Tôi dẫn Tiểu Yến về nhà nói chuyện này cho mẹ tôi, vẻ mặt mẹ tôi dở khóc dở cười giống như đồng thời làm việc hiếu hỉ. Mẹ không thích Tiểu Yến, trong lòng tôi hiểu. Nhưng bây giờ cưới về, tôi không hy vọng mẹ mặt nặng mày nhẹ với Tiểu Yến.
Trước tết năm 2006, tôi và Tiểu Yến đã lấy chứng nhận, tạm thời không tổ chức đám cưới. Người nhà cô ấy đến Quảng Châu gặp bố mẹ tôi rồi đi ngay, thậm chí không nói sẽ ở lại mấy ngày ăn tết cùng nhau.
Tôi chỉ nhớ một mợ hoặc bác gái của Tiểu Yến nói là phụ nữ lấy chồng hai lần khắc chồng. Tiểu Yến cũng nói với tôi lời tương tự, ở ngôi làng của họ con gái lấy chồng hai lần sẽ không thể về nhà mẹ đẻ.
“Cho nên tôi không còn nơi nào để đi.” Cô ấy đỏ mắt nói.
Tiểu Yến đang mang thai, để tránh đi tàu xe mệt mỏi nên chúng tôi không về Hồ Nam ăn tết, chỉ gọi điện thoại cho bà ngoại, nói bà sắp có cháu bồng rồi. Bà ngoại vui lắm, gửi đến một vài trang sức bạc và yếm đã thêu xong.
Trong khoảng thời gian cả nhà chờ sinh mệnh nhỏ chào đời, tôi trở nên bận rộn, cũng trở nên an phận. Trong mấy ngày tết, ban ngày tôi giúp đỡ trong nhà máy của bố mẹ, tối về nhà nấu cơm làm việc nhà, bác sĩ nói tim thai của Tiểu Yến không ổn định, cần nghỉ ngơi, tôi cũng không dám để cô ấy làm việc.
Vì bận rộn mà tôi không nghĩ đến Hà Hữu Dân nữa, chỉ thỉnh thoảng nhớ đến anh ấy vào những đêm mất ngủ. Bây giờ anh ấy và tôi đều đã kết hôn, chuyện xưa như sương khói quả thật không phải nói suông.
Chắc chắn sẽ có những cảm xúc đau khổ, có một số việc dù bao lâu đi chăng nữa cũng là vết sẹo từ từ lành lại trong tim, có lẽ cả đời không thể khỏi hẳn. Hơn nữa, cả đời vẫn chưa trôi qua, tôi và Hà Hữu Dân chỉ mới chia tay chưa đầy một năm.
Chưa đầy một năm mà giống như mấy thế kỷ đã trôi qua, cuộc sống bên hoa dưới trăng[1] với anh ấy chỉ là tàn lửa trước khi tỉnh mộng. Tôi nhìn bụng Tiểu Yến ngày càng nhô lên, trong đầu lại thường xuyên vang vọng “Tình rực cháy”, cảm thấy rất thích hợp.
[1]
Tôi nhớ có một đêm, gia đình tôi bốn người và thêm đứa bé trong bụng Tiểu Yến cùng ngồi trước TV cắn hạt dưa, xem đêm hội mùa xuân phát lại, mẹ tôi hỏi một câu: “Công ty của Tiểu Yến có được nghỉ sinh không?”
Tôi lập tức nhớ ra trước kia cô ấy làm việc trong công ty của Hà Hữu Dân, không biết bây giờ thế nào, mãi chưa hỏi.
Tiểu Yến rất sợ mẹ tôi, cô ấy luôn phải nhìn tôi trước khi nói chuyện, lại lấy hết can đảm nói với mẹ tôi: “Con nghỉ việc ở công ty cũ rồi, cho nên…”
“À, không sao, con cứ sinh xong rồi hãy đi làm, không thiếu chút tiền đó.” Nói bóng nói gió là cô ấy cũng không kiếm được nhiều tiền.
Mẹ tôi luôn tỏ vẻ lạnh lùng, tôi sờ tay Tiểu Yến, bảo cô ấy đừng quá bận tâm. Lúc đó Tiểu Yến vẫn bảo sao nghe vậy, trong nhà tôi cô ấy luôn giống một con mèo con rất ngoan rất rụt rè.
Buổi tối ngày hôm sau tôi hẹn Kỳ Cương ra ngoài tạm biệt năm cũ.
Kỳ Cương cũng bước vào kỳ thực tập cho một công ty nước ngoài ở Quảng Châu. Nhìn thấy cậu ta, tôi cảm thấy hình tượng người chồng tốt mấy ngày nay bị trói buộc trong gia đình cuối cùng có thể được giải tỏa, tóm lại tôi có thể trở lại là chính mình một lần.
“Không ngờ đấy, chúc mừng sắp làm bố[2]!” Kỳ Cương lại rất vui, mời tôi uống bia, nhưng tôi chẳng thể vui nổi.
[2]
Tôi hỏi như mấy mẹ già: “Công việc thế nào? Có vất vả không?”
“Không vất vả, nhưng rất nhàm chán.” Kỳ Cương nói, “Vốn tưởng thi nghiên cứu sinh có thể thay đổi số phận, ai ngờ vào công ty vẫn là lính mới, làm lại từ đầu thôi!”
“Như nhau cả, từ từ sẽ tốt. Anh cậu thì sao, vẫn ổn chứ, năm ngoái cậu nói bị điều tra gì đó.”
“Không biết, tôi cũng không hỏi, tôi xem như độc lập về tài chính rồi!” Mặt mũi Kỳ Cương tràn đầy kiêu ngạo, “Nhưng nhà chưa độc lập, nhà đắt quá tôi không mua nổi. Với lại căn phòng trước kia cậu thuê ở đâu, rẻ không?”
“Phòng nào?”
“Cái nào cũng được, cậu giới thiệu cho tôi mấy cái.”
Tôi suy nghĩ rồi nói: “Tôi từng ở chung cư Tây Hải, rẻ, cũng được, tốt xấu lẫn lộn. Còn có một nơi…” Tôi dừng lại, Kỳ Cương hỏi: “Là chỗ nào?”
“Khu dân cư Hoa Hồng, đắt nhưng điều kiện tốt.” Tôi cười một tiếng, cầm chai bia lên uống.
“Cậu chịu chi đấy.”
Tôi ăn ngay nói thật: “Hà Hữu Dân thuê cho tôi.”
“À, được rồi là tôi lắm mồm!” Kỳ Cương nói, “Với cả cậu kết hôn rồi, còn anh ta?”
“Chắc cũng vậy.”
Chúng tôi không tiếp tục thảo luận về đề tài này nữa. Buổi tối, tôi và Kỳ Cương đi bộ về, nhưng tôi không muốn về nhà mình. Tôi luôn cảm thấy bầu không khí trong nhà ngột ngạt, không hề có cảm giác quây quần đông vui, dường như tất cả mọi người đành phải ngồi ở đó và đóng vai diễn của mình.
Tôi đón xe đến khu dân cư Hoa Hồng, ban đầu định đến Quê Viên, nghĩ rằng Phương Ngự Mỹ hẳn đang ở đó tôi đã gạt bỏ suy nghĩ này.
Khu dân cư Hoa Hồng vẫn như lúc đầu, rất nhiều cây xanh nhưng không thấy đóa hoa hồng nào, đừng nói là hoa hồng, ngay cả ngọc lan, cây gạo thường thấy nhất cũng không có, toàn là cây xoài. Song nghĩ cũng đúng, tôi rời đi chưa đến một năm, nó cũng không thể thay đổi nhiều. Tôi đi đến hành lang quen thuộc, lại lên tầng, vừa leo cầu thang tôi vừa nghĩ, không biết căn phòng này đã cho thuê chưa, không biết máy điều hòa trong đó có còn không.
Nghĩ đi nghĩ lại, bước chân tôi nặng nề hơn, như có ai đó luôn kéo tôi lại, thực sự không đi nổi nữa, tôi đứng lại ngay tại chỗ, nhìn thấy một người đứng trước bảng số phòng quen thuộc.
Hà Hữu Dân.
Tôi đã quá quen thuộc với bóng lưng ấy, tôi đã nhìn bóng lưng này yên tâm chìm vào giấc ngủ không biết bao đêm, lại nhìn bóng lưng này tỉnh dậy trong vô số buổi sáng. Tôi không dám tiến lên, tôi không biết tại sao anh ấy ở đây.
Nhưng Hà Hữu Dân vẫn quay đầu, chắc hẳn anh ấy nghe thấy tiếng tôi bước lên tầng.
Chúng tôi nhìn nhau thật lâu, Hà Hữu Dân rất kinh ngạc, từ từ đi về phía tôi nhưng chưa bước xuống cầu thang, tôi vẫn cảm thấy mình nên tiến lên chào hỏi. Chân trái vừa bước lên mặt phẳng, anh ấy bỗng kéo tôi lại và ôm tôi vào lòng: “Phí Bạch, Phí Bạch.”
Hà Hữu Dân gọi tên đầy đủ của tôi hết tiếng này đến tiếng kia, gọi hai từ tôi quen thuộc nhất bằng giọng nói quen thuộc. Cảm giác này rất thân thiết, như là tôi thực sự thuộc về anh ấy.
Trong khoảng thời gian bên nhau, Hà Hữu Dân không hay gọi tên tôi, cũng ít gọi nhũ danh, anh thích gọi tôi là “Nhãi con” như đang tức giận.
Hà Hữu Dân ôm tôi một lúc nhưng tôi không duỗi tay ôm lại, sau khi buông ra anh ấy yên lặng nhìn tôi chăm chú. Chúng tôi từng tạm xa nhau rất nhiều lần, lần này có lẽ không phải là lần lâu nhất không gặp nhau, nhưng mọi thứ đã là cảnh còn người mất, như thể đã chia tay hơn mười năm.
Tôi nghe giọng nói khàn khàn của Hà Hữu Dân quanh quẩn bên tai tôi, đây là mức độ tối đa tôi gần gũi với anh ấy, thân mật hơn cả ôm.
Nghe anh ấy nói chuyện, chỉ nói cho tôi nghe bằng tiếng Quảng Đông chính gốc. Anh nói: “Mãi không liên lạc, em vẫn ổn chứ.”
“Vẫn ổn.” Tôi gật đầu, không dám đáp lại ánh mắt của anh ấy, chỉ có thể nhìn nơi khác.
Hà Hữu Dân hỏi tôi: “Vào ngồi một lát nhé?”
“Anh vẫn thuê à.”
“Anh mua rồi, vị trí địa lý ở đây tốt, xem như đầu tư.”
Tôi nghẹn lời, đành phải đứng gượng ở đó. Khu vực này tốt nhưng phòng rất cũ, không hề có giá trị đầu tư.
Hà Hữu Dân nhìn tôi, lại hỏi: “Vào ngồi một lúc?”
“Không cần đâu không cần đâu,” Tôi xua tay nói, “Em phải về nhà.”
“Trước kia không thấy em sợ bố mẹ em đến vậy.” Hà Hữu Dân nói đùa.
“Bây giờ đã khác.” Tôi vẫn lấy hết can đảm nhìn về phía Hà Hữu Dân, đôi mắt anh ấy vẫn đẹp như trước, tôi lại như nghẹn họng. Một lúc lâu sau mới nói cho anh ấy, “Em kết hôn rồi, phải về chăm sóc vợ, cô ấy… cô ấy đang mang thai.”
Trong mắt Hà Hữu Dân xuất hiện cảm xúc tôi chưa bao giờ thấy, là sự hoảng loạn và không hiểu. Anh ấy chưa từng tỏ ra sợ hãi dù chỉ một chút, nhưng đêm hôm đó tôi đã nhìn thấy rất rõ, có lẽ anh ấy cũng không ngờ tôi sẽ kết hôn, kết hôn sau anh ấy nhanh như vậy.
Tôi nói với Hà Hữu Dân, tôi và Tiểu Yến đã kết hôn, có điều tôi giấu nguyên nhân Tiểu Yến mang thai. Cuối cùng anh ấy không nói gì nhiều, chỉ nói: “Tốt lắm tốt lắm.” Lặp đi lặp lại liên tục.
Hà Hữu Dân xuống tầng cùng tôi, đến đầu bậc thang thì anh ấy bất ngờ ôm lấy tôi từ phía sau, hình như anh muốn nói gì đó, nhưng cuối cùng không nói ra. Mãi đến khi có người đến, anh ấy mới buông ra.