"Đáng lẽ giờ này mày phải ở trong lớp mới đúng!"
"Hôm nay có tận bốn tiết Văn, mày hiểu rồi đó."
Mùa xuân, 9 giờ sáng
Chính Thuận phì cười, vỗ vào lưng cậu bạn một cú mạnh đến mức khiến đối phương hụt một nhịp thở. Ông bác bảo vệ ở góc sảnh chờ khẽ liếc về phía bọn họ, nhưng sau khi đảm bảo rằng đám thiếu niên đã có người lớn cạnh bên, nhân viên bảo vệ của sân bay cũng chậm rãi di chuyển ánh nhìn sang vị trí khác. Lâm cười đáp lại cậu bạn, cậu không dám mở miệng chửi vì phụ huynh của Thuận đang ở cạnh bên.
"Nhưng mà, mày đi bằng cái gì đến đây ấy?" Thuận hỏi tiếp, mặt rạng rỡ. "Sao không báo sớm để có gì tao ghé qua cho mày quá giang luôn?"
"Tao có mã đặt xe ôm mà, cũng rẻ." Lâm đáp, cười. "Thật ra hồi sáng tao cũng có lên trường, nhưng thấy lớp vắng nhiều quá nên cúp học ra tiễn mày luôn. Nhìn nè, chứ mày nghĩ sao tao lại đi mặc đồng phục?"
"Ai biết? Tưởng mày đam mê."
Sảnh chờ ở sân bay không đông lắm, nhưng họ không thể đứng nói chuyện mãi ở nơi giữa lối đi được nên đành phải tiếp tục cuộc trò chuyện trong lúc di chuyển. Thuận đi ở giữa, vì nó là nhân vật trung tâm của buổi tạm biệt này. Mẹ của Chính Thuận khoác trên mình bộ váy màu đỏ, đeo kính râm và mang túi xách màu xanh bạc hà, tỏa ra khí chất của giới trung lưu ngay từ trong ánh mắt. Bà ấy khẽ mỉm cười nhẹ khi thấy con trai có bạn đến tiễn, nhưng cũng chưa vội hỏi chuyện ngay.
"À mà, hôm qua có đứa nhờ tao đưa cho mày cái này."
"Hả, cái gì thế?"
Lâm luồn tay vào túi áo khoác đen, lấy ra một gói quà nhỏ đưa cho cậu bạn. Chiếc gói giấy hình lập phương nằm gọn trong lòng bàn tay của Thuận, ánh mắt nó rưng rưng, nhưng gương mặt thì chẳng thể hiện quá nhiều. Thứ trong suốt trên đầu Chính Thuận lại biến đổi, nhưng chập chờn nhiều đến mức cậu chẳng thể nhìn ra hình gì.
"Ai đưa cho mày cái này thế?"
"Con Huệ." Lâm đáp. "Nó bảo tao thích thì đưa, không thích thì khỏi cũng được."
"Thế... à?"
Thuận mở gói quà ngay tại chỗ, nhưng chậm rãi, như thể từng miếng băng keo dính ở bên trên là thứ gì đó rất đáng trân trọng. Đó là một cục rubik cũ, lộn xộn, chỉ có duy nhất một mặt là đã giải rồi. Thuận gần như hóa đá khi nhìn thấy món quà, còn cái thứ thực thể trên đầu cậu ta thì cứ như bị kích động, co bóp liên tục trong trạng thái hỗn loạn. Điều đầu tiên mà Lâm để ý, là cái thứ kia đang bắt đầu có màu. Nó tươi sáng, màu da, dần dần gom gọn lại tạo thành một gương mặt của một người trẻ tuổi. Lâm khẽ nheo mắt lại, cậu cảm giác gương mặt này khá thân quen...
"Hình như hồi đầu năm lớp Mười con cũng có tập tành chơi rubik nhỉ?"
Thứ thực thể lơ lửng chợt đổ sụp xuống, và màu sắc cũng tan hết đi.
"Dạ đúng rồi, nhưng sau này thì con thấy không thích nó nữa." Thuận đáp, nhìn sang mẹ với một nụ cười. "Cái này hồi đó con có tặng lại cho bạn. Công nhận bạn ấy giữ kỹ ghê!"
"Vậy cũng tốt! Chứ chơi cái trò vô bổ đó làm điểm năm lớp Mười của con tụt hẳn đi."
Thuận cười, nhưng mặt nó không thể ngẩng lên được. Lâm cũng chú ý khi nói ra câu kia, mẹ của Thuận cũng chẳng nhìn lấy cậu ta mà đôi mắt đang tập trung đâu đó ở những hành khách xung quanh khu vực ghế chờ. Ở đây có đủ dạng người và đủ loại dáng vẻ. Có người thì trông như mặc đồ ngủ để ra sân bay, có người thì tươm tất đến mức tưởng chừng như đi dự tiệc. Lâm vô thức nhìn xuống tay thằng Thuận, cậu ta vẫn mân mê chiếc rubik như thứ gì đó vô cùng quý giá, nhưng không xoay nó dù chỉ một lần.
"Cô, thật ra năm lớp Mười tụi con có vấn đề với giáo viên môn Lý, bà cô đó nổi tiếng là nếu không đi học thêm thì bài kiểm tra chắc chắn không bao giờ trên năm." Lâm nói, giọng tương đối nhẹ. "Đó không phải vấn đề ở học lực, mà là vì đề kiểm tra của bà cô đó cho thật sự rất khó, toàn nằm ở những phần mà cô ấy giảng ở buổi học thêm. Hồi đó, lớp tụi con còn viết đơn gửi lên ban giám hiệu để phản ánh nữa mà! Nên là vụ điểm thấp là chuyện cả lớp đều bị ảnh hưởng thôi!"
"Thôi con đừng có bênh thằng Thuận! Con không biết năm lớp Mười cô chú đã đổ bao nhiêu tiền học thêm cho nó đâu!" Mẹ của Thuận lắc đầu, khoanh tay lại. "Cô giáo dạy thêm thì kệ! Kiến thức cũng từ sách giáo khoa ra, chỉ cần nó chịu chăm chỉ tự tìm tòi một chút thôi là thừa sức làm bài được. Lớp trẻ ngày nay sống sung sướng, có người dạy thêm nó hay ỷ lại vậy đấy! Mỗi chuyện ăn với học thôi mà cũng...!"
"Năm đó con vướng mỗi môn Lý có sáu chấm bốn điểm thôi mà mẹ." Thằng Thuận vẫn cười, nhưng bây giờ nó chẳng thể che giấu nổi sự bất mãn. "Còn lại điểm trung bình của con cũng tám chấm, thừa sức học sinh giỏi chứ bộ!"
"Thì mẹ đâu có nói con dốt, chỉ do con chưa cố gắng hết mình thôi." Mẹ của Thuận vẫn một mực giữ quan điểm, hàng lông mày cau chặt và chất giọng cao của bà ấy thể hiện rõ điều đó ra. "Cũng may là điểm đó không ảnh hưởng đến hồ sơ du học, chứ không thôi chắc mẹ xấu hổ không dám gặp ai!"
"Mẹ! Chuyện đó qua lâu rồi mà! Giờ bạn tới tiễn con mà bị nghe chửi chung thì coi có kỳ không?"
Người phụ nữ trong bộ váy đỏ buông tay xuống, lắc đầu đi kèm với một tiếng thở dài đầy thất vọng. Lâm chợt liếc sang cậu bạn. Nhìn thái độ của cậu ta, hẳn đây không phải là lần đầu tiên thằng Thuận bị mẹ khiển trách trước mặt người quen thế này. Chính Thuận cũng đáp lại bằng một tiếng thở dài, rồi nó ngẩng mặt, nở một nụ cười thật tươi.
"Cơ mà, nói gì thì nói cũng cám ơn mày nhiều nhé!" Thuận lại vỗ vai bạn một cái mạnh, giọng cao hơn. "Sau này về có gì tao sẽ bao mày đi ăn trả nợ!"
"Lúc đó mày nhớ được tao cũng lạy."
"Tin tưởng bạn bè chút đi mày!"
Bỏ qua cuộc hội thoại của hai người bọn cậu, mẹ của Thuận mở điện thoại ra kiểm tra giờ, rồi bảo rằng bà ấy cần đi vệ sinh một chút, dặn dò hai đứa ở yên. Thuận gật đầu, chỉ về phía bên phải nơi biểu tượng của nhà vệ sinh được đặt ở cuối. Bà ấy gật đầu, quay lưng bước đi.
Ngay sau khi phụ huynh của Thuận vừa khuất bóng vào biển người, Lâm đột nhiên chộp lấy hai vai bạn. Thằng Thuận giật hết cả mình, tròn mắt nhìn đáp lại.
"Trả lời thành thật nhé!" Lâm nói, rõ từng chữ một. "Rốt cục mày đã giấu cái đầu ở đâu thế Thuận?"
"Hả?! Sao tự dưng..."
Khu vực phòng chờ của sân bay không quá đông đúc, nhưng âm thanh ngoại cảnh đủ sức để át hết đi tiếng của hai người. Mắt của Thuận láo liên, hết nhìn về phía nhà vệ sinh ở cuối sảnh, rồi lại nhìn về phía lối ra.
"Nói đi! Nếu mày không đủ sức để giải quyết chuyện đó thì hãy để tao làm!" Lâm nói tiếp, câu từ chắc nịch. "Mày đi du học chứ bọn tao có đi đâu Thuận! Mày muốn cả đám chết à?!"
Một quả trứng.
Lâm chớp mắt. Giờ thì cái thứ lơ lửng kia mang hình dáng của một quả trứng, trông thật mỏng manh, nhưng được bao bọc phòng vệ. Lâm buông vai bạn ra, nhìn trực diện vào đôi mắt đỏ hoe lưng tròng. Chính Thuận khẽ lùi lại, đối mặt với cậu bạn thân.
"Hóa ra đây mới là mục đích chính của mày khi tới đây nhỉ?" Thuận cười, nhưng chua chát. "Mày nghĩ rằng tao sẽ phản bội chúng mày, báo cảnh sát sau khi đã cao chạy xa bay sao?"
"Không, nhưng mày đã từng nói nếu có ai muốn tìm thì nó sẽ lộ ra ngay, tao không an tâm được!" Lâm đáp, hàng lông mày xô lại. "Mày phải hiểu là nếu chuyện đó lộ ra, chính bản thân mày cũng sẽ bị liên lụy mà đúng chứ?"
"Ừ, tao biết."
"Thế thì tại sao mày lại làm vậy?!"
Từ trong đám đông sau lưng, Lâm nhận ra người phụ nữ trong chiếc váy đỏ đang cố len qua hàng người để tiến về phía bọn họ. Mẹ của thằng Thuận đang trở lại, mang theo chút cáu kỉnh không rõ vì lý do gì. Lâm quay đầu nhìn lại cậu bạn, vật thể lơ lửng trên đầu Đoàn Chính Thuận vẫn đang cố định ở hình dạng quả trứng nhỏ nhoi.
"Coi như là... nể tình bạn thân suốt bảy năm liền của tụi mình đi ha, được không?" Lâm nói tiếp, giọng nhỏ đi, thống thiết. "Làm ơn đấy! Mày biết vài tháng nữa là sẽ thi đại học mà, tao không thể tập trung ôn luyện nếu cứ nơm nớp lo lắng thế này được! Xin mày đấy Thuận! Mày không sợ nếu họ phát hiện ra thì mày cũng sẽ bị lôi cổ về Việt Nam sao?"
Thuận không đáp vội, không biết có phải do nó cảm nhận được sự gấp gáp, sợ hãi trong mắt của cậu hay không, nhưng thái độ của Chính Thuận trông hờ hững đến lạ. Nó ôm cục rubik bằng cả hai tay của mình, đôi mắt dịu lại, nhẹ nghiêng đầu qua.
"Thật ra," Thuận cười. "nếu chuyện ấy lộ ra cũng tốt. Tao cũng đã phát ngán cuộc sống này từ lâu lắm rồi."
Mẹ của Chính Thuận đã quay trở lại chỗ hẹn, càu nhàu gì đó về chất lượng của nhà vệ sinh của khu vực này. Lâm nhăn mặt, dùng tay vịn lấy trán, tránh mặt vị phụ huynh của cậu bạn. Chính Thuận vẫn giữ trên môi nụ cười, nhưng mắt của cậu ta trống rỗng, nhìn về phía cửa ra máy bay.
"Thôi tranh thủ ra kia xếp hàng vào cửa trước đi con, để chút nữa đông chen chúc mệt lắm!" Mẹ của Thuận giục, hất đầu về phía lối ra. "Tạm biệt và cảm ơn bạn đi. Có gì đến nơi rồi gọi điện nói chuyện sau!"
"Dạ!"
Thuận khoác balo lên, tay vẫn giữ khư khư cục rubik và giấy gói quà chứ không bỏ vào giỏ. Không hiểu sao động tác của cậu ta trở nên thong thả hẳn, như thể chẳng còn gì vướng bận, chẳng còn gì để lo âu. Thuận cất lời cám ơn theo lời yêu cầu, rồi quay người, cất bước rời đi.
"Cây thông thứ mười ba từ tấm biển quảng cáo, hướng đi về phía hồ An Yên."
Lâm ngẩng đầu lên.
"Mày nghe tao rồi đấy. Tao để nó ở cây thông số mười ba từ tấm biển quảng cáo, ngay tại khu vực hồ An Yên." Thuận ngoái đầu, nói vọng lại. "Mày sẽ nhận ra ngay khi tới đó."
Dòng người nhanh chóng tập trung về phía cổng an ninh, và bóng người của thằng Thuận cứ thế hòa lẫn vào đấy, ngụp lặn trong biển người. Lâm vẫn chưa thể rời đi ngay lập tức sau khi nghe câu nói của bạn. Bởi vì vào giây phút cuối khi nhìn vật thể lơ lửng trên đầu bạn học, cậu cảm giác Chính Thuận sẽ chẳng trụ được lâu.
*
Và đúng như vậy thật, thằng Thuận tự sát chỉ sau một tháng rưỡi nhập học.
Bị áp lực và sốc văn hóa - nó đã nhắn tin cho cậu như thế. Nó bảo rằng nó không học được, không hiểu được, và cũng không có ai để chia sẻ cùng. Cái cảm giác cô độc ăn mòn cậu thiếu niên mười bảy tuổi, nó tâm sự rằng dù ở chung ký túc xá với người Việt, nhưng thằng Thuận vẫn cảm thấy bản thân không thể hòa nhập được với mọi người. Áp lực từ cuộc sống đè lên sức học của nó, và sức học thì họa nên con điểm gửi về cho phụ huynh ở quê nhà. Thằng Thuận đã treo cổ tự tử chỉ vì một lời trách mắng của cha nó về điểm số. Nó chọn tự tử ở một nơi kín đáo, rời xa khỏi khu dân cư. Thế nên khi mọi người phát hiện, cái xác đã không thể nhận diện được nếu chỉ bằng một lần nhìn qua.
Mọi người trong lớp biết tin khi cha mẹ của Chính Thuận đăng cáo phó rồi gắn thẻ tài khoản của nó lên mạng xã hội, khóc thương cho cậu con trai tài hoa nhưng bạc mệnh. Khách đến dự tang lễ rất đông, nhưng cậu không thấy người nào bằng tuổi với người quá cố trong tấm hình. Nhìn những doanh nhân thành đạt, những người hàng xóm, những quý cô khí chất vẫn ngời ngời dù vận trên mình đồ đi tang,... khiến cậu cảm giác như Chính Thuận vẫn có giá trị để họ thể hiện thành tích ngay cả khi cậu ta không còn. Nhưng, suy cho cùng, có vẻ đó cũng là điều mà cậu ta muốn. Bởi vì khi vuốt sang tấm ảnh chụp hình linh cữu, Lâm chợt nhận ra đây là lần đầu tiên cái thứ lơ lửng kia mang hình dáng của chủ nhân.
Lâm bấm tắt điện thoại rồi cho vào túi quần, hướng mắt hố đất đang đào dở.
Đêm, trăng sáng, cái gốc cây bên cạnh hố đất bây giờ đã ngập vết cứa từ chiếc xẻng đào, khiến cho dòng chữ khắc từ trước giờ không còn đọc được gì nữa. Cậu xoa xoa cổ tay mình rồi thả xẻng xuống, đeo găng tay vào. Nghĩ lại thì đáng lẽ ra cậu đã xong việc từ sớm, nếu không mất thời gian phẫn nộ với dòng chữ kia.
"Bạn thân bảy năm." Lâm lẩm bẩm. "Cũng đáng!"
Cậu lôi cái đầu người ra khỏi hố đất, phủi phủi cho bớt cát đi, rồi bỏ vào balo mình, tiến về phía trước. Ba giờ sáng, mặt hồ đen kịt giữa rừng đêm. Lâm lấy cái đầu ra khỏi giỏ, rồi quẳng xuống hồ An Yên.