Đứng ngoài phòng học, nghe vị tiên sinh họ Triệu giảng bài. Quý danh của tiên sinh là Triệu Tử Viết, bởi vì tiên sinh giảng “Luận ngữ” nên danh xưng cũng là “Tử Viết”. (Tử viết trong Luận ngữ là: Khổng Tử nói)
Sáng nay ta đến trường tương đối muộn, chỉ dọn qua loa thì Triệu tiên sinh đã tới. Mà hôm qua Hồ nhị ca về rất muộn, Hồ đại nương lo lắng nên ta phải ở bên nhà cùng bà.
Sau lại sai Hồ đại ca đến cửa hàng tìm mới phát hiện Hồ nhị ca không sao nhưng ông chủ của hắn lại xảy ra chuyện. Ngay đêm ta mang muội muội sang trấn Thanh Khê chữa bệnh thì kho hàng của hắn bị ăn trộm. Hàng hóa mang từ phương Bắc về không cánh mà bay, hắn từ ông chủ lớn thành người nghèo rớt mùng tơi – bởi vì một phần tiền mua hàng đó là vay từ tiền trang, giờ phải lấy cửa hàng và nhà để gán nợ.
Đời người phú quý và nghèo khổ chẳng thể nói trước, trong một đêm hoàn toàn có thể thay đổi mọi thứ.
Về phần Hồ nhị ca, ghế nhị chưởng quầy còn chưa ngồi ấm chỗ thì đã không còn, đương nhiên cũng rất buồn. Chỉ mong hôm nay tiên sinh cho tan sớm, ta đi chợ mua đồ ăn, tối làm mấy món mời cả nhà Hồ đại nương sang ăn. Vừa là để cảm ơn chuyện của muội muội, vừa là để an ủi Hồ nhị ca.
Lúc này, bên trong thầy trò đã hàn huyên xong, bắt đầu giảng bài.
- Khổng Tử nói: “Tuế hàn nhiên hậu tri tùng bách chi hậu điêu dã” sự kiên cường của tùng bách càng lạnh càng lộ rõ. Cho nên con người không thể không dùng đá mài ý chí… (Mỗi năm đến mùa đông lạnh, các loài thảo mộc đều khô héo, rụng lá, chỉ có cây tùng cây bá vẫn tươi xanh và còn đủ cành lá – Luận ngữ).
Triệu tiên sinh còn chưa nói xong thì bên ngoài đã truyền đến những tiếng ồn ào.
Ngay sau đó là tiếng bước chân hỗn độn, sau đó nữa là rất nhiều người hùng hổ xông vào, vây lấy phòng học.
Nhưng lúc này ta đã chẳng còn ở hành lang bên ngoài phòng nữa, ta đang ở đâu? Ta ở trên cây.
Đây là đối sách hôm qua trước khi đi ngủ ta đã nghĩ ra: Nếu hôm nay công chúa dẫn người đến trường học gây sự thì làm sao? Trèo lên cây! Ngoài trốn lên cây thì chẳng ai bảo vệ được ta hết.
Cho nên từ sáng ta vừa đến ta đã chuẩn bị trước, chờ bên ngoài vừa có tiếng ồn ào, người còn chưa vào trong trường học thì ta đã trèo lên cây rồi.
Cũng nhờ trước đây trong nhà nhiều cây cối, mẫu thân ta thích trồng những cây bí đỏ, bí đao, đậu đũa… trong vườn, mỗi khi cần đều là ta trèo lên hái xuống cho mẫu thân.
Khi đó ta cởi giầy để ở dưới gốc cây thứ nhất rồi leo từ cành nọ qua cành kia, đợi đến khi hái xong cho mẫu thân rồi mới ngồi trên cây, đung đưa chân gọi:
- Mẫu thân, giầy!
Chờ đến khi mẫu thân mang giầy từ gốc cây đầu tiên đến thì ta như con khỉ nhảy tót xuống. Khi đó mẫu thân luôn cười ta:
- Biến thành khỉ mất thôi.
Nhưng sau đó lại bổ sung thêm một câu:
- Nhưng là con khỉ xinh đẹp nhất!
Khỉ ở trên cây, trốn trong bóng cây um tùm, nhìn thấy rất nhiều kẻ đóng vai phụ chạy tới rồi cuối cùng mới thấy nhân vật chính xuất hiện – công chúa điện hạ của chúng ta nổi giận đùng đùng xắn tay áo vung quyền xông tới, váy giắt vào thắt lưng, tay áo xắn đến vai. Đứng trước cửa phòng học hét lớn một tiếng:
- Vương Hiến Chi!
Ngay sau đó thì đạp một cước văng cửa.
Ta đúng là nhìn đến ngây người. Bất luận trước đó ta từng nghĩ đến hình tượng của công chúa là thế nào nhưng tuyệt đối không ngờ được lại là thế này. Càng làm cho ta tức giận chính là: Vị công chúa điêu ngoa không thèm để ý đến hình tượng này mà bọn họ cũng dám trêu chọc? Đây chẳng phải là lấy mạng nhỏ của ta ra đùa sao?
Bọn họ nói gì đó trong phòng ta không nghe được, chỉ thấy một lát sau, công chúa kia lại xuất hiện ở ngoài hành lang, lạnh lùng ra lệnh:
- Các ngươi mau tìm ra cho ta! Nhất định phải tìm được tiện nhân kia ra cho ta!
Lúc này bọn Vương Hiến Chi cũng đi ra, ai nấy đều rất lo lắng. Vừa khuyên công chúa bớt giận vừa nhìn đông nhìn tây tìm gì đó.
Không cần hỏi, đương nhiên là tìm ta. “Tiện nhân” trong miệng công chúa không phải là ta sao? Tuy rằng giờ ta cao cao tại thượng (đang ngồi trên cây) nhưng trong mắt quý nhân như công chúa thì ta vĩnh viễn chỉ là tiện nhân mà thôi.
Các ngươi chuyên gây rắc rối mà! Xem các ngươi giúp ta cái gì đây. Giờ hay rồi, ta đại nạn lâm đầu. Bị công chúa giận dữ như vậy, sau này ta còn đường sống sao?
Đang ầm ỹ thì cuối cùng Vệ phu nhân cũng xuất hiện nhưng lại vừa đi vừa ngáp dài.
Giờ là lúc nào, nhà sắp bị xới tung lên mà Vệ phu nhân vẫn còn “Sá chi gió dồn sóng vỗ, hơn đi bách bộ trong sân”? (Trích bài thơ Thủy điệu ca đầu – Du vịnh của Mao Trạch Đông do Nam Trân và Hoàng Trung Thông dịch)
Ta ngồi trên cây lo lắng suông nhưng Vệ phu nhân lại bất cần, đi tới hành lễ với công chúa:
- Hơn một tháng không gặp, thân thể công chúa đã bình phục?
- Bản công chúa sớm đã khỏe rồi nhưng giờ lại bị học trò của bà chọc giận nên lại không khỏe.
Nghe khẩu khí, tựa hồ công chúa không định bỏ qua. Vệ phu nhân cũng sắp phải chịu trách nhiệm liên đới.
Vệ phu nhân là người thông minh, lập tức nhận tội:
- Thần phụ dạy dỗ học trò không nghiêm, xin công chúa thứ tội.
- Muốn bản công chúa thứ tội cũng dễ thôi, giao tiện nhân kia ra đây là được.
Công chúa cũng rất thẳng thắn nói rõ ý đồ.
Vệ phu nhân nhìn xung quanh:
- Nàng không ở đây sao? Thần phụ vừa mới dậy, hôm nay còn chưa nhìn thấy nàng. Nàng hẳn là phải ở đây, có thể đi đâu được.
- Bớt giả bộ ngớ ngẩn lừa ta nữa, người của ta lục soát khắp hậu viện nhưng chưa tìm được người. Có phải ngươi đã sai người đưa nàng trốn đi rồi?
Công chúa nhìn chằm chằm Vệ phu nhân như muốn tìm chứng cứ từ bà.
- Oan quá, công chúa, thần phụ luôn trung thành với Hoàng thượng, công chúa. Sao dám giấu người công chúa muốn bắt? Thứ cho thần phụ cả gan hỏi một câu. Nha đầu đó đã phạm tội gì?
Vệ phu nhân vừa tỏ lòng trung thành vừa hỏi nàng câu này.
Câu hỏi này đúng là hỏi khó công chúa.
Thực ra, cách cả một lớp lá rậm rạp và bao nhiêu người, ta không thấy được vẻ mặt của công chúa. Nhưng đã hơi cảm nhân được cảm xúc của công chúa, chắc hẳn là nàng đang ghen, cho rằng ta xâm phạm đến lợi ích của nàng, quyến rũ người trong lòng của nàng – về phần người nọ là ai, ta đoán, phân nửa là Vương Hiến Chi.
Vệ phu nhân thấy công chúa không đáp nên lại bỏ thêm một câu:
- Công chúa sáng sớm tinh mơ đã đến nhà thần phụ bắt người, nhất định là nha đầu kia đã phạm phải tội lớn tày đình rồi?
Ta tưởng rằng công chúa sẽ giống đám thủ hạ hung hãn của mình, lập tức sẽ định cho ta hàng loạt tội danh. Công chúa mà, cả ngày lăn lộn trong chốn thị phi như hoàng cung, muốn gán tội cho người khác thì có gì khó?
Ai ngờ nàng ngây người hồi lâu rồi cuối cùng chỉ ngập ngừng nói:
- Cũng không phạm tội gì, ta chỉ muốn tìm nàng hỏi chút chuyện mà thôi.
Thì ra công chúa hung tợn là thế nhưng cũng không phải là loại người âm hiểm, độc ác.
Nhưng nàng hành sự cũng quá đầu voi đuôi chuột rồi. Lúc đến thì hung dữ, vừa bị Vệ phu nhân hỏi thì lại thành “tìm ta hỏi chút chuyện”.
Vệ phu nhân cười, vỗ ngực nói:
- Thì ra chỉ là hỏi chuyện, làm ta sợ muốn chết.
Lại hỏi các học trò:
- Sáng nay Đào Diệp không đến sao?
Bọn họ đáp:
- Có đến, giờ chắc đi ra ngoài.
Bà nhìn sang công chúa:
- Hay là công chúa ở đây đợi một chút? Lát nữa nha đầu kia sẽ quay về. Bây giờ thần phụ phải đưa mấy bức thư pháp chữ “Phúc” vào cho hoàng hậu, không thể tiếp đãi công chúa được.
Vẻ mặt công chúa lập tức trở nên hoảng hốt, vội tỏ vẻ:
- Ta vào cung cùng ngươi thôi, lúc khác hỏi cũng được.
Như gió lớn thổi qua, đám người kia lại như lúc đến, tiếng bước chân rầm rập vang lên rồi trường học lại khôi phục sự yên tĩnh vốn có.
Triệu tiên sinh và đám học trò nhìn nhau:
- Đúng là kì lạ, nha đầu Đào Diệp kia vừa rồi rõ ràng còn nghe lén ở ngoài hành lang, sao trong nháy mắt đã chẳng thấy tăm hơi? Hơn nữa mấy chục người cũng không tìm ra được!
- Thần kì thật!
- Thì ra là thần tiên hạ phàm, khó trách xinh đẹp như vậy!
- Các ngươi còn trêu đùa ta, ta bị các ngươi chỉnh thảm rồi!
Ta nhảy xuống đất nói.
- Thì ra ngươi trốn trên đó? Thật thông minh! Người của công chúa dù tìm thế nào cũng quyết không thể nghĩ ra chỗ đó.
Là giọng nói kinh ngạc của Vương Hiến Chi.
- Bây giờ công chúa không tìm được ta nhưng lần tới vẫn có thể đến, thế nào cũng có ngày ta rơi vào tay nàng. Ta lo lắng nói.
- Lần sau ngươi lại trèo lên cây đi!
Mấy người đều đồng thanh nói.
- Các ngươi cho ta là khỉ sao?
Ta tức tối nói:
- May mà ở đây nhiều cây nên ta mới có chỗ trốn nhưng vạn nhất bị bắt ở nơi khác thì sao?
- Ngươi yên tâm, ta sẽ bảo vệ ngươi!
Vương Hiến Chi trịnh trọng hứa với ta.
- Đào Diệp, ngươi đừng sợ, chúng ta đều sẽ bảo vệ ngươi. Việc này là chúng ta gây ra, chúng ta sẽ chịu trách nhiệm, quyết không để ngươi bị thương.
Thật khó cho các vị thiếu gia, hạ mình an ủi tiểu nha hoàn như ta.
Nhưng lời nói của bọn họ rất chân thành.
Ta còn chờ mong gì hơn, cơ hội này không biết nắm bắt thì chính là kẻ ngốc rồi.
- Các ngươi cũng thừa nhận việc này là do các ngươi gây ra, ta là kẻ vô tội bị hại? Ta yêu cầu bồi thường tinh thần!
- Bồi thường cái gì?
- Ta muốn về sau lúc lên lớp, cho ta ngồi trong nghe giảng bài, không phải ở ngoài nghe lén nữa.
- Không thành vấn đề.
Bốn người đồng thanh đáp.
Haha, ta đúng là trong họa có phúc.
Thời gian còn lại, ta đều ngồi trong thư phòng nghe giảng bài, học xong lại tranh thủ dọn dẹp.
Trên đường tan học về nhà, nhìn bến đò Nam Phổ xa xa, ta lẩm bẩm trong lòng: “Khổng Tử đứng bên bờ sông nói: Cũng như nước chảy đi thì Đạo cũng như vậy, ngày và đêm không ngừng nghỉ”
Hôm nay bất luận Khổng Tử nói thế nào ta đều vui!