Không biết đã bao lâu, Văn Chí Hồng mới tỉnh lại. Gã mở to cặp mắt và thấy lờ mờ Lâm Ngũ Đường đang ngồi xếp bằng bên cạnh gã, người đầm đìa mồ hôi...
Gã thều thào hỏi :
- Lâm tiền bối... Vãn bối đã ngất đi bao lâu rồi nhỉ?
Lâm Ngũ Đường khẽ nói cặp mắt vẫn nhắm nghiền :
- Đừng có nói nhiều. Ngươi đã bất tỉnh ba ngày rồi đấy?
- Ba ngày rồi ư?
Văn Chí Hồng nhắc lại :
- Không hiểu sao mà đến bây giờ, đầu vãn bối nhức không sao chịu nổi... Nếu không có tiền bối, hẳn là vãn bối đã bỏ mạng rồi...
Gã nói vậy vì thấy khuôn mặt Lâm Ngũ Đường tái xanh, hiển nhiên lão đã truyền nội lực cho gã, nên đã hao tổn rất nhiều chân khí.
Lâm Ngũ Đường không đáp. Một lát sau, lão mở từ từ mắt ra mặt lộ rõ vẻ kinh dị khác thường.
- Tiểu tử, ngươi có biết rằng bệnh tình của ngươi hiện đang rất trầm trọng hay không?... Cửu Ma thần công là một công phu tuyệt thế, song độc dược mà ngươi uống phải cũng không tầm thường... Hiện thời nó chỉ có thể làm cho chất độc trong người của ngươi tạm ngưng phát tác... Song nếu không sớm trục được độc chất ra ngoài, trước sau gì kinh mạch của ngươi cũng đứt hết mà thôi...
Văn Chí Hồng mệt mỏi nói :
- Nếu đúng thế! Tiền bối đừng có nhọc sức cứu chữa cho vãn bối làm gì.
Lâm Ngũ Đường cau mặt :
- Ngươi đừng vội bi quan. Nội lực của ngươi hiện nay trong thiên hạ thiết tưởng không có người thứ hai. Ngươi tuy luyện được Cửu Ma thần công, song vẫn chưa biết cách quy nạp chân khí để ứng dụng võ công và trị bệnh. Nếu ta dạy cho ngươi, ngươi có thể kềm hãm độc chất trong một thời gian dài, chờ đến khi gặp được Đồng Bá Bá...
Lâm Ngũ Đường dừng lại một chút, rồi lão giảng giải :
- Về mặt y thuật, cũng may trước kia sư phụ ta là Từ Hàng đạo nhân có truyền cho ta. Ngươi bề ngoài trông không có gì, song thật ra bị nội thương khá trầm trọng. Ngươi nên biết rằng bệnh khi còn ở ngoài “phủ” thì còn dễ chữa, hễ đã ăn sâu đến “tạng” thì rất là nguy kịch... Trong trường hợp của ngươi, ta e độc khí đã vào đến “tâm” rồi đó.
Văn Chí Hồng nói :
- Thế thì chắc là vãn bối không thể nào qua khỏi được nữa? Tiền bối, làm sao tiền bối biết được điều đó vậy?
- Nội kinh có nói: “Quả tim nặng mười hai lượng, trong đó có bảy lỗ rộng và có khiếu thông ra lưỡi. Tâm khí thông ư nhiệt, tâm khí hòa tắc thiệt, nặng trí ngũ vị”. Có nghĩa khí ở tâm thông ra lưỡi, tâm khí điều hòa thì lưỡi mới phân biệt được năm vị khác nhau là: chua, cay, đắng, mặn, ngọt... ta xem ra ngươi...
- Thưa tiền bối, đúng như vậy đó... Vãn bối nhiều khi ăn uống quả là không biết ngon là gì cả...
- Phải! Nhưng ngươi đừng quá lo lắng... Ngươi đã có sẵn một nội lực kinh hồn, thì việc trấn áp chất độc không cho nó phát tác là điều có thể làm được... Ngươi ráng đứng dậy ta xem...
Văn Chí Hồng gượng đứng dậy. Gã thử vận khí như trong cách luyện Cửu Ma thần công, song cảm thấy đầu váng mắt hoa cơ hồ không sao chịu nổi... Lâm Ngũ Đường nói :
- Ngươi nên nhớ phép vận khí để chữa bệnh hoàn toàn khác với phép vận công. Đại pháp cơ bản của phương pháp trị bệnh là phép giống tự nhiên, có nghĩa là tất cả phải thuận theo tự nhiên” Thần, Tâm, Ý” phải thuận theo tự nhiên mà vận hành. Đã nói “Dịch có thái cực”, tức là “Pháp tại hư vô” là thổ về với thế giới hư vô, Ý và Khí cùng theo nhau, ý theo thì khí động, khí tới thì tâm tới... Ngươi thử làm theo lời ta nói xem...
- Lập thân kỳ chính trực.
- Hoàn cung thủ đang hùng.
- Khí định thần giai liễm.
- Tâm trừng mạo diệc cung...
Văn Chí Hồng lảm nhảm đọc khẩu quyết, rồi cứ theo lời Lâm Ngũ Đường mà thực hành... Luồng chân khí hùng mạnh trong người gã trước kia giống như con ngựa bất kham chạy lồng lên trong người, giờ đây từ từ dịu lại. Tập chừng hơn một giờ, gã cảm thấy khoan khoái dễ chịu, nên càng hứng khởi tập miết mấy giờ liền... Bỗng gã nghe Lâm Ngũ Đường khẽ nói :
- Tiểu tử như thế là đủ rồi đó... Ngày mai sẽ tập tiếp, đồng thời ta sẽ truyền thụ võ công cho.
Văn Chí Hồng cả mừng, gã nói :
- Được tiền bối trị bệnh cho lại còn được truyền thụ võ công, vãn bối không biết lấy gì để đền đáp.
- Ngươi đừng băn khoăn gì về chuyện đó! Ta chỉ muốn hỏi ngươi một điều thôi. Không lẽ thân thế ngươi, ngươi không biết thật hay sao? Ta là sư phụ của ngươi, ta...
Văn Chí Hồng đổi cách xưng hô :
- Thưa sư phụ! Đệ tử thật có lỗi, đệ tử thật ra là con của Văn Thành Long và Chu Minh Nguyệt...
Lâm Ngũ Đường trợn tròn cặp mắt lên kinh ngạc. Lão la to :
- Ngươi là con của Văn đại hiệp... ngươi... ngươi không gạt ta đấy chứ...?
- Đệ tử thật đắc tội vô cùng vì đã không nói với sư phụ từ đầu... Nguyên do là...
Gã định nói chỉ vì cuốn bí phổ mà gã bị mấy môn phái truy tìm thì Lâm Ngũ Đường đã ngắt lời gã :
- Ta hiểu, ta không trách gì ngươi đâu, không riêng gì ngươi, mà bất cứ kẻ nào cầm trong tay cuốn bí phổ đều nguy hiểm đến tính mạng.
Văn Chí Hồng nói :
- Nhưng hiện giờ... Cuốn bí phổ ấy đã không còn ở trong tay tại hạ nữa.
Lâm Ngũ Đường lẩm bẩm :
- Chuyện đó thật là khó hiểu... Ngươi không đoán ra kẻ nào đã làm việc đó hay sao?
- Người đó võ công rất cao! Lại che mặt bằng một mảnh vải đen, vãn bối võ công kém cỏi nên không thể nào nhận ra được lai lịch sư môn của gã...
- Tiểu tử! Ngươi nên nhớ... chuyện này rất là hệ trọng, có thể qua đó ngươi biết được kẻ nào đã sát hại song thân của ngươi.
Văn Chí Hồng ngạc nhiên hỏi.
- Làm sao mà biết được?
- Ngươi thử suy nghĩ xem, những người biết ngươi có bí phổ trong tay là những ai?
Văn Chí Hồng nói khẽ :
- Cũng không nhiều lắm? Nhưng...
Lâm Ngũ Đường ngắt lời :
- Thôi được... Chuyện này ta hãy gác lại đã, nhưng dù sao ngươi cũng phải ở lại đây một thời gian dài, ta sẽ cố gắng truyền thụ cho ngươi hết sở học của ta... chừng đó may ra ngươi mới có thể bước chân ra ngoài giang hồ được...
Ngừng một lát, Lâm Ngũ Đường nói tiếp :
- Đối với người học võ, khi giao đấu phần mã bộ rất quan trọng. Mê Tung bộ pháp vốn xuất xứ từ Ba Tư, cách biến hóa của nó vô cùng phức tạp. Chính vì thế khi Nam Hải thần ni đoạt được bộ pháp này, qua đến mấy đời Chưởng môn mới chỉ có một người tạm gọi là hiểu được. Sau đó, bí phổ thất lạc nhiều nơi, cuối cùng đến tay sư phụ ta là Từ Hàng đạo nhân. Lúc đó, bản gốc đã không còn nữa, theo lời đồn một nhà sư chùa Thiếu Lâm, thấy công phu này khó học nên đã nghiên cứu thay đổi đi rất nhiều cho phù hợp với võ học của Trung Nguyên, bởi vì căn bản của võ thuật Ba Tư và Trung Nguyên khác nhau rất xa về cách diễn giải, theo nguyên thủy thì Mê Tung bộ pháp gồm ba ngàn sáu trăm lối biến hóa cả thảy, nhưng đến sau này, một kỳ nhân nào đó của chùa Thiếu Lâm đã nhận xét thấy dù có phức tạp đến mấy, nhưng gút lại cũng không ra ngoài Ngũ Hành Sinh Khắc của Kinh Dịch do vua Phục Hy làm ra lấy hình thể con quỷ mà tượng trưng cho Ngũ Hành. Bởi con quỷ từ đầu đến đuôi có năm vảy, vòng tròn con quỷ có hai mươi tám cái tượng trưng cho hai mươi tám vì sao...
Lâm Ngũ Đường say sưa, giảng giải cho Văn Chí Hồng. Văn Chí Hồng tuy không hiểu hết được những gì lão nói, song gã cũng lãnh hội được đôi ba phần.
Đêm hôm đó, Văn Chí Hồng trằn trọc không sao ngủ được, đầu óc gã cứ quay cuồng với các yếu quyết khẩu quyết vừa học. Thế là gã vùng dậy cứ chiếu theo bộ pháp mới học mà thực hành. Gã mãi mê luyện tập đến nỗi trời sáng lúc nào gã cũng không hay. Gã bỗng nghe tiếng của Lâm Ngũ Đường cất lên từ phía sau lưng :
- Tiểu tử, ngươi khá lắm, thật không uổng sự trông chờ của ta...
* * * * *
... Thấm thoát Văn Chí Hồng đã ở trong thạch động của Lâm Ngũ Đường hơn một năm trời. Tuy gã chưa thấu triệt được hết chỗ huyền diệu của bộ pháp, song cũng nắm được chừng bốn năm phần. Nhờ nội công gã đã được học từ Cửu Ma thần công, nên về mặt công phu gã cũng tiến rất nhanh. Một hôm Lâm Ngũ Đường bảo gã :
- Võ công của con bây giờ nếu bước ra giang hồ thì khó có người địch nổi rồi đấy. Tất cả sở học suốt đời của ta, ta truyền hết cho con rồi. Việc cần kíp nhất của con bây giờ là phải xuất đầu lộ diện...
Văn Chí Hồng kêu lên :
- Sư phụ! Con vẫn còn cảm thấy võ công của mình kém cỏi lắm...
- Phải... nhưng để tập luyện cao hơn nữa thì không thể được. Bản thân chất độc Tiêu Cân hoàn vẫn còn nằm trong cơ thể của con chưa trục được ra ngoài, việc cần nhất là phải tìm cho ra được Đồng Bá Bá... Sau đó con mới có thể tăng tiến công phu được...
Văn Chí Hồng nói :
- Con xin tuân lời sư phụ, nhưng...
Lâm Ngũ Đường hiểu ý Văn Chí Hồng nên ngắt lời gã :
- Ngươi đừng lo cho ta! Khi chưa gặp ngươi, ta vẫn ở đây một mình có sao đâu. Sau này, khi ngươi tìm ra được sự thật kẻ nào giết hại song thân ngươi thì hãy trở về đây! Ta hy vọng nhiều ở ngươi đó...
Lâm Ngũ Đường nói đoạn lấy trong người ra một lọ thuốc màu đỏ, lão tiếp :
- Sở dĩ ta không cho ngươi luyện thêm vì chất độc trong người có thể bộc phát bất kỳ lúc nào... Càng sử dụng nhiều đến công lực, càng nguy hại chừng đó. Lọ thuốc này là tâm huyết của ta mấy chục năm mới chế ra được gồm sáu viên. Lúc nào ngươi cảm thấy đầu váng mắt hoa thì hãy uống một viên, ít ra nó cũng giúp ngươi kéo dài thời gian...
Văn Chí Hồng đưa hai tay đỡ lấy lọ thuốc. Gã toan nói lời cảm tạ thì Lâm Ngũ Đường đã phẩy tay.
- Ngươi khỏi cảm ơn ta làm chi, bây giờ ngươi hãy đi về hướng tây chừng ba chục dặm sẽ tới một ngã ba. Ngươi cứ theo phía tay trái mà đi sẽ ra khỏi khu vực này.
Lâm Ngũ Đường nói xong, lão nhìn thẳng vào mặt Văn Chí Hồng và khẽ nói :
- Ngươi đã biết rồi đó, song thân của ngươi là bạn tâm giao của ta, nên mối thù của ngươi cũng là của ta. Khi nào thành công...
Văn Chí Hồng quả quyết nói :
- Thưa sư phụ! Nhất định con sẽ quay trở lại đây báo tin vui cho sư phụ.
- Thế thì tốt lắm.
Lâm Ngũ Đường nói, lão đột ngột quay mình rồi thi triển khinh công tuyệt đỉnh phóng mình về phía trước. Văn Chí Hồng nhìn bóng lão khuất hẳn sau lùm cây rậm rạp mới theo lời dặn đi về hướng tây.
Đường rất khó đi vì cây cối chằng chịt cản lối nên mãi đến xế chiều gã mới đi được ba chục dặm. Đúng như lời Lâm Ngũ Đường nói, gã thấy trước mặt có ba lối thẳng. Văn Chí Hồng cứ tưởng gã sẽ tới ngay một thị trấn nào đó, song đi mãi vẫn chỉ thấy con đường kéo dài hun hút trước mặt. Gã đành kiếm một vài trái cây ăn tạm cho đỡ đói lòng, rồi tìm một nơi bằng phẳng ngả lưng qua đêm. Hôm sau, gã tỉnh dậy thật sớm rồi cắm cúi đi tiếp... Văn Chí Hồng nghĩ bụng”
“Xem ra con đường này không biết còn dài đến đâu, nếu mà cứ đi bộ mãi thế này thì không biết đến bao giời mới tới... Giá có một con ngựa...”
Văn Chí Hồng đang tính toán, bỗng gã nghe thấy phía trước có tiếng vó ngựa... Gã thất vọng nghĩ thầm :
“Thật xui cho mình quá. Hình như có một toán kỵ mã vừa mới nghỉ chân xong rồi lên đường. Mình đến sớm một chút là đã bắt gặp...”
Văn Chí Hồng chợt dừng lại. Gã chạy vào ven đường. Thính lực của gã bây giờ không phải tầm thường. Gã phát giác ra đâu đây có tiếng thở phì phò của một con ngựa, hiển nhiên của một gã nào đó vẫn còn ở lại... Quả nhiên gã thấy từ đằng xa, có một con ngựa bị buộc dưới một gốc cây to. Gã nghĩ bụng :
“Hẳn là chủ nhân của con vật cũng ở đâu đây thôi? Không hiểu gã là ai vậy?”
Văn Chí Hồng chú ý quan sát, gã phát hiện ra cách chỗ con ngựa không xa có một gã đại hán đang ngồi quay lưng lại. Chắc tên này đang đau bụng.
Văn Chí Hồng nghĩ ra một kế. Gã cũng làm bộ cởi quần rồi ngồi lom khom gần đó. Một lát sau, gã đại hán kéo quần đứng dậy mặt vẫn còn nhăn nhó, chứng tỏ gã vẫn còn đau bụng ghê gớm lắm. Văn Chí Hồng nhìn thấy gã ăn mặc theo lối bọn đệ tử phái Hoa Sơn.
Đại hán nhìn thấy Văn Chí Hồng cũng đang làm cái việc như gã thì thoạt đầu hơi giật mình. Gã quát to :
- Tên tiểu tử kia, ngươi là ai mà lại xuất hiện ở chỗ này vậy?
Văn Chí Hồng vờ sợ hãi :
- Tiểu đệ...! Tiểu đệ là dân ở đây mà... Hôm nay có việc lên thị trấn qua đây bụng hơi đau một chút...
Đại hán nhìn Văn Chí Hồng tỏ ý nghi ngờ, song gã thấy Văn Chí Hồng chỉ là một thiếu niên gầy còm, lại có vẻ quê mùa nên không e ngại gì, gã nói :
- Ngươi đi thì đi nhanh lên, ta còn nhờ ngươi một chút việc...
Văn Chí Hồng kéo quần đứng dậy, gã ngơ ngác hỏi :
- Không hiểu đại huynh định nhờ gì vậy?
- Ta lần đầu đến đây nên không biết đường đi... Bụng lại vẫn còn đau. Nếu ngươi biết cưỡi ngựa thì...
- Tại hạ sinh trưởng nơi sơn cước, cưỡi ngựa chẳng có gì khó cả...
- Thế thì tốt. Ta với ngươi cùng cưỡi chung con tuấn mã này. Ngươi biết đường tới Hạnh Hoa thôn chứ?
Văn Chí Hồng đáp bừa :
- Tất nhiên. Đại huynh có việc gì mà đến Hạnh Hoa thôn vậy?
- Ngươi là dân quê mùa thì làm sao mà biết được. Mấy hôm nay, ở đó có một đại hội vô cùng náo nhiệt.
Văn Chí Hồng reo to :
- Hay quá nhỉ! Chắc là phải có ăn uống?
- Tất nhiên rồi!
Đại hán nói. Gã nhìn Văn Chí Hồng vẻ thương hại rồi tiếp :
- Ngươi tuy không phải là người trong giới võ lâm, song nếu ngươi muốn kiếm một vài bữa cơm, ta nghĩ chủ nhân chắc cũng chẳng hẹp hòi gì...
Văn Chí Hồng hỏi :
- Đại huynh! Chẳng hay đại huynh đó là đại hội gì vậy? Ai đứng ra tổ chức?...
Đại hán mỉm cười vẻ kẻ cả :
- Ngươi có vẻ tò mò quá mức đấy! Thôi hãy lên ngựa đi ta sẽ nói cho biết sau.
Văn Chí Hồng cởi dây cột ngựa rồi nhảy lên. Gã đại hán ngồi ở phía sau. Văn Chí Hồng ra roi quất vào người con ngựa. Con tuấn mã hí lên một tiếng rồi phóng như bay về phía trước. Văn Chí Hồng để ý thấy trên đường có nhiều vết chân ngựa của những kẻ đi trước, gã cứ theo đó mà ra roi cho ngựa chạy... Văn Chí Hồng thấy gã đại hán ngồi phía sau không nói năng gì cả... Gã bèn gợi chuyện :
- Đại huynh! Hồi nãy đại huynh chưa trả lời cho đệ biết đại hội tổ chức tại Hạnh Hoa thôn là đại hội gì vậy?
Đại hán đáp :
- À!... Lần này không phải là một mà là hai đại hội được tổ chức một lúc. Theo sáng kiến của chùa Thiếu Lâm, cứ hai năm một lần, các môn phái lớn trong giang hồ lại cùng nhau mở đại hội để dàn xếp những bất đồng hay những hiểu lầm đáng tiếc xảy ra. Mục đích là tránh những đụng độ giữa giới võ lâm với nhau. Nếu trong thời gian đó, đệ tử môn phái nào phạm lỗi thì tùy theo mức độ nặng nhẹ, Chưởng môn của y phải đứng ra tạ lỗi với Chưởng môn của gã kia, hoặc nặng hơn thì phải công khai đuổi y ra khỏi môn phái, rồi phế bỏ võ công... Điều này được thực hiện hết sức nghiêm khắc và có sự chứng kiến của Chưởng môn các phái.
Văn Chí Hồng gật gù ra vẻ am hiểu :
- À ra thế! Vậy còn đại hội thứ hai là gì?
- Đại hội thứ hai thì từ xưa đến nay chưa có bao giờ cả... cái này chỉ là ngoại lệ?... Số là trên giang hồ mới xuất hiện một môn phái mới... Gọi là mới là vì từ xưa đến nay, theo truyền thống chỉ có tám môn phái được coi là chính thống mà thôi đó là Thiếu Lâm, Võ Đang, Hoa Sơn, Không Động, Tung Sơn, Thanh Thành, Nga Mi, Hằng Sơn... phái Côn Luân tuy cũng là danh môn chính phái, song xuất xứ từ Tây Vực không phải ở Trung Nguyên nên không được coi trọng mấy... Nhưng hiện nay có một môn phái mới nổi lên có tên gọi là Cửu Trùng môn. Giáo chủ của môn phái này muốn đưa môn phái của mình lên ngang hàng những môn phái khác, nên nhân dịp này ra mắt quần hùng...
Văn Chí Hồng nghe đến đó trong lòng không khỏi giật mình. Cửu Trùng môn thì gã đã nghe đến hôm ở trong hang động trên núi. Chính gã đã chứng kiến Mã Xuân Phong, Chưởng môn phái Không Động đã bị lão Giáo chủ của Cửu Trùng môn cho uống Thi Nhục hoàn để khống chế. Tuy Văn Chí Hồng không biết mặt lão, nhưng qua câu chuyện lão đối đáp với Mã Xuân Phong, Văn Chí Hồng đã đoán ra lão chính là sư thúc của Thanh Bào lão nhân...
Nghe đại hán nói xong, Văn Chí Hồng không giấu nổi vẻ tò mò, gã hỏi tiếp :
- Tiểu đệ chẳng phải là người trong võ lâm nên nghe đại huynh nói chẳng hiểu gì mấy, chỉ có mỗi cái tên Cửu Trùng môn là thấy hay hay, bởi vì đệ đã gặp người của bang này rồi.
Đại hán trợn mắt.
- Ngươi đã gặp họ?
- Phải. Mà lại gặp chính Giáo chủ mới ghê chứ?
Đại hán hỏi dồn :
- Trông y ra làm sao?
- Lão bịt mặt nên đệ không nhìn được tướng mạo, song võ công lão thật là cao. Hôm đó lão động thủ với một người khác...
Văn Chí Hồng bịa ra câu chuyện đó. Gã không muốn kể cho đại hán nghe về Mã Xuân Phong vội. Gã chỉ dò xem phái Hoa Sơn đối với việc này như thế nào?
Đại hán nói :
- Ngươi khen lão chẳng qua vì ngươi không biết võ công đấy thôi... Theo như ta được biết, bang hội này làm nhiều chuyện tàn ác, hành tung không mấy quang minh chính đại. Võ công thì không hiểu theo đường lối nào. Phen này chúng lộ diện cũng là một dịp hay...
Văn Chí Hồng quất ngựa chạy chừng hơn hai chục dặm nữa. Đường mỗi lúc một dễ đi hơn. Đến một chỗ gã bỗng thấy trước mặt có rất nhiều lối rẽ, song chỉ có con đường bên tay phải là bụi cuốn dầy. Chứng tỏ có nhiều người qua lại. Văn Chí Hồng hơi phân vân một chút, nhưng rồi quyết định cho ngựa chạy theo lối đó. Quả nhiên chạy được mấy dặm nữa quang cảnh phía trước mặt đã thay đổi hẳn. Trên đường xuất hiện rất nhiều người thuộc đủ các môn phái đang tiến về phía trước. Đại hán bảo gã :
- Thôi! Ngươi có thể xuống đây được rồi đấy! Ta đi một mình được rồi...
Văn Chí Hồng dừng cương ngựa. Gã nhảy xuống rồi hòa cùng đám người đi về hướng Hạnh Hoa thôn. Các nhóm người đi theo từng tốp bốn năm người một, Văn Chí Hồng trà trộn đi theo bọn chúng nghe ngóng. Gã nghe một tên đệ tử Cái bang nói.
- Ngũ đệ! Đã lâu lắm rồi mới lại có một dịp vui vẻ náo nhiệt như thế này. Hẳn là năm nay họ đãi tiệc phải lớn lắm.
Gã được gọi là Ngũ đệ cau mặt gắt :
- Ngươi thì suốt đời chỉ lo ăn uống. Ta xem ra ăn uống thì cũng có, nhưng chưa chắc như ngươi nghĩ đâu?
Gã kia nói :
- Vì vậy như mọi năm chứ gì? Việc giải quyết tranh chấp là việc của các Chưởng môn, chẳng liên quan cóc gì đến tớ cả... Tớ chỉ cần no say là được.
Gã Ngũ đệ phát cáu :
- Đồ ngu! Ngươi không thấy là rất dễ xảy ra động thủ vì sự có mặt của cái môn phái “Cửu... Cửu” gì đó hay sao. Mà khi để xảy ra rồi thì gươm đao đâu có kể gì ai!
Gã kia xác nhận :
- Cũng có thể? Này Ngũ đệ, thế ý Giáo chủ của chúng ta về vấn đề này như thế nào?
- Ai mà biết được! Nhưng dù sao Cái bang cũng là một bang hội lâu đời, lẽ nào Giáo chủ lại chịu đứng ngang hàng với bọn Cửu... Cửu gì đó vừa mới ngoi lên.
Văn Chí Hồng đảo mắt nhìn khắp lượt. Gã nghĩ :
“Nếu như lần này là đại hội võ lâm thì chắc phái Hồng Hạc cũng được mời tới dự”.
Gã chủ yếu tìm xem các môn đồ của phái này có xuất hiện hay không để tìm kiếm Trần Gia Kính là sư phụ gã ngày xưa. Đột nhiên gã thấy từ phía sau có một cái kiệu do bốn người khiêng đang từ từ đi tới. Gã mừng rỡ trong bụng, vì theo lối phục sức của chúng thì rõ ràng đó là người của Hồng Hạc môn.
Văn Chí Hồng nghe tiếng một gã đệ tử Cái bang cất lên :
- Này! Các ngươi xem cái lũ kia kìa...
Gã giơ tay chỉ về phía cái kiệu.
Một gã khác nói :
- Cái đó thì có gì lạ!
Gã đệ tử bĩu môi :
- Tại sao lại không? Khinh bỉ cái đó kêu bằng “Thói rởm đời” chứ còn gì nữa... Giáo chủ gì mà làm bộ đi bằng kiệu...
Gã kia đáp :
- Đấy là đám đệ tử phái Hồng Hạc! Kể ra thì Chưởng môn của bọn chúng thật là thối không thể ngửi được thật. Cứ làm như vua không bằng...
Một gã hỏi :
- Chưởng môn phái Hồng Hạc là ai thế?
Gã kia làm bộ hiểu biết giảng giải :
- Trần Gia Kính chứ ai? Võ công của lão thì có ra quái gì, lại còn khéo làm bộ rườm rà...
Văn Chí Hồng không nghe chúng bàn tán nữa. Gã tiến lại phía cái kiệu. Gã chợt để ý thấy một trong số bốn tên kiệu phu võ công thật cao, bởi vì cước bộ của gã nhẹ nhàng không thể tả. Lúc tới gần gã kiệu phu đó, Văn Chí Hồng đột nhiên thấy gã nhìn mình bằng cặp mắt có vẻ khác lạ. Văn Chí Hồng trong bụng muốn tương kiến với Trần Gia Kính, song gã không biết làm thế nào để khỏi lộ thân thế mình, vì xung quanh cũng còn khá nhiều cao thủ các môn phái khác. Gã kiệu phu đi đầu thấy Văn Chí Hồng cứ đi luẩn quẩn bên cạnh, liền hỏi :
- Này anh bạn, làm gì mà cứ loanh quanh ở đây thế? Ngươi thuộc môn phái nào vậy?
- Các hạ làm ơn cho tôi hỏi một điều. Các hạ có phải là người của phái Hồng Hạc không?
Gã kiệu phu vừa đi vừa nói.
- Ngươi nhìn dấu hiệu là đủ hiểu rồi. Việc chi phải hỏi nữa.
Gã đột nhiên sẳng giọng.
- Ngươi cần gì?
- Tại hạ chỉ muốn bái kiến Trần chưởng môn mà thôi... Có phải Chưởng môn ngồi trong kiệu không?
Cặp mắt gã kiệu phu bỗng long lên. Gã hỏi :
- Ngươi là ai mà lại biết Trần chưởng môn?
Văn Chí Hồng chưa biết nên trả lời thế nào, gã nhìn vào chiếc kiệu thấy buông rèm kín mít, trong lòng không khỏi phát sinh ngờ vực. Năm xưa khi gã đột nhập vào Hồng Hạc môn, tuy võ công chưa có học được gì nhiều, song tính cách của Trần Gia Kính thì Văn Chí Hồng biết quá rõ. Lão là người rất trầm tĩnh lại giản dị không thích khoa trương. Cớ sao lần này lại bày vẽ ngồi kiệu như vậy...
Văn Chí Hồng đang suy nghĩ, bỗng gã sửng sốt thấy có một tiếng nói rất nhỏ vo ve bên tai.
- Tiểu tử, ta biết ngươi là ai rồi, nếu ngươi thật lòng muốn gặp Trần chưởng môn, hãy đợi đến chỗ vắng người thì nhảy vào trong kiệu.
Tiếng nói dứt, Văn Chí Hồng nhìn quanh thử đoán xem ai có thể là người phát ra tiếng nói đó, song gã chỉ thấy ngoài bốn tên kiệu phu mặt mũi non choẹt, tuyệt nhiên không có một người nào có thể làm được việc đó. Bởi vì công phu Truyền Âm Nhập Mật chỉ có những hảo thủ vào loại thượng thừa mới sử dụng nổi.
Văn Chí Hồng nhủ thầm :
“Thôi được, trước hết mình cứ làm theo lời chỉ dẫn của cao nhân nào đó đã rồi sau rõ liệu”.
Gã chỉ có một điều thắc mắc là tại sao lý lịch của gã lại có người biết.
Bốn tên kiệu phu từ từ đi chậm lại, rồi chỉ trong khoảng khắc đã tụt lại phía sau đoàn người. Văn Chí Hồng muốn nói chuyện với chúng, song cả bốn tên đều câm như hến. Chỉ duy nhất có một tên mà Văn Chí Hồng để ý từ đầu là luôn luôn nhìn gã bằng cặp mắt khác lạ...
Bỗng gã nghe tiếng nói bên tai :
- Tiểu tử quay mặt về phía kiệu đi.
Văn Chí Hồng vừa quay người lại, đột nhiên gã thấy một luồng nhu kình mạnh không thể tả đẩy gã bay vọt vào trong kiệu.
Thật ra, nội lực của Văn Chí Hồng đâu có thua kém gì, song gã cứ để người bị đẩy vào bên trong kiệu. Gã suýt kêu lên vì kinh ngạc khi thấy bên trong trống rỗng chẳng có ai ngồi cả. Gã chưa kịp định thần thì chiếc kiệu đã vun vút chạy đi, rõ ràng bốn tên kiệu phu đã gia tăng cước lực... Văn Chí Hồng ngồi bên trong gã nhìn ra ngoài thấy rõ mồn một thì cả mừng nghĩ bụng :
“Thì ra chiếc kiệu này được che bởi một loại vải đặc biệt. Người ngoài nhìn vào không được còn người bên trong lại nhìn ra rất rõ. Kể ra ngồi bên trong mà quan sát diễn biến thì cũng hay”.
Văn Chí Hồng đang suy nghĩ không biết làm cách nào liên lạc được với cao nhân bí mật nọ, thì tiếng nói đã cất lên bên tai :
- Văn Chí Hồng, ta biết ngươi rất có lòng với Hồng Hạc môn, vậy ngươi cứ ngồi yên trong đó chớ có bước ra ngoài, mọi việc ta sẽ chỉ dẫn sau... Ngươi có thấy bên trong kiệu có một cái hộp gỗ nhỏ không? Đó chính là đồ hóa trang, ngươi hãy lấy ra cải sửa dung mạo chút ít để không ai nhận ra ngươi.
Văn Chí Hồng thò tay sang bên cạnh quả nhiên thấy một cái hộp gỗ nhỏ. Gã mở ra thì thấy bên trong có một ít bột màu đen để bên cạnh một lọ nước gì đó màu vàng nhạt. Gã đổ chất bột màu đen ra lòng bàn tay rồi mở lọ đổ ít nước vàng vàng trộn đều. Gã dùng chất bột đó xoa lên mặt. Gã soi mặt vào một chiếc đồng được mài nhẵn bóng để sẵn trong hộp gỗ. Chính Văn Chí Hồng cũng không nhận ra mình nữa. Trước mặt gã là hình ảnh của một thiếu niên da mặt vàng vọt bệnh hoạn. Tiếng nói bí mật lúc đó lại cất lên :
- Ngươi đã theo lời ta làm xong chưa! Nếu xong xuôi rồi thì ngươi cứ ngồi trong đó, và nếu có ai hỏi thì ngươi cứ nhận mình là Chưởng môn của Hồng Hạc. Ấn Chưởng môn để sẵn trong đó rồi...
Văn Chí Hồng giật mình... thì ra việc này cao nhân bí mật đó đã có chủ trương trước rồi. Không hiểu Trần Gia Kính đi đâu? Mà sao phải bày đặt ra như vậy? Văn Chí Hồng thò tay xuống dưới lớp vải quả nhiên thấy một cục gì đó cồm cộm. Gã lấy ra thì đó là một viên ngọc bích được chạm trổ rất công phu. Vật này gã nhìn qua một lần rồi, đó chính là Ngọc Ấn Chưởng môn của phái Hồng Hạc.
Đi chừng một hồi lâu, Văn Chí Hồng nhìn ra thấy quang cảnh bên ngoài đột nhiên đổi khác hẳn. Cây cối mọc đan nhau dày đặc, song đều theo một kiểu cách nhất định, chứng tỏ thường xuyên có người chăm sóc. Qua khỏi hàng cây là đến một bãi đất rộng, phía sau rất nhiều ngôi nhà đẹp đẽ ngói đỏ khang trang.
Trên bãi đất, đã tụ tập khoảng vài trăm cao thủ thuộc đủ các môn phái. Văn Chí Hồng nghe tiếng nhiều gã văng tục. Một gã nói :
- Mẹ kiếp! Đại hội cái chó gì mà chẳng thấy bàn ghế gì hết cả. Lão gia đứng đợi đã lâu lắm rồi mà có ai đón tiếp gì đâu.
Một gã khác nói :
- Làm gì mà nóng ruột thế! Nghe đâu lần này đến lượt phái Không Động phải đứng ra tổ chức, song hình như bọn Cửu Trùng môn đã thay thế để chiêu đãi quần hùng.
Đám đông đang xôn xao bỗng một tiếng nói từ xa cất lên trung khí đầy rẫy :
- Xin các anh hùng hảo hán chớ sốt ruột, bổn bang đón tiếp chưa được chu đáo, xin các vị miễn thứ cho.
Thanh âm vừa dứt, một lão già xuất hiện. Lão mặc một bộ đồ đen tuyền trước ngực có thêu hai con rồng vàng đang nhe nhanh múa vuốt.
Gã đệ tử người của phái Thanh Thành cười khẩy :
- Thì ra lão là người của Cửu Trùng môn đó hả? Cái môn phái này xem ra ăn mặc cũng lòe loẹt gớm... Cái chính là võ công không hiểu có ra gì không?
Lão già chẳng chút động lòng. Lão nhìn gã đệ tử phái Thanh Thành nói rất khiêm tốn :
- Lão phu là Trương Nhược Lâm Phó đà chủ Cửu Trùng môn...
Lão chưa nói hết bỗng gã đại hán đệ tử phái Thanh Thành trợn mắt lên rồi ấp úng nói :
- Tiền... bối... là... Trương Nhược Lâm, người đã ba bốn chục năm trước nổi danh với bảy mươi hai tuyệt chiêu của Lục Á quyền.
Lão già vẻ hài lòng rồi mỉm cười :
- Ha... Ha... Thì ra cái công phu mèo quào đó của lão cũng được mọi người biết đến... Thật là vinh dự, vinh dự.
Đám đông cao thủ đứng quanh đều giật mình chấn động. Mấy gã trẻ tuổi tuy chưa từng chứng kiến, song chỉ qua nét mặt của mấy lão nhiều tuổi thì cũng đủ hiểu Trương Nhược Lâm lợi hại như thế nào. Lão đã từng làm cho giới giang hồ phải khiếp vía vì thủ đoạn tàn ác ấy, thế mà một kẻ chưa từng khuất phục ai nay lại gia nhập Cửu Trùng môn, mà lại chỉ giữ một vị trí hết sức khiêm nhường trong bang “Đà chủ” thì đủ biết trên lão là Giáo chủ còn lợi hại biết chừng nào?
Trương Nhược Lâm thấy mọi người im bặt thì hiểu ngay tiếng tăm của mình đã có tác dụng như thế nào, lão nói lớn :
- Các chư vị anh hùng hảo hán. Hôm nay là một ngày hệ trọng, lẽ nào Cửu Trùng môn lại đón tiếp các vị sơ sài. Xin mời mọi người theo lão phu...
Lão nói xong quay mình đi trước dẫn đường. Quần hùng phần đông đệ tử các môn phái lục tục theo sau. Thay vì tiến về phía mấy tòa nhà, Trương Nhược Lâm lại rẽ về phía tay trái. Qua khỏi một rừng cây rậm rạp đến một bãi cỏ xanh mượt mà, phía sau bải cỏ là một rặng núi.
Trên bãi cỏ, bàn ghế đầy đủ được xếp đặt sẵn từ bao giờ đồ ăn, thức uống được bày la liệt. Khoảng bốn năm chục tên cao thủ Cửu Trùng môn mặt mũi lạ hoắc, mình vận đồ đen, song chỉ khác Trương Nhược Lâm ở chỗ trước ngực áo bọn chúng không có thêu gì cả, chứng tỏ trong môn quy của bọn chúng có luật lệ rõ ràng. Trương Nhược Lâm chỉ tay vào dãy bàn kê phía dưới rồi nói :
- Hôm nay, chúng tôi thết tiệc quần hùng không theo những thông lệ như cũ. Các vị, bất cứ môn phái nào ngồi đâu cũng được, tùy ý... Chỉ có dãy ghế phía tay phải dành cho các Chưởng môn mà thôi.
Trương Nhược Lâm vừa dứt lời, bỗng từ xa một bóng người vụt tới. Đó là một lão cao và gầy đôi lưỡng quyền nhô cao như tô điểm cho cặp mắt lấp loáng. Lão chính là Huỳnh Thiên Đạo, Chưởng môn phái Hoa Sơn. Trương Nhược Lâm mỉm cười :
- Thì ra là Huỳnh chưởng môn, lão phu đón tiếp hơi chậm trễ, xin Chưởng môn bỏ qua cho. Ai ngờ khinh công của Chưởng môn lại tiến nhanh đến thế!...
Lão nói câu này có ý khen, song thực ra lại làm Huỳnh Thiên Đạo nổi giận. Lão nói ai ngờ khinh công đã tiến nhanh đến thế thì có nghĩa lão muốn ám chỉ khinh công trước đây của mình không ra cái gì cả. Huỳnh Thiên Đạo nổi giận quát to :
- Trương Nhược Lâm, ngươi bất quá chỉ là một tên ma đầu mà thôi. Lấy tư cách gì mà khen hay chê bai công phu của ta... Hơn nữa, hôm nay là đại hội của võ lâm chính phái, ngươi chỉ là đại diện cho một môn phái nhỏ xin ra mắt quần hùng mà thôi, làm gì có quyền cho ai ngồi đâu thì ngồi, phá bỏ thông lệ cũ. Việc này hôm nay đúng ra là của phái Không Động.
Trương Nhược Lâm mỉm cười.
- Thế thì Huỳnh chưởng môn không biết rồi... Mã chưởng môn có nhờ môn phái của lão phu đứng ra chủ trương giùm. Việc này đã ghi trong thiệp mời gởi các môn phái...
- Láo toét, Mã Xuân Phong chỉ nói nhân dịp này Cửu Trùng môn của các ngươi xin ra mắt. Để ta gặp lão...
- Khỏi cần!
Trương Nhược Lâm giơ tay phải lên khẽ đập vào vai của Huỳnh Thiên Đạo cản không cho lão bước qua. Huỳnh Thiên Đạo đã lường trước hành động của Trương Nhược Lâm, lão làm như không để ý gì đến cú đập của Trương Nhược Lâm, nhưng thực ra đã ngầm vận kình lực vào bả vai.
Các cao thủ bên ngoài chẳng ai ngờ chỉ một cái trao đổi thật nhẹ nhàng của hai lão mà bao công phu đã được đem ra sử dụng. Huỳnh Thiên Đạo cảm thấy một luồng kình lực vô biên như những đợt sóng bất tận, mạnh không thể tả ào ào xô ra. Còn Trương Nhược Lâm cũng có cảm giác như đánh vào một bức tường đá vậy. Lão thấy bàn tay tê chồn thì thất kinh nghĩ bụng :
“Chà! Không ngờ cái lão này cũng đáo để thật”.
Nghĩ vậy, Trương Nhược Lâm liền rút tay về, lão nói :
- Lục Hạp thần công của phái Hoa Sơn quả là danh bất hư truyền. Lão phu xin bội phục, bội phục.
Huỳnh Thiên Đạo thấy Trương Nhược Lâm là một ma đầu khét tiếng giang hồ, mà nay cũng phải thốt lên những lời khâm phục thì lão không khỏi tự mãn. Vì thế nên bao nhiêu bực dọc từ nãy đến giờ đã nguôi đi được phần nào. Lão ha hả cười :
- Quá khen! Quá khen! Công phu đó đã có chi là đáng kể, nếu có thời gian...
Ý Huỳnh Thiên Đạo muốn tỏ rõ cho Trương Nhược Lâm biết, ngoài công phu đó, phái Hoa Sơn còn nhiều tuyệt kỹ khác. Trương Nhược Lâm làm gì mà không hiểu được thâm ý. Song lão lờ đi rồi nói qua chuyện khác.
- Huỳnh chưởng môn đã có hảo ý đến sớm thì xin mời vào phía bên kia rồi an tọa cho.
Trương Nhược Lâm vừa nói vừa chỉ tay vào dãy ghế bên tay phải.
Huỳnh Thiên Đạo thấy họ Trương có vẻ cung kính, lão cũng chẳng khách sáo gì bước đến ngồi ngay chính giữa.
Chỉ trong phút chốc lần lượt Chưởng môn các môn phái đều đến đông đủ. Sau khi mọi người đã an vị, thì chiếc kiệu chở Văn Chí Hồng lù lù tiến vào.
Qua tấm màn che phía trước, Văn Chí Hồng nhìn thấy rõ quang cảnh bên ngoài. Gã thấy không những quần hào bên dưới, mà cả Chưởng môn các đại môn phái đều hết sức phẫn nộ khi trông thấy chiếc kiệu tiến vào.
Từ Huyền đại sư chỉ dùng giọng mũi hừ lên một tiếng. Còn Lâm Chí Trung vốn là người nóng nảy, lão không nhịn được liền đứng bật dậy đập tay xuống bàn rồi nói giọng mỉa mai :
- Trước mặt quần hùng mà sao kẻ vào lại vô lễ đến thế? Không lẽ lại là nhà vua?
Có tiếng nói vang lên.
- Không phải đâu! Đó là phái Hồng Hạc đó.
Lâm Chí Trung bĩu môi :
- Phái Hồng Hạc ư? Không hiểu Trần chưởng môn tại sao hồi này lại dở chứng ra thế không biết...
Một trong bốn tên kiệu phu nói :
- Kính thưa các vị! Không phải Hồng Hạc môn bày vẽ chuyện này đâu, mà tại vì Chưởng môn của chúng tôi bị bệnh, không thể bước ra ngoài để tương kiến cùng các vị được.
Lâm Chí Trung trợn mắt hỏi :
- Ngươi là kẻ nào mà dám nói chuyện với ta... Bảo Trần Gia Kính vén rèm ra.
Gã kiệu phu bình tĩnh nói :
- Chưởng môn của chúng tôi bây giờ không phải là Trần Gia Kính nữa! Trần chưởng môn đã trao lại ngôi vị cho người khác rồi.
Lâm Chí Trung cau mặt. Lão quay mặt về phía chiếc kiệu rồi nói :
- Lão phu là Lâm Chí Trung, muốn được hỏi Chưởng môn phái Hồng Hạc vài lời.
Văn Chí Hồng không thấy vị cao nhân nào đó chỉ điểm cách trả lời ra sao. Gã đành phải đáp :
- Xin Lâm chưởng môn cứ hỏi...
- Việc thay đổi Chưởng môn là chuyện riêng của bổn phái, lão phu không dám thắc mắc. Song, hôm nay quần hào rất cần sự có mặt của Trần Gia Kính. Chẳng hay Chưởng môn có thể cho biết Trần Gia Kính hiện ở đâu?
Đột nhiên tiếng nói lại vo ve bên tai Văn Chí Hồng :
- Ngươi cứ nói Trần chưởng môn đã nhập thất không tiếp ai từ lâu rồi...
Văn Chí Hồng cứ theo lời chỉ dẫn nói y như thế.
Lâm Chí Trung quát :
- Ngươi nói láo. Ngươi là ai hãy chường mặt ra đây cho lão phu coi.
Văn Chí Hồng đáp :
- Tại hạ bị bệnh không thể ra ngoài được. Vì đã có thiệp mời nên buộc lòng phải đến. Mong các vị thứ lỗi cho...
Lâm Chí Trung nghe thấy câu nói này lấy làm khó xử. Nếu lão dùng vũ lực lật rèm ra thì e hơi phần lỗ mãng không xứng đáng với cương vị Chưởng môn của lão. Hơn nữa, gã nói bị bệnh mà vẫn cố đến đây chứng tỏ đã có hảo ý rồi... Lâm Chí Trung nghĩ mãi chưa tìm ra cách gì, thì bỗng Huỳnh Thiên Đạo đứng lên nói :
- Hồi nãy nói chuyện, lão phu quên chưa hỏi danh tánh của tân Chưởng môn là gì vậy?
- Tại hạ là Triệu Thắng.
Văn Chí Hồng đáp bừa. Không ngờ cái tên này như lửa gặp dầu khiến cho mấy lão Chưởng môn lại càng giận dữ thêm.
Huỳnh Thiên Đạo cười nhạt :
- Hà... Hà... Thì ra là Triệu chưởng môn, trăm trận đánh, trăm trận thắng... tại hạ muốn kính Triệu chưởng môn một chung rượu được chăng...
Lão không chờ Văn Chí Hồng trả lời, dùng ngón tay giữa búng ly rượu bay thẳng vào trong kiệu... Thủ pháp của Huỳnh Thiên Đạo thật là tuyệt diệu, chung rượu đầy ấp bay vọt từ phía trước nhanh như tên bắn mà không hề sánh một giọt rượu nào ra ngoài cả... Chủ ý của lão là muốn thử xem người trong kiệu công phu thế nào?
Văn Chí Hồng thấy chung rượu bay vọt vào nhanh như tia chớp thì hốt hoảng. Gã chưa kịp đưa tay lên thì thấy chung rượu đột nhiên dừng lại trước mặt như gặp phải một bức tường vô hình. Rồi tiếng nói kỳ lạ lại cất lên :
- Tiểu tử, ngươi đừng có lo ngại gì cả. Ngươi hãy mời lại lão một chung đi.
Văn Chí Hồng nghĩ bụng :
“Hẳn là cao nhân nào đó nghĩ rằng mình không có võ công nên ngầm trợ. Thôi thế thì càng hay... Cứ để sự việc xem diễn biến thế nào...”
Văn Chí Hồng nói lớn :
- Tiểu hạ hãy còn ít tuổi, xin kính Huỳnh chưởng môn uống trước...
Quần hào thấy thanh âm phát ra trong kiệu rõ ràng là của một người ít tuổi, lại thấy chung rượu từ từ bay ra thì ai nấy đều không khỏi sửng sốt. Bởi vì chung rượu bay ra nhanh thì cao thủ loại vừa cũng có thể làm nổi, còn bay từ từ, đủng đỉnh như thế kia thì không hiểu công phu của người điều khiển phải ghê gớm đến cỡ nào.
Huỳnh Thiên Đạo thấy chén rượu bay đến trước mặt thì thủ thầm :
“Mình đường đường là Chưởng môn một môn phái lớn tiếng tăm lừng lẫy thì phải tỏ ra cho quần hào thấy phong độ mới được”.
Lão định bụng đợi cho chén rượu bay sát đến nơi mới dùng ống tay áo phẩy nhẹ một cái. Không ngờ tình huống bỗng đột nhiên thay đổi. Chung rượu đang lướt tới thật chậm, bỗng bay vù một cái nhanh đến nỗi Huỳnh Thiên Đạo không kịp phản ứng... Chung rượu đập ngay vào miệng lão, rượu bắn ra tung tóe...
Biến diễn này thật là kỳ quặc ra khỏi sự tiên liệu của mọi người. Mọi người có mặt đều là những hảo thủ hạng nhất nên hiểu rất rõ tuyệt kỹ xuất chưởng cách không mà đã đạt trình độ như vậy thì quả thật đã đến mức xuất quỷ nhập thần rồi...
Lúc đó Huỳnh Thiên Đạo ngượng ngùng mặt đỏ bừng lên. Lão thừa biết kẻ ngồi trong kiệu thật vô cùng lợi hại không kém gì lão. Hơn nữa, chính lão là người đã bày ra trò thử tài này. Lão còn đang lúng túng thì Lâm Chí Trung đã đứng bật dậy thò tay vào kiệu quát to :
- Ngươi là Chưởng môn một môn phái mà lại hèn hạ giở trò đánh lén. Huỳnh chưởng môn bụng dạ quân tử mới không lưu ý đề phòng. Có giỏi thì hãy chường mặt ra...
- Xin các vị bớt nóng!
Một tiếng nói mạnh mẽ cất lên. Mọi người nhìn xem ai thì là Từ Huyền đại sư.
- Bần tăng xin có một lời. Hôm nay là đại hội võ lâm, chúng ta nên lấy tình đồng đạo mà giải quyết với nhau để tránh làm tổn thương hòa khí. Còn về tân Chưởng môn của phái Hồng Hạc, nếu quả thật bị bệnh thì có thể cứ ngồi trong đó, việc này chúng ta sẽ giải quyết sau. Chẳng hay ý các vị thế nào...?
Có tiếng nói tán thành :
- Đúng đấy, đúng đấy. Xin đại sư chủ trương luôn cho.
Từ Huyền đại sư gật đầu. Lão đưa mắt lên nhìn khắp lượt, rồi mới chậm rãi nói :
- Bần tăng thay mặt Chưởng môn các phái, xin được bắt đầu. Trước hết bần tăng có lời muốn nói. Mã đạo trưởng theo thông lệ thì năm nay phái Không Động đứng ra tổ chức đón tiếp quần hùng, mà sao phái Không Động lại đùn đẩy cho một môn phái khác không phải là danh môn chính phái. Việc này lẽ ra phải được sự đồng ý của các Chưởng môn...?
Mã Xuân Phong ấp úng nói :
- Chuyện đó! Chuyện đó!... Tại hạ nghĩ rằng đấy là hảo ý của... của phái... Cửu Trùng, thêm nữa trong thiệp mời bên dưới có ghi rõ...
- Bần tăng xin hỏi câu thứ hai. Giáo chủ Cửu Trùng môn là ai? Võ công là chính hay tà? Gần đây trên giang hồ xảy ra lắm chuyện kỳ dị có liên quan đến Cửu Trùng môn hay không?
Trương Nhược Lâm bỗng cất tiếng nói :
- Giáo chủ của Cửu Trùng môn rất lấy làm tiếc hôm nay không tham dự đại hội võ lâm được... lão phu là người thay mặt. Còn về câu hỏi của đại sư là võ công của bổn phái là chính hay tà, thì lão phu thấy hình như đại sư có phần hẹp hòi. Làm gì có chính hay tà? Cái đó chỉ là do người ta tự đặt ra mà thôi.
Từ Huyền đại sư chắp tay lại nói :
- A di đà Phật! Thí chủ nói như vậy là sai rồi... Trên đời này việc gì mà lại chẳng có chính và tà, cũng như âm với dương, ngày với đêm, nóng với lạnh vậy. Võ thuật cũng thế. Lấy võ công phái Thiếu Lâm mà nói, cốt chú trọng ở công phu, ở căn bản, rồi từ đó mới dần dần thành tựu được, cũng giống như một cây đại thụ, rễ phải sâu thì cây mới vững. Còn như võ công của bọn tà ma ngoại đạo, không lấy công phu làm căn bản chỉ coi trọng cái hào nhoáng bên ngoài để lừa bịp người khác, sử dụng các loại độc dược để mau chóng thành tựu, như thế, rất tai hại cho người luyện võ, không đúng với tinh thần của võ thuật...
Trương Nhược Lâm cười lên :
- Ha! Ha!... Không ngờ đại sư lại thành kiến như thế. Người luyện võ cốt để chiến thắng cường địch, đó là mục đích tối thượng mà ai cũng muốn đạt tới, hà tất cứ phải công phu, phải lâu dài làm chi. Nếu cứ câu nệ như đại sư, hẳn chỉ có những người già mới có võ công cao siêu hay sao?
Từ Huyền đại sư đáp :
- Không phải thế! Cao hay thấp, lâu hay mau còn tùy thuộc vào căn cơ của mỗi người. Song một điều chắc chắn là võ công của những kẻ tà ma ngoại đạo chỉ là nhất thời, không bao giờ đạt tới chỗ tuyệt đỉnh được. Vì thế, từ xưa đến nay những thế công phu hời hợt ấy không bao giờ được xếp ngang hàng với các môn phái chính thống. Bởi vậy, bần tăng mới hỏi thí chủ, phái Cửu Trùng môn võ công theo trường phái nào là thế.
Trương Nhược Lâm lắng nghe Từ Huyền đại sư nói. Lão không tỏ ra một thái độ gì cả khi Từ Huyền đại sư vừa dứt lời, lão bỗng nghiêm giọng nói :
- Hôm nay, tại hạ thay mặt Giáo chủ đến đây không phải để tranh luận về vấn đề, võ công chính hay tà, đó là một thành kiến tệ hại nhất, bởi vì có biết bao nhiêu phái võ khác võ công đâu thua kém gì ai, song vẫn bị mang tiếng là “tiểu môn phái”, bị thua thiệt đủ điều. Võ học đều của chung theo ý tại hạ, chỉ có võ công cao hay thấp mà thôi.
Trương Nhược Lâm ngừng lại chờ xem phản ứng của quần hùng. Điều lão nói vừa rồi tuy không làm hài lòng Bát đại chưởng môn, song các phái nhỏ khác thì lại trúng ý vỗ tay nhiệt liệt hưởng ứng. Trương Nhược Lâm đã đánh trúng tâm lý của quần hào, lão đắc ý nói tiếp :
- Vì thế, hôm nay đông đủ các môn phái, Cửu Trùng môn muốn chính thức ra mặt với giới võ lâm, ngõ hầu cùng với võ lâm đồng đạo của nền võ học lên tới đỉnh cao để cùng nhau an hưởng thái bình...
- Ha! Ha!... Ngươi là cái thứ gì mà dám đứng trước mặt chúng ta mà nói láo...
Một tiếng nói giận dữ bỗng cất lên. Mọi người nhìn lên xem ai thì ra là một lão già người lùn một mẫu là Tôn Minh Phương Chưởng môn phái Tung Sơn. Tôn Minh Phương tuy người thấp bé nhưng võ công vô cùng lợi hại, là người được giới võ lâm vì nể. Tôn Minh Phương biết rất rõ Trương Nhược Lâm trước đây là một ma đầu, tiếng tăm chẳng có gì tốt lành mà lại huyên hoang trước quần hùng, thì lão đùng đùng nổi giận mới quát tháo như thế.
Trương Nhược Lâm cười nhạt :
- Tôn đạo trưởng... Đừng có nóng nảy như thế, điều ta nói vừa rồi có gì không đúng...
Tôn Minh Phương nổi nóng :
- Cửu Trùng môn của các ngươi chỉ là một lũ tà ma ngoại đạo, làm gì có chỗ đứng ở đây. Bấy lâu nay các ngươi đã gây ra bao nhiêu rắc rối, chúng ta còn chưa hỏi đến... Ngươi khôn hồn hãy lui về báo với Giáo chủ của ngươi, trước sau gì võ lâm chính phái chúng ta cũng sẽ đến để hỏi tội...
Trương Nhược Lâm cũng nổi giận. Lão không kềm được nữa liền đạp một chân xuống đất bay lộn một vòng trên không rồi đáp xuống ngay trước mặt Tôn Minh Phương nhẹ nhàng như một chiếc lá rụng. Lão đã thi triển tuyệt kỹ Bạch Hạc Xung Thiên đã đến mức thượng thừa, khiến quần hùng bên ngoài đều phải khen thầm. Mọi người đều tin chắc rằng với tình thế này hẳn khó tránh một trận quyết đấu...
Trương Nhược Lâm lạnh lùng nói :
- Tôn Minh Phương. Lão phu từ xưa đến nay giết người không gớm tay. Ngươi là người đầu tiên lão phu nhường nhịn. Bởi hôm nay, ta đến đây không phải để gây sự, mà với một hảo ý... Còn nếu ngươi tiệc vui lại không muốn, muốn uống rượu phạt thì...
Tôn Minh Phương nổi giận :
- Ngươi dọa ta chăng? Được, nếu ngươi thắng được ta, Tôn Minh Phương này sẽ là môn phái đầu tiên công nhận và quy phục Cửu Trùng môn của các ngươi.
Lão nói xong chẳng câu nệ gì ra chiêu Uyên Bích Quy Triệu đánh vào ngực Trương Nhược Lâm. Quyền đánh ra nhanh như chớp kình lực rít lên vù vù chứng tỏ Tôn Minh Phương muốn hạ Trương Nhược Lâm ngay từ chiêu đầu. Họ Trương không hề nao núng. Lão co một chân lên rồi xoay một vòng chân phải quắt ngang vào hạ bàn của Tôn Minh Phương. Chiêu này có tên gọi là Thu Phong Tảo Lạc Diệp (gió thu quét lá).
Tôn Minh Phương giật mình. Lão tin chắc Trương Nhược Lâm phải né tránh cú đánh, song lão lại ra đòn tấn công, thì mới là kỳ, bởi chiêu này vô cùng nguy hiểm. Kẻ ra tay trước là một cao thủ hạng nhất nếu đòn phản của họ Trương mà chậm hơn chút xíu thì kể như là thất bại. Chỉ có bậc cao thủ, tin chắc vào võ công của mình mới dám làm như thế. Trong trường hợp này, ngọn cước của Trương Nhược Lâm ra sau mà lại tới trước, buộc Tôn Minh Phương phải thu quyền về. Lão nhảy lên cao để tránh cú đá của Trương Nhược Lâm, rồi biến ra chiêu Chỉ Kích Bạch Viên (vượn trắng bẻ cây) tay phải xòe ra làm cương đao chém ngang người đối thủ.
- Hay quá!
Trương Nhược Lâm bật lên tiếng khen. Người lão lạng về phía trước thuận theo đà của ngọn cước trông thật là kỳ dị. Quyền phải đưa ra nhằm ngay ngực của Tôn Minh Phương ra chiêu Khai Sơn Chưởng Thủ. Thân pháp này của lão thật ngoài sức tưởng tượng của mọi người, đòn ra lại nhanh như chớp khiến ai cũng tin rằng Tôn Minh Phương khó mà tránh khỏi được...
Nếu biết rằng Tôn Minh Phương là người đứng đầu phái Tung Sơn, nên võ công đâu có phải tầm thường. Đòn của Trương Nhược Lâm đã nhanh, lão còn nhanh hơn một bước. Chân vừa chạm đất, lão đã khẽ nhích động thân hình chuyển dịch sang phía phải một chút, đồng thời tay trái đưa ra nhằm điểm vào huyệt Phong Trì sau gáy của Trương Nhược Lâm. Tuyệt kỹ này có tên gọi là Nam Sơn Đảo Pháp, vô cùng lợi hại.
Họ Trương đột nhiên thấy Tôn Minh Phương thoắt một cái đã ở phía sau. Lại nghe kình khí rít lên ở mang tai, thì giật bắn mình. Lão buộc phải nhảy vọt về phía trước lộn một vòng mới tránh thoát được...
Hai người tiếp tục giao đấu hơn năm mươi chiêu chưa phân được thua. Tôn Minh Phương người nhỏ bé nên lão luôn tìm cách sáp lại gần đối thủ, chuyên đánh vào các yếu huyệt nơi hạ bàn. Trương Nhược Lâm biết như thế nên lão cố không để cho họ Tôn tiến lại gần.
Quần hùng đứng bên ngoài được mục kích hai hảo thủ bậc nhất, thảy đều trầm trồ khen ngợi mà quên đi tính chất ác liệt của cuộc đấu. Đột nhiên, mọi người thấy Tôn Minh Phương lảo đảo lùi lại phía sau. Không bỏ lở cơ hội, Trương Nhược Lâm thấy họ Tôn bộc lộ sơ hở liền tiến lên vung chưởng đánh vào ngực đối thủ, kình lực mạnh không thể tả.
Ai nấy đều hét lên kinh hãi. Trúng chưởng này Tôn Minh Phương ngực hẳn phải nát vụn ra như cám, bởi lẽ trong hoàn cảnh mã bộ không vững, Tôn Minh Phương khó lòng tránh thoát được.
Đột nhiên, một bóng áo vàng nhảy vụt ra như ánh chớp. Người đó, không ai khác là Từ Huyền đại sư. Lão thấy rõ ràng nếu không ra tay kịp thời, hẳn Tôn Minh Phương không sao thoát khỏi tử thần được. Trái hẳn với thân hình to béo của mình. Từ Huyền đã lẹ làng đứng trước mặt Trương Nhược Lâm, tay trái nhắm vào huyệt Khí Hộ, tay phải chặt vào sau lưng. Chiêu này có tên gọi là Bát Thiên Thành Vũ, một trong những kỳ chiêu trong phép đánh Hàng Ma Trượng của Thiếu Lâm quyền pháp.
Ai cũng biết chiêu này của Thiếu Lâm vô cùng lợi hại, nhất là người sử dụng nó lại là một cao tăng đứng đầu của chùa Thiếu Lâm thì uy lực không phải tầm thường. Quả nhiên, Trương Nhược Lâm không dám khinh địch, lão bỗng thấy áp lực đè nặng phía trước, vội nhảy lùi về phía sau mấy bước. Trương Nhược Lâm quát to :
- Thì ra là đại sư! Trận đấu này sắp kết thúc rồi, sao đại sư lại ra tay hổ trợ, không sợ mang tiếng ỷ đông hiếp yếu hay sao?
Từ Huyền đại sư chậm rãi nói :
- A di đà Phật... Bần tăng sợ thí chủ quá tay gây tổn thương đến hòa khí, nên mạo muội đứng ra giảng hòa đó thôi...
Trương Nhược Lâm lớn tiếng nói :
- Hòa thế nào được! Lão lùn kia thua đến nơi rồi...
- Đúng là...
Từ Huyền đại sư toan gật đầu xác nhận lời Trương Nhược Lâm nói là đúng, song lão nghĩ lại hồi nãy Tôn Minh Phương có lỡ lời nói nếu lão thua Trương Nhược Lâm thì phái Tung Sơn sẽ quy phục Cửu Trùng môn. Từ Huyền đại sư vốn là nhà tu hành nên không quen nói dối, thành thử gặp tình huống trớ trêu này, lão cứ ậm ừ mãi không thốt nên lời...
Còn Tôn Minh Phương mặc dù lão biết nếu Từ Huyền đại sư không kịp thời hỗ trợ, lão hẳn đã khó tránh khỏi thất bại ê chề, song trước mặt đông đủ các môn phái và một số cao đồ của phái Tung Sơn, việc đó không khỏi làm cho lão hổ thẹn. Dù sao lão cũng là Chưởng môn một phái, khiến giang hồ phải nể trọng. Giờ đây lại thảm bại dưới tay một ma đầu, lại chỉ là Đà chủ một bang hội mờ ám thì còn gì là thanh danh nữa. Thẹn quá hóa giận lão nổi nóng quát to :
- Trương Nhược Lâm! Lão phu đâu có thua gì ngươi mà dám khoác lác. Hôm nay, ta quyết một trận sống mái...
Từ Huyền đại sư xua tay :
- Không nên! Không nên! Việc quyết đấu giữa hai thí chủ hãy để sau này rồi tính. Còn đại hội hôm nay chúng ta có rất nhiều việc phải làm, không hiểu Tôn Chưởng môn thấy thế nào...
Từ Huyền nói câu này lão nhìn thẳng vào mặt Tôn Minh Phương ngụ ý muốn gỡ thể diện cho họ Tôn. Tôn Minh Phương tính khí vốn nóng nảy lại nông cạn nên đâu có hiểu thâm ý của Từ Huyền. Lão hậm hực nói :
- Không được. Nếu chúng ta không giải quyết chuyện này sớm, thì có nghĩa là đương nhiên công nhận lũ ma đầu này hay sao?
Từ Huyền đại sư mềm mỏng nói.
- Không phải thế. Trương thí chủ thay mặt môn phái của mình đến đây là có ý tốt. Theo thiển ý của bần tăng, bất cứ một môn phái nào ra đời nếu với một mục đích tốt đẹp đều là một sự đóng góp cho võ học Trung Nguyên ngày một phát triển, phong phú. Vì thế nếu Trương thí chủ giải thích cho mọi người sự xuất hiện của Cửu Trùng môn trên giang hồ là quang minh chính đại, thì chắc chắn rằng còn ai dám nghi ngờ gì... nhưng... chuyện đó lát nữa chúng ta sẽ bàn tới, còn bây giờ...
Từ Huyền đại sư ngừng lại, lão đưa mắt về phía chiếc kiệu nơi Văn Chí Hồng đang ngồi ở trong :
Từ Huyền đại sư nói tiếp :
- Bây giờ... Bần tăng muốn hỏi Chưởng môn phái Hồng Hạc vài câu!...
Văn Chí Hồng giật nảy mình. Thật là rắc rối, tự nhiên mang vạ vào mình. Giả tỷ hồi nãy không tự nhận mình là Chưởng môn phái Hồng Hạc thì còn có cách để thoát thân, đàng này đã lỡ lời thì làm sao rút lại được nữa. Gã thấy Từ Huyền đại sư nói như vậy thì cứ liều đáp :
- Đại sư bất tất phải khách sáo! Có điều gì thắc mắc xin đại sư cứ hỏi thẳng cho.
Từ Huyền đại sư mỉm cười :
- Tốt lắm! Hẳn là thí chủ cũng đã rõ thời gian vừa qua có khá nhiều cao thủ một số môn phái trong đó có cả Thiếu Lâm tự đã bị giết hại thê thảm... Kẻ giết hại đã sử dụng một công phu tối thượng của Thiếu Lâm đã bị thất truyền đó là võ công trong Cửu Quỷ Bát Mã Đao...
Văn Chí Hồng ngạc nhiên hỏi lại :
- Cửu Quỷ Bát Mã Đao... Không lẽ trên giang hồ lại có người luyện được võ công ấy?
- Câu chuyện thì thật là rắc rối! Song thí chủ nên biết rằng kẻ đó chỉ biết có một phần thôi.
Văn Chí Hồng hỏi :
- Người đó là ai vậy?
Từ Huyền đại sư thong thả đáp :
- Chính bần tăng định hỏi thí chủ câu đó?
Văn Chí Hồng ngạc nhiên hỏi lại :
- Tại... hạ... làm sao mà biết được...
Từ Huyền nói giọng kiên quyết :
- Thí chủ không chịu nói thì bần tăng đành nói vậy... Kẻ đó, không ai khác là Trần Gia Kính... Chính Tuệ Thắng một đệ tử của bổn tự đã thoát chết dưới tay của Trần Gia Kính. Tuệ Thắng có kể lại rằng lúc đó Trần chưởng môn thật là hung dữ, cặp mắt đỏ ngầu, không hiểu...
Văn Chí Hồng lúng túng... Việc đã đến mức như vậy thì gã hoàn toàn không sao tưởng tượng được... Gã thử nấn ná không trả lời để đợi xem vị cao nhân nào đó có mách bảo gì không, song tuyệt nhiên không có tiếng nói nào cả mới thật là kỳ. Gã đành nói :
- Tại hạ e rằng đại sư có điều hiểu lầm chi đây. Trần chưởng môn của tệ phái là người rất ít khi xuất hiện ra ngoài, hơn nữa việc học võ công của phái khác là điều không bao giờ có thể xảy ra được...
Từ Huyền đại sư vẫn ôn tồn nói tiếp :
- Hiểu lầm thì không đâu!... Không riêng gì phái Thiếu Lâm mà tất cả võ lâm đồng đạo đang hết sức phẫn nộ vì việc này. Hôm nay, bần tăng mới được biết Trần Gia Kính đã từ chức Chưởng môn nhường lại cho thí chủ. Bần tăng chỉ có một yêu cầu, thí chủ hãy đưa Trần Gia Kính ra đây đối chất với quần hùng thì bần tăng xin bảo đảm sẽ không lý giải gì đến vụ này nữa...
Từ Huyền đại sư nói xong, lão chắp hai tay lại trước ngực tỏ ý hết sức nhẫn nại.
Văn Chí Hồng không biết trả lời ra sao. Gã bèn tìm cách để hoãn binh :
- Đại sư! Trước khi muốn gặp Trần Gia Kính, đại sư có cách nào chứng minh được là Trần chưởng môn là người đã gây ra tất cả những vụ đó không?
Từ Huyền đại sư đáp :
- Có chứ!
Lão vỗ hai tay vào nhau ba cái, lập tức từ phía dưới một nhà sư mặc áo vàng người nhỏ bé, rẽ đám đông tiến lên.
Nhà sư nhỏ bé nói :
- Tuệ Thắng xin bái kiến Chưởng môn!
- Tốt lắm! Ngươi hãy kể cho quần hùng nghe chuyện ngươi đã chứng kiến, Trần Gia Kính đã hạ độc thủ với võ lâm đồng đạo như thế nào?
- Hôm đó, bần tăng thừa lệnh sư phụ xuống núi. Lúc quay trở về, ngang qua Đỗ Lăng, bần tăng bèn tìm vào một khách điếm kiếm ít đồ chay ăn cho đỡ đói bụng.
Trong quán rất đông thực khách đang ăn uống ồn ào. Bần tăng tìm một góc vắng người rồi gọi tửu bảo dọn đồ chay ra ngồi ăn. Mới ăn một chén cơm, thì bỗng có một người ở ngoài bước vào. Thoạt tiên bần tăng không nhận ra người đó là ai cả, vì y đầu tóc bù xù, ăn mặc lôi thôi vô cùng. Lão chọn một cái bàn có đông người ngồi nhất, phần lớn là người của phái Thanh Thành, rồi ngồi xuống, miệng phun ra toàn những đồ dơ bẩn. Đám đệ tử Thanh Thành vô cùng khó chịu vì có người đến phá đám cuộc vui, hơn nữa, lão già này đã nhậu nhẹt say sưa ở đâu đó rồi mới đến đây nôn ọe thật là ghê tởm... Bần tăng nghe một người nói :
“Sư huynh, lão già này thật là bỉ ổi, bọn ta quẳng lão ra ngoài đi thôi...”
Người kia nói :
“Không nên! Người đã say xỉn mất hết cả tự chủ như thế thì chấp nhất làm gì... Chúng ta sang bàn khác đi...”
Vừa lúc đó, có ba người nữa bước vào. Ba người này thì bần tăng biết rõ vì họ ăn mặc theo lối đệ tử của phái Hồng Hạc. Ba người đó tiến đến trước mặt lão già rồi kêu lên :
“Sư phụ... bọn đệ tử đi kiếm sư phụ khắp nơi, không ngờ người lạc ở đây... Xin sư phụ về ngay cho...”
Bọn đệ tử phái Thanh Thành vô cùng kinh ngạc, thì ra cái lão già ăn mặc lôi thôi đó lại là Trần Gia Kính, Chưởng môn phái Hồng Hạc. Một đệ tử phái Thanh Thành cười nhạt nói với ba tên đệ tử Hồng Hạc môn :
“Có ai ngờ phái Hồng Hạc lại có một vị Chưởng môn oai vệ như thế này!”
Giọng gã đầy châm biếm :
“Tại hạ nghe oai danh từ lâu, hôm nay mới được chứng kiến, quả là danh bất hư truyền...”
Gã đệ tử Hồng Hạc môn nổi cáu :
“Phái Thanh Thành của các ngươi thì có hay ho gì? Võ công so với các môn phái khác không những thua kém mà còn...”
Gã chưa kịp nói hết câu tên đệ tử phái Thanh Thành chẳng nói năng gì đã vung quyền đánh ra... Lúc ấy, Trần Gia Kính bỗng đứng bật dậy, tên đệ tử của lão còn chưa kịp phản ứng, thì không hiểu bằng cách nào Trần Gia Kính đã nhảy tới nơi thân pháp vô cùng mau lẹ. Lão nắm lấy cánh tay của tên đệ tử phái Thanh Thành kéo mạnh một cái. Kình lực mạnh đến nỗi tên này không tự chủ được người quay tít như chong chóng. Một tên đồng bọn thấy thế chạy ra giữ gã lại, song chính tên này cũng bị quay theo mấy vòng mới dừng lại được... Đám đệ tử phái Thanh Thành đứng trố mắt ra, không ngờ nội lực của Trần Gia Kính lại thâm hậu đến thế. Trần Gia Kính làm như không coi bọn đệ tử phái Thanh Thành vào đâu. Lão vừa đến bàn của bần tăng rồi ngồi xuống nói :
“Lũ đạo sĩ kia làm ta mất cả hứng thú, hôm nay ngồi uống rượu của nhà sư kể cũng hay...”
Lão nói xong lấy tay cầm một miếng thịt ở bàn bên cạnh rồi bỏ vào bát của bần tăng.
Bần tăng bèn nghiêm giọng nói :
“Trần thí chủ! Tiểu tăng nghe tiếng Hồng Hạc môn môn quy nghiêm cẩn, cớ sao Trần thí chủ lại có thái độ bất nhã như vậy? Hẳn thí chủ cũng biết tiểu tăng không ăn được những thứ này...”
“Sao? Thịt ngon như vậy mà lại còn chê à? Ha ha! Thế thì để lão phu ăn giùm cho...”
Trần Gia Kính nói xong, lão bóc ngay miếng thịt rồi bỏ vào miệng nhai nhồm nhoàm.
“Trần thí chủ! Bần tăng nghe nói phái Hồng Hạc thực ra cũng bắt nguồn từ phái Bạch Hạc mà ra, mà phái Bạch Hạc, tổ sư là Ngũ Mai lão ni cũng là người tu hành...”
Trần Gia Kính cười nham nhở :
“Láo toét! Lũ trọc các ngươi biết gì về môn phái của ta mà dám lên giọng dạy đời... Ta cho ngươi biết rồi sẽ có ngày toàn thể võ lâm của Trung Nguyên sẽ phải quỳ xuống chân ta...”
Câu này của Trần Gia Kính làm toàn thể những cao thủ có mặt trong tửu quán đùng đùng nổi giận. Và thế là một trận ác chiến nổ ra...
Tuệ Thắng dừng lại, dường như để tưởng tượng ra cái cảnh khủng khiếp ấy...
Lão nói tiếp :
- Thật khó ai có thể ngờ được chỉ trong nháy mắt, ba mươi sáu cao thủ có mặt tại đó đều bị Trần Gia Kính dùng độc thủ giết hết, và điều thật là lạ, cả ba tên đệ tử của lão cũng cùng chung số phận.
Có tiếng người hỏi :
- Sao lại có chuyện kỳ cục vậy?
Tuệ Thắng đáp :
- Bần tăng làm sao mà biết được!
Tôn Minh Phương hỏi tiếp :
- Vậy thì tại sao ngươi lại thoát được?
- Như bần tăng đã nói. Võ công của Trần Gia Kính rất là cao cường và quái dị. Sau khi hạ thủ hết toàn bộ người trong tửu quán, lão ta toan ra tay nốt với bần tăng, song đột nhiên Trần Gia Kính bỗng rú lên một tiếng khủng khiếp, miệng phun ra một búng máu tươi rồi ngã vật ra đất. Bần tăng nhân lúc ấy tẩu thoát ra ngoài...
- Thật là vô lý!
Một trong bốn tên kiệu phu khiêng kiệu cho Văn Chí Hồng đột nhiên lên tiếng.
- Tại sao lúc đó đại sư không thừa dịp ra tay khống chế lão có phải hay hơn không?
Tuệ Thắng thong thả đáp :
- Bần tăng làm gì có đủ sức để làm việc đó.
Lão vạch ngực để lộ cho mọi người xem. Ngực bên phải của Tuệ Thắng bị bẹp dúm xuống y như bị một tảng đá ngàn cân đè phải.
Hình ảnh thật là ghê rợn khiến mọi người đều hãi hùng...
Văn Chí Hồng trong kiệu nhìn thấy bộ ngực của Tuệ Thắng trong lòng không khỏi kinh dị... Trần Gia Kính là sư phụ của gã. Tuy Trần Gia Kính không được gần Trần Gia Kính lâu, song con người cũng như võ công của Trần Gia Kính thì gã biết khá rõ. Võ công của sư phụ gã tuy có cao thật, nhưng nội lực đến độ kinh hồn như vậy thì khó mà tưởng tượng nổi. Hơn nữa, việc Trần Gia Kính hạ thủ cả đám đệ tử của lão là điều thật khó tin. Tự nhiên Văn Chí Hồng rơi vào một tình trạng thật là khó xử, và không khéo thì mất mạng như chơi. Gã đương nhiên là Chưởng môn phái Hồng Hạc và phải chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước quần hùng về việc Trần Gia Kính đã ra tay giết hại các hảo thủ khác phái, nếu gã không tìm ra được Trần Gia Kính thì chắc chắn khó tránh khỏi một trường quyết đấu, các môn phái khác nhất định không chịu để yên...
Chợt trong đầu Văn Chí Hồng nảy ra một ý nghĩ. Gã hỏi :
- Theo lời đại sư mô tả, thì Trần chưởng môn của tệ phái dường như đã mất hết nhân tính rồi thì phải? Đã sát hại võ lâm đồng đạo lại còn sát hại cả những đệ tử của mình... Không hiểu các vị có mặt tại đây hôm nay liệu có thể tin được không? Thêm nữa, đại sư lại còn khẳng định rằng Trần chưởng môn của chúng tôi sử dụng võ công của phái Thiếu Lâm... Vậy chứng cứ ở đâu?
Tuệ Thắng bình tĩnh đáp :
- Tuy bần tăng võ công kém cỏi nhưng làm gì không nhận ra võ công của phái Hồng Hạc là như thế nào? Công phu mà Trần Gia Kính sử dụng quả thật từ xưa đến nay bần tăng chưa từng thấy bao giờ...
Đột nhiên có tiếng quát từ phía sau :
- Tuệ Thắng! Đại sư bất tất phải nhiều lời với y làm gì! Ngay từ đầu, lão phu đã nghi ngờ rồi! Trong chiếc kiệu này hẳn phải có điều chi gian trá... Bây giờ trước hết ta yêu cầu ngươi hãy xuất đầu lộ diện ra ngay lập tức...
Mọi người nhìn xem thì đó là Lâm Chí Trung Chưởng môn phái Thanh Thành. Lâm Chí Trung nói xong quay về phía Từ Huyền đại sư hỏi :
- Ý lão phu như thế, không hiểu đại sư thấy thế nào?
- Đúng vậy!
Từ Huyền đại sư trả lời. Lão quay mặt về phía chiếc kiệu rồi dõng dạc nói :
- Bần tăng xin mời Chưởng môn phái Hồng Hạc ra ngoài hội kiến...
Văn Chí Hồng thấy lão nói như vậy thì hiểu rằng khó có thể từ chối được. Gã bỗng nghe có tiêng nói vo ve bên tai :
- Văn Chí Hồng ngươi cứ ra ngoài, song nếu phải động thủ thì ngươi đừng lo, sẽ có người lo liệu...
Văn Chí Hồng nghĩ bụng :
“Kể về võ công thì mình đâu có đến nỗi thua kém, chắc là cao nhân nào đó nghĩ rằng mình võ công tầm thường nên mới ngỏ ý hỗ trợ. Hôm nay dù có phải quyết đấu thì Văn Chí Hồng này cũng sẵn sàng để đền ơn sư phụ”.
Nghĩ thế gã chờ cho Từ Huyền đại sư nói lần nữa mới đề khí rồi nhảy vọt qua nóc kiệu ra ngoài đáp xuống đất nhẹ nhàng trước mặt Từ Huyền đại sư. Thân pháp “Thiên Lý Hành Không” Văn Chí Hồng đã thi triển đến độ tuyệt vời khiến mọi người phải trầm trồ thán phục.
Văn Chí Hồng lại nghe có tiếng nói bên tai :
- Văn Chí Hồng! Thì ra võ công của ngươi đã cao thâm đến mức ấy rồi, thế thì... thế thì...
Tiếng nói bỗng ngưng bặt.
Từ Huyền đại sư bỗng thấy xuất hiện trước mặt mình một gã thiếu niên trẻ tuổi nước da vàng ệch như bệnh lâu ngày, mà thân pháp lại kỳ ảo khôn tả thì không khỏi giật mình. Cũng may nhờ loại thuốc cải sửa dung mạo để sẵn trong kiệu nên không ai nhận ra chân tướng của Văn Chí Hồng cả... Từ Huyền thấy gã thiếu niên trước mặt mình tuổi chả đến ba mươi mà công phu chẳng kém gì mình thì kinh ngạc. Lão hỏi :
- Thì ra Chưởng môn phái Hồng Hạc lại trẻ tuổi đến như vậy. Bần tăng thật không ngờ...
Văn Chí Hồng nhắc lại :
- Tại hạ là Triệu Thắng... Chẳng hay...
Lâm Chí Trung nổi giận quát lên :
- Triệu Thắng! Ngươi dám cả gan dối gạt quần hùng. Ngươi đâu có bệnh tật đâu mà hồi nãy không chịu xuất hiện lại ngồi trong kiệu làm chi? Thử hỏi ngươi làm vậy là có ý gì? Ngươi có gì bảo đảm ngươi là Chưởng môn phái Hồng Hạc không?
- Có chứ...
Văn Chí Hồng móc túi lấy ra ấn Chưởng môn mà gã đã thấy để sẵn ở trong kiệu. Lâm Chí Trung liếc qua rồi cười nhạt :
- Giả hay thật điều đó cũng chẳng có gì quan trọng. Bởi chính ngươi đã tự nhận trách nhiệm về mình thì đừng có trách... Trần Gia Kính đâu? Hãy mau đưa lão ra đây, nếu không Lâm Chí Trung này quyết không để yên đâu?
Văn Chí Hồng vẫn ôn tồn nói :
- Tại hạ đã trả lời các vị rồi! Sau khi truyền lại chức Chưởng môn cho tại hạ, Trần chưởng môn đã nhập thất từ lâu rồi không gặp ai nữa...
- Ngươi nói láo mà không biết ngượng. Tuệ Thắng đại sư đã chứng kiến rành rành Trần Gia Kính mới đây đã sát hại ba mươi sáu cao thủ. Không lẽ việc đó lại là giả hay sao?
- Tại hạ không nói thế? Song việc này hẳn có uẩn khúc. Có thể có kẻ nào đó mạo danh...
- Ha! Ha...! Lý lẽ của ngươi không lừa nổi ai đâu? Nếu ngươi nhất định che giấu cho lão thì ngươi phải đền mạng ngày hôm nay... Nợ máu phải trả bằng máu...
- Lâm chưởng môn nói vậy chẳng khác gì tự vả vào miệng mình.
Văn Chí Hồng nói giọng châm chọc. Gã trong bụng rất căm ghét lão đạo sĩ phái Thanh Thành này, vì năm xưa chính lão cùng với Chưởng môn bốn phái đến Tây Kinh tiêu cục uy hiếp nghĩa phụ gã là Trương Hải Thanh phải giao bí phổ Cửu Quỷ Bát Mã Đao cho họ. Chính vì vậy mà gã đã lưu lạc như thế này. Nghĩ lại chuyện xưa, Văn Chí Hồng càng thêm tức giận. Gã quyết định hôm nay phải trả thù, phải cho Lâm Chí Trung một vố bẽ mặt...
Lâm Chí Trung nổi giận hỏi lại :
- Ngươi nói vậy là có ý gì? Ngươi nên nhớ, Lâm Chí Trung này vốn chưa bao giờ để ai sỉ nhục đâu nhé?
Văn Chí Hồng nói :
- Tại hạ đâu dám sỉ nhục Lâm tiền bối... Tại hạ chỉ tiếc cho tiền bối ăn nói hồ đồ, nói trước quên sau! Bảo rằng nợ máu phải trả bằng nợ máu thì ai làm người nấy chịu, chứ sao lại bắt tại hạ chịu thay cho người khác. Tại hạ nói vậy có đúng không... thưa đại sư?
Từ Huyền ngẩn người ra. Lâm Chí Trung quả nói thế thật. Tên tiểu tử này nói cũng rất hữu lý...
Từ Huyền đại sư xác nhận :
- Đúng! Nhưng thí chủ là Chưởng môn của Trần Gia Kính thì thí chủ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi của người môn phái mình. Nếu Trần Gia Kính không xuất đầu lộ diện, bần tăng e rằng thí chủ khó có thể rời khỏi chốn này được... luật lệ từ xưa vẫn thế.
- Đúng! Đúng!
Có tiếng tán thưởng trong đám quần hùng.
- Triệu Thắng! Ngươi có chịu nhận lời giao Trần Gia Kính không?
Văn Chí Hồng tìm cách hoản binh.
- Các vị... Các vị làm như vậy thật là gây khó dễ cho Triệu Thắng này quá. Dù sao cũng chỉ có một lời của Tuệ Thắng mà thôi. Chúng ta cần phải xem xét lại mới công bằng chứ?
Lâm Chí Trung tức giận đạp chân xuống đất.
- Thế còn ba mươi sáu sinh mạng còn chưa đủ hay sao? Hôm nay chúng ta còn rất nhiều việc phải làm, không hơi đâu mà đôi co giằng dai với ngươi, ngươi có chịu đưa Trần Gia Kính ra đây hay không?
- Tại hạ đã nói...
Lâm Chí Trung nổi nóng gắt lời :
- Thế có nghĩa là không chịu phải không? Vậy thì lão phu buộc phải lãnh giáo vài cao chiêu của phái Hồng Hạc vậy...
Lũ đệ tử phái Thanh Thành thấy sư phụ chuẩn bị ra tay động thủ với Văn Chí Hồng thì reo hò ầm ĩ. Lâm Chí Trung dù thế nào cũng là một bậc tiền bối võ lâm, so với Văn Chí Hồng, một gã thiếu niên mặt mũi non choẹt, bệnh hoạn thì kết quả thế nào tưởng như không cần phải bàn đến. Từ Huyền đại sư thấy Lâm Chí Trung sửa soạn giao đấu với Văn Chí Hồng, lão nói :
- Triệu thí chủ, mặc dù thí chủ là Chưởng môn phái Hồng Hạc thật, song niên kỷ hãy còn non nớt, bần tăng thấy rằng Triệu thí chủ nên giao Trần Gia Kính đi là hơn, như vậy, trắng đen, phải trái được phân định rõ ràng việc gì phải úp úp mở mở...!
- Cám ơn đại sư! Song tại hạ đã nói Trần Gia Kính hiện không có ở đây thì làm sao tại hạ giao cho các vị được. Nếu các vị có thể chờ được thì để tại hạ về tra hỏi cho ngọn ngành đã, nếu kết quả đúng như lời Tuệ Thắng nói thì sang năm tại hạ xin dẫn y lên chùa Thiếu Lâm chịu tội... Còn nếu như... Lâm đạo trưởng đây không chịu cứ đòi tỷ đấu với tại hạ, thì đó là việc riêng giữa hai người mà thôi...
Lâm Chí Trung càng nghe càng tức giận. Xem ra khẩu khí của tên tiểu tử này quá ngạo mạn, không coi lão ra gì cả. Lão chỉ muốn nhảy vào đánh cho Văn Chí Hồng một trận mới hả dạ, song nghĩ lại mình là một bậc tiền bối võ lâm, lại ra tay trước với một gã tiểu tử vô danh tiểu tốt thì còn gì là thanh danh nữa. Lâm Chí Trung cố nén cơn tức, lão cười nhạt nói :
- Được lắm, được lắm, nếu ngươi muốn coi việc tỷ đấu là việc riêng của hai người thì càng tốt, vậy lão phu yêu cầu các vị có mặt ở đây tọa thủ bàng quan chớ có can thiệp vào trận đấu này... lão phu không muốn là kẻ ỷ mạnh hiếp yếu đâu nhé. Đó là tự ngươi đấy thôi.
Quần hào đứng bên ngoài ai cũng hiểu ý Lâm Chí Trung. Lão muốn tỏ cho quần hùng hiểu lão hoàn toàn không muốn chiếm phần tiện nghi. Mọi người đều rõ võ công của Lâm Chí Trung vô cùng lợi hại, tính tình lại nhỏ nhen, ít khi chịu tha thứ cho người khác. Phen này tự cái gã họ Triệu kia chuốc họa vào mình mà thôi.
Văn Chí Hồng chợt nghe người bí mật sử dụng tuyệt kỹ “Thiên Lý Truyền Âm” nói vào tai gã :
- Văn Chí Hồng ta biết ngươi võ công cũng khá đấy, song nếu đấu với Lâm Chí Trung thì thật là khó lòng... Nếu ngươi thấy địch không nổi cứ chạy đi, ta đã có cách... đừng lo...
Văn Chí Hồng nhìn quanh cố gắng tìm hiểu xem ai là người đã nói cho gã từ nãy đến giờ, song không tài nào phát hiện được sự gì lạ cả. Người sử dụng tuyệt kỹ “Thiên Lý Truyền Âm” đã thi triển một cách mới gọi là Phúc Ngữ (cách nói bằng bụng). Nói chỉ để cho một người nghe, nhưng môi vẫn mấp máy đã là khó, đằng này âm thanh phát xuất từ bụng thì đủ biết người đó nội công phải ghê gớm đến mức nào...
Văn Chí Hồng nhảy ra đứng trước mặt Lâm Chí Trung. Gã nói :
- Lâm đạo trưởng cứ nhất định gây khó dễ cho tại hạ, thì tại hạ cũng đành... Chẳng hiểu Lâm đạo trưởng định đấu thế nào?
- Triệu Thắng! Ngươi có vẻ tự đắc quá đấy! Điều kiện của ta ư? Ha ha...! Đơn giản thôi. Ta chỉ việc trói ngươi đem về là xong.
Lâm Chí Trung nói xong lão ung dung bước ra, hai tay nắm lại trước ngực, chân bước ngang ra chiêu Đơn Mã Quy Tào (dắt ngựa về chuồng) ngụ ý coi thường Văn Chí Hồng ra mặt.
Văn Chí Hồng đã được Lâm Ngũ Đường truyền thụ hết công phu nên võ công của gã đâu phải như trước. Gã nhìn xuống thấy phía dưới chân của Lâm Chí Trung đất lún xuống hơn tấc, chứng tỏ nội lực của Lâm Chí Trung thật là ghê gớm nên không dám coi thường. Gã bước sang phải một bước rồi sử chiêu Bạch Xà Phục Thảo nhằm vào hạ bàn của Lâm Chí Trung. Chân trái của Văn Chí Hồng vừa quét ngang, thì Lâm Chí Trung đã lập tức biến chiêu. Lão quả không hổ danh là Chưởng môn một phái lớn, kình lực dồn xuống hạ bàn thật là trầm trọng, thân pháp lại nhẹ nhàng như lá rụng. Đấy chính là điểm đặc biệt trong võ công của phái Thanh Thành. Người Lâm Chí Trung nghiêng đi một chút. Lão vẫn đứng yên chân phải xuống đất chỉ khẽ xoay gót lập tức đã tránh được đòn của Văn Chí Hồng, tay phải Lâm Chí Trung cong lại như năm cái móc sắt chụp vào xương tỳ bà của Văn Chí Hồng ra chiêu Tả Hữu Phùng Nguyên. Đây là một tuyệt kỹ mà bình sinh Lâm Chí Trung đắc ý nhất. Một khi lão đã xuất thủ, khó có ai có thể thoát chết được. Đòn ra vừa nhanh lại vừa mạnh như sét đánh, khiến quần hùng và ngay cả Từ Huyền đại sư cũng phải khiếp đảm. Bởi lẽ trúng chiêu này, đối phương đã bị bóp nát cổ họng ngay lập tức.
Văn Chí Hồng tuy võ công cao siêu, song kinh nghiệm lâm địch không có, hơn nữa đối thủ của gã lại là Lâm Chí Trung một cao thủ bậc nhất nên chỉ một li nữa là gã đã thảm bại dưới tay của Lâm Chí Trung rồi. Văn Chí Hồng chắc mẫm Lâm Chí Trung nếu không nhảy lên cũng phải lùi một bước và như thế là gã đã lấy lại được thế quân bình. Song tình hình lại hoàn toàn trái ngược. Lâm Chí Trung vẫn đứng yên tại chỗ. Không những tránh được đòn của gã mà lại còn phản công rất nguy hiểm. Gã chỉ vừa nhận thấy thì năm ngón tay của Lâm Chí Trung đã sát tận nơi rồi. Văn Chí Hồng không kịp suy nghĩ gì cả, gã thi triển Mê Tung bộ pháp người nghiêng sang trái như cây cong gặp gió trong chớp mắt đã thoát khỏi cú chộp của Lâm Chí Trung. Biểu diễn này khiến tất cả mọi người có mặt ai nấy đều sửng sốt, không kịp nhìn xem Văn Chí Hồng đã làm cách nào mà thoát khỏi được. Lâm Chí Trung cũng kinh ngạc không kém, song lão vẫn cố làm bộ bình tĩnh giữ phong độ của một Chưởng môn liên tiếp biến chiêu cốt để hạ bằng được Văn Chí Hồng trong giây lát. Ngược lại Văn Chí Hồng thì chưa tìm ra cách gì có thể hạ được lão cả nên gã áp dụng Mê Tông bộ pháp để lẩn tránh. Lâm Chí Trung đánh mãi vẫn không trúng vào người Văn Chí Hồng lấy một đòn thì lão nổi điên lên. Lão cũng chẳng hiểu tại làm sao nhiều lúc gần như đã chộp được vào người Văn Chí Hồng, song chỉ trong nháy mắt, Văn Chí Hồng đã thoát ra được. Hai người qua lại gần năm chục chiêu vẫn bất phân thắng bại. Sự kiện đó cũng đủ làm cho quần hùng có mặt hết sức ngạc nhiên. Văn Chí Hồng, tuy mang danh là Chưởng môn, song thực ra chỉ là một gã tiểu tử vô danh mà đấu với Lâm Chí Trung trong suốt năm chục chiêu mà cục diện vẫn cân bằng.
Bên ngoài mọi người đâu có hiểu được trong lòng Lâm Chí Trung đang hoang mang đến cực điểm. Lão gần như đã sử dụng hết các tuyệt chiêu, song chưa một lần nào gây nguy hiểm cho Văn Chí Hồng cả. Điều làm Lâm Chí Trung kinh ngạc hơn hết là nội lực ghê người của gã thiếu niên này. Xem ra, càng đánh nội lực của gã càng tăng lên, không tỏ ra một chút gì là mệt mỏi cả. Lão để ý nhận xét thấy bộ pháp của Văn Chí Hồng thật là quái dị, bình sinh lão chưa từng thấy bao giờ. Trông cách thức di chuyển có vẻ như hỗn độn không theo một lề lối gì, nhưng không tài nào đánh trúng được.
Đánh thêm hơn chục chiêu nữa, Lâm Chí Trung đủ phát giác ra điểm yếu của Văn Chí Hồng. Mê Tung bộ pháp là một công phu tuyệt diệu, nó tuyệt vời ở chỗ, càng đông người bao nhiêu càng rắc rối phức tạp bao nhiêu, thì uy lực của nó lại càng tăng lên bấy nhiêu. Chính vì Văn Chí Hồng chưa có kinh nghiệm lâm địch, lại lần đầu tiên áp dụng nên chưa được thuần thục lắm. Vì thế để lộ nhược điểm, điều đó không qua được cặp mắt lão luyện của Lâm Chí Trung. Lão nhận thấy đòn đánh ra càng nhanh thì lại càng hao tổn chân khí, mà Văn Chí Hồng lại né tránh một cách hữu hiệu. Vì vậy, lão thay đổi cách đánh, đòn đánh ra chậm nhưng rất là trầm trọng.
Đúng như lão dự đoán, Văn Chí Hồng lần lần lâm vào thế hạ phong. Mặc dầu gã đã được Lâm Ngũ Đường chỉ dẫn cặn kẽ, và đã luyện đến mức thành thục, song sự ảo diệu bên trong của nó cũng như lãnh hội được chữ “biến” thì đâu phải dễ dàng. Thoạt đầu, lúc Lâm Chí Trung đánh rất nhanh, gã chỉ việc lẩm bẩm rồi thực hiện theo khẩu quyết là đã tránh được một cách dễ dàng. Nhưng lúc này, họ Lâm đã thay đổi đấu pháp. Lão ra đòn rất chậm, rồi đột ngột biến chiêu khiến Văn Chí Hồng vô cùng lúng túng. Tình trạng này bất kỳ người nào cũng hiểu được, Văn Chí Hồng chẳng bao lâu nữa sẽ nguy đến nơi... Đột nhiên, Lâm Chí Trung quát to :
- Tiểu tử, coi chừng ta lấy mạng ngươi đây này!
Tiếng quát vừa dứt, Lâm Chí Trung khẽ co chân phải lên thành Độc Lập Bộ, tay trái xòe ra thành chưởng nhằm vào yếu huyệt trên ngực Văn Chí Hồng đánh tới. Chiêu này có tên gọi là Kim Hoàn Bảo Nguyệt một trong tám kỳ chiêu của phái Thanh Thành. Văn Chí Hồng ra chiêu Tiên Ông Thiệt Thủ đánh vào cẳng tay của Lâm Chí Trung để giải vây. Bất ngờ, Lâm Chí Trung biến chiêu. Tay trái lão bỗng vung lên thành quyền đấm vào mạng sườn của Văn Chí Hồng theo thế Bá Vương Thỉnh Khách, kình lực mạnh đến mức có thể làm tan bia vỡ đá...
Thực ra, thế này chẳng có chi là hiểm hóc. Song vì Mê Tung bộ pháp Văn Chí Hồng sử dụng quá nhanh, nên chính gã tự làm cho mình bị trúng đòn.
Chỉ nghe một tiếng kịch khô gọn, Văn Chí Hồng bị đánh ra xa mấy trượng nằm lịm xuống đất không biết gì nữa.
Đám đệ tử phái Thanh Thành vỗ tay reo hò ầm ĩ tán dương sư phụ. Từ Huyền đại sư thì niệm Phật hiệu, hai mắt từ từ khép lại. Lão nghĩ rằng Văn Chí Hồng nếu không bỏ mạng thì xương sườn cũng bị gãy nát sẽ trở thành tàn phế suốt đời...
Đột nhiên một bóng người nhảy vụt tới đứng trước mặt Lâm Chí Trung. Mọi người nhìn xem ai thì ra đó là một tên kiệu phu của phái Hồng Hạc. Gã kiệu phu chỉ tay vào mặt Lâm Chí Trung rồi lớn tiếng nói :
- Ngươi tự xưng là Chưởng môn một phái lớn mà ra tay một cách hèn hạ như vậy, không sợ mọi người chê cười hay sao?
- Ha... ha...! Phái Hồng Hạc hết người rồi hay sao mà để một tên kiệu phu ra đây hỗn láo. Ngươi hãy cút đi cho khuất mắt ta và mau mau tìm Trần Gia Kính ra đây chịu tội.
Tên kiệu phu nhếch mép cười lạt :
- Võ công Chưởng môn của ta cao hơn ngươi rõ ràng, song ngươi không thấy rằng Chưởng môn của ta đang bị bệnh hay sao? Ngươi đã chiếm phần tiện nghi?
Đột nhiên, một bóng người nhảy vào. Người đó chẳng phải ai xa lạ mà là Dương Hùng đại đệ tử của Lâm Chí Trung. Dương Hùng đứng trước mặt Lâm Chí Trung nói :
- Sư phụ! Xin sư phụ đừng có bận tâm về gã này, để đệ tử cho nó một bài học để về sau hết thói hỗn láo...
Họ Dương nói xong quay lại chẳng nói năng gì tung chân nhắm người gã kiệu phu đá một cái. Tên kiệu phu làm như không thèm để ý đến gã, khẽ quay lưng lại. Dương Hùng đá trúng vào lưng tên kiệu phu đánh bốp một cái. Tên kiệu phu vẫn đứng yên chẳng hề nhúc nhích, trong khi Dương Hùng ngã bật về phía sau, ôm chân rú lên kinh hoảng. Thì ra bàn chân gã bị gãy nên mới đau đớn như vậy. Lâm Chí Trung cũng kinh hoảng không kém. Dương Hùng là đệ tử ruột của lão, dù sao cũng là một cao thủ, hạ được gã đâu có phải dễ dàng. Ấy thế mà tên kiệu phu này...
Chợt bên ngoài có tiếng nói trầm trầm cất lên :
- Bần tăng thật vô cùng bội phục Thiết Bối Công của thí chủ luyện đã đến kình độ thượng thừa rồi. Chẳng hay thí chủ là ai vậy?
Gã kiệu phu nói :
- Đại sư quá khen rồi! Như đại sư thấy đấy, tại hạ chỉ là một tên kiệu phu tầm thường trong Hồng Hạc môn mà thôi. Tên tuổi đâu có gì đáng kể mà nói ra e sợ làm bẩn tai đại sư...
Từ Huyền đại sư khẽ nói :
- Công phu này...! Theo bần tăng biết trước đây chỉ có một người... Không hiểu thí chủ có phải là truyền nhân của người đó không?
- Tại hạ đã nói chỉ là người của phái Hồng Hạc mà thôi.
Trong lúc nọi người đang đối đáp, thì Văn Chí Hồng đã từ từ tỉnh lại. Chỉ trong phút chốc gã đã thấy khỏe khoắn, thậm chí lại còn dễ chịu hơn trước. Gã đâu biết rằng vô tình Lâm Chí Trung đã giúp gã được một việc. Nguyên do là chất độc gã uống phải bị Cửu Ma thần công chế ngự lâu ngay tích tụ đại huyệt Khuyết Bồn nên thường làm cho gã vô cùng khó chịu. Lâm Chí Trung đã dùng hết sức mạnh của lão vô tình kích động được luồng nội lực hùng hậu của Văn Chí Hồng, giải khai được độc chất đang tích tụ tại huyệt này làm cho chân khí được lưu thông dễ dàng. Văn Chí Hồng đưng bật dậy khiến mọi người không khỏi ngỡ ngàng...
Từ xưa đến nay, phái Hồng Hạc vốn chẳng có tiếng tăm gì trên giang hồ, thế mà lúc này, phái Hồng Hạc đã làm cho mọi người hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Từ võ công lạ lùng của Văn Chí Hồng cho đến tên kiệu phu, chẳng cần nhúc nhích chân tay cũng đủ để đánh bại một hảo thủ của phái Thanh Thành... Võ công như vậy thật khó mà lường được...
Lâm Chí Trung thấy Văn Chí Hồng đứng dậy, người lại có phần tỉnh táo hơn trước thì há hốc miệng ra không biết nói câu gì cả. Chiêu Bá Vương Thỉnh Khách vừa rồi lão đã sử dụng hết sức bình sinh, người bị trúng không những xương cốt gãy hết, mà tạng phủ bên trong cũng nát bấy bởi đòn ngoài sự cứng rắn của gân cốt còn có âm kình phóng ra nữa...
Trong lúc mọi người đang ngơ ngác, thì Trương Nhược Lâm bỗng tiến ra rồi cất cao giọng nói :
- Xin các người hãy dừng tay, từ nãy đến giờ toàn những chuyện hiểu lầm. Hôm nay Cửu Trùng môn ngoài việc ra mắt quần hùng còn có một việc vô cùng hệ trọng có quan hệ lớn đối với võ lâm...
Trương Nhược Lâm nói đến đây lão ngừng lại đảo mắt nhìn khắp một lượt chờ xem hiệu quả lời nói của mình. Đúng như lão tiên liệu, mọi cặp mắt đều đổ dồn vào nhìn Trương Nhược Lâm như quên hết mọi việc đang xảy ra. Trương Nhược Lâm thủng thẳng nói :
- Các vị cho rằng Cửu Quỷ Bát Mã Đao là võ công của phái Thiếu Lâm và chỉ có phái Thiếu Lâm mới có bí kíp ấy nay đã lọt ra ngoài. Điều ấy quả thật là oan uổng cho Trần Gia Kính quá lắm...
Từ Huyền đại sư chậm rãi hỏi :
- Thí chủ nói vậy là có ý gì? Không lẽ chuyện riêng của bổn tự mà bần tăng lại không rõ hay sao?
Trương Nhược Lâm nói :
- Không phải thế! Chỉ có điều là không chỉ riêng chùa Thiếu Lâm có pho bí kíp ấy mà ngay ở đây... ở đây cũng có...