Downing (phủ Thủ tướng), ...
- Tin tức đã được kiểm chứng rồi chứ ?
- Dạ. Chính Ngài Tử tước Norswich 2nd đích thân xác nhận.
- Như vậy thì không sai rồi !
Tử tước Norswich 2nd có thân phận đặc thù, nên những ý kiến của ông ấy cũng mang tính quyền uy, được nhiều người tín phục.
- Chúng ta nên xử lý vụ này thế nào ạ ?
- Tạm thời không phát biểu ý kiến, chờ xem diễn biến tiếp theo.
- Tôi phản đối.
- Tại sao ?
- Tình trạng của các gia tộc Sekkan ở Nhật Bản là tấm gương cho chúng ta. Ngài ấy đã từng tuyên bố công khai là : “Ta không có họ hàng với bọn họ”.
- Như thế là sao ?
- Ngài Tadaterou Konoe ở Hội Chữ Thập Đỏ Quốc Tế là gia chủ đương nhiệm của gia tộc Konoe, cũng là đại diện cho các gia tộc Sekkan của Nhật Bản. Các gia tộc Sekkan là các gia tộc quyền quý đứng hàng thứ nhì ở Nhật Bản, chỉ sau Hoàng tộc, và bọn họ đa phần có quan hệ thân thích với Hoàng tộc. Chẳng hạn như Ngài Tadaterou Konoe có vợ là công chúa Yasuko, em họ của Nhật hoàng Akihito. Các gia tộc Sekkan là các gia tộc có nguồn gốc từ gia tộc Fujiwara, cụ thể là năm gia tộc : Konoe, Takatsukasa, Kujo, Nijo, Ichijo.
Cả bọn đều rất bất ngờ. Nói như vậy thì các gia tộc Sekkan rất có ảnh hưởng ở Nhật Bản, theo lẽ thường thì không nên quyết tuyệt như thế. Nhưng ... có lẽ suy nghĩ của “Đại nhân vật” có khác.
- Ý anh muốn nói ... nếu chúng ta không có ý kiến thì sau này sẽ không có cơ hội có ý kiến nữa, song phương vĩnh viễn sẽ là người xa lạ.
- Đúng thế.
...
Mỗ quốc. Trung Nam Hải.
- Tóm lại, sự việc là như thế đó.
- Việc này xem chừng có ảnh hưởng rất lớn đối với Mỹ quốc.
- Đương nhiên. Người Mỹ rất hài lòng vì kỳ vọng của họ đã thành hiện thực. Và Ngài ấy cũng trở thành lĩnh tụ đương nhiên của Mỹ quốc.
- Dù không có việc này, Ngài ấy cũng đã là lĩnh tụ của ngành Truyền thông và Giải trí, là một trong số những người có ảnh hưởng nhất Mỹ quốc và cũng là thần tượng của dân chúng Mỹ.
- Ta còn nghe nói Ngài ấy là ‘thần chi hậu duệ’, có thiên phú đặc thù.
- Là gì ?
- Nghe ở đâu nói ?
- Những người ở La Paz nói. Nghe nói con cháu của Viên Điền Ngạn Đại Thần có huyết thống cao quý, cứ một khoảng thời gian sẽ xuất hiện người có thiên phú đặc thù, vì vậy mới có thể duy trì gia tộc suốt mấy nghìn năm.
- Nhưng thiên phú đặc thù gì chứ ?
- ‘Thiên sinh lĩnh tụ’, là thiên phú cao quý nhất.
- Ân ! Nghĩ cũng có lý. Những thủ hạ của Ngài ấy, trước đây cũng chỉ là người bình thường, chẳng có gì đặc biệt, nhưng khi tụ tập xung quanh Ngài ấy, được soi sáng bởi ‘lĩnh tụ quang hoàn’, lập tức khác hẳn, năng lực được tăng cường, đều trở thành nhân tài cả. Cơ nghiệp của Ngài ấy cũng nhờ thế mà phát triển nhanh đến chóng mặt.
- Giới Truyền thông Mỹ cũng tự nhiên xem Ngài ấy là lĩnh tụ.
- Hừm ! Tóm lại, chúng ta nên có phản ứng như thế nào ?
- Người như thế là bạn tốt hơn là kẻ thù.
- Phụ nghị.
- Hôm trước Ngài ấy ghé thăm Hongkong. Đáng tiếc là chúng ta biết tin quá trễ, nếu không ...
- Không sao. Các đồng chí ở Quảng Đông hiện đang có một số dự án hợp tác với các công ty của Ngài ấy. Chúng ta có thể mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực hơn nữa.
- Ân ! Xem như dò đường cũng tốt.
- Phụ nghị.
...
Nhật Bản, Osaka.
Trong một ‘Cư Tửu Ốc’ sang trọng hướng về phía biển có một cuộc họp mặt quan trọng của các đại nhân vật.
- Các vị. Đó là thông tin mới nhận được từ một đối tác đáng tin cậy ở Washington.
- Chắc chắn chứ ?
- ‘Lão bản’ của anh ta là người tham dự cuộc họp.
- Nói vậy, Ngài ấy sắp trở thành người có uy quyền nhất thế giới.
- Không phải “sắp”, mà hiện tại Ngài ấy đã là lĩnh tụ của người Mỹ, ai dám nghi ngờ địa vị và uy quyền của Ngài ấy, chỉ có điều đến khi đó sẽ danh chính ngôn thuận hơn thôi.
- Dù sao Ngài ấy cũng là “thần duệ” kia mà !
- Hừm ! Đó là do gia tộc Fujiwara vĩ đại, chứ không phải tất cả “thần duệ” đều vĩ đại.
- Cũng không phải tất cả thành viên của gia tộc Fujiwara đều được như thế, chỉ có gia tộc Fujiwara chân chính mới vĩ đại mà thôi.
Những gia tộc dù tự nhận là có nguồn gốc từ gia tộc Fujiwara, dù có cao quý, nhưng không dám dùng tộc danh Fujiwara, đương nhiên không thể xem là gia tộc Fujiwara chân chính. Đó là quan điểm của nhiều người thời kỳ hậu “Dougen-ki”.
- Các vị. Nói vào chính đề. Ta mời các vị đến đây là để cùng tìm đối sách. Như mọi người đều biết, Ngài ấy ít có cảm tình với Nhật Bản.
- Không đúng. Ngài ấy không phải ít có cảm tình với Nhật Bản mà là ít có cảm tình với miền đông Nhật Bản.
- Phải đó. Ở các xứ miền tây của chúng ta, Ngài ấy vẫn rất có cảm tình. Dù sao thì Takachiho no Mine cũng là tổ địa của dòng họ Fujiwara kia mà. Ngài ấy đã đầu tư rất lớn vào đó.
- Còn các điện thờ Daimyojin nữa, hầu như thành phố nào ở miền tây cũng có.
Mọi người nhìn nhau, tất cả đều là người miền tây, chủ yếu là ở Kansai, nên dễ dàng có được tiếng nói chung.
- Như vậy, chúng ta sẽ cử một đoàn đại biểu đến Mỹ.
- Đồng ý.
- Đồng ý.
...
Thành phố Fantasy, Tòa nhà MGM Palace.
- Nhờ ảnh hưởng của Chủ tịch, doanh thu của chúng ta tăng lên thấy rõ.
- Mọi người quan tâm đến thân thế của Chủ tịch như thế, hay là chúng ta làm phim về gia tộc Fujiwara đi.
- Nghe cũng hay đấy.
- Nội dung ?
- Ân ! Chúng ta có thể cải biên từ tác phẩm ‘The stories of Fujiwara’. Ta nghĩ có thể lấy phần : Ngài Nakatomi no Kamatari tiến quân về Fujiwara dẹp loạn; hoặc phần : dưới sự hậu thuẫn của Ngài Fujiwara no Fuhito, ‘thập anh hùng’ hộ tống hoàng tử Ouama từ Naniwa về Fujiwara tranh ngôi.
- Xem ra cũng có triển vọng đấy.
- Hay là làm cả hai phim đi.
- Được đấy. Ít nhất người Mỹ và người Nhật sẽ thích xem. Doanh thu không thành vấn đề.
- Để ta xin ý kiến của Chủ tịch.