Ma Chó

Chương 16: Cuộc gặp gỡ



Tiếng chuông kính kong từ chiếc đồng hồ điểm 6 giờ sáng khiến ông em đang nằm ngủ gật cạnh bàn uống nước giật mình tỉnh dậy. Cả đêm qua ông đã thức trắng, thật sự như vừa trải qua một cơn ác mộng...Sau khi đem hai con gà còn sống đặt lại vào ổ rơm, ông em trở vào nhà, bật đèn gian giữa lên rồi ra ban thờ thắp mấy nén nhang, mong tổ tiên dòng hộ phù hộ độ trì, bảo vệ cho ông và gia đình thoát khỏi những thứ tà ma vất vưởng đang quấy phá. Xong rồi ngồi luôn ở bàn uống nước ngóng con chó giờ vẫn chưa thấy về, ấy vậy mà lại ngủ quên mất. Mới chợp mắt được một chập đã lại nghe tiếng gà gáy sáng rồi.

Chỉ một đêm trôi qua mà nom sắc mặt ông em phờ phạc hẳn. Bọng mắt đã bắt đầu trũng sâu, tóc lại thêm vài sợi bạc. Ông mở cửa gian nhà chính, bầu ko khí dịu nhẹ lúc sớm mai trong trẻo và dễ chịu ùa vào, khiến tinh thần ông em thoải mái hơn đôi chút. Ông chắp tay sau lưng đi ra sân, đứng gần bờ tường hoa nhìn xuống khu vườn mênh mông, ánh mắt xa xăm. Ông đang nghĩ ngợi lung lắm. Có lẽ, chỉ còn một cách duy nhất để sớm đưa gia đình ông thoát khỏi sự quấy phá của " chúng nó ". Ông em khẽ thở dài rồi cất bước quay trở vào nhà.

Bây giờ là 8 giờ rưỡi sáng, con vàng đã về được một lúc, khi ông em đang rửa ít bát đĩa vì mới ăn sáng xong. Nó chạy một mạch lại chỗ đĩa cơm ông đã để phần sẵn ăn lấy ăn để, có vẻ như rất đói. Cả người bê bết bùn đất, lá cây. Ông em nom thấy thế, chỉ lẳng lặng đứng quan sát, nghĩ rằng đêm qua con chó đã đuổi theo một trong hai con mèo chết tiệt kia và quần thảo với nó. " Vậy là một người, một chó xử lý được hai con mèo thành tinh, hà hà. Đúng là ko thể tin được!" - ông em nghĩ thầm trong bụng rồi khẽ lắc đầu tự giễu cợt. Nhìn con chó đang hồn nhiên liếm nốt đĩa cơm rang, ông em đứng trầm ngâm quan sát nó một lúc, chờ nó ăn hết hẳn rồi đưa tay vẫy nó lại: " vàng, lại đây! ". Con chó nghển mặt lên nhìn rồi quẫy đuôi lững thững chạy lại chỗ ông ngay. Ông cúi xuống xoa xoa đầu nó, sau đó dẫn nó đến chỗ chuồng gà, lấy cái xích sắt cũ đã máng trên cột chuồng tự bao giờ, thòng vào cổ nó. " Giờ tao đi vắng, nằm đây trông nhà nhá. Ngoan, nghe chưa?!". Xong xuôi, ông đứng dậy, phủi phủi tay đi vào. Con chó ngồi đấy, vẫy đuôi nhìn theo bóng ông đi, miệng khẽ ư ử lên mấy tiếng. Ông em vào nhà, sửa soạn xong xuôi, lấy cái mũ cối đội lên đầu, đóng cửa nẻo cẩn thận rồi đi ra cổng khoá lại. Sở dĩ ông xích con vàng lại là vì sợ trong lúc ông đi vắng, bọn mèo kia lại mò đến dở trò, dụ con vàng đi tận đâu, bỏ mặc nhà cửa ra đấy. Bọn mèo đó có vẻ khá dè chừng con chó, nên chắc ko dám quá hung hăng, thôi thì cứ tạm cột nó ở đấy, chốc về rồi tính.

Ông em rảo bước, nhắm hướng đường lớn mà đi. Từ cổng nhà đi ra rồi rẽ trái mấy trăm mét nữa là đến con đường lớn, nơi có nhà cậu Khanh nằm ở ngay khúc quẹo bên phải. Lúc này ông em đi đã gần đến nơi. Ngôi nhà ba tầng kiểu cũ nằm nép mình sau cây hoa phượng cao lớn, đang trổ bông đỏ rực cả một góc đường. Sát cây cột điện dây dợ chằng chịt đang có mấy cái xe đạp, xe honda dựng vào. Mặt tiền tầng một ngôi nhà treo một tấm bảng hiệu lớn. Ông em ngó vào bên trong thấy lố nhố người đứng người ngồi, kẻ khám bệnh, người bốc thuốc. Cậu Khanh bận áo sơ mi xanh nhạt đang ngồi bên một cái bàn gỗ, bắt mạch khám bệnh cho một phụ nữ trung niên. Ông em lẳng lặng đi vào, ngồi ở một cái ghế băng sát cửa chờ đợi. Anh chàng Khanh đang trình bày công chuyện với chị phụ nữ kia thì quay ra cửa nhìn, thấy ông em liền dừng lại cười nói: " A chú H, chú chờ cháu tí!", rồi giơ tay ra hiệu với ông. Ông em gật gật đầu cười rồi tiếp tục ngồi đợi cho vãn khách. Nhưng vì khách hơi đông nên phải đến 40 phút sau, Khanh mới rảnh tay vẫy ông ra phía buồng trong rồi bảo:

- Chú chờ cháu có lâu không?. Nãy cháu khám nốt cho mấy người kia để tí còn tiếp chú.

- Vậy giờ cậu có thật sự rảnh ko, tôi thấy còn mấy người đang chờ mà.

- À, mấy người họ đã khám từ trước rồi, lần này đến tái khám và lấy thuốc tiếp thôi, việc này cháu giao cho người làm làm là được rồi. Chú lên lầu đi, rồi mình nói chuyện.

Khanh vừa nói vừa cười, chỉ lên phía cầu thang. Ông em theo sau anh ta. Khanh dẫn ông đi qua tầng hai, rồi đến một cầu thang nữa lên tầng ba. Cậu ta vừa đi vừa kể:

- Tầng hai dạo này nhà cháu để làm phòng sinh hoạt chung rồi. Tại dạo này mở rộng hiệu thuốc, dành nguyên tầng một để kinh doanh. Giờ cháu chuyển lên tầng ba ở, cạnh phòng thờ của gia tiên và ông nội, tiện thể trông coi luôn. Lại ko bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn ở tầng một.

Ông em vừa leo cầu thang vừa nghe chàng ta nói. Quả thật cũng lâu rồi ông chưa ghé thăm nhà họ Hứa. Cũng vì bận việc linh tinh, nhà cậu Khanh thì lúc nào cũng có người ra ngươi vào, thành thử cũng ngại. Lên đến tầng ba, phía bên phải cầu thang là hai căn phòng. Phòng thứ nhất đóng cửa. Khanh dừng lại ở phòng thứ hai, mở cửa ra mời ông vào. Căn phòng vuông vắn, ko rộng lắm. Bày biện, trang trí theo kiểu sinh hoạt của người Tàu. Khanh đi đến bàn uống nước là một cái sập nhỏ bằng tre xanh biếc, hai bên để hai cái nệm vuông màu vàng tơ. Cậu ta khoanh chân ngồi, lấy phích pha trà bằng bộ ấm chén cỡ nhỏ màu ngọc bích. Ông em cũng ngồi xuống phía đối diện, nhìn ngó xung quanh một lượt. Trên bức tường sơn trắng, treo vài bức bích hoạ sơn thuỷ, đôi câu đối bằng chữ nho và mấy tờ giấy màu vàng viết ngoằn nghèo chữ gì đó, nom chẳng hiểu. Phía tay phải căn phòng đặt một kệ tủ khá lớn, chứa toàn sách, một vài cái hộp to, nhỏ vuông vắn, chẳng biết bên trong đựng gì, hai cái bình cũ và mấy thứ đồ kim loại nữa. Nói chung, cả căn phòng đều bày biện đầy những đồ vật khá lạ mắt, chẳng rõ chúng để làm gì. Khanh đưa chén trà, cắt ngang sự quan sát của ông em:

- Phải lâu lắm rồi chú H mới ghé thăm đứa cháu này ấy nhỉ?.

- Khà, cậu đang trách tôi đấy phỏng?. Biết sao giờ, nhà cậu bây giờ bận rộn như vậy. Tôi chỉ sợ đến nhiều quá có người ko thể tiếp được thôi.

- Ha ha, cháu chỉ e là có việc gì chú mới đến, chứ phía cháu lúc nào cũng hoan hỉ.

Cậu ta nói như thể đoán trước được lý do vì sao hôm nay ông ghé nhà cậu ta. Ông liền cười gượng, đưa tay nhấp một ngụm trà rồi trầm giọng nói:

- Hoạ vô đơn chí, cả đời tôi xưa nay chưa làm điều gì thất đức, ấy vậy mà... quan trọng là hoạ nó thích thì nó cứ vào thôi!!!. Ha ha...

Ông em nói xong vỗ đùi đét một cái. Khanh trầm ngâm nghe ông em nói, mặt ko cười tếu táo lại như mọi khi, vì anh cảm nhận được sự lo lắng của ông em đằng sau câu nói đùa cợt nhưng thực ra là nặng nề kia. Anh nhìn thẳng vào ông, ngay ngắn ngồi rồi chậm rãi đáp:

- Chú đừng nói thế, chuyện gì cũng có cách giải quyết. Thực ra hôm nọ qua nhà chú, cháu cũng có đoán được một, hai phần. Có điều là chú chưa mở lòng nói ra, cháu sao tiện tham gia vào.

Ông em đến lúc này, thì như " trong chừng đã rõ, mặt ngoài còn e ", đành thở dài tiếp:

- Đến nước này thì tôi cũng hết cách cậu ạ. Nhà tôi có ai biết về mấy chuyện ma quỷ đâu. Ở mấy chục năm giời ko xảy ra sự gì, nay tự nhiên lại có biến. Ko biết có thất lễ gì với gia tiên tiền tổ hay phạm vào ai ko. May mà gần nhà có cậu, ko thì lại phải lặn lội một quãng xa để tìm người giúp. Mà cũng chả biết tìm ai cho tin cậy. Chậc!.

Ông nói xong, như trút được mớ phiền não trong lòng mấy hôm nay, chép miệng, đưa tay nhấp một ngụm trà nóng. Mùi thảo mộc dịu nhẹ thoang thoảng lan toả, khiến thần kinh, khứu giác khoan khoái và thư giãn lên rất nhiều. Cậu Khanh gật gù nghe ông tâm sự, ko nói gì, có vẻ đang trầm ngâm suy nghĩ, giây lát mới lên tiếng:

- Cháu hiểu. Nhìn thần sắc chú ko tốt, ngũ quan tối sầm, cháu đoán là bên nhà đang bị thứ gì ko sạch sẽ ám vào. Theo cảm giác của cháu, đây mới chỉ là bắt đầu thôi, nếu để nó kéo dài thì sẽ nghiêm trọng, e là nó diệt hết dương khí của cả hai nhà, chú và chú T.

Khanh nhấn mạnh từng chữ, dường như mức độ nghiêm trọng của sự việc đã tăng lên. Ông em mặt hoang mang hỏi lại:

- Cậu nhìn thấy được chúng nó phỏng?. Tôi còn chưa kể gì...

- Khà, cháu thấy sơ sơ thôi. Cậu ta khoát tay cười xoà.

Sau đó, ông em mới đem toàn bộ những gì đã xảy ra tại nhà mấy hôm nay kể cho Khanh nghe. Cả vụ quấy phá của hai con mèo tối hôm qua nữa. Duy có con vàng thì ông chỉ kể qua loa. Khanh nghe ông thuật lại đầu đuôi câu chuyện xong xuôi rồi bảo:

- Cái quan trọng nhất là phải tìm ra căn nguyên sự việc, hay nói cách khác chính là nguồn gốc của hai vong hồn trẻ con kia. Như vậy sẽ giải đáp được câu hỏi: tại sao nhà chú sinh sống bao nhiêu lâu nay ko có vấn đề gì mà cho đến bây giờ chúng mới xuất hiện quấy phá?, từ đó mà tìm hướng giải quyết.

- Cậu nói đúng. Nhưng...làm cách nào?.

- Cái này cháu chưa nói chính xác ngay được. Còn phải sang nhà chú xem xét và trực tiếp đụng độ với bọn nó xem thế nào đã...!

Khanh xoay xoay chén trà bé tí trên bàn, ông em nghe cậu ta nói thế thì phì cười:

- Hà, cậu làm như đi đánh trận ko bằng.

Khanh ko phản ứng gì, mắt anh ta đang nhìn lên những tấm giấy màu vàng nghệ dán trên tường, viết ngoằn ngoèo mấy nét gì, môi hơi nhếch lên, đáp:

- Người bình thường nên nghĩ thế thì tốt hơn.

Ánh mắt anh đột nhiên xuất hiện ánh nhìn sâu xa, vẻ mặt tư lự, dường như trong đầu đang hồi tưởng về một chuyện gì đó. Ông em nhìn sang, chẳng biết chàng thanh niên ngồi đối diện mình đang nghĩ gì. Vài giây sau, cậu ta mới đằng hắng phá tan bầu ko khí im lặng:

- À phải rồi, nhà chú hiện đang nuôi một con chó hả?.

- Đúng rồi, nãy tôi mới kể đấy. Con chó ấy của thằng cả đem về độ hơn tháng rưỡi rồi. Đang tuổi lớn.

- Vậy ạ. Nó giống chó gì chú?

- À, chó ta bình thường thôi. Được cái khoẻ mạnh, lớn nhanh mà khôn phải biết!.

Khanh hơi gật đầu theo lời ông em kể, tiếp lời:

- Có điều, cháu định bảo với chú là....

- Cậu Khanh ơi!!!. Có khách mới đến khám đang chờ!.

Tiếng gọi í ới của ai đó từ dưới lầu vọng lên cắt ngang lời nói của Khanh. Cậu ta đành phải dừng lại, đáp vọng xuống:

- Cháu biết rồi, giờ cháu xuống đây!.

Xong đó, anh quay sang nói vội với ông:

- Thế này vậy, giờ chú cứ về đi. Tình hình thì cháu tạm rõ rồi. Chiều nay cháu phải sang bên sông thu mua ít thảo dược, tiện thể qua thăm bố cháu luôn. Nếu về sớm thì tối cháu sang nhà chú muộn thì tầm trưa mai cháu sang.

Ông em gật gật đầu, hỏi vội:

- Bác bá dạo này chuyển sang bên kia rồi hở cậu?

- Vâng, bố cháu chuyển về căn nhà cũ của ông nội ở cho thoải mái. Mẹ cháu tiện chăm nom, nhà bên này người ra người vào, ko khí ko tốt cho người bệnh.

- Ừm, biết vậy. Thôi tôi về đây, cậu còn làm việc.

- Vâng. Chú cháu mình đi.

Xong xuôi, hai người đứng dậy, đi nhanh xuống dưới nhà. Ông em xuống đến nơi, tạm biệt cậu ta một câu rồi về luôn, Khanh cũng quay trở lại bàn khám bệnh cho một cụ già chẳng kịp nhìn ngó gì nữa.

Bước ra khỏi nhà họ Hứa, ngửa mặt lên nhìn, mặt trời đã sắp đứng bóng rồi. Cái nắng gay gắt chiếu xuống đỉnh đầu, ông em chắp tay sau lưng, đội mũ lên đầu, bước chầm chậm rẽ vào con ngõ nhỏ. Chợt từ bên kia đường có tiếng gọi giật lại:

- Anh H, đi đâu đấy!!!.

Ông em vội quay người lại nhìn, sau đó nheo mắt cười nói vọng sang:

- À vâng, chào chú!.

Bên kia đường, một người đàn ông dáng người hơi thấp, đầu hói bóng loáng một đám ở giữa, bụng tròn phình ra, đang ngồi chễm chệ trên chiếc ghế nhựa trông mấy cái giỏ tre, lồng tre bày ngổn ngang phía trước hiên nhà. Đó là ông V, nhà ở mặt đường đối diện, thỉnh thoảng hay vào nhà ông em xin ít tre về đan giỏ. Ông ta thấy ông em quay lại thì cười rõ tươi mắt hít lại, giơ tay vẫy vẫy ông lại cho bằng được:

- Anh H, vào, vào đây đã!!!.

Ông em cũng chẳng rõ ông ta gọi vào có chuyện gì, được cái tiện thể đang rảnh rỗi,

thôi thì nhân đây đi thăm nom hàng xóm láng giềng luôn một lượt. Nghĩ thế, ông em ngó quanh nom xe cộ rồi rảo bước nhanh sang bên kia đường, nơi có ông V béo đang ngồi cười tươi khoe hàm răng giả trắng đều.

TruyenFull.com đổi tên miền thành TruyenFull.tv