“Cậu đang đội mũ nồi[1] hả?” Đó là cách Toph chào hỏi tôi.
[1] Mũ nồi (mũ beret): Là một sản phẩm đặc trưng của thời trang Pháp, là dạng mũ tròn, thường làm bằng len, nỉ, dệt kim hoặc dạ mềm để đội đầu.
Tôi liền cười giòn giã. Cậu ta đã gọi! Toph đã gọi!
“Vẫn chưa.” Tôi đi qua đi lại trong căn phòng bé tẹo của mình. “Nhưng mình có thể mua cho cậu một cái nếu cậu thích. Thêu tên cậu lên đó và cậu có thể đội nó thay cho phù hiệu.”
“Mình sẽ trông rất oách với một cái mũ nồi.” Giọng Toph xen lẫn tiếng cười.
“Không ai đội mũ nồi mà trông oách cả. Ngay cả với cậu.”
St. Clair vẫn nằm trên giường, ngẩng đầu quan sát tôi. Tôi mỉm cười và chỉ vào bức ảnh trong máy tính xách tay. Toph, tôi nói không ra tiếng.
St. Clair lắc đầu.
Tóc mai dài.
À, cậu thì thào.
“Hôm qua em cậu đến chơi.” Toph luôn xem Bridge như em gái tôi. Hai đứa tôi cao ngang nhau, lại có cùng dáng người, cùng mái tóc thẳng dài dù tóc con bé vàng óng còn tóc tôi nâu sẫm. Như những người sống cùng nhau một thời gian dài, cách nói của bọn tôi cũng giống nhau tuy Bridge thích sử dụng những từ khó hiểu. Cánh tay nó săn chắc nhờ thường chơi trống. Tôi bị hở răng trong khi nó đeo niềng răng. Nói cách khác, Bridge giống tôi nhưng xinh hơn, nhanh nhẹn hơn và tài giỏi hơn.
“Mình không biết em ấy chơi trống,” Toph nói. “Em ấy chơi giỏi không?”
“Số một đấy.”
“Cậu nói vậy vì em ấy là bạn cậu hay vì em ấy thực sự giỏi?”
“Nó là người giỏi nhất,” tôi lặp lại. Từ khóe mắt tôi thấy St. Clair đang liếc nhìn chiếc đồng hồ trên nóc tủ.
“Tay trống của mình nghỉ rồi. Cậu nghĩ em ấy có hứng thú không?”
Hè vừa rồi Toph đã lập một ban nhạc punk lấy tên là Penny Dreadfuls. Nhiều lần thay đổi thành viên, nhiều cuộc tranh luận về nội dung ca từ đã nổ ra nhưng vẫn không có buổi biểu diễn thực sự nào. Tình hình rất xấu. Tôi cá Toph rất cừ sau một cây ghi-ta.
“Thật ra,” tôi nói, “mình nghĩ là có. Lão thầy hướng dẫn khốn kiếp vừa đánh trượt nó khỏi vị trí trưởng nhóm và nó cần được trút giận.” Tôi cho Toph số của Bridge. Cậu ta lặp lại dãy số trong lúc St. Clair nhịp nhịp lên chiếc đồng hồ đeo tay vô hình. Mới chín giờ, không hiểu sao cậu vội vã như vậy nhỉ? Đến tôi còn biết giờ này ở Paris vẫn được xem là sớm. Cậu hắng giọng rõ to.
“Này, mình xin lỗi. Mình phải đi rồi,” tôi nói.
“Có ai ở đó với cậu à?”
“Ừ, ừm. Bạn mình. Cậu ấy đưa mình dạo phố.”
Một giây trôi qua. “Cậu ấy?”
“Chỉ là một người bạn.” Tôi xoay lưng với St. Clair. “Cậu ấy có bồ rồi.” Tôi nhắm mắt. Mình có nên nói vậy không?
“Cậu sẽ không quên chuyện bọn mình chứ? Ý mình là…” Toph ngập ngừng. “Chuyện chúng ta ở Atlanta ấy? Cậu có lãng quên tất cả vì một gã người Pháp nào đó và không bao giờ quay về nữa không?”
Tim tôi đập thình thịch. “Dĩ nhiên là không. Mình sẽ về vào dịp Giáng sinh mà.”
“Tốt lắm. Annabel Lee. Mình nên quay lại làm việc. Hercules chắc đang cáu tiết vì mình không gác cổng rồi. Ciao[2].”
[2] Tiếng Ý: chào
“Ừ,” tôi nói. “Au revoir[3].”
[3] Tiếng Pháp: Tạm biệt.
“Thế nhé.” Cậu ta cười và chúng tôi tắt máy.
St. Clair đứng lên. “Bạn trai ghen tuông à?”
“Mình đã kể rồi mà. Cậu ấy không phải bạn trai mình.”
“Nhưng cậu thích người đó.”
Tôi đỏ mặt. “À… ừ.”
Không thể lý giải biểu cảm của St. Clair. Có lẽ là bực tức. Cậu hất đầu ra cửa. “Cậu vẫn muốn ra ngoài phải không?”
“Sao cơ?” Tôi bối rối. “Ừ, tất nhiên. Để mình thay quần áo đã.” Tôi để cậu ra ngoài và năm phút sau chúng tôi thẳng tiến hướng Bắc. Tôi mặc chiếc áo ruột vốn cất kỹ trong tủ lâu lâu mới dám vận một lần, nó ôm sát thân hình tôi ở những chỗ cần ôm, quần bò và giày thể thao đen. Tôi biết giày thể thao không mang chất Pháp cho lắm – tôi nên đi bốt cao hay giày cao gót – nhưng ít nhất nó cũng không có màu trắng. Đúng là dân ở đây hay xầm xì về giày thể thao trắng. Chỉ những du khách Mỹ mới mang loại giày to bè xấu xí chuyên dùng để cắt cỏ hoặc sơn phết nhà cửa ấy.
Buổi tối hôm đó rất đẹp. Ánh đèn ở Paris rực rỡ lung linh. Bầu không khí ấm áp bị khuấy động bởi những tiếng rì rầm trò chuyện trên phố và tiếng cụng ly trong các nhà hàng. St. Clair đã tươi tỉnh trở lại và đang liệt kê các khía cạnh khủng khiếp trong cuốn hồi ký Rasputin cậu vừa đọc xong chiều nay.
“Vậy là đám người Nga đã cho một lượng xianua đủ giết năm gã đàn ông vào bữa tối của ông ta. Nhưng chẳng có tác dụng gì nên họ bắt đầu kế hoạch B – họ lấy súng lục bắn vào lưng ông ta. Thế mà vẫn không giết chết mục tiêu. Kỳ thực Rasputin vẫn đủ sức siết cổ một trong những kẻ ám sát nên họ bắn thêm ba phát nữa. Ông ta vẫn gắng gượng đứng lên! Rồi họ đánh ông ta thừa sống thiếu chết, quấn ông ta vào một cái chăn và ném xuống dòng sông lạnh giá. Ấy thế mà…”
Hai mắt St. Clair mơ màng. Ánh mắt ấy y hệt như khi mẹ tôi hăng say kể chuyện đàn rùa hay khi Bridge nói về những cái chũm chọe.
“Trong lúc khám nghiệm tử thi, họ phát hiện nguyên nhân cái chết thật ra là do cơ thể bị giảm nhiệt. Vì dòng sông! Không phải vì bị đầu độc, bị bắn hay đánh đập. Mẹ Tự Nhiên. Không chỉ có thế, cánh tay ông ta còn đông cứng trong tư thế giương cao tựa hồ ông ta đã cố cào xé tìm lối thoát bên dưới tảng băng.”
“Sao cơ? Không…”
Vài du khách Đức đang tạo dáng trước mặt tiền của một cửa hàng có dát chữ vàng. Chúng tôi đi vòng qua họ để không phá hỏng bức ảnh. “Hay hơn nữa,” cậu nói, “khi họ hỏa táng thi thể, ông ta bật dậy. Không, ông ta đã bật dậy! Có lẽ vì anh chàng lo liệu cái xác đã quên tách bỏ gân nên thân xác mới co rúm lại khi thiêu…”
Tôi gật đầu khích lệ. “Tuy rất ghê nhưng thú vị đấy. Kể tiếp đi.”
“… làm hai chân và cơ thể ông ta cong gập lại.” St. Clair mỉm cười đắc thắng. “Mọi người phát điên khi chứng kiến cảnh đó.”
“Ai nói lịch sử là nhàm chán vậy nhỉ?” Tôi mỉm cười, mọi thứ thật hoàn hảo. Gần như hoàn hảo. Gần như, vì đây là giây phút chúng tôi đi qua cổng vào TMOP và tôi đã ở xa trường hơn bao giờ hết. Nụ cười của tôi có phần nao núng khi tôi trở lại trạng thái căng thẳng bản năng.
“Cảm ơn cậu. Những người khác luôn bắt mình im mồm trước khi…” St. Clair nhận ra sự thay đổi thái độ của tôi bèn dừng bước. “Cậu ổn chứ?”
“Mình ổn mà.”
“Ừ, đã có ai nói rằng cậu nói dối rất kém chưa? Quá tệ. Tệ kinh khủng.”
“Chẳng qua…” Tôi thẹn thùng ấp úng.
“Saooooo?”
“Paris rất ư là… xa lạ.” Tôi cố gắng tìm đúng từ. “Đáng ngại.”
“Đâu có!” Cậu nhanh chóng phản bác tôi.
“Cậu nói thì dễ.” Chúng tôi đi vòng qua một quý ông tôn nghiêm đang khom lưng dắt một chú chó săn cáo chân lùn, bụng xệ. Ông tôi đã cảnh báo vỉa hè ở Paris rải rác những “bãi mìn” nhưng đến hôm nay tôi mới được đích thân mục kích. “Cậu đã quen thuộc với Paris từ rất lâu rồi,” tôi tiếp tục. “Cậu thông thạo tiếng Pháp, cậu ăn mặc như người châu Âu…”
“Nhắc lại xem?”
“Cậu biết mà. Quần áo đẹp, giày đẹp.”
St. Clair nhấc chân trái đang xỏ trong một thứ thô ráp và mòn vẹt. “Cái này á?”
“Ờ, không. Nhưng cậu không mang giày thể thao. Mình đây nè. Mình không nói tiếng Pháp, mình sợ tàu điện và có lẽ mình nên mang giày cao gót nhưng mình ghét chúng…”
“Mình mừng vì cậu không mang giày cao gót,” St. Clair ngắt lời. “Cậu sẽ cao hơn mình.”
“Mình cao hơn cậu rồi.”
“Chút đỉnh thôi.”
“Cho xin đi. Mình hơn cậu sáu, bảy phân đấy. Mà cậu còn đang đi giày bốt nữa.”
St. Clair đập vào vai tôi và tôi phì cười. “Thư giãn đi,” cậu nói. “Cậu đang ở cạnh mình. Mình gần như là người Pháp mà.”
“Cậu là người Anh.”
Cậu ấy ngoác miệng cười. “Mình là người Mỹ.”
“Người Mỹ với giọng Anh. Như vậy không phải bị dân Pháp ghét gấp đôi sao?”
St. Clair đảo mắt. “Cậu nên thôi nghe theo những thành kiến rập khuôn và bắt đầu có chút chủ kiến đi.”
“Mình không bị rập khuôn.”
“Thật hả? Cảm phiền chỉ cho mình.” St. Clair chỉ vào đôi chân một cô nàng đang tản bộ phía trước chúng tôi. Cô ta đang huyên thuyên tiếng Pháp trên điện thoại. “Cái đó chính xác là gì nào?”
“Giày thể thao,” tôi thì thầm.
“Thú vị nhỉ. Còn các quý ông ở vỉa hè bên kia? Cậu có muốn giải thích người đứng bên trái đang mang gì hay không? Cái thứ kỳ cục gắn vào chân anh ta ấy?”
Dĩ nhiên toàn là giày thể thao. “Nhưng mà này, thấy gã đằng xa kia chứ?” Tôi hất đầu về phía một anh chàng mặc quần bò và áo thun Budweiser. “Mình có bị lộ rõ vậy không?”
St. Clair liếc anh chàng kia. “Rõ cái gì? Hói đầu? Béo phì? Hay khiếm nhã?”
“Người Mỹ.”
Cậu thở dài đánh thượt. “Thật lòng nhé Anna. Cậu phải vượt qua chuyện này.”
“Mình chỉ không muốn làm ai khó chịu. Mình nghe nói người Mỹ hay gây khó chịu lắm.”
“Ngay lúc này cậu chẳng làm ai khó chịu cả, trừ mình.”
“Còn bà ta thì sao?” Tôi chỉ vào một phụ nữ trung niên mặc quần kaki ngắn với áo len cộc có sọc đan hình ngôi sao. Bà ta đeo máy ảnh ở thắt lưng và đang tranh cãi với một người đàn ông đội mũ vải mềm. Chắc đó là chồng bà ta.
“Hoàn toàn chướng mắt.”
“Mình có lộ liễu như bà ta không?”
“Xét đến việc bà ta mặc áo in cờ Mỹ thì mình sẽ đáp là không.” Cậu cắn móng tay. “Nghe này. Mình nghĩ mình biết giải pháp cho vấn đề của cậu nhưng cậu phải đợi. Chỉ cần hứa là cậu sẽ không bắt mình so sánh cậu với các bà, các cô U50 thì mình sẽ lo liệu mọi việc.”
“Bằng cách nào? Với cái gì? Hộ chiếu Pháp hả?”
St. Clair khịt mũi. “Mình đâu có nói sẽ biến cậu thành người Pháp.” Tôi định mở miệng cãi lại nhưng bị cậu gạt đi. “Thỏa thuận nhé.”
“Thỏa thuận,” tôi nói, không thoải mái lắm. Tôi không thích thú với những điều bất ngờ. “Mong là mọi chuyện sẽ khá hơn.”
“Ồ, sẽ tốt đẹp cả thôi.” St. Clair trông tự mãn đến nỗi tôi định mỉa mai cậu nhưng chợt nhận ra không còn thấy bóng dáng trường mình đâu nữa.
Không thể tin được. St. Clair đã hoàn toàn đánh lạc hướng tôi.
Mất một lúc tôi mới nhận ra, nhưng thực sự gót giày tôi đang nhún nhảy còn bụng dạ thì bồn chồn náo nức. Tôi phấn khích vì được ra ngoài! “Chúng ta đang đi đâu?” Tôi không thể kìm nén sự háo hức trong giọng mình. “Sông Seine hả? Mình biết nó ở gần đâu đây. Bọn mình sẽ ngồi bên bờ sông hả?”
“Không nói. Đi tiếp đi.”
Tôi cho qua chuyện này. Tôi bị sao thế nhỉ? Lần thứ hai trong vòng một phút tôi bằng lòng với việc đợi chờ. “Ồ! Cậu phải xem cái này trước.” St. Clair túm cánh tay tôi và kéo tôi băng qua đường. Một chiếc xe máy nhấn còi inh ỏi, tôi bật cười.
“Đợi đã, cái gì…” Và rồi tôi nín thở.
Chúng tôi đang đứng trước một nhà thờ vô cùng hoành tráng. Bốn cây cột khổng lồ án ngữ mặt tiền kiểu Gothic với tượng đài đường bệ, cửa sổ đứng và những tấm điêu khắc công phu. Một tháp chuông gầy nhẳng vươn dài trong bầu trời đêm tối mịt. “Gì thế này?” Tôi thì thầm. “Nổi tiếng không? Mình nên biết không?”
“Nhà thờ của mình đấy.”
“Cậu đến đây?” Tôi kinh ngạc. St. Clair không có vẻ mộ đạo lắm.
“Không.” Cậu hất đầu về phía một phiến đá, ngỏ ý để tôi đọc nó.
“Nhà thờ Saint Étienne du Mont. Chà, Saint Étienne cơ đấy!”
Cậu mỉm cười. “Mình vẫn luôn có tí chút sở hữu nơi này. Lúc nhỏ mẹ thường đưa mình đến đây. Mẹ con mình ăn trưa ngay trên bậc thềm. Thỉnh thoảng mẹ mình mang theo sổ phác họa để vẽ những con bồ câu và dòng xe taxi.”
“Mẹ cậu là nghệ sĩ à?”
“Mẹ mình là họa sĩ. Tác phẩm của bà đang ở New York MoMA[4].” Cậu có vẻ tự hào và tôi nhớ Meredith từng bảo St. Clair ngưỡng mộ Josh vì cậu ta vẽ rất đẹp. Thêm nữa, bố St. Clair sở hữu hai phòng triển lãm tranh. Học kỳ này St. Clair đăng ký môn Nghệ thuật tạo hình. Tôi bèn hỏi có phải cậu cũng là họa sĩ không.
[4] The Museum of Modern Art (Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại), nằm ở Midtown Manhattan, New York.
St. Clair nhún vai. “Không hẳn. Mình ước là thế. Mẹ không truyền lại cho mình năng khiếu hội họa mà chỉ có sự cảm thụ. Josh giỏi hơn nhiều. Rashmi cũng giỏi.”
“Cậu thân thiết với bác phải không? Mẹ cậu ấy?”
“Mình yêu mẹ lắm.” St. Clair thẳng thắn nói, không một chút bẽn lẽn trẻ con.
Chúng tôi đứng trước cánh cửa của nhà thờ và ngước lên, ngước lên mãi. Tôi hình dung mẹ tôi đang nhập dữ liệu về loài rùa nước ngọt vào máy tính – tối nào mẹ cũng làm việc này. Lúc này ở Atlanta không phải buổi tối. Có lẽ mẹ đang mua sắm ở cửa hàng tạp hóa. Lội bì bõm trên sông Chattahoochee. Xem Đế chế phản công[5] với thằng Sean. Tôi không biết và tôi cảm thấy buồn bực.
[5] Tên tiếng Anh: The Empire Strikes Bank, phần 5 trong bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao.
Cuối cùng St. Clair phá vỡ sự tĩnh lặng. “Đến đây nào. Nhiều thứ đáng xem lắm.”
Chúng tôi càng đi xa lại càng thấy Paris đông đúc. St. Clair nói về mẹ, về bánh quy sô-cô-la bác làm trong bữa tối, về món mì cá ngừ nấu trong nồi đất của bữa sáng. Bác sơn mỗi căn phòng trong nhà theo một màu riêng trong bảy sắc cầu vồng. Bác còn hay nhặt ra những lỗi sai trong tên mình ở hộp thư rác.
Cậu không đả động gì đến bố.
Chúng tôi đi qua một khối kiến trúc bề thế nữa, nơi này trông giống phế tích của một lâu đài thời trung cổ. “Chúa ơi, lịch sử hiện hữu ở khắp nơi,” tôi nói. “Đây là nơi nào? Chúng ta vào trong được không?”
“Bảo tàng đấy. Vào được nhưng giờ này thì không. Mình nghĩ nó đóng cửa rồi,” cậu nói thêm.
“Ồ, tất nhiên.” Tôi cố không lộ vẻ thất vọng.
St. Clair tỏ ra thích thú. “Mới tuần học đầu tiên thôi mà. Chúng ta còn vô vàn thời gian để thăm bảo tàng của cậu.”
Chúng ta. Không hiểu sao trong lòng tôi chộn rộn. St. Clair và tôi. Tôi và St. Clair.
Sau đó, chúng tôi đi vào một khu vực còn tấp nập du khách hơn khu quanh ký túc xá, ở đây nhà hàng, cửa hiệu và khách sạn mọc lên san sát. Các quầy bán hàng mọi chỗ đều gào thét tiếng Anh, “Couscous[6]! Anh chị thích couscous không?” Các con đường thì hẹp đến mức xe không chạy được. Chúng tôi rảo bước giữa phố và len lỏi qua đám đông đang xô đẩy. Có cảm giác như một lễ hội vậy. “Bọn mình đang ở đâu?” Tôi ước gì mình không hỏi quá nhiều như thế.
[6] Một món ăn vùng Bắc Phi (bột mì nấu với thịt hay nước thịt).
“Giữa rue St. Michel và rue St. Jaques.”
Tôi liếc cậu.
“Rue có nghĩa là ‘phố’. Chúng ta vẫn đang ở Khu Latin.”
“Vẫn ở? Nhưng chúng ta đã đi bộ khoảng…”
“Mười? Hay mười lăm phút hả?” St. Clair châm chọc.
Hừm. Rõ ràng dù là người London hay Paris thì anh chàng này cũng không quen với hạnh phúc của việc làm chủ một chiếc xe hơi. Tôi nhớ cái xe của mình dù nó hay bị trục trặc ở khâu khởi động. Không máy điều hòa. Dàn loa hỏng hóc. Tôi kể lể và St. Clair nhoẻn miệng cười. “Cậu có xe cũng không làm gì được đâu. Ở đây lái xe khi chưa đủ mười tám là phạm pháp đấy.”
“Cậu có thể chở bọn mình mà,” tôi nói.
“Không, mình không thể.”
“Cậu đã bảo sinh nhật cậu qua rồi! Mình biết cậu nói dối mà, không ai…”
“Ý mình không phải vậy.” St. Clair bật cười. “Mình không biết lái xe.”
“Cậu có nghiêm túc không vậy?” Tôi không thể kìm nén nụ cười gian xảo trên gương mặt. “Ý cậu là có chuyện mình biết làm nhưng cậu thì không?”
Cậu cười lại với tôi. “Choáng lắm hả? Nhưng mình không bao giờ có nhu cầu lái xe. Hệ thống chuyên chở ở đây, ở San Francisco hay ở London đều vô cùng thuận tiện.”
“Vô cùng thuận tiện cơ đấy.”
“Thôi ngay đi.” Cậu lại cười. “Này, biết vì sao họ gọi nơi này là khu Latin không?”
Tôi nhướng mày.
“Nhiều thế kỷ trước, sinh viên ở La Sorbonne đã ở phía đó.” Cậu chỉ tay. “Nó là một trong những trường đại học lâu đời nhất thế giới. Sinh viên ở đó được dạy và nói chuyện bằng tiếng Latin. Thế là cái tên đó được sử dụng luôn.”
Một chút phòng bị. “Toàn bộ câu chuyện có vậy thôi hả?”
“Ừ. Nhảm nhỉ.”
Chúng tôi ngoặt vào một góc đường và nó kìa – sông Seine! Ánh sáng thành phố phản chiếu lấp lánh trong những con sóng nước. Tôi nín thở. Quá lộng lẫy. Các cặp tình nhân sánh bước dọc bờ sông, người bán sách bày ra những thùng giấy gồm sách bìa mềm và tạp chí cũ. Một người đàn ông râu đỏ gảy đàn ghi-ta và hát lên một giai điệu não nề. Chúng tôi lắng nghe độ một phút rồi St. Clair ném vài euro vào hộp đựng đàn của ông ta.
Sau đó, khi chúng tôi quay lại chiêm ngưỡng dòng sông, tôi đã trông thấy nó.
Nhà thờ Đức Bà.
Tôi đã được ngắm nó trong tranh ảnh. Nếu St. Étienne là một nhà thờ lớn thì nó không là gì, KHÔNG LÀ GÌ so với nhà thờ Đức Bà. Tòa kiến trúc trông như một con tàu khổng lồ phả khói ở hạ lưu. Đồ sộ. Vững chãi. Uy nghiêm. Ánh sáng chói lòa của nó làm tôi nhớ đến Disney World nhưng huyền ảo hơn bất kỳ giấc mơ nào của Walt[7]. Những chùm dây leo xanh mơn mởn tràn xuống các bức tường và buông mình vào dòng nước để hoàn tất câu chuyện thần tiên.
[7] Walter Elias “Walt” Disney (1901 – 1966): Nhà sáng lập công ty Walt Disney.
Tôi chậm rãi thở ra. “Nó đẹp quá.”
St. Clair đang nhìn tôi.
“Mình chưa từng thấy thứ gì đẹp như vậy.” Tôi không biết phải nói gì.
Chúng tôi phải đi qua một cây cầu để đến được nhà thờ. Giờ tôi mới biết nó được xây trên một hòn đảo. St. Clair bảo chúng tôi đang đi trên Ile de la Cite – Đảo Trong Thành và nó là quận cổ xưa nhất ở Paris. Sông Seine lung linh dưới chân bọn tôi, sâu và xanh thẳm, một con tàu dài lủng lẳng đèn lướt êm ái. Tôi dòm qua thành cầu. “Nhìn kìa! Người kia thật là vô tích sự. Ông ta sẽ ngã khỏi ta…” Tôi nhìn lại và thấy St. Clair đang lóng ngóng trên lối đi, cách xa thành cầu khoảng vài bước.
Tôi bối rối một lúc, rồi chợt hiểu ra. “Trời. Không phải cậu sợ độ cao đấy chứ?”
St. Clair vẫn nhìn thẳng hình bóng lấp lánh của nhà thờ Đức Bà. “Mình chỉ không hiểu tại sao mọi người cứ thích đứng sát mép cầu cho dù có bao nhiêu không gian đi lại ngay bên cạnh.”
“Ờ, vậy vấn đề là ở không gian đi lại phải không?”
“Đừng có chọc mình, nếu không mình sẽ đố cậu về Rasputin hoặc cách chia động từ trong tiếng Pháp đấy.”
Tôi nhoài qua thành cầu và giả vờ loạng choạng. St. Clair tái mặt. “Không! Đừng!” Cậu vươn tay như muốn cứu tôi nhưng rồi lại ôm bụng như sắp nôn.
“Xin lỗi!” Tôi lùi lại khỏi mép cầu. “Mình xin lỗi, mình không nghĩ lại tệ đến vậy.”
St. Clair xua tay ra hiệu cho tôi ngừng nói. Bàn tay còn lại vẫn ôm chặt cái bụng khó bảo.
“Mình xin lỗi,” lúc sau tôi lại nói.
“Thôi nào.” St. Clair cáu kỉnh như thể tôi là người níu chân hai đứa. Cậu chỉ vào nhà thờ Đức Bà. “Đó không phải lý do mình đưa cậu đến đây.”
Tôi không hiểu còn thứ gì hay hơn tòa kiến trúc lộng lẫy này. “Chúng ta không vào trong à?”
“Đóng cửa rồi. Còn nhiều thời gian để xem mà, nhớ chưa?” Cậu dẫn tôi đến khoảng sân phía trước nhà thờ và tôi tận dụng cơ hội ngắm nghía phía sau cậu. Mông bự. Kể ra thì cũng có thứ hay hơn nhà thờ Đức Bà đấy chứ.
“Đây,” St. Clair nói.
Quang cảnh lối vào hoàn hảo mở ra trước mắt chúng tôi – hàng trăm phù điêu nhỏ được chạm khắc tinh xảo trên ba cánh cổng mái vòm khổng lồ của nhà thờ. Mỗi cái đều độc đáo và tách biệt. “Không thể tin được,” tôi thì thầm.
“Không phải ở đó. Ở đây cơ.” Cậu chỉ xuống chân tôi.
Tôi nhìn theo và ngạc nhiên nhận ra mình đang đứng trên một vòng tròn đá nhỏ. Ở ngay giữa vòng tròn là một hình bát giác màu đồng bên trong là có hình ngôi sao. Trên vòng tròn đá khắc dòng chữ: POINT ZÉRO DES ROUTES DE FRANCE.
“Thưa cô Oliphant. Câu đó dịch là ‘Cột mốc số 0 của những con đường tại Pháp’. Nói cách khác, đây là điểm mốc dùng để đo khoảng cách từ Paris đến mọi nơi trên nước Pháp.” St. Clair hắng giọng. “Nơi khởi đầu cho mọi câu chuyện.”
Tôi ngước nhìn. Cậu đang mỉm cười.
“Chào mừng đến Paris, Anna. Mình rất vui vì cậu đã đến.”