Đêm hôm trước, ở trên một con đường mòn dẫn lên núi Cửu Đỉnh Sơn.
Ông cụ Đường bước xuống xe, hít một hơi thật dài, trên khuôn mặt già nua không khỏi lộ ra một tia bất đắc dĩ.
Nếu như không phải vì đứa cháu nội đang nằm trong tay lũ người tàn bạo kia, thì có lẽ cả đời ông cụ cũng sẽ không đặt chân tới nơi này thêm một lần nào nữa.
Nhưng tính mạng Đường Yên đang nằm trong vòng nguy hiểm, mà bên phía quân cảnh hầu như đã thúc thủ vô sách, khiến cho ông cụ Đường không thể không tìm tới sự giúp đỡ từ nơi khác.
Bởi vậy mà ngay trong đêm, sau khi rời khỏi tổ trạch Đường gia, ông cụ đã lập tức ngồi xe mấy tiếng đồng hồ liên tục để tới đây.
Trên Cửu Đỉnh Sơn này, có người đủ khả năng để giải quyết nan đề mà Đường gia hiện tại đang gặp phải.
Nghĩ tới Đường Yên, tới những lúc con bé ân cần đỡ mình đi dạo trong vườn, líu lo hát mấy bài dân ca mà mình thích nghe, kể những chuyện vụn vặt nơi trường lớp... Ông cụ Đường không khỏi hơi nhói ở trong tim, lẩm bẩm tự nói với chính mình:
"Được rồi, sống tới chừng này tuổi, còn giữ chút mặt mũi để làm gì cơ chứ? Chết rồi, cũng có mang được cái sĩ diện ấy xuống âm tào địa phủ để gặp Diêm Vương Gia đâu? Tính mạng con trẻ quan trọng hơn, hầy, vẫn là phải đi thôi..."
Gõ gõ cây gậy xuống mặt đất, ông cụ cuối cùng cũng bắt đầu di chuyển, bước từng bước chậm chạp theo con đường mòn nho nhỏ hướng lên trên ngọn Cửu Đỉnh Sơn trước mặt.
Thấy ông cụ muốn tự mình đi bộ lên núi, cả lái xe lẫn hai đồng chí cảnh vệ đi cùng đều hốt hoảng muốn ngăn lại.
Cửu Đỉnh Sơn này tuy rằng không cao, nhưng để leo lên tới đỉnh cũng phải mất ít nhất nửa tiếng đồng hồ đi bộ liên tục không nghỉ, hơn nữa đó là đối với người bình thường, thể trạng khỏe mạnh.
Trong khi đó Ông cụ Đường đã trên trăm tuổi, ngay cả việc đi lại bình thường cũng gặp không ít khó khăn, phải nhờ tới gậy chống mới có thể bước từng bước một thật chậm rãi.
Để cho ông cụ đích thân đi cả một quãng đường dài như thế, e rằng với tình hình sức khỏe hiện tại của ông, sẽ không cách nào chịu nổi sự tiêu hao lớn như vậy.
Tới khi đó, không chỉ bản thân lão nhân gia người gặp nguy hiểm, mà ngay cả ba người bọn họ cũng không tránh khỏi bị truy cứu trách nhiệm.
Phải biết Ông cụ Đường là một trong số những Nguyên lão còn tại thế, cho nên địa vị của ông cực kỳ đặc biệt.
Không chỉ có tiếng nói rất lớn trong thể chế, mà bản thân ông còn là một biểu tượng sống, đại diện cho cả một thời kỳ đấu tranh vệ quốc gian khổ nhưng huy hoàng.
Một người vĩ đại như vậy, nếu bởi vì quá gắng sức mà xảy ra vấn đề gì, thì không chỉ có cấp trên sẽ khiển trách mấy viên cảnh vệ kia, mà chính bản thân họ cũng sẽ phải ân hận không thôi.
Hai đồng chí cảnh vệ tiến lên phía trước, đỡ lấy tay Ông cụ Đường, nghiêm trang nói:
"Lãnh đạo, đường lên núi phía trước rất dài, không thể đi bộ được đâu. Hay là để chúng tôi dùng xe chở ngài đi, mặc dù con đường này hơi nhỏ, nhưng cũng miễn cưỡng đủ cho một chiếc ô tô tiến lên."
Loading...
Chẳng ngờ Ông cụ Đường không những không đồng ý, mà còn nghiêm mặt gạt tay hai người họ ra, sau đó chậm rãi nói:
"Không được, một đường này từng bước đều phải là ta tự mình đi, nếu không tới sơn môn một chuyến này còn ý nghĩa gì nữa?... Mà thôi, có nói ra mấy người các cậu cũng không hiểu được. Ở yên dưới núi, đừng có đi theo ta."
Sau đó ông cụ lại thở dài một hơi, nói với hai người cảnh vệ, mà giống như cũng là tự nói với bản thân mình:
"Nếu như số của ta đã tận, gặp bất trắc trên đường đi, thì âu cũng coi như là trả được một mạng này lại cho sư môn..."
Nói đoạn ông cụ quay đầu lại bắt đầu chống gậy bước từng bước khó nhọc lên núi.
...
Cửu Đỉnh Sơn, nằm ở một thị trấn nhỏ phía Bắc, cách trung tâm Thủ Đô hơn ba tiếng đồng hồ lái xe.
Tên gọi của ngọn núi này đã có từ hàng ngàn năm về trước, đằng sau nó là một câu chuyện mang đậm màu sắc huyền sử dân gian, khá thú vị.
Chuyện kể rằng, vào thời điểm hơn một ngàn hai trăm năm về trước, vùng đất này khi ấy chỉ là chốn hoang sơn dã lĩnh, không hề có người ở.
Năm đó quân giặc từ phương Bắc, âm thầm thông đồng với các chư hầu, phiên vương ở phía Nam cùng lúc tràn vào lãnh thổ nước ta.
Bọn chúng muốn tạo ra thế gọng kìm dưới đánh lên trên đánh xuống, một đòn định càn khôn, thôn tính cả vùng đất này.
Hoàng đế khi đó đích thân mang quân xuất chinh, đánh một trận long trời lở đất với địch nhân ở phía Bắc, tình cảnh lúc đó có thể nói là vô cùng thảm liệt, máu chảy thành sông, thây chất thành núi.
Thế nhưng bởi vì lực lượng thua kém hơn, cho nên cuối cùng quân ta đã không thể kháng cự nổi, đành phải rút lui để bảo toàn lực lượng.
Trong quá trình rút về, đội quân lại gặp phải mai phục của địch, bị đánh cho tan rã, phải chia năm xẻ bảy mà tìm cách chạy trốn thoát thân.
Hoàng đế khi ấy chạy tới dưới chân núi Cửu Đỉnh Sơn - khi đó vẫn là một ngọn núi vô danh - thì nhìn thấy có một con đường mòn dẫn lên núi, mà bên đường còn có một tấm bia đá khắc hai chữ "Hạ Mã".
Mặc dù quân địch đã đuổi tới phía sau, nhưng nhà vua vẫn xuống ngựa, sau đó đích thân đi bộ dọc theo con đường mòn đó để lên trên núi tránh nạn.
Kẻ địch thấy hoàng đế đã bỏ ngựa mà đi bộ, thì vô cùng mừng rỡ, nhanh chóng thúc chiến mã lao lên núi, muốn bắt sống ông.
Thế nhưng vó ngựa vừa dẫm lên con đường mòn kia, thì trên bầu trời vốn đang quang đãng bỗng nổi mây đen, một tiếng sấm nổ lớn khiến cho cả bầy ngựa hốt hoảng.
Chúng hí lên từng tiếng dài khiếp đảm, tung hai vó trước lên không trung, hất ngã tất cả đám kỵ binh.
Ngay sau đó cả đàn ngựa liền quay đầu bỏ chạy, dẫm đạp lên những tên địch đang ngã trên mặt đất kia, khiến cho bọn chúng kêu thảm không ngừng.
Hoàng đế đứng từ xa nhìn thấy cảnh này, càng tin tưởng ngọn núi này có cao nhân đang ẩn cư, cho nên liền tiếp tục hướng phía đỉnh núi mà bước đi không ngừng.
Lên tới đỉnh núi, ông phát hiện ra ở trên đó có một tòa Đạo Quán cũ kỹ, không biết đã tồn tại ở đây từ bao giờ.
Chỉ biết mỗi bia đá, bức tường, mái ngói... đều đã nhuốm màu thời gian, bị nắng mưa mài dũa tới mức không thể nhìn ra là kiến trúc của niên đại nào nữa.
Đứng trước cửa lớn Đạo Quán, hoàng đế chắp hai tay trước mặt, nói lớn:
"Trẫm thân là quân vương một nước, hôm nay lại thua trận phải chạy trốn tới đây, kính xin các vị tiên trưởng ra tay cứu giúp, sau này chắc chắn sẽ đền đáp xứng đáng."
Cánh cửa Đạo Quán vẫn im lặng không nhúc nhích, từ trong đó vọng ra một giọng nói:
"Bệ hạ, khí số của vương triều đã tận, nếu cứ như vậy nước nhà sẽ lâm vào cảnh lầm than."
Hoàng đế sửng sốt, còn chưa kịp đáp lời, thì giọng nói đó đã tiếp tục:
"Bần đạo có thể giúp bệ hạ đánh đuổi quân thù ra khỏi bờ cõi, thế nhưng đổi lại bần đạo có một điều kiện."
Vốn hoàng quyền là chí cao vô thượng, nếu không phải tình huống lúc này đã không còn hi vọng, thì Hoàng Đế chắc chắn sẽ phất tay bỏ đi, thậm chí cho người san bằng Đạo Quan trước mặt này không chừng.
"Điều kiện gì?"
"Sau khi giặc giã đã dẹp yên, bệ hạ phải chọn một người khác thay mình tiếp nhận ngôi vị Đế Vương, đồng thời đem Cửu Đỉnh tới đặt tại Đạo Quan này."
Hoàng đế hơi run người, lớn tiếng phản bác:
"Ngai vị, trẫm có thể nhường lại, nhưng Cửu Đỉnh thì tuyệt đối không thể nào! Không có Cửu Đỉnh, thì không có thiên hạ, trẫm tuyệt không thể làm theo lời ngươi!"
Cửu Đỉnh tồn tại từ thời xa xưa, nó là thứ đại diện cho Hoàng quyền cũng như sự nhất thống của Cửu Châu thiên hạ.
Phía bên trong Đạo Quan truyền ra một tiếng thở dài:
"Bệ hạ, khí số Vương Triều đã tận, bần đạo muốn dùng mạng mình, để đổi lấy năm trăm năm trường thịnh cho thiên hạ. Chứ tuyệt không có ý nghĩ thôn tính Cửu Đỉnh làm vật của riêng mình, mong bệ hạ đừng hiểu lầm..."
Cứ như vậy, vị đạo sĩ bí ẩn kia cùng với Hoàng đế, hai người cách nhau một cánh cửa của Đạo Quan, trò chuyện suốt một ngày một đêm.
Ngày hôm sau, Hoàng đế xuống núi, con ngựa của ông ngày hôm qua vốn đã chạy đi mất, hôm nay lại thấy nó đã trở lại, đang gặm cỏ ở ven đường bên dưới chân núi.
Hoàng đế cưỡi ngựa trở về kinh thành, thì mới hay tin quân giặc gặp phải ôn dịch kỳ lạ, chỉ qua một đêm mà mười phần chết hết tám chín.
Bọn chúng đồn nhau ở vùng đất này có sơn lam chướng khí, cho nên mới gây ra căn bệnh kỳ lạ không thuốc chữa kia. Không còn cách nào khác, tướng chỉ huy của kẻ địch đành phải ra lệnh lui quân về nước.
Cửu Đỉnh, ngay trong ngày hôm đó được chuyển tới một ngọn núi vô danh ở phía Bắc kinh đô kia. Ngọn núi ấy, sau này được người ta gọi với cái tên Cửu Đỉnh Sơn.
Mà ngay sau khi quân giặc hoàn toàn rút chạy khỏi cương thổ đất nước, vị Hoàng đế kia chính thức nhường ngôi cho Thái tử.
Sau đó ông cho xây dựng một tòa Đạo Quan ở ngay bên ngoài phạm vi hoàng thành, chính mình ở trong đó tu tập cho tới khi chết, không rời nửa bước.
Thái tử lên ngôi, đưa ra biến pháp mới, cải cách thể chế, mở ra một thời kỳ phồn vinh kéo dài gần năm trăm năm của đất nước.
Từ đó tới nay đã trải qua bao cuộc bể dâu, Cửu Đỉnh Sơn vẫn như cũ sừng sừng đứng đó, mà câu chuyện huyền sử kia cũng được lưu truyền trong dân gian cho tới tận ngày hôm nay.
Không ít người sau khi nghe xong câu chuyện ly kỳ này đã tới thăm quan Cửu Đỉnh Sơn, muốn tìm ra vết tích của vị đạo sĩ thần bí ấy.
Nhưng chỉ tiếc là tất cả bọn họ đều phải thất bại mà về, bởi vì mặc dù trên Cửu Đỉnh Sơn quả thực có một tòa Đạo Quan với tên gọi Thiên Nhân Đạo Quán, tuy nhiên những người trong đó đều chỉ là đạo sĩ vô cùng bình thường.
Mỗi khi nghe ai đó nhắc về câu chuyện kia, họ chỉ cười xòa, nói rằng nơi này mới được xây dựng cách đây khoảng ba trăm năm, cho nên những thứ huyền sử kia cơ bản không có khả năng xuất hiện tại đây.
Lúc này đã là nửa đêm, bên ngoài cửa Thiên Nhân Đạo Quán xuất hiện một bóng người già nua, trên tay còn mang theo một cây gậy.
Người này không ai khác chính là Ông cụ Đường - Đường Vân.
Dùng cây gậy gõ gõ lên cánh cửa Đạo Quan đang đóng im lìm, ông cụ dùng giọng đã có phần khàn khàn vì mệt mỏi, gắng sức nói lớn:
"Đường Vân của Đường gia tới đây tìm Quán chủ, các vị đạo trưởng ở bên trong xin mở cửa."
"Đường Vân của Đường gia tới đây tìm Quán chủ, các vị đạo trưởng ở bên trong xin mở cửa."
"Đường Vân của Đường gia tới đây tìm Quán chủ, các vị đạo trưởng ở bên trong xin mở cửa."
Ông cụ lặp lại câu nói của mình tới ba lần liên tiếp, thì cánh cửa Đạo Quan mới rục rịch hé mở, từ trong đó một vị tiểu đồng chừng tám, chín tuổi ló đầu ra, nói:
"Quán Chủ nói ông ấy không có ở đây, mời ngài lần sau lại tới!"
Ông cụ Đường nhìn tên tiểu đồng ngô nghê kia, mỉm cười hỏi:
"Tiểu đạo nhân quan hệ thế nào với Quán Chủ?"
"Quán Chủ là thầy của Sư phụ ta."
"Vậy sư phụ ngươi lại có quan hệ thế nào với Thanh Hòa chân nhân?"
Tiểu đồng này vò đầu bứt tai một lúc, sau đó nói:
"Thanh Hòa chân nhân là thầy của Quán Chủ, cũng tức là Thái Sư Phụ của Sư Phụ ta... Ông hỏi nhiều thế để làm gì?"
Ông cụ Đường lúc này mới hắng giọng, đáp:
"Ta trước kia cũng từng bái Thanh Hòa chân nhân làm thầy, luận vai vế thì ta so với Quán Chủ còn nhập môn trước vài năm, cho nên tiểu đạo nhân ngươi phải gọi ta là Thái Sư bá mới đúng. Được rồi, còn chờ gì nữa, mau dẫn Thái Sư bá đi gặp Quán Chủ."
Đương lúc tiểu đạo nhân này không biết xử lý ra sao, thì phía sau lưng thằng nhóc này, bên trong cánh cửa Đạo Quán xuất hiện một người.
Tiểu đồng nghe thấy tiếng bước chân, ngoái đầu lại nhìn thấy người này, vội vàng xoay người hành lễ:
"Quán Chủ !"
Ông cụ Đường hừ lạnh một tiếng, lẩm bẩm:
"Cuối cùng cũng chịu xuất hiện rồi à...?"
Vị Quán Chủ kia xoa xoa đầu tiểu đồng, hiền hòa mỉm cười nói:
"Con đi ngủ trước đi, nhớ kỹ trước khi ngủ phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ rõ chưa? Đừng để thế nhân nói đám đạo sĩ chúng ta ở trên núi lâu năm, cũng trở thành người rừng hết, như vậy thì mất mặt lắm."
Sau đó ông ta quay sang phía ông cụ Đường, giọng thay đổi một trăm tám mươi độ, lạnh lùng phun ra vài chữ:
"Đi theo ta."