CHƯƠNG 28: THE STORIES OF FUJIWARA (2)
Trong khi đó ở Kyushu, Ame no Taneko thành lập dòng họ Nakatomi, tiếp tục cai trị ở đó, không hề có ý định đến Yamato. Vì trong điều kiện hiện tại, đi từ Kyushu đến Yamato mất đến nửa năm, nên song phương gần như cách biệt với nhau, ít có sự giao thiệp. Thậm chí, sự giao thiệp giữa Kyushu với bán đảo Triều Tiên còn nhiều hơn với Yamato. Một số ngôi làng theo kiểu Triều Tiên xuất hiện ở miền tây bắc, Kyushu bắt đầu tiếp nhận di dân Triều Tiên và nền văn hóa Mumun. Sự hòa hợp văn hóa đã giúp Kyushu phát triển hơn.
Kyushu tiên dân là di dân Bách Việt, có kỹ thuật về rèn và thuyền đặc biệt nổi bật. Những thanh kiếm do họ rèn, mãi đến tận thế kỷ 20 vẫn được thế giới công nhận là bảo kiếm (trong khi ‘Việt kiếm’ ở Trung Hoa Đại lục đã thất truyền từ rất lâu, những bảo kiếm truyền thuyết ‘tước thiết như nê’ đều là sản phẩm của Bách Việt). Thuyền cũng là đặc trường của Kyushu. Mãi đến tận thế kỷ 20, hải quân Nhật Bản đa phần đều có gốc Kyushu.
Năm Koumyo thứ 387, kỹ thuật luyện sắt ở Kyushu có bước đột phá vượt bậc, giải quyết được vấn đề sản lượng. Những thanh kiếm dài sắc bén được trang bị cho các hộ vệ của gia đình quý tộc. Những kiếm sĩ đó dần dần phát triển thành những chiến binh chuyên nghiệp, không tham gia sản xuất, chỉ phụ trách chiến đấu, hình thành một tầng lớp mới ở giữa quý tộc và bình dân – bushi (vũ sĩ). Trong khi đó, ở Honshu vẫn còn trong thời kỳ toàn dân giai binh, cũng có nghĩa là quân đội toàn dân binh, đông đảo nhưng ô hợp.
Những năm sau đó, miền bắc Kyushu trở thành đầu mối giao lưu thương mại với Triều Tiên và miền đồng bằng Trường Giang, dần dần phát triển thịnh vượng. Văn minh Kyushu phát triển sớm hơn Honshu hơn nửa thế kỷ (thời kỳ văn hóa Yayoi ở Honshu bắt đầu vào khoảng năm 300 trước Tây lịch, còn ở Kyushu vào khoảng năm 800 – 900 trước Tây lịch). Gia tộc Nakatomi có nhiều tiền, nên cho xây nhiều lâu đài, pháo đài, phát triển quân đội, trở nên cường thịnh.
Năm Koumyo thứ 1400, một nhóm di dân của nước Tần từ Đại lục đến được Kyushu qua đường Triều Tiên. Họ được ban cho một khu định cư, hình thành gia tộc Hata (âm Hán là Tần), thủ lĩnh là Uzumasa no Kimi Sukune.
Năm Koumyo thứ 1451, triều đình Yamato đã đánh bại thế lực cuối cùng của người Emishi ra khỏi miền đông đảo Honshu. Tenno Jingu trở thành vị nữ Thiên Hoàng đầu tiên và là người có quyền uy nhất của triều đình Yamato từ trước đến giờ. Tuy nhiên, bên trong triều đình Yamato vẫn còn tồn tại nhiều lĩnh địa tự trị hùng mạnh như Kibi (nay là Okayama), Izumo (nay là Shimane), Koshi (nay là Fukui và Niigata), Kenu (đồng bằng Kanto). Các vị lãnh chúa địa phương này chỉ phải nộp cống cho triều đình và thần phục trên danh nghĩa. Bọn họ giao chiến thường xuyên, đôi khi kinh đô cũng bị phá hủy vì chiến tranh. Các gia tộc hùng mạnh khác thường xuyên giữ các vị trí quan trọng trong triều đình là Soga, Katsuraki, Heguri, Koze, Otomo và Mononobe.
Năm Koumyo thứ 1488, một vị vương tử đến từ Baekje (Bách Tế) đã dần đầu đoàn di dân đông đảo cùng kho báu khổng lồ di cư đến Kyushu. Ông ta lấy tên là Yuzuki no Kimi, cũng tự xưng là hậu duệ của Tần Thủy Hoàng, và gia tộc mới này cũng lấy tên là Hata.
Trong giai đoạn từ năm Koumyo thứ 1561 đến năm Koumyo thứ 1850, đã có hàng trăm gia tộc được hình thành từ di dân : 163 gia tộc đến từ Trung Quốc, 104 gia tộc đến từ Baekje (Bách Tế), 41 gia tộc đến từ Goguryeo (Cao Câu Ly), 6 gia tộc đến từ Silla (Tân La) và 3 gia tộc đến từ Gaya (Già Da). Nhờ sự tiếp thu di dân và các nền văn hóa nước ngoài, Kyushu càng phát triển hùng mạnh và thịnh vượng, đặt nền tảng cho việc khống chế các con đường giao thương quốc tế của Nhật Bản trong cả nghìn năm sau đó.
Tại Yamato, kể từ triều đại của nữ Tenno Suiko, các gia tộc trong triều đình ngày càng tranh quyền đoạt lợi, đánh giết lẫn nhau, thậm chí chuyện ám sát đối thủ đã không còn hiếm nữa. Đỉnh điểm của sự việc là cái chết của Hoàng tử Yamashiro. Khi Tenno Suiko qua đời, có hai vị Hoàng tử được quyền kế vị là Yamashiro và Tamura. Gia chủ của gia tộc Soga là Soga no Emishi đã phái con trai là Soga no Iruka đem quân tập kích nhà của Hoàng tử Yamashiro. Kết quả cả nhà Hoàng tử không ai sống sót. Hoàng tử Tamura lên ngôi, trở thành Tenno Jomei và mọi quyền lực trong triều đình đều rơi vào tay Soga no Emishi.
Tenno Jomei lấy cháu gái của mình là công chúa Takara làm hoàng hậu. Sau khi Tenno Jomei qua đời, Soga no Emishi đã đưa hoàng hậu Takara lên kế vị, trở thành Tenno Kogyoku. Trong suốt thời gian trị vì của hai vị Tenno này, Tenno chỉ ngồi làm vì, gia tộc Soga ra sức thâu tóm mọi quyền lực, giết hại những người không cùng phe cánh, làm nhiều điều bạo ngược, gây nhiều công phẫn.
Năm Koumyo thứ 1849, Takachiho no Mine lại đón tiếp một sứ giả đến từ Yamato. Thái tử Naka no Oe (con trưởng của Tenno Jomei và Kogyoku) cảm thấy gia tộc Soga quá lộng quyền, kinh đô Fujiwara quá bất ổn, sinh mạng các thành viên Hoàng tộc có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào, nhất là khi Soga no Iruka lên nắm quyền, nên đã phái sứ giả đến Takachiho no Mine cầu viện. Soga no Iruka đã từng dám sát hại hoàng tử Yamashiro thì còn có gì mà không dám làm.
Năm Koumyo thứ 1850, Nakatomi no Kamatari suất lĩnh 12 kannushi (thần chủ), 100 miko (vu nữ) và 2.000 bushi (vũ sĩ) tiến về Fujiwara, kinh đô của triều đình Yamato. Đoàn chiến thuyền của Kyushu chỉ mất hơn nửa tháng là đến được Naniwa. Các kanushi và miko làm lễ tế Daimyojin, rồi đoàn quân đổ bộ lên bờ. Soga no Iruka tập hợp đại quân hơn 1 vạn Ashigaru (túc khinh) ứng chiến. Song phương dàn trận bên ngoài kinh đô.
Quân đội Nakatomi có 1.500 kenbushi (kiếm vũ sĩ), 300 kyubushi (cung vũ sĩ) và 200 tatebushi (thuẫn vũ sĩ) sử dụng thiết kiếm, trường cung và đại thuẫn (khiên gỗ lớn). Trong khi quân đội Soga đông hơn, nhưng chỉ là Ashiraru sử dụng trúc thương (cây tre vót nhọn đầu) và một số bushi sử dụng mộc thương (đầu thương bằng sắt, cán gỗ). Song phương vừa giao chiến là quân Soga đã lập tức bại trận. Thiết kiếm của quân Nakatomi không đến nỗi ‘chém sắt như chém bùn’, nhưng hoàn toàn ‘chém gỗ như chém chuối’. Quân Nakatomi đuổi tràn vào lĩnh địa gia tộc Soga mà không gặp phải sự kháng cự nào đáng kể. Soga no Iruka tử trận, Soga no Emishi đốt lâu đài tự thiêu, dòng chính của gia tộc Soga tuyệt tự.
Tại kinh đô Fujiwara, thái tử Naka no Oe yêu cầu Tenno Kogyoku thoái vị, nhường ngôi cho em trai bà là hoàng tử Karu, tức Tenno Koutoku. Naka no Oe nắm quyền triều chính. Nakatomi no Kamatari được phong làm Naidaijin (Nội đại thần), vị trí thứ tư trong triều đình, sau Daijodaijin (Thái chính đại thần) Naka no Oe, Sadaijin (Tả đại thần) Abe no Kurahashi Maro và Udaijin (Hữu đại thần) Soga no Kura no Yamada no Ishikawa no Maro.
Sau khi tình hình ổn định, quân Nakatomi rút khỏi kinh đô, đến đóng ở Naniwa. Nhờ có cảng biển, nơi đó dần dần phát triển thành một thành thị phồn hoa. Tenno Koutoku quyết định dời đô đến đó, bỏ lại cựu đô Fujiwara hoang tàn sau nhiều năm loạn lạc.
Năm Koumyo thứ 1858, để giảm bớt ảnh hưởng của gia tộc Nakatomi đối với triều đình, Naka no Oe đề nghị dời đô trở lại Fujiwara, nhưng bị Tenno từ chối. Naka no Oe liền tự mình mang triều đình đến Fujiwara, bỏ Tenno ở lại Naniwa. Vì hành động này mà uy tín của Naka no Oe bị giảm sút nghiêm trọng. Năm sau, Tenno Koutoku qua đời, Naka no Oe không đủ uy tín để lên ngôi, nên cho mẹ là cựu Tenno Koryoku lên ngôi lần nữa với tôn hiệu mới là Tenno Saimei. Năm Koumyo thứ 1866, Tenno Saimei qua đời và Naka no Oe lên ngôi, trở thành Tenno Tenji.
Thời kỳ này, thế lực của gia tộc Nakatomi ở Yamato phát triển mạnh mẽ. Tuy chức vụ vẫn là Naidaijin, nhưng đến năm Koumyo thứ 1856, chức vụ Udaijin bị bỏ trống, và đến năm Koumyo thứ 1863, chức vụ Sadaijin cũng bị bỏ trống. Khi Tenno Tenji lên ngôi, thực tế thì Nakatomi no Kamatari đã trở thành người có chức vụ cao nhất trong triều đình.
Năm Koumyo thứ 1873, Tenno Tenji đã ban vùng đất Fujiwara cho Nakatomi no Kamatari làm lĩnh địa. Nakatomi no Kamatari đổi tên thành Fujiwara no Kamatari, gia tộc Fujiwara thành lập. Kể từ lúc này, Fujiwara vừa là kinh đô của triều đình Yamato, mà cũng vừa là lĩnh địa của gia tộc Fujiwara. Sang năm sau Fujiwara no Kamatari qua đời, con trai mới 10 tuổi là Fujiwara no Fuhito kế vị gia chủ. Nhân đó, Tenno Tenji bãi bỏ các Daijokan (Thái chính quan). Và với lý do còn quá nhỏ, Fujiwara no Fuhito không giữ chức vụ gì trong triều đình. Gia tộc Fujiwara lặng lẽ củng cố ảnh hưởng ở Yamato, tạm thời không tham gia triều chính.
Năm Koumyo thứ 1876, Tenno Tenji đột nhiên phục hồi chế độ Daijokan, bổ nhiệm con trai là hoàng tử Otomo làm Daijodaijin. Tình hình kinh đô dần rơi vào bất ổn.
Nguyên bản, Tenno Tenji đã chỉ định em trai là hoàng tử Ouama làm người thừa kế, vì các con của Tenno Tenji đều có mẹ xuất thân bình dân, không phù hợp với lễ nghi đương thời. Ouama có đầy đủ những phẩm chất tốt của một quân vương và được các gia tộc lớn ủng hộ. Sau đó, Tenno Tenji lại muốn truyền ngôi cho con trai của mình, liền giả vờ bị ốm, cho gọi riêng Ouama vào hỏi có muốn lên làm vua không ? Nếu như Ouama nói có thì sẽ bị giết, nhưng anh ta đã đủ thông minh để trả lời không và nói muốn đi tu, nên đã được thả ra. Hôm sau, Ouama đi xuống Naniwa, vào xuất gia ở một ngôi chùa tại Yoshino, ngoại ô Naniwa. Tenno Tenji lập con trai là hoàng tử Otomo làm người thừa kế và phong cho làm Daijodaijin. Các gia tộc lớn trong triều đình đều tỏ ra bất mãn với sự kiện này. Gia tộc Fujiwara đã ra một quyết định có ảnh hưởng trọng đại : rút quân khỏi kinh đô đưa về bảo vệ các trang ấp, và cấm quân đội bên ngoài đặt chân đến Fujiwara. Tại kinh đô chỉ còn lại các bushi hộ vệ của các gia tộc. Kinh đô bỏ ngỏ. Những kẻ dã tâm bắt đầu rục rịch hành động.
Năm Koumyo thứ 1877, Tenno Tenji qua đời, 14 người con của ông tranh chấp quyền thừa kế. Jinshin no Ran (Nhâm Thân chi loạn) bùng nổ.
Hoàng tử Otomo được bốn vị cận thần là Soga no Akae, Soga no Hatayasu, Kose no Omihito, Ki no Ushi đưa lên ngôi, trở thành Tenno Koubun. Các vị hoàng tử khác tập hợp các bushi dưới quyền đánh nhau tranh ngôi. Kinh đô rơi vào hỗn loạn.
Các gia tộc ủng hộ các vị hoàng tử đã khẩn cấp điều quân về kinh đô tham chiến, nhưng đã bị chặn lại bên ngoài Fujiwara. Theo lệnh của gia tộc Fujiwara, chỉ có các bushi mới được vào kinh đô lúc này. Vì thế, quân các bên đã đi vòng bên ngoài Fujiwara. Một đạo từ Yamato qua Iga rồi đến Mino, đụng độ với quân từ Ise lên. Một cuộc chiến với quy mô gần ba vạn người nổ ra bên bờ sông Inugami, hoàng tử Yamabe và Soga no Hatayasu tử trận.
Ở Yoshino, hoàng tử Ouama nay là một nhà sư, đã tập hợp cận vệ và các sư trong chùa được 10 người, lại nhận được vũ khí viện trợ của gia tộc Fujiwara, liền quyết định suất lĩnh ‘thập anh hùng’ tiến về kinh đô tranh ngôi. Tháng bảy, ‘thập anh hùng’ tiến vào Fujiwara. Bọn họ tiến hành các cuộc tấn công du kích, chiến đấu dũng cảm và kiên nhẫn, lần lượt đánh bại các vị hoàng tử khác. Khi đến bên ngoài hoàng cung, quân của Ouama đã tăng lên đến 62 người.
Tenno Koubun có 24 bushi cố thủ bên trong hoàng cung. Cuộc bao vây kéo dài trong một tháng. Quân cố thủ chiến đấu trong tuyệt vọng, và phải phá vây rút chạy sau khi Ouama ra lệnh phóng hóa đốt hoàng cung. Tenno Koubun chạy về đến núi Nagara thì bị bao vây, và đã treo cổ tự sát trên núi, chỉ ở ngôi có tám tháng. Ouama giành được thắng lợi cuối cùng, trở thành Tenno Temmu.
Năm Koumyo thứ 1893, Fujiwara no Fuhito tiếp nhận chức vụ Naidaijin, chức vụ cao nhất trong triều đình lúc bấy giờ. Năm Koumyo thứ 1902, hoàng tử Karu (con trai thứ của hoàng tử Kusakabe) mới 14 tuổi đã được Fujiwara no Fuhito đưa lên ngôi, trở thành Tenno Mommu. Ông lấy con gái của Fujiwara no Fuhito là Miyako, sinh ra hoàng tử Obito, sau này là Tenno Shoumu. Năm Koumyo thứ 1905, Tenno Mommu ra lệnh chỉ có con cháu của Fujiwara no Fuhito mới được lấy họ Fujiwara và giữ các chức vụ trong Daijokan. Hoàng tộc và gia tộc Fujiwara thông hôn. Tenno sẽ lấy con gái gia tộc Fujiwara làm hoàng hậu, và gia chủ gia tộc Fujiwara lấy công chúa Hoàng tộc làm gia chủ phu nhân. Kể từ đây, gia tộc Fujiwara cũng bắt đầu thời kỳ hoàng kim của mình. Khi qua đời, Fujiwara no Fuhito đã được truy phong là Daijodaijin (Thái chính đại thần), Bunchu-ko (Văn Trung Công) và Tankai-ko (Đạm Hải Công).
Năm Koumyo thứ 1912, Tenno Mommu qua đời, thái hậu Abehime được tôn lên làm nữ Tenno Genmei. Ba năm sau, triều đình dời đô về Naniwa, đổi tên thành Nara-kyo (Nại Lương kinh), bắt đầu Nara-jidai (Nại Lương thì đại).
(1) Kỹ thuật luyện sắt của người Bách Việt đã xuất hiện từ thế kỷ 15 trước Tây lịch, nhưng sản lượng không cao, nên đã phát triển thành vũ khí thân đồng lưỡi sắt. Từ cổ vật ‘thiết nhận thanh đồng việt’ (búa đồng lưỡi sắt) ở Trung Quốc, các nhà khoa học đã phát hiện người xưa luyệt sắt từ aerosiderit.