Tướng Công, Chàng Cũng Sống Lại Sao

Chương 40





Edit: Vân

Hồ thu bằng phẳng như gương, phản chiếu núi rừng vàng đỏ, như bức tranh sơn thủy vẽ bằng chu sa.

Lầu gác hành cung mấy trăm năm đã qua ba lần trùng kiến đại tu như một viên trân châu chói lóa, tô điểm cùng với núi ở bên hồ.

Rừng quế ven hồ đang vào kì cuối hoa thịnh, mấy chục cung nhân coi sóc đứng dọc theo hàng hoa quế, chuyên chú hái từng cụm hoa.

Khi nam tử tráng niên mặc long bào đỏ thẫm lững thững dọc theo đường mòn đá vụn đến gần, tất cả mọi người đều khom người lui xuống, uyển chuyển thi lễ: "Bái kiến bệ hạ."

Gia Nguyên đế có mặt chữ "Quốc"*, mày rậm mắt sáng, tuổi chừng ba lăm, ba sáu, ngũ quan mang vẻ uy nghiêm của bậc vương giả, nhưng không kém phần tuấn tú nho nhã.

(*) 国

Hắn ta cười tủm tỉm, cảm thán với người trẻ tuổi bên cạnh: "Lẫm Dương Từ thị nhất định là bảo địa phong thủy, sáu mươi năm trước sinh ra Tham Vi tiên sinh, nay lại có ngươi kỹ thuật siêu quần, bút lực già dặn, thanh niên tài tuấn như vậy quả thật hiếm thấy!"

Từ Hách thầm buồn cười, cũng mặt dày cung kính đáp lại: "Bệ hạ quá khen, vi thần chỉ như ánh sáng đom đóm, sao có thể bì được với "Tham Vi tiên sinh"?"

"Phong cách vẽ của Từ khanh gia xác thực tương tự Tham Vi tiên sinh, nhưng khi Tham Vi tiên sinh còn sống, an cư ở kinh thành, có ngạo cốt của con cháu thế gia, bút mực hoa lệ mạnh mẽ nhưng không mất đi tinh xảo, đáng tiếc trời xanh đố kị anh tài, tạ thế nhiều năm, chuyện đã ngã ngũ, khó đạt đến đỉnh cao; còn tranh của tiên sinh như đi qua thiên sơn vạn thủy, bút pháp lộ vẻ nhìn thấu nhân thế lạnh ấm vô thường, ngày tháng còn dài, tất có thể trò giỏi hơn thầy."

Từ Hách cũng biết, sau khi hắn trở lại kinh thành, có thêm kinh nghiệm và tầm nhìn từ việc đi qua bốn nước, đúng là tiến bộ hơn nhiều so với khi hắn núp trong họa các từ ngày đến đêm.

Nửa năm trước, sau khi biết phụ mẫu huynh tẩu và thê tử qua đời, hắn sống mơ mơ màng màng như người say, quyết chí bảo vệ người nhà từ xa, nhưng trùng hợp thay, lúc hắn bán tranh kiếm sống thì bị Tô lão ở Thư họa viện nhắm trúng, được mời tham gia cuộc thi tuyển chọn.

Có điều Từ Hách tự biết thân phận mình còn chưa định được, cần giấy tờ rõ ràng, nên không đồng ý ngay mà chọn nơi thấp, đến Nam uyển - nơi không cần kiểm tra quá nghiêm ngặt để dạy học sinh thông thường vẽ hoa điểu.

Vào giai đoạn đó, hắn lấy tên mới dốc lòng vẽ tranh, điền tác phẩm vào chỗ trống, đồng thời hỏi thăm khắp nơi chi phụ của Lẫm Dương Từ thị lưu lạc bên ngoài, mục đích để dính dáng được đôi chút với Từ gia, dù gì sau khi chết cũng có thể nhận tổ quy tông.

Đúng lúc gặp một nam tử họ Từ ở ngoại thành không thê nhi, sau khi phụ mẫu qua đời thì một mình thủ hiếu, không cẩn thận rơi xuống vực, Từ Hách liền mượn hộ tịch, ngày tháng năm sinh và giấy chứng minh đến chỗ quan đổi tên, để dành ngày sau có thể tra ra.

Kế hoạch của hắn vốn là dùng hơn ba năm che giấu phong cách của bản thân, từng bước dùng tranh hoa điểu mà cung đình đang thịnh hành để bước lên giới hội họa.

Nhưng vì đánh cuộc với Nguyễn Thời Ý mà hắn phải thay đổi toàn bộ kế hoạch.

Hơn nửa tháng trước, hắn lấy tên "Từ Huyên Dịch", vượt qua đề thi Gia Nguyên đế đích thân ra, phê quyển, tuyển chọn, tiến vào Hàn lâm họa viện.

Lúc ấy, đề bài hoàng đế ra là "Khói khóa bờ hoang không người qua", đại đa số họa gia tuân theo ý cảnh đó, vẽ bến thuyền sơn thủy, người thì vẽ không thuyền, người thì vẽ có thuyền không người, hoặc là các loại chim tước đậu trên mui thuyền, nổi bật là ven bờ tĩnh lặng, trên thuyền không người.

Mà bức vẽ của Từ Hách lại mang ý tưởng mới mẻ độc đáo, tự mở ra một con đường riêng, mô tả mây mù bao phủ dòng nước suối, dùng mực loãng phác họa rừng trúc, bến thuyền ẩn hiện, còn con thuyền cô độc chỉ chiếm tỉ lệ cực ít, cũng bị che giấu trong hơi nước lượn lờ.

Không giống những người khác, hắn vẽ một thuyền phu ôm vò rượu, nằm say trên đuôi thuyền, cây sáo trúc rơi trên mạn thuyền, điểm vượt trội nhất là người đi đường ven bờ thưa thớt, thuyền gia cả ngày không chở được ai sang sông mà mệt mỏi rã rời, cô đơn lạnh lẽo.

Kỹ thuật của hắn vốn rất tốt, hạ bút vẽ sơn thủy như thật, chấm phá càng không thiếu tinh xảo, khắc họa con thuyền ở góc dưới bên phải tinh tế như vẽ rồng điểm mắt.

Ý tưởng khác thường khiến hắn lập tức trở nên nổi bật, ba mục thi hắn đều là người đứng nhất, tổng thành tích đứng đầu bảng.

Từ Hách biết rõ hoàng đế là người sùng bái "Từ Tham Vi" nhất, cho nên nghiên cứu phong cách vẽ của hắn rất kỹ.

Hắn phải cố ý giả vờ như kĩ thuật còn có chỗ không thật thành thạo để tránh bị lộ.

Lại thêm vừa mới đến, không thích hợp quá nổi trội, hắn khiêm tốn thỉnh giáo, chỉ lĩnh chức Thị chiếu*, một mực chuyên chú với học thuật và họa kĩ, không đụng chạm khiến người ta căm ghét hoặc gây tranh cãi.

(*) thị chiếu: thị (hầu hạ), chiếu (dạy bảo)

Nhưng thu vừa tới, hoàng đế di giá hành cung, cố ý chỉ định họa sư mới như hắn giữa hàng trăm họa sư danh tiếng để đi theo làm bạn, đây đúng là vinh sủng trước đây chưa từng thấy.

Sau đó, Gia Nguyên đế và Từ Hách rảo bước ven hồ, cùng bàn luận về lí thuyết và kĩ xảo vẽ tranh, đang lúc say sưa thì quan nội thị vội vã đến gần: "Bệ hạ, thủ phụ đại nhân và Hồng chỉ huy sứ xin gặp."

Từ Hách nghe thấy trưởng tử cầu kiến, trong bụng thấp thỏm.

Trước khi hồi kinh, hắn rất mong chờ về đến nhà ôm hai đứa con trai đáng yêu, xoa chiếc đầu nhỏ, hôn khuôn mặt xinh... Ngờ đâu trưởng tử đã trở thành quan đại thần, thứ tử thì giàu có một phương, râu còn dài hơn râu hắn, khiến hắn không chấp nhận nổi.

Hắn từng che mặt hoặc dịch dung đơn giản, đứng xa xa nhìn Từ Minh Lễ mấy lần, cho đến nay vẫn chưa dám đối mặt, huống gì là nói nửa chữ.

Tuy từ khi quyết định bước vào Hàn lâm họa viện, hắn đã biết sẽ lấy thân phận mới tiếp xúc với con cháu, nhưng sau này, phát hiện Nguyễn Thời Ý vẫn còn ở nhân thế, hắn lại nảy sinh ý muốn nhận thân, chung quy cũng bởi vì chán ngán cuộc sống lay lắt.

Hiển nhiên, trước mặt rồng không phải là địa điểm tốt để nói chuyện lần đầu với nhau.

"Bệ hạ, nếu thủ phụ đại nhân có chuyện quan trọng cần bẩm, vi thần tạm thời tránh xuống."

Từ Hách chấp lễ cáo lui, ngước mắt thì thấy hai người ở cuối rừng hoa trước sau đi tới.



Người đi đầu trên dưới ba mươi sáu, ba mươi bảy tuổi, tố bào không che nổi phong hoa dào dạt, đó là Từ Minh Lễ.

Người còn lại nhìn qua chừng hai mươi, mi dài mắt sáng, anh khí* bức người, bào phục võ quan màu xanh làm nổi bật tư thế ngang tàng, đó là Hồng Hiên.

(*) anh khí: khí khái hào hùng

Từ Hách nhìn qua trưởng tử, trong lòng dâng lên sự kiêu ngạo, môi không khỏi cong lên; song nhìn người đi sau là nhi tử của Hồng Lãng Nhiên, hắn bỗng cau mày không vui.

Hắn vẫn còn canh cánh trong lòng chuyện lúc trước Hồng Hiên chọn cùng một nghiên mực tặng Nguyễn Thời Ý, cộng thêm lén nghe được Hồng Lãng Nhiên lấy Vạn Sơn Tình Lam đồ uy hiếp dụ dỗ Nguyễn Nguyễn nhà hắn làm dâu Hồng gia, cho nên ngày càng nhìn phụ tử Hồng gia không vừa mắt.

Thấy Hồng Hiên đứng yên chờ mệnh, Từ Minh Lễ dần bước tới gần, Từ Hách vội lui tới thủy tạ bên bờ hồ đợi được truyền triệu.

*****

Lần này, Từ Minh Lễ vì chuyện người kế nhiệm chức Lại bộ thượng thư vừa bị bãi nhiệm mà tới.

Hắn ta tổng hợp ý kiến của các đại thần nội các, đề xuất danh sách cho chức Lại bộ thượng thư, thỉnh hoàng đế định đoạt.

Nhìn thanh niên có nước da màu đồng nhạt, để râu ngắn, mặc bào xanh đen lui ra, trong lòng hắn ta bỗng dâng lên cảm giác quen mắt lạ thường.

Nói xong chuyện nghiêm túc, hắn ta thuận miệng hỏi: "Bệ hạ, vị vừa rồi là...?"

Gia Nguyên đế hời hợt liếc về phía thủy tạ: "Hả? Vị kia là Từ đãi chiếu của Hàn lâm họa viện, cũng xuất thân từ Lẫm Dương Từ thị, lẽ nào Từ khanh gia không biết?"

Từ Minh Lễ cười nói: "Trí nhớ thần kém, khiến bệ hạ chê cười rồi."

Hồng Hiên đợi hai người thương nghị xong, tiến lên hành lễ, bẩm báo lại kết quả điều tra của nội đình vệ về vụ án thích khách ở Bắc Sơn.

Án này và án Tề thượng thư - gồm vài kẻ lưu manh côn đồ vây đánh chuyến đi của Nguyễn Thời Ý - chỉ có một chút dính líu đến nhau.

Nhưng Từ Thịnh vì báo thù Tề thượng thư hạ độc hại tổ mẫu, nên gắn hết các loại tội danh như vây đánh công chúa Xích Nguyệt quốc, tư thông với địch, khiến mức độ của án này tệ hơn nhiều.

Hồng Hiên cũng không nghi ngờ, theo thu thập nguyên trạng, lần nữa làm long nhan hoàng đế giận dữ, giờ đối chiếu lại vài câu liền xong chuyện.

Từ Minh Lễ ngồi dự thính, dư quang nơi khóe mắt thì hướng ra bờ hồ, trong lòng thầm nghĩ, gần đây có hơi nhiều Từ họa sư nhỉ?

Đầu tiên, Thư họa viện ở thành Nam có một vị hoa điểu tiên sinh* bị truyền chút tin nhảm với Nguyễn Thời Ý, sau nghe nói người nọ không chịu nổi lời bịa đặt bèn nghỉ việc.

(*) hoa điểu tiên sinh: tiên sinh vẽ hoa điểu

Tiếp đến, nha đầu Thu trừng cũng tìm đâu về một vị hoa sư chuyên vẽ sơn thủy, còn kéo Nguyễn Thời Ý và Từ Thịnh cùng học, nhưng chưởng quỹ của Trường Hưng lâu đã ẩn ý tiết lộ, người nọ trùng hợp là vị họa sư thần bí đã làm xôn xao tửu lâu dạo nọ. Hiện tại tiểu nha đầu đã rời đi, không còn nghe thấy tình hình vị họa sư đó như thế nào nữa.

Hôm nay Hàn lâm họa viện lại mọc ra thêm một vị?

Chẳng lẽ trừ người nhà hắn ta ra, thanh niên họ Từ đều theo con đường hội họa?

Hoàng đế nghe Hồng Hiên báo cáo xong, sai hắn ta làm theo thông lệ, tùy tiện khoát tay, lệnh cho hai người đi làm việc của mình.

Từ Minh Lễ và Hồng Hiên cùng vai vế, nhưng tuổi tác lại chênh lệch mười mấy năm, Trấn quốc đại tướng quân cố chấp với Từ thái phu nhân ai ai cũng biết, vì vậy nhi tử hai bên đôi lúc cũng dở khóc dở cười.

Tán gẫu chuyện nhà xong, Hồng Hiên ngập ngừng một lát rồi thấp giọng hỏi: "Từ đại nhân, hạ quan có một nghi ngờ, mong ngài hãy cho nhau biết sự thật."

"Mời nói."

Trong đôi mắt sáng của Hồng Hiên ẩn giấu niềm chờ mong, "Bên ngoài đồn rằng, Nguyễn cô nương mà thái phu nhân trợ dưỡng là nhi tức tương lai của đại công tử nhà ngài, lời này là thật ư?"

Từ Minh Lễ không ngờ đối phương vừa mở miệng liền nhắc đến lão mẫu thân nhà mình, cảm thấy rất bất mãn, nhưng không thể nói năng bừa bãi, chỉ đành lắc đầu: "Toàn là đồn nhảm."

Hắn ta cũng thầm kinh ngạc, Hồng Hiên là cấp trên của Từ Thịnh, sao không chứng thực với Từ Thịnh mà hỏi phận cha hắn ta làm gì? Để lấy được câu trả lời chính xác từ trưởng bối Từ gia sao?

Nghe nói người trẻ tuổi trước mặt từng tặng lễ vật quý giá cho Nguyễn Thời Ý, nhưng hắn ta chính vụ nặng nhọc, ngại không hỏi trước mặt mẫu thân vừa ý ai được.

Theo như hắn ta thấy, Nguyễn Thời Ý cũng không vừa ý chuyến thả câu nước đục lần này của Hồng gia.

Không làm gì được, lúc này, Hồng Hiên cứ nằng nặc phải đưa Từ Minh Lễ rời khỏi hành cung.

Dọc đường tựa như không tìm được gì để nói, chàng thanh niên này nói bóng nói gió đến chuyện mình hứng thú với công việc mở trường học miễn phí và viện dưỡng lão của "Nguyễn cô nương", có ý làm chút việc thiện.

Từ Minh Lễ có nghe đồn về việc này, vì người Từ gia đang giữ hiếu, không tiện dẫn đầu, cho nên Nguyễn Thời Ý lấy danh nghĩa cá nhân mở mấy nghĩa thiện phường; mà huynh muội Lam Dự Lập thì nhiệt tình, rảnh rỗi liền tới giúp đỡ.

Ý của Hồng Hiên chính là muốn gia nhập?

Thái độ của Từ Minh Lễ là lấp lửng cho qua chuyện, nhưng trong lòng thì than: Tiểu huynh đệ à! Tìm ta cũng vô dụng thôi! Đó là nơi nương ta lăng xăng, tất cả đều do lão nhân gia phụ trách! Ngươi học theo phụ thân ngươi theo đuổi mẫu thân ta, hỏi vòng hỏi vèo xem có thể trở thành kế phụ ta không mà cũng được sao? Hỏi suốt cả một đường, nếu ta đánh thắng được ngươi, ta đã đá ngươi rơi xuống hồ từ lâu rồi!

Hồng Hiên lầm tưởng hắn ta mới là người điều khiển đằng sau, không ngừng lải nhải sơ lược kế hoạch, Từ Minh Lễ thì thất thần, cứ nhìn sang phía thủy tạ.

Giữa sơn thủy, hoàng đế và thanh niên mặc áo bào xanh đen kia cách nhau có vài thước, tản bộ trên cầu bên khúc Thuận Cửu, vừa chỉ non sông tươi đẹp, vừa trò chuyện vui vẻ.

Cảm giác trong lòng Từ Minh Lễ thật khó tả, từ biệt Hồng Hiên vẫn chưa nói thỏa xong, hắn ta quay lại, thấp giọng căn dặn người hầu.

"Phái người điều tra kĩ Từ đãi chiếu."

*****

Tháng Mười, sương lạnh bắt đầu giáng xuống.

Nguyễn Thời Ý bận rộn lo thu xếp chuyện làm ăn, tìm tung tích Tình Lam đồ, giúp đỡ người già neo đơn, cứu trợ trẻ nhỏ yếu và quyên góp sách vở cho trường học, dần dần quen với ngày tháng không rõ tung tích của Từ Hách.

Nếu không phải tiểu viện có thêm A Lục và song khuyển, nàng gần như sẽ nghĩ "vong phu trở về" chỉ là phán đoán chủ quan của mình.

A Lục ngoại trừ chăm sóc song khuyển thì cũng phụ chuyện vặt trong Lan viên và giúp đỡ người nghèo khó, rảnh rỗi còn tới năn nỉ Nguyễn Thời Ý dạy đọc sách viết chữ, khiến nàng bỗng dưng sinh ra loại cảm giác mình có thêm một tiểu tôn tử nữa.

Nàng từng hỏi gần hỏi xa A Lục xem "thúc thúc" có báo tin cho nó không.

Đứa trẻ nghe vậy thì trộm cười trong chốc lát, sau đó nghiêm túc trả lời: "A thúc nói, không có tin là tin tốt."

Nguyễn Thời Ý sợ hỏi nhiều sẽ khiến A Lục hiểu nhầm nàng nhớ Từ Hách, dứt khoát không hỏi nữa.

Giữa tháng, Nguyễn Thời Ý, Lam Hi Vân dẫn A Lục và hạ nhân ra khỏi thành phát đồ đông cho thôn dân nghèo.

Sắc trời dần trầm xuống, mọi người xếp hàng dọc theo dãy tường xám đậm, tiến về phía một căn nhà tranh, từng người một đăng kí tên họ và địa chỉ để nhận đồ đông, đang lúc bận rộn, chợt có mấy con tuấn mã từ chân núi phía Nam phi tới.

Huyền bào đón gió, mày râu phiêu dật, người đi đầu là Hồng Lãng Nhiên, còn thanh niên anh tuấn theo sau là trưởng tử Hồng Hiên.

Từ sau khi đòi được mảnh Vạn Sơn Tình Lam đồ kia về, ngoại trừ ngày lễ tặng quà, Nguyễn Thời Ý không lui tới với người Hồng gia nữa.

Lúc này, thấy lão già kia hùng hổ chạy tới, suýt nữa thì nàng tưởng người nào đến đòi tiền bảo kê.

Nguyễn Thời Ý và Lam Hi Vân nhìn nhau, nàng đang định đến thi lễ chào hỏi thì Hồng Lãng Nhiên đã phi thân xuống ngựa, chạy bước lớn đến gần hai người, tay vỗ "bốp" một cái khiến bàn gỗ lắc lư.



"Từ gia và Lam gia liên thủ làm việc thiện mà lại không gọi người Hồng gia! Đúng là không có nghĩa khí!"

"..." Nguyễn Thời Ý chẳng biết nói sao.

Lần trước, là ai cả đường đen mặt, không nói câu nào, đùa bỡn uy phong của nàng?

Còn nữa, Hồng Hiên công khai tuyên bố rằng đợi Từ gia mãn hiếu liền tới cửa nghị hôn, nàng dám không biết xấu hổ, đến trêu chọc Hồng gia sao?

Lam Hi Vân cười hì hì, giảng hòa: "Biểu cữu công, biểu cữu cữu, hai người hiểu nhầm rồi! Đây không phải Từ gia và Lam gia liên thủ, mà là ý của một mình Nguyễn muội muội. Cháu và a huynh nể tình nghĩa ngày thường cho nên khi nào rảnh mới đến phụ đôi chút thôi! Nếu hai nhà Lam - Từ hợp tác thật, đời nào thiếu người được?"

Sắc mặt Hồng Lãng Nhiên hơn giãn ra, lại nhìn chằm chằm Nguyễn Thời Ý: "Nha đầu này! Không xem cha con lão phu là bằng hữu sao?"

"Đại tướng quân nghĩ nhiều rồi, ngài và Hồng đại công tử bận rộn như vậy, chút việc phân phát đồ đông nho nhỏ này đâu thể phiền hai vị đại giá? Cứ giao cho bọn tiểu bối này là được."

Bên ngoài Nguyễn Thời Ý hơi cười, nhưng trong lòng lại oán thầm: Cớ sao chuyện gì lão già này cũng phải cắm một chân vậy? Làm thế nào mới gỡ được miếng cao da chó này ra đây?

Hồng Lãng Nhiên bình tĩnh nhìn đôi mắt hạnh sáng ngời của nàng, lửa giận dần tan đi, thở dài: "Sao ta lại không có nữ nhi tốt như vậy chứ? Không có nhi tức tốt như vậy chứ?"

Hồng Hiên yên lặng nãy giờ, bỗng nghe phụ thân mình nhắc lại chuyện cũ trước mặt mọi người, vội vàng cản lại: "Phụ thân!"

Hồng Lãng Nhiên chửi mát: "Khiêm tốn cái gì! Tiểu Thịnh Nhi và cha nó đều phủ nhận Tiểu Tiểu Nguyễn là dâu nhà họ rồi, tiểu tử Dự Lập kia thì lằng nhà lằng nhằng, con không không biết xấu hổ tranh thủ, lão phu không giật dây bắc cầu* cho con thì làm sao?"

(*) giật dây bắc cầu: làm mai mối

Mặt Hồng Hiên lộ vẻ lúng túng.

Đúng là hắn ta rung động rồi, nhưng hắn ta rất sợ cái tính dễ xúc động của phụ thân đắc tội Nguyễn Thời Ý, để rồi phá vỡ hình tượng ngoài cứng trong mềm mà hắn ta vất vả xây dựng bao lâu nay.

Đối diện với Nguyễn Thời Ý đang cười dịu dàng, Hồng Hiên chắp tay nói: "Xin lỗi vì quấy rầy cô nương làm việc. Tại hạ cũng có lòng muốn làm việc thiện, nhưng công vụ quấn thân, khó mà rút ra được, hiện giờ cô nương mang lòng ân nghĩa, hành thiện tế thế, là tấm gương cho thế hệ trẻ này..."

"Rồi rồi rồi! Con toàn lải nhải mấy lời khách sáo trong sách thôi! Nửa ngày rồi chưa tới điểm chính!" Hồng Lãng Nhiên cắt lời con, sau đó nhoẻn miệng cười với Nguyễn Thời Ý, "Sáng sớm ngày mai, Hồng gia phái người đưa một ngàn lượng bạc đến Lan viên trước, coi như là giúp ngươi làm việc thiện! Ngươi đấy, không được phép từ chối!"

Nguyễn Thời Ý sửng sốt một chút, nhịn cười nói: "Vậy... vãn bối thay mặt già trẻ thành Nam cảm ơn Đại tướng quân."

Chỉ một ngàn lượng bạc cỏn con, đâu thể khiến nàng để bụng?

Tuy nhiên, bất luận người Hồng gia làm việc thiện với mục đích tiếp cận nàng hay là thật lòng thật dạ thì nàng cũng không thể từ chối.

Định khiêm tốn vài câu thì từ bên trái bỗng truyền đến một giọng nói trong vắt.

"Hiếm thấy Đại tướng quân có nhã ý làm việc thiện, tiểu vương hổ thẹn, hổ thẹn!"

Những người khác nghe thấy, vội tránh ra, chỉ thấy một cẩm y công tử được hạ nhân vây quanh, phẩy nhẹ quạt xếp, khoan thai đi tới.

Dung nhan tuấn tú, phong lưu phóng khoáng, không phải Tề vương Hạ Tuấn thì là ai?

Từ khi biết hắn ta âm thầm lui tới với Thu Trừng, mỗi lần Nguyễn Thời Ý nhớ tới người này đều thấy không được tự nhiên, cảm giác như đối phương đang âm mưu cướp ngoại tôn nữ tâm can bảo bối của nàng đi.

Lần này hắn ta công khai hiện thân ở thành Nam, tại chốn bình dân tụ tập này, cưỡng ép cướp đầu câu chuyện là vì muốn gì?

Đám người Nguyễn Thời Ý, Hồng Lãng Nhiên kinh ngạc hành lễ, hàn huyên xong, Tề vương nói rõ ý đồ: "Nghe nói Nguyễn cô nương thích làm việc thiện, quảng bố nhân đức, tiểu vương bất tài, nhưng cũng mong được giúp một tay."

Hắn ta vừa dứt lời liền sai người dâng mấy hộp bạc lên, không nhiều không ít, một ngàn hai, cũng tương đương với mức của người Hồng gia.

Thấy Nguyễn Thời Ý hoảng hốt không nói nên lời, Tề vương cười nói: "Chỉ là một chút tâm ý, từ nay về sau, nếu cần giúp đỡ thì hãy sai người đến Tề vương phủ nói một tiếng. Thánh thượng đã chuẩn cho tiểu vương đợi đến hè sang năm, khi chọn được chính phi sẽ rời đi, Nguyễn cô nương đừng nên khách khí."

Nguyễn Thời Ý như lạc vào mây mù, chỉ cảm thấy lời nói này thật quái gở, hoàn toàn không hiểu được tại sao đối phương lại nhắc đến chuyện "chọn chính phi"?

Ai thèm quản hắn làm thân vương nhàn tản, ngây ngốc ở kinh thành bao lâu cơ chứ?

Mắt thấy mây đen theo gió lớn cuồn cuộn tới, nàng sợ thời tiết thay đổi nhanh, không thể làm gì hơn ngoài cười nói cảm ơn, sau đó tỏ ý mọi người nên tăng tốc để phát chăn đệm dày.

Ba người Tề vương, Hồng Lãng Nhiên, Hồng Hiên tụ lại một chỗ, chỉ tán gẫu vài câu, nhìn nhau mấy lần rồi nói lời tạm biệt với đám người Nguyễn Thời Ý.

Nguyễn Thời Ý vẫn chưa giải được thắc mắc, kéo vạt áo Lam Hi Vân: "Những người này làm sao vậy? Ai nấy đều tiền bạc vô kể, có chút việc thiện này, lúc nào làm chẳng được? Cứ khăng khăng làm chung với ta làm gì?"

"Tấm lòng của biểu cữu công ta đến người đi đường cũng biết, không cần nói nhiều! Còn Tề vương điện hạ..." Lam Hi Vân cười thần bí, "Không phải hắn vẫn đang thiếu chính phi sao? Chắc là thái hậu thúc ép hắn chọn người. Hắn không can thiệp triều chính, không hỏi quân vụ, đại gia khuê tú mà các trọng thần bồi dưỡng đa số là để tiến cung hầu bệ hạ, số còn lại thì vẫn quá nhỏ, hắn không chờ được, chỉ có thể quăng lưới loạn xạ thôi!

"Quăng lưới?" Nguyễn Thời Ý nghe vẫn chưa hiểu.

"Trước đây, thấy hắn ân cần chu đáo với tiểu công chúa Thu Trừng, nhưng theo tin tức gần đây, rất có thể tiểu công chúa sẽ trở thành trữ quân mới của Xích Nguyệt quốc, ngày sau cai trị những bộ lạc liên kết của Xích Nguyệt! Điều này lại trở thành đại kị với Tề vương điện hạ. Dù gì, ai cũng biết cường giả hợp tác với thân vương sẽ dễ khiến thánh thượng nghi kị. Chắc là thấy không hợp, nên hắn mới đổi sang hỏi thăm người khác?

"Hỏi thăm người các có liên quan gì đến giúp ta hành thiện đâu? Ta là cô nhi được trợ dưỡng, rõ ràng không xứng cho vị trí chính phi của thân vương mà!"

Lam Hi Vân phì cười: "Chưa xem thoại bản hay sao? Trên danh nghĩa, ngươi là được trợ dưỡng, không sai, nhưng nói về dung mạo, phong thái, ngươi bỏ xa những thiên kim nhà khác! Còn nữa, ai không nhìn ra Từ đại nhân và nhị gia đối đãi kính trọng với ngươi? Ngươi lại có thêm thân phận "nghĩa nữ của thủ phụ đại nhân" nữa..."

"Ai? Ai nói ta là nghĩa nữ của thủ phụ đại nhân?"

Nguyễn Thời Ý trợn mắt há mồm, rõ ràng nàng là thân nương của hắn ta!

"Dù gì thì ta cũng đoán, lấy tình cảnh của hắn, chọn một thiếu nữ xinh đẹp, gia thế trong sạch, sau lưng có quyền lực, tài lực chống đỡ là thích hợp nhất... Nói đi nói lại, ngươi là kiểu vậy đấy. Hơn nữa, Tề vương phong nhã hào hoa, nhất định sẽ chọn một tuyệt thế giai nhân."

"Ồ! Đúng rồi! Lần trước hắn tặng ngươi xe ngựa, vậy mà ngươi chỉ nhận có một viên ngọc lưu ly, có lẽ trong mắt hắn, ngươi khác biệt với những nữ tử diêm dúa hay cậy quyền thế chăng?"

"Ngươi đang nói bậy bạ gì đó?"

Nguyễn Thời Ý xem thường.

Tất cả mọi người đều quên thêm mắm dặm muối cho chuyện của nàng và "Thư họa tiên sinh" rồi à?

Cũng đúng, "Thư họa tiên sinh" mất tích đã lâu.

*****

Ban đêm, Nguyễn Thời Ý uống canh sò tuyết hầm đường phèn ngân nhĩ mà Vu Nhàn đưa tới xong thì dựa bàn nghiên cứu làm sao để mua thương nhai* ở thành Bắc, mở nhiều cửa hàng và các cơ sở khác cho dân.

(*) thương nhai: đường phố buôn bán

Nàng sợ đêm tới gió lạnh, Trầm Bích gầy yếu không chịu được, cho nên cho nàng ta lui xuống phòng nhỏ dưới lầu nghỉ ngơi.

Bóng đêm ngoài cửa sổ thâm trầm, gió lớn cuốn mây, lúc tụ lúc tán, ánh trăng cũng lúc mờ lúc tỏ.

Nguyễn Thời Ý ngáp một cái, lúc tô tô xóa xóa, sửa sang lại bản vẽ trước đây thì thấy tờ giấy tùy tiện ghi lại khuyết điểm của Từ Hách bị kẹp trong đó, tim nàng lỡ mất một nhịp.

May quá... nàng không chỉ mặt gọi tên.

Nhớ tới người nọ biến mất suốt một tháng, bặt vô âm tín, nàng hận đến ngứa ngáy.



Không phải đã nói từ trước là bất luận hắn ra sao thì cũng phải báo tin bình an định kỳ sao?

Bỏ lại A Lục và song khuyển trông hắn ngày đêm, hắn không biết xấu hổ à?

Nguyễn Thời Ý tức giận, đặt bút viết thêm một vào tờ giấy ghi đầy tội trạng của hắn —— vô trách nhiệm!

Thu qua đông tới, nàng hoàn toàn không nắm được hướng đi của hắn, càng không biết sức khỏe hắn ra sao, lạnh ấm đói no thế nào.

Ngơ ngẩn ngắm ngọn đèn đong đưa, nàng đưa tay đỡ trán, mí mắt nặng nề rũ xuống.

Dần dần, giấy trắng mực đen trở nên càng mơ hồ, cuối cùng hóa thành một đống hỗn độn.

...

Canh ba, Từ Hách băng qua màn sương, tránh đội ngũ tuần đêm, nhìn về ngọn đèn đơn độc nơi thư các Lan viên chưa tắt, đoán rằng Nguyễn Thời Ý còn đang bận rộn, bèn thản nhiên trèo tường vào, rón rén lên tầng hai.

Bất ngờ thay, ý trung nhân mà hắn tâm tâm niệm niệm đang nằm khép mắt ở trên án, mi hơi rũ xuống.

Hắn quên mất đã bao nhiêu ngày đêm rồi không thấy được dung nhan điềm tĩnh khi nàng ngủ say.

Không còn làm ra vẻ uy nghiêm như thường ngày, không giả vờ đoan chính cẩn trọng, gương mặt này nhìn như mười sáu mười bảy, như hồi bọn họ vừa tân hôn, yêu kiều động lòng người, dịu dàng nhu mĩ, đủ khiến lòng của vô số thiếu niên phải ngứa ngáy.

Hắn chăm chú nhìn nàng hồi lâu, bỗng không nỡ đánh thức nàng.

Không chỉ vì nàng mệt mỏi mà còn để độc hưởng khoảnh khắc đẹp đẽ này.

Chẳng biết qua bao lâu, hắn mới chú ý đến tờ giấy mà cánh tay ngó sen của nàng đang đè lên viết chi chít những chữ kì lạ, nào là ấu trĩ, dính người, mặt mũi không da, tâm cao khí ngạo, hay cáu kỉnh...

Từ Hách mỉm cười, nhẹ nhàng rút ra, chợt thấy phía trên có ba chữ "Từ Tham Ngủ".

Đây là ý gì? Nói hắn ư?

Nhìn kiểu này chắc đúng rồi.

Không ai ngủ một giấc mà con cháu đầy sảnh đường được như hắn đâu.

Thê tử của hắn đang lặng lẽ nhớ hắn rồi!

Đêm tĩnh lặng hơn, thấy xiêm áo nàng mỏng manh, tư thế ngủ cũng không được tự nhiên, Từ Hách không để ý tới có đánh thức nàng không, cẩn thận cúi người xuống, bế nàng vào giường nhỏ bên cạnh bình phong.

Gương mặt căng bóng như nước của nàng tựa trên vai hắn, thân thể mềm mại trong nháy mắt bỗng khiêu khích dục niệm hắn chôn đi lâu nay.

Vậy mà lúc nàng không có ý thức nhăn mày, môi hơi trề ra, lại giống như bông hoa đang nở.

Thần thái của thái phu nhân có ở đâu nào! Suốt ngày lừa gạt hắn!

Yết hầu của Từ Hách lăn một cái, hắn nuốt nước miếng theo bản năng, nhịn cảm giác xúc động muốn cúi đầu xuống cắn, từ từ đưa nàng đến giường nhỏ.

Xác nhận nàng chưa tỉnh, hắn cởi áo khoác xuống, nhẹ nhàng đắp cho nàng.

Ánh trăng dịu dàng và ánh nến lay lắt phác họa nét đẹp kiều mị như hải đường của nàng lúc ngủ, khiến cho khuôn mặt tinh tế như tạc của nàng không chỗ nào không quyến rũ người khác.

Từ Hách tiện tay cầm bút, thấm nước cho mực, lấy tờ giấy Tuyên Thành quen thuộc ra, từ từ múa bút, bắt trọn toàn bộ ôn nhu của nàng.

Thực ra, không cần đặt bút cũng đã sớm tạc khắc trong lòng.

Sắc trời ngoài cửa sổ dần trở nên trắng bạc, Từ Hách vừa muốn được nói chuyện với nàng, vừa không đành lòng đánh thức.

Hắn luẩn quẩn một vòng, tìm tìm kiếm kiếm bên này một chút rồi sang tô tô xóa xóa bên kia một chút, cuối cùng trở về bên cạnh nàng, lẳng lặng ngắm nhìn.

Cánh môi mềm mại căng bóng của nàng lúc nào cũng cám dỗ hắn.

Hắn cắn răng một cái, chậm bước đến gần, khom người xuống, quả quyết đưa môi mỏng của mình từ từ đến môi nàng.

Tác giả có lời muốn nói:

Phần Xích Xích đi thi có tham khảo đề mục họa viện thời Tống Huy Tông, có chút sửa đổi.

Trong khi Nguyễn Nguyễn nhận định Xích Xích làm tiểu lang quân cho quận chúa thì Xích Xích đã âm thầm làm rất nhiều chuyện, mọi chuyện đợi hắn chính miệng giải thích cho thê tử nhé, tạm thời không tiết lộ ~( ̄▽ ̄)

Quận chúa: Vậy nam chính có làm tiểu lang quân cho ta không?

Nguyễn Nguyễn: Giải thích? Cầm đi! Trả tranh lại cho ta là được.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv